(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngoài tham gia công tác ôn và coi thi, nhiều giáo viên vùng cao được điều động tham gia chấm thi tốt nghiệp THPT. Với các thầy cô, đây là công việc nhiều áp lực, song với tinh thần, trách nhiệm cao, mọi nhiệm vụ đều đã được hoàn thành.

Mùa hè không nghỉ của những cô giáo vùng cao

Ngoài tham gia công tác ôn và coi thi, nhiều giáo viên vùng cao được điều động tham gia chấm thi tốt nghiệp THPT. Với các thầy cô, đây là công việc nhiều áp lực, song với tinh thần, trách nhiệm cao, mọi nhiệm vụ đều đã được hoàn thành.

Mùa hè không nghỉ của những cô giáo vùng cao

Cô Lê Thị Vân Anh (Trường THPT Quan Sơn) hỗ trợ học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Bận rộn với nhiệm vụ mùa hè

Với các em học sinh, mùa hè là khoảng thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để lấy đà cho một năm học mới đầy hứng khởi. Thế nhưng, với các thầy, cô giáo, khoảng thời gian này lại có nhiều công việc quan trọng cần phải hoàn thành.

Cô Hà Thị Khuyên, giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Quan Sơn (huyện Quan Sơn) chia sẻ: Trong thời gian nghỉ hè, nếu không tham gia công tác coi thi, các thầy cô giáo cũng tập trung cho hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, với yêu cầu của chương trình mới lớp 10 được triển khai từ năm học 2022 - 2023, thời gian nghỉ ngơi của các giáo viên càng trở nên eo hẹp.

Từ cuối năm học 2021 - 2022, cô Khuyên được nhà trường tin tưởng phân công nhiệm vụ ôn thi tốt nghiệp THPT cho học sinh khối lớp 12. Khi năm học kết thúc, cô vẫn tiếp tục đồng hành cùng các sĩ tử “vượt vũ môn”.

“Công tác ôn thi ở trường nào cũng có sự vất vả, song với lực học trung bình của học sinh và đặc trưng khí hậu khu vực miền núi, sự vất vả ấy như tăng lên bội phần. Những ngày thời tiết khắc nghiệt, nắng mưa thất thường, quãng đường đến trường của các em học sinh và giáo viên càng trở nên gian nan. Vì vậy, sĩ số lớp cũng không được duy trì đều đặn”, cô Khuyên bộc bạch.

Theo cô Khuyên, với học sinh khu vực miền núi, các thầy, cô sẽ tiến hành khảo sát nguyện vọng của các em để phân loại và có phương pháp giảng dạy phù hợp. Nếu học sinh chỉ có nguyện vọng dự thi tốt nghiệp THPT, giáo viên sẽ tập trung ôn thi cho các em những kiến thức cơ bản, dễ hiểu nhất. Với học sinh vừa ôn thi tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học, thầy cô sẽ áp dụng chiến lược riêng. Ngoài giúp học sinh nắm vững kiến thức cơ bản, các thầy cô sẽ bồi dưỡng thêm kiến thức nâng cao để các em có sự so sánh, đối chiếu, liên hệ mở rộng.

Mùa hè không nghỉ của những cô giáo vùng cao

Cô Hà Thị Khuyên (thứ 5 từ trái qua) tham gia công tác coi thi tốt nghiệp tại Hội đồng thi Trường THPT Lang Chánh.

“Công tác coi thi tốt nghiệp với chúng tôi đã trở thành nghiệp vụ thuần thục nên cứ thực hiện theo quy chế thi. Với bản thân, tôi cảm thấy công việc này là nhiệm vụ thường xuyên nhưng cũng là trọng trách, vì chỉ cần sơ suất một chút thôi cũng có thể ảnh hưởng tới chất lượng và sự an toàn của kỳ thi”, cô Khuyên chia sẻ.

Hoàn thành công tác coi thi, cô giáo trường vùng cao Hà Thị Khuyên tiếp tục được điều động tham gia công tác chấm thi tốt nghiệp THPT tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Thanh Hóa. Công việc này kéo dài gần một tuần với vô vàn áp lực. Cô và đồng nghiệp dồn hết trí tuệ và sự tập trung để chấm thi để đảm bảo tính chính xác, khách quan, công bằng cho các em học sinh.

Đúc rút kinh nghiệm từ đồng nghiệp

Lần đầu được điều động chấm thi tốt nghiệp THPT, cô Lê Thị Vân Anh (26 tuổi, Trường THPT Quan Sơn) trở thành một trong những giáo viên trẻ nhất Hội đồng chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại Thanh Hóa.

“Ban đầu, tôi cũng có đôi chút hồi hộp vì lần đầu tham gia công tác chấm thi. Tuy nhiên, bằng nghiệp vụ, trách nhiệm cùng tinh thần học hỏi, sự quan tâm của lãnh đạo hội đồng và đồng nghiệp các trường bạn, tôi đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”, cô Vân Anh chia sẻ.

Mùa hè không nghỉ của những cô giáo vùng cao

Cô Lê Thị Vân Anh (thứ 2 từ trái qua) tham gia công tác chấm thi, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023 tại Trường THPT Quan Hóa.

Theo cô Vân Anh, lần tham gia chấm thi tốt nghiệp THPT này đã mang lại cho cô nhiều bài học kinh nghiệm. Nữ nhà giáo trẻ có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với nhiều đồng nghiệp đến từ các trường khác trên địa bàn tỉnh, được chia sẻ về chuyên môn, nghiệp vụ và tạo dựng nhiều mối quan hệ tốt đẹp.

Còn đối với cô Trịnh Thị Hương, giáo viên Trường THPT Ngọc Lặc (Ngọc Lặc), lần thứ 3 tham gia chấm thi tốt nghiệp THPT, dù đã là công việc quen thuộc song vẫn có những áp lực không nhỏ.

“Đây được xem là kỳ thi đánh giá năng lực của học sinh, ngoài xét tốt nghiệp, có rất nhiều trường đại học sẽ dựa vào kết quả này để tuyển sinh. Vì vậy, cán bộ chấm thi phải hết sức công tâm, công bằng để thí sinh sử dụng kết quả này xét tuyển vào các trường đại học mà các em mong muốn”, cô Hương nói.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, Thanh Hóa là địa phương có số lượng thí sinh đăng ký dự thi lớn, với hơn 37.700 thí sinh. Để đảm bảo công tác chấm thi an toàn, nghiêm túc và đúng tiến độ, Sở GD&ĐT Thanh Hóa đã huy động 320 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm bài thi tự luận. Đội ngũ chấm thi đều là những giáo viên có trình độ chuyên môn vững vàng, đã tham gia giảng dạy chương trình từ lớp 10 đến lớp 12.

Lương Huyền


Lương Huyền

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]