(vhds.baothanhhoa.vn) - Với mong muốn gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, 2 năm nay, Trường THCS Hoằng Quý (Hoằng Hóa) đã thành lập, duy trì đội trống hội làng Phú Khê. Thành viên trong đội là các em học sinh của nhà trường.

Ngôi trường vang tiếng trống hội

Với mong muốn gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, 2 năm nay, Trường THCS Hoằng Quý (Hoằng Hóa) đã thành lập, duy trì đội trống hội làng Phú Khê. Thành viên trong đội là các em học sinh của nhà trường.

Ngôi trường vang tiếng trống hộiHọc sinh Trường THCS Hoằng Quý biểu diễn múa trống hội tại Lễ hội Kỳ Phúc, làng Phú Khê.

Từ ý tưởng…

Làng Phú Khê thuộc 2 xã Hoằng Phú và Hoằng Quý (Hoằng Hóa). Đình làng Phú Khê được công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc - nghệ thuật quốc gia vào năm 1992. Tại đây, vào ngày 15-20 tháng 2 âm lịch hàng năm là nơi diễn ra Lễ hội Kỳ Phúc (Lễ hội “rước kiệu mừng sinh nhật Thành Hoàng”, cầu mưa thuận gió hòa, may mắn, an vui).

Hội làng Phú Khê nổi tiếng với nghệ thuật biểu diễn trống hội. Tiếng trống của các nghệ nhân đã từng vang lên trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và nhiều sự kiện văn hóa ở huyện, tỉnh… Tiếng trống hội đã trở thành một phần tâm hồn, tình cảm đối với mỗi người con của làng.

Sinh ra và lớn lên từ làng Phú Khê, từ nhỏ, bà Nguyễn Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Hoằng Quý đã được chứng kiến màn biểu diễn trống hội của các nghệ nhân nên thấm nhuần tình yêu với loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian này. Sau nhiều năm ấp ủ, bà Thanh đã mạnh dạn đưa trống hội làng Phú Khê vào chương trình hoạt động ngoại khóa của nhà trường. Bà trải lòng: “Nhạc trống là tài sản văn hóa quý giá của làng. Trong tôi lúc nào cũng trăn trở, khi các nghệ nhân đều đã cao tuổi, tương lai ai sẽ là người kế tiếp để gìn giữ. Tôi bắt đầu nghĩ đến câu chuyện sẽ gửi gắm ý tưởng này vào học sinh. Rất mừng, ý tưởng đã được sự ủng hộ của chính quyền, giáo viên và phụ huynh nhà trường”.

… Đến hiện thực

Năm học 2019 - 2020, Trường THCS Hoằng Quý thành lập một đội trống gồm 30 học sinh. UBND xã Hoằng Quý đã mời nghệ nhân trong làng trực tiếp giảng dạy cho đội trống này. Sau khi học xong các môn văn hóa, các em dành một tiếng để học đánh trống. Sau gần 1 tháng tham gia học, các em đã đánh thuần thục các bài trống hội. Vào đội trống từ năm lớp 6, em Trịnh Văn Hùng, hiện là học sinh lớp 7B vẫn chưa quên được cảm giác ngày đầu tiên được đánh trống. Hùng thỏ thẻ: “Được chọn vào đội trống em rất vui, bố mẹ cũng vậy. Em thích múa trống từ nhỏ khi được nhìn các nghệ nhân biểu diễn trong hội làng. Hôm đầu tiên thực hành, tay rất mỏi, nhất là những bài trống với nhịp nhanh. Đến giờ, em đã thạo múa trống và ngày càng yêu thích”.

Với Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh, niềm vui không nói hết bằng lời. Ý tưởng đã thành hiện thực và mở ra nhiều hy vọng về một thế hệ trẻ tiếp tục giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa của cha ông. Tuy nhiên, đưa di sản văn hóa vào trường học, cụ thể là trống hội làng Phú Khê, với bà, khó khăn cũng không ít. Bà Thanh nhớ lại: “Mời được nghệ nhân, thành lập được đội trống, tổ chức học thành công, tôi rất sung sướng, tự hào. Tại hội làng năm nay, đội trống được tham gia trình diễn cùng với Câu lạc bộ Trống hội cung đình Phú Khê. Mới đây, vào tháng 4-2021, đội trống của nhà trường đã tập luyện để trình diễn tại khai mạc du lịch biển Hải Tiến, nhưng do dịch COVID-19 nên phải dừng lại… Trước đó, có một số sự kiện, do còn thiếu trống nên đội không tham gia được”.

Thiếu trống cũng là một bài toán khó cho thầy và trò Trường THCS Hoằng Quý. Nhưng khi kể lại câu chuyện này, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh vẫn chưa hết phấn chấn: “Khi tham gia hội làng Phú Khê thì chúng tôi mới có đủ trống. Lâu nay các em tập luyện đều mượn trống ở câu lạc bộ trống hội cung đình của làng. Nhưng được mời tham gia hội làng thì bắt buộc phải có trống. 20 thành viên là 20 cái trống, trong đó phải có 10 trống cái, 10 trống con. 10 trống con thì xã ủng hộ, còn 10 trống cái, chúng tôi phải mượn ở các nhà đầu họ vì họ nào cũng có trống. Tuy nhiên, 10 trống cái mượn được phần lớn đều bị thủng và không có giá đỡ, nhà trường phải bọc lại và làm chân trống bằng sắt, nếu đúng phải làm giá đỡ bằng gỗ nhưng do kinh phí hạn hẹp nên không thể thực hiện”.

“Dù ở gần, ở xa, về ngày hội làng là có thể biết cầm trống đánh”

Chúng tôi có dịp gặp gỡ Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Lê Minh Thiết, người trực tiếp giảng dạy cho đội trống Trường THCS Hoằng Quý. Ông tỏ ra vui mừng, phấn khởi khi nhắc đến đội trống này.

NNƯT Lê Minh Thiết đã từng tham gia giảng dạy về múa trống hội cung đình ở nhiều huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra ông đã từng được mời dạy cho một số giảng viên ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Ông cho biết: “Trống hội làng Phú Khê với nhiều bài trống hay, hùng hồn gợi lại không khí tế lễ xưa ở cung đình. Đánh lên là náo nức, rộn ràng lòng người. Nghe thì vui tai, nhìn thì đẹp mắt, đó là cả một nghệ thuật. Tôi rất vui khi trống hội làng đã đưa được vào trường học. Các cháu tiếp thu nhanh, làm tốt. Tôi mới dạy cho các cháu được 6 bài trống hội đó là bài dình dình, trống rước, trống đón…, còn lại 5 bài trống tế, sẽ tiếp tục dạy trong thời gian tới. Tôi muốn khi đã vào trường học thì các cháu phải được luyện tập hàng tháng vì nếu không tập luyện thường xuyên sẽ nhanh quên. Ở Hoằng Quý, không còn nhiều nghệ nhân nên còn sức khỏe tôi sẽ còn truyền dạy cho các cháu để sau này, dù ở gần, ở xa, về ngày hội làng là có thể biết cầm trống đánh…”.

Ngôi trường vang tiếng trống hộiNNƯT Lê Minh Thiết, vui mừng khi trống hội làng Phú Khê đã được đưa vào trường học.

Theo ông Lê Đăng Trọng, Chủ tịch UBND xã Hoằng Quý: “Chúng tôi có nhiều trăn trở đối với di sản văn hóa phi vật thể này, bảo tồn, phát huy giá trị ra sao là cả vấn đề. Trong những năm gần đây, các nghệ nhân trong làng cũng dần ra đi nên việc đưa trống hội vào trường học là việc làm cần thiết. Đó là vinh dự nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm”.

Trên đất xứ Thanh, thật hiếm có một ngôi trường vang tiếng trống hội làng như ở Trường THCS Hoằng Quý, để sau này những thế hệ học trò “dù ở gần, ở xa, về ngày hội làng Phú Khê là có thể biết cầm trống đánh”. Đó là một cách làm hay, thiết thực và hiệu quả, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Bài và ảnh: Hoàng Việt Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]