(vhds.baothanhhoa.vn) - Nói đến bậc học mầm non, nhiều người thường nghĩ đến hình ảnh các cô giáo trẻ hát hay, múa dẻo. Nhưng giờ đây, ở chính những lớp học mầm non ấy, còn có bóng dáng những người thầy đang từng ngày tận tụy chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ cho thế hệ măng non những con chữ, lời ca, tiếng hát.

Những thầy giáo mầm non

Nói đến bậc học mầm non, nhiều người thường nghĩ đến hình ảnh các cô giáo trẻ hát hay, múa dẻo. Nhưng giờ đây, ở chính những lớp học mầm non ấy, còn có bóng dáng những người thầy đang từng ngày tận tụy chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ cho thế hệ măng non những con chữ, lời ca, tiếng hát.

Những thầy giáo mầm non

Tiết dạy múa của thầy giáo Lữ Văn Kế giáo viên Trường Mầm non Kỳ Tân (Bá Thước).

Ngày nào cũng vậy, bất kể nắng, mưa rét buốt, thầy giáo Đinh Văn Độ cũng vượt 15 cây số để đến với lớp học mầm non, Trường Mầm non Lộc Thịnh (Ngọc Lặc). 31 tuổi đời, thầy Độ có gần 6 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ vùng cao. Sinh ra ở làng Quang Thắng (xã Quang Trung, Ngọc Lặc), sau khi tốt nghiệp THPT (năm 2008) anh chọn nghề nuôi dạy trẻ, khiến bạn bè phản ứng kịch liệt, bởi lẽ công việc này không phù hợp với nam giới. Thầy Độ tâm sự: “Bạn bè của tôi hỏi tại sao lại đi học ngành mầm non, có bạn bảo mình là người không bình thường. Qua sách báo, truyền hình mình được biết, ở nước ngoài các thầy dạy mầm non rất tốt, cớ sao yêu thích nghề này mình lại sợ dư luận”. Gạt bỏ những định kiến, được sự động viên của cô giáo chủ nhiệm, anh đã đăng ký dự thi và trúng tuyển chuyên ngành Sư phạm Mầm non, Trường Đại học Hồng Đức và tốt nghiệp với tấm bằng loại giỏi. Năm 2015 thầy Độ được huyện Ngọc Lặc bố trí công tác tại Trường Mầm non Lộc Thịnh.

Nhiều phụ huynh ở lớp thầy chủ nhiệm băn khoăn, lo lắng, sợ con mình không được chăm sóc tốt. Thực tế cho thấy, giáo viên nam đứng lớp mầm non không khác gì so với các cô giáo, từ việc dạy kỹ năng, dạy âm nhạc, dạy các cháu làm quen với con số, thơ ca, kể chuyện, thể dục, ăn uống, vệ sinh, cho các cháu ngủ trưa…Khó khăn là vậy, nhưng thầy không chùn bước, bằng sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, lòng yêu nghề, mến trẻ, thầy Độ đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Chúng tôi có mặt tại lớp 5 - 6 tuổi. Trường Mầm non Lộc Thịnh cũng là lúc thầy Độ đang dạy các bé múa hát. Nhìn những động tác thuần thục, mềm mại không thua kém giáo viên nữ, chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt tình, tâm huyết, yêu trẻ của chàng trai 31 tuổi dành cho các bé nơi vùng khó khăn.

Nói chuyện với chúng tôi thầy Độ, cho biết: “Hàng ngày ngoài việc chăm sóc, nuôi dưỡng, tôi còn phải dạy dỗ, cho trẻ chơi nhiều trò chơi tư duy, vận động giúp phát triển nhận thức, kỹ năng sống; tranh thủ lúc trẻ ngủ trưa cùng đồng nghiệp làm đồ dùng dạy học. Bên cạnh đó, để đạt được hiệu quả cao trong việc nuôi dạy trẻ, tôi luôn lắng nghe, quan tâm, gần gũi và hiểu tâm lý, tính tình trẻ để có những giải pháp phát huy tính tích cực của học sinh”.

Năm 2016 Ban giám hiệu, giáo viên Trường Mầm non Lộc Thịnh đã tín nhiệm thầy Độ làm tổ trưởng tổ chuyên môn nhà trẻ, Chủ tịch Công đoàn trường. Đặc biệt, trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện, thầy Độ đã giành số điểm cao nhất của cuộc thi. Sau cuộc thi này, thầy tiếp tục tham gia và đạt danh hiệu Giáo viên giỏi cấp tỉnh.

Đánh giá về thầy giáo Đinh Văn Độ, cô giáo Trịnh Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lộc Thịnh, cho hay: Thầy Độ là giáo viên gương mẫu, hòa đồng với mọi người, được bạn bè, đồng nghiệp, học sinh quý mến. Trong chuyên môn thầy luôn trau dồi kiến thức, ham học hỏi nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ. Ngoài công việc chăm sóc, dạy dỗ, thầy còn nhiệt tình tham gia các hoạt động của nhà trường, tự nguyện làm các công việc nặng nhọc, khó khăn mà phụ nữ không thể đảm nhận, ví như sửa hệ thống điện, nước, an ninh trật tự...

Cũng như thầy giáo Đinh Văn Độ, thầy Lữ Văn Kế (sinh năm 1982), giáo viên Trường Mầm non Kỳ Tân (Bá Thước) đã vượt qua khó khăn, định kiến để đến với nghề nuôi, dạy trẻ. Yêu nghề dạy trẻ từ khi ngồi trên ghế nhà trường, tốt nghiệp THPT thầy Kế đã xin UBND xã Kỳ Tân dạy hợp đồng tại Trường Mầm non Kỳ Tân. Thầy Kế cho biết: “Lúc vào nghề nuôi dạy trẻ, hàng tháng tôi chỉ nhận được vài yến lúa do xã chi trả. Khó khăn là vậy, nhưng đã “bén duyên” với nghề, tôi luôn tự động viên chính bản thân vượt qua những vất vả, thử thách, tiếp tục theo nghề “gieo chữ” cho con em trong xã”.

Năm 2006 - 2008, thầy Kế đi học tại Trường Trung cấp Sư phạm Mẫu giáo nhà trẻ Hà Nội. Những ngày tháng học tập ở Hà Nội, là những chuỗi ngày khó khăn vất vả đối với thầy giáo trẻ. Bởi lẽ, gia đình thầy Kế thuộc diện khó khăn, không đủ khả năng chu cấp tiền ăn, học và các chi phí sinh hoạt hằng ngày. Khó khăn là vậy, thầy Kế vẫn nỗ lực vượt qua, để hoàn thành chương trình học, đủ điều kiện đứng trên bục giảng. Từ năm 2012 – 2015, thầy tiếp tục học liên thông lên đại học. Năm 2020 thầy Kế đã trúng tuyển kỳ thi tuyển viên chức huyện Bá Thước.

Vượt qua những khó khăn thử thách, không ngừng học tập nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt là tấm lòng yêu nghề mến trẻ, đã giúp những tiết dạy của thầy Kế trở nên hấp dẫn với học sinh. Ngoài dạy học, thầy còn dành thời gian tìm tòi, sử dụng nguyên vật liệu sẵn có tại địa phương để làm đồ dùng, đồ chơi cho học sinh. Mỗi ngày ở bên học trò, điều mà thầy Kế mong muốn là “gieo” thêm thật nhiều yêu thương và sự hiểu biết cho trẻ em vùng khó.

Trong quá trình công tác thầy đã gặt hái được nhiều thành tích, được tặng giấy khen của UBND huyện Bá Thước, danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, giấy khen giáo viên giỏi làm khuyến học xuất sắc cấp huyện, giáo viên giỏi cấp huyện...

Trao đổi với chúng tôi cô giáo Phạm Thị Mầu, Hiệu trưởng Trường Mầm non Kỳ Tân, cho biết: Thầy Kế đã qua những khó khăn, thách thức, bám trường, bám lớp để “ươm” những mầm xanh trên núi, mang ánh sáng tri thức tới trẻ em vùng cao. Ngoài thầy Kế, nhà trường có 2 thầy (thầy Hà Văn Anh, thầy Hà Văn Đức) cũng đang trực tiếp đứng lớp giảng dạy.

Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, cấp học mầm non hiện nay có 60 giáo viên nam. Trong đó có 12 cán bộ quản lý, 48 thầy giáo tham gia giảng dạy tại các huyện: Bá Thước, Cẩm Thủy, Ngọc Lặc... Bà Trương Thị Hanh, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Thông thường nam giới chọn ngành học mầm non để theo đuổi nghề nghiệp cho mình thì sẽ có rất nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, qua thực tế, tôi thấy làm việc gì cũng phải có niềm đam mê và các thầy giáo mầm non ở nhiều huyện miền núi đã thể hiện được sự đam mê, nhiệt huyết của mình đối với nghề nghiệp. Chính các thầy giáo mầm non cắm bản, cắm thôn đã giúp cho sự nghiệp giáo dục ở vùng núi chuyển biến tích cực. Sự thay đổi về nhận thức của xã hội, sẽ góp phần có thêm những thầy giáo mầm non về công tác ở vùng cao”.

Những ánh mắt nụ cười của trẻ thơ, niềm vui của các phụ huynh vào giờ đón trẻ, chính là động lực để những người thầy nuôi, dạy trẻ tiếp tục cống hiến cho ngành giáo dục xứ Thanh.

Bà Trương Thị Hanh, Trưởng phòng Giáo dục Mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo: Chính các thầy giáo mầm non cắm bản, cắm thôn đã giúp cho sự nghiệp giáo dục ở vùng núi chuyển biến tích cực. Sự thay đổi về nhận thức của xã hội, sẽ góp phần có thêm những thầy giáo mầm non về công tác ở vùng cao.

Hải Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]