(vhds.baothanhhoa.vn) - Xác định nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân là một nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đang tiến hành nhiều giải pháp căn cơ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục môn tiếng Anh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa nỗ lực nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ (Bài 1): Cơ sở vật chất thiếu, giáo viên yếu

Xác định nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ đặc biệt là tiếng Anh trong hệ thống giáo dục quốc dân là một nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn hiện nay, ngành GD&ĐT Thanh Hóa đang tiến hành nhiều giải pháp căn cơ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục môn tiếng Anh.

Sau nhiều năm triển khai Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” của Bộ GD&ĐT, thực tế cho thấy chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ trong các nhà trường tại Thanh Hóa còn thấp. Bên cạnh trang thiết bị dạy chỉ được trang bị ở mức tối thiểu, tình trạng “dạy chay”, “học chay” còn khá phổ biến thì chất lượng đội ngũ giáo viên (GV) ngoại ngữ cũng là một vấn đề nan giải của ngành giáo dục.

Giáo viên vừa thiếu, vừa yếu

Thanh Hóa hiện có gần 600 GV tiếng Anh cấp THPT, trên 1.000 GV cấp THCS và 654 GV cấp tiểu học. Tất cả GV dạy tiếng Anh ở các cấp học đều đạt chuẩn về bằng cấp, song, do được đào tạo bằng nhiều hình thức khác nhau như chính quy, tại chức, từ xa và từ nhiều trường đại học khác trong cả nước nên chất lượng không đồng đều. Qua thống kê của Sở GD&ĐT Thanh Hóa cho thấy, số lượng GV tiếng Anh đang giảng dạy trong các nhà trường trên địa bàn tỉnh tốt nghiệp các hệ đào tạo không chính quy lên tới 55,17%, trong đó THPT 26%, THCS 66,48%, tiểu học 73,04%. Năng lực ngoại ngữ của đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới của Bộ GD&ĐT là phải đạt chuẩn khung năng lực châu Âu (tiểu học và THCS đạt chuẩn B2, THPT đạt chuẩn C1). Qua khảo sát của Sở GD&ĐT: sau nhiều năm thực hiện bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ GV, đến nay, số lượng GV đạt chuẩn năng lực ngoại ngữ theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT ở cấp tiểu học đạt 89,62%; cấp THCS đạt 70,9% và cấp THPT mới chỉ đạt 34,45%. Trong khi đó, phương pháp giảng dạy của GV vẫn còn nặng về kiến thức ngữ pháp, từ vựng, khả năng tổ chức các hoạt động dạy và học theo hướng giao tiếp chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn...

Tại Trường THPT Nguyễn Xuân Nguyên (Quảng Xương) hiện có 6 GV biên chế môn tiếng Anh nhưng chỉ có 1/6 GV được đào tạo chính quy. Thầy giáo Lê Văn Bắc, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Mặc dù hàng năm, nhà trường đã tạo điều kiện cho các GV biên chế đi học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu. Đây là một sự bất cập lớn.

Còn tại Trường THPT Ba Đình, (Nga Sơn) có 7 GV dạy tiếng Anh, trong đó 1 GV có trình độ thạc sỹ, 6 GV còn lại có trình độ ĐH, tuy nhiên không phải được đào tạo tiếng Anh ngay từ đầu mà chuyển từ tiếng Pháp, tiếng Trung sang, do đó chất lượng đội ngũ chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu. Theo chia sẻ của cô giáo Nguyễn Thị Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Ba Đình: “Hiện nay, nhà trường đang thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy chất lượng các môn công cụ như: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh, Tin học, tuy nhiên do nhiều học sinh có tư tưởng chỉ cần tránh điểm liệt môn ngoại ngữ để đậu tốt nghiệp THPT, thêm vào đó cơ sở vật chất phục vụ cho việc dạy và học môn tiếng Anh còn thiếu nên dù các giáo viên đã có nhiều nỗ lực nhưng vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu chất lượng đào tạo”.

Không chỉ ở các trường THPT mà thực trạng này còn xảy ra ở nhiều trường học khác trên địa bàn toàn tỉnh, mặc dù GV có trình độ đạt chuẩn nhưng do vẫn giữ phương pháp học thực dụng “thi gì học nấy”, chỉ chú trọng vào lý thuyết, ngữ pháp thay vì rèn luyện khả năng nghe, nói... Thêm vào đó, đa phần học sinh chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ, mục tiêu trước mắt là đậu đại học nên môn ngoại ngữ đã bị xem nhẹ dẫn đến chất lượng không đáp ứng được nhu cầu.

Một giờ học ngoại ngữ “chay” ở Trường TH Ngư Lộc 2 (Hậu Lộc).

Cơ sở vật chất thiếu

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan thì những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất ở nhiều nhà trường, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chưa đáp ứng được về trang thiết bị cho việc dạy và học môn ngoại ngữ. Các phần mềm dạy ngoại ngữ gần như chưa có và phòng học ngoại ngữ riêng cùng các thiết bị hỗ trợ như: máy tính, máy chiếu đa năng, máy chiếu vật thể, bảng thông minh... vẫn còn là mơ ước của các GV ngoại ngữ ở hầu hết các nhà trường.

Triển khai dạy học môn tiếng Anh cách đây gần 10 năm, thế nhưng, đến nay, việc dạy và học môn này ở Trường tiểu học Tam Chung (Mường Lát) vẫn trong tình trạng “học chay”. Thầy giáo Hoàng Lê Thành - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tam Chung cho biết: Nhà trường có 7 điểm trường lẻ, có điểm cách điểm trường chính tới 20km, trong khi đó, nhà trường chỉ có 1 GV hợp đồng nên những điểm trường xa không thể tổ chức dạy tiếng Anh cho học sinh được. Đây là khó khăn và cũng là bất cập trong quá trình triển khai thực hiện, vì cùng một khối lớp trong một trường có học sinh được học tiếng Anh, có học sinh lại không được học.

Không chỉ ở miền núi, nhiều trường học ở miền xuôi cũng gặp không ít khó khăn trong công tác dạy và học môn tiếng Anh do thiếu thốn cơ sở vật chất. Tại Trường THCS thị trấn Triệu Sơn (Triệu Sơn) có 12 phòng học đủ cho 12 lớp nhưng không có phòng học tiếng Anh riêng và cũng không có các phòng chức năng. Do được xây dựng từ lâu nên các phòng học không đảm bảo tiêu chuẩn về diện tích, ánh sáng, tiếng ồn... Ngoài ra các trang thiết bị phục vụ cho dạy học tiếng Anh cũng đã lạc hậu, cũ kỹ. Theo thầy giáo Tào Văn Thực - Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Triệu Sơn chia sẻ: Khó khăn lớn nhất hiện nay của nhà trường là không có phòng nghe nhìn riêng, trong khi đó, theo lộ trình sắp tới thị trấn Triệu Sơn sẽ sáp nhập thêm 3 xã là Minh Dân, Minh Châu và Minh Sơn, như vậy chắc chắn cơ sở vật chất trường lớp sẽ không đảm bảo, cần phải xây dựng thêm phòng học, phòng chức năng, mua sắm đồ dùng dạy học để hoạt động học giao tiếp và tổ chức các hoạt động của môn tiếng Anh không làm ảnh hưởng đến các lớp khác.

Xuất phát từ chất lượng dạy và học môn tiếng Anh, đồng thời thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, ngành Giáo dục Thanh Hóa đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án “Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các đơn vị GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025”. Thực hiện đề án này, Sở GD&ĐT đã xây dựng kế hoạch khảo sát, đánh giá trình độ, năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ GV tiếng Anh trên địa bàn tỉnh. Theo đó, trong năm 2019, Sở GD&ĐT sẽ tiến hành khảo sát, đánh giá trình độ năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ GV tiếng Anh các cấp học trên địa bàn tỉnh với số lượng 1.180 GV được triển khai thành 2 đợt.

Mục đích khảo sát, đánh giá là nắm được chất lượng thực của đội ngũ GV tiếng Anh, giúp cho GV tự nhận biết được trình độ chuyên môn của mình đang ở mức độ nào, từ đó có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, đáp ứng yêu cầu giáo dục trong tình hình mới.

Thống kê điểm thi môn tiếng Anh của tỉnh trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 và 2016 cho thấy: Năm 2015, toàn tỉnh có 2,32% học sinh (HS) đạt điểm khá, giỏi; 3,03% HS đạt điểm trung bình; 94,65% HS đạt điểm yếu kém. Năm 2016 kết quả thấp hơn chỉ có 0,46% HS đạt điểm khá, giỏi, 1,83% HS đạt điểm trung bình và có đến 97,71% HS đạt điểm yếu, kém.

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]