(vhds.baothanhhoa.vn) - Không ít người ngạc nhiên khi thấy giáo viên mầm non là nam, vì từ trước tới nay, đối với bậc mầm non, chủ yếu vẫn là nữ giáo viên. Tôi cũng đã từng đặt câu hỏi cho bản thân, rằng, nếu tôi theo nghề sư phạm mầm non, mọi người sẽ nghĩ về tôi như thế nào, liệu có làm tròn vai của một nhà giáo...

Nghề cứ cuốn tôi đi...

Không ít người ngạc nhiên khi thấy giáo viên mầm non là nam, vì từ trước tới nay, đối với bậc mầm non, chủ yếu vẫn là nữ giáo viên. Tôi cũng đã từng đặt câu hỏi cho bản thân, rằng, nếu tôi theo nghề sư phạm mầm non, mọi người sẽ nghĩ về tôi như thế nào, liệu có làm tròn vai của một nhà giáo...

Nghề cứ cuốn tôi đi...Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trao Bằng khen "Nhà giáo tiêu biểu" cho thầy giáo Hà Văn Thạo.

Trước khi đến với nghề sư phạm mầm non, tôi đã tốt nghiệp Cử nhân Công nghệ thông tin và từng công tác trong ngành viễn thông một thời gian. Nhưng có lẽ do bản thân không hợp với nghề nên tôi quyết định nghỉ làm. Sự quyết định này của tôi đã khiến một số người thân, bạn bè ngạc nhiên và họ càng “sốc” hơn khi biết tôi rẽ sang ngành sư phạm mầm non. Phần lớn cho tôi là gàn dở, cũng có người khuyên tôi nên quay lại với ngành đã được đào tạo trước đó. Nhưng cuối cùng, tôi vẫn chọn nghề giáo. Tôi đi làm “cô giáo” mầm non.

Tôi đến với nghề giáo, bắt đầu từ vợ tôi. Cô ấy cũng là một giáo viên mầm non. Khi biết tôi “cất” tấm bằng Cử nhân Công nghệ thông tin, chính vợ tôi đã khích lệ, động viên và gợi ý cho tôi đi học nghề sư phạm mầm non. Lúc đầu, tôi đã có những băn khoăn. Một nghề đòi hỏi bản thân trước hết phải có sự thương yêu trẻ, thương yêu như chính con mình. Một nghề thực sự vất vả vì tôi cảm nhận được điều này từ chính công việc của vợ. Nếu tôi đến với nghề, chắc chắn đấy sẽ là một thử thách rất lớn. “Tại sao chỉ có nữ giáo viên mầm non mà không có giáo viên nam. Nữ làm được chắc chắn nam giới cũng làm được”. Tôi đã nghĩ tích cực như thế. Và quyết định cuối cùng, tôi lên đường đi học. Đấy là vào năm 2014, khi tôi 28 tuổi.

Năm 2016, tôi tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm mầm non. Sau đó, tôi về công tác tại Trường Mầm non Pù Nhi (Mường Lát). Năm 2020, tôi hoàn thành hệ đào tạo đại học ngành Giáo dục Mầm non. Trong thời gian theo học, tôi là một sinh viên đặc biệt vì thời điểm đấy, chỉ tôi duy nhất là nam. Và cho đến bây giờ, trên địa bàn huyện Mường Lát, đối với bậc học mầm non, tôi cũng là giáo viên nam duy nhất. Vào nghề đã 8 năm, nhiều người đến lúc này vẫn không tin tôi là giáo viên mầm non. Thú thực, đôi khi tôi cũng thảng thốt giật mình vì không nghĩ bản thân đã có một hành trình bền bỉ, kiên trì đến thế. Tất nhiên, 8 năm, quãng thời gian chưa dài nhưng đã tạo cho tôi niềm tin, tình yêu với nghề. Nếu nói là đam mê thì chưa hẳn nhưng nghề có sức hút thật kỳ lạ, cứ thế, cuốn tôi đi và mang lại cho tôi quả ngọt với nghề.

Ở Trường Mầm non Pù Nhi, bao gồm học sinh của 6 dân tộc, trong đó chủ yếu là người dân tộc Mông. Điều kiện gia đình các em còn nhiều khó khăn và Trường Mầm non Pù Nhi cũng vậy, hiện ở đây còn thiếu phòng học, đồ dùng, đồ chơi. Tôi cũng là người dân tộc. Quê tôi ở xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa. Tuy không sinh ra và lớn lên ở Pù Nhi, nhưng sau 8 năm dừng chân lập nghiệp tại đây, cũng đã giúp tôi hiểu và muốn gắn bó hơn với mảnh đất này.

Nghề cứ cuốn tôi đi...Buổi hoạt động ngoài trời của thầy Hà Văn Thạo với các bạn nhỏ Trường Mầm non Pù Nhi.

Trường Mầm non Pù Nhi có 1 khu chính, 6 khu lẻ. Tôi được phân công dạy cả khu lẻ, khu chính. Khu lẻ xa nhất là Hua Pù, cách khu chính 10km. Năm học 2023-2024 này, tôi được phân công đứng lớp 5 - 6 tuổi ở khu chính Na Tao, với 20 trẻ. Nhìn chung, do nhận thức của phụ huynh ở đây về công tác chăm sóc giáo dục trẻ còn hạn chế nên phần nào cũng ảnh hưởng đến nâng cao chất lượng chung của lớp, của trường. Trước khó khăn này, tôi luôn xác định rõ mục tiêu phấn đấu của bản thân, cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Năm học vừa qua, tôi đã vận động được học sinh trong độ tuổi ra lớp đạt với kế hoạch của trường đề ra và trẻ ở lớp hoàn thành chương trình giáo dục mầm non là 100%.

Trong cái khó, điều quan trọng là phải vượt khó. Với một ngôi trường còn nhiều khó khăn, muốn cho trẻ tiến bộ thì người thầy phải cố gắng, nỗ lực vì nghề, phải luôn suy nghĩ, bản thân vừa là người bạn, người thầy, người cha. Khi về công tác tại Trường Mầm non Pù Nhi, bản thân đã chủ động học thêm tiếng dân tộc để dạy cho trẻ vì thực tế, do học sinh nhà trường thuộc 6 dân tộc nên rất bất đồng về ngôn ngữ. Tôi cũng luôn cố gắng tìm tòi, nghiên cứu tài liệu, áp dụng phương tiện, đồ dùng dạy học vào giảng dạy có hiệu quả trong từng môn học. Đồng thời, áp dụng các phương pháp đổi mới dạy học thông qua các lớp tập huấn chuyên đề, đổi mới trong việc kiểm tra đánh giá trẻ...

Về kỷ niệm ở Pù Nhi, thì rất nhiều. Có lẽ vì tôi là giáo viên nam duy nhất trong trường, trong huyện nên nhận được nhiều ưu ái hơn chăng. Về công tác ở đây tôi luôn nhận được sự chia sẻ, ấm áp của đồng nghiệp. Chúng tôi cùng đoàn kết, phấn đấu, nỗ lực vì học sinh thân yêu. Tôi còn nhớ, những ngày đầu tiên đến lớp, trẻ thường gọi nhầm tôi là cô, cô Thạo. Cũng là điều dễ hiểu, vì trẻ ở đây thường học với cô, chưa học với thầy bao giờ.

8 năm nhìn lại, tôi được rất nhiều, đó là đã hun đúc cho tôi tình yêu nghề, yêu trẻ. Và quan trọng là nghề đã tiếp sức cho tôi sự bản lĩnh, niềm tin để tôi được gắn bó, đăm đắm với nghề. 8 năm, hành trình chưa dài, nhưng tôi tin, tôi sẽ tiếp tục với con đường đã chọn, tiếp tục cống hiến trên mảnh đất khó này...

Thầy giáo Hà Văn Thạo nhiều năm liên tục là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; giáo viên giỏi cấp huyện, tỉnh.

- Năm học 2021-2022, thầy Hà Văn Thạo được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

- Năm học 2022-2023, được Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng danh hiệu “Nhà giáo tiêu biểu toàn quốc”.

Cô giáo Đặng Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non Pù Nhi: "Trường Mầm non Pù Nhi có 37 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Trong đó có 36 nữ và 1 nam. Thầy giáo Hà Văn Thạo là người thầy mẫu mực tâm huyết, yêu nghề, mến trẻ. Thầy được học trò nhỏ ở Trường Mầm non Pù Nhi gọi với cái tên thân thương là cô giáo Thạo bởi thầy luôn quan tâm chăm sóc trẻ như người mẹ hiền thứ 2, không thua gì các cô giáo”.

Bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Mường Lát: "Thầy giáo Hà Văn Thạo là thầy giáo trẻ nhiệt tình trong công tác, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây là thầy giáo duy nhất của bậc học mầm non. Việc có thầy giáo tham gia dạy ở bậc học mầm non góp phần nâng cao nhận thức cho những người làm công tác giáo dục, dần xóa bỏ định kiến về giới".

Vi An

(ghi theo lời kể của thầy giáo Hà Văn Thạo)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]