(vhds.baothanhhoa.vn) - Chất lượng dạy và học ngoại ngữ còn thấp là câu chuyện chung của toàn ngành giáo dục, tuy nhiên vượt lên cái khó, nhiều địa phương, trường học đã có cách làm riêng, sáng tạo và tâm huyết, tạo điểm sáng trong bức tranh chất lượng giáo dục ngoại ngữ còn nhiều gam trầm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thanh Hóa nỗ lực nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ (Bài 2): Sáng tạo trong cái khó

Chất lượng dạy và học ngoại ngữ còn thấp là câu chuyện chung của toàn ngành giáo dục, tuy nhiên vượt lên cái khó, nhiều địa phương, trường học đã có cách làm riêng, sáng tạo và tâm huyết, tạo điểm sáng trong bức tranh chất lượng giáo dục ngoại ngữ còn nhiều gam trầm.

Sáng tạo từ thực tiễn

So với nhu cầu, huyện Lang Chánh hiện thiếu 9 giáo viên (GV) tiếng Anh, nên toàn huyện chỉ triển khai dạy 2 tiết tiếng Anh/ tuần cho các khối 3-5. Không chỉ thiếu GV, chất lượng đội ngũ, cơ sở vật chất phục vụ cho dạy học ngoại ngữ cũng rất khó khăn... Tuy nhiên, từ nhiều năm nay địa phương này vẫn luôn duy trì việc tổ chức “Ngày hội nói tiếng Anh” cho học sinh trên địa bàn. Không chỉ dừng ở đó, từ nhiều năm nay, Lang Chánh cũng duy trì việc mời các GV tiếng Anh cốt cán của các huyện bạn về giao lưu, dự giờ, trao đổi kinh nghiệm và đánh giá giúp thực trạng của đội ngũ GV tiếng Anh trên địa bàn toàn huyện, từ đó nhận biết rõ hơn về trình độ, năng lực của GV và có kế hoạch tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ.

Với kinh nghiệm 15 năm trong nghề, thầy giáo Phạm Tiến Nam - GV Trường PT Dân tộc bán trú Lang Chánh cho biết: Một trong những khó khăn lớn nhất trong công tác dạy học ngoại ngữ là phần lớn học sinh là người dân tộc thiểu số, chưa được học tiếng Anh ở cấp tiểu học. Thêm vào đó do thói quen, tập quán, các em chủ yếu giao tiếp với nhau bằng tiếng của dân tộc mình, không có môi trường giao tiếp bằng tiếng Anh. Nhà trường lại chỉ có 1 GV tiếng Anh dạy 22 tiết/ tuần (theo quy định là 17 tiết/ tuần đối với trường đặc thù) cùng với việc thiết kế các hoạt động ôn luyện thi khiến cho thời gian để phụ đạo cho học sinh yếu kém vô cùng hạn hẹp.

Tuy nhiên, với lòng yêu nghề, tận tâm hết mình vì học sinh, thầy Nam đã tranh thủ thời gian buổi tối, tự thiết kế, lắp đặt phòng học tiếng Anh tiếp cận với tiêu chuẩn phòng học tiếng và hạn chế những bất cập của những phòng học tiếng thông thường là mỗi học sinh một bàn riêng được ngăn cách bởi kính chắn gây cản trở tầm nhìn, ánh sáng cũng như hoạt động giao tiếp. Với cách thiết kế này, phòng học tiếng của Trường PT Dân tộc bán trú Lang Chánh trở nên thân thiện hơn, giúp học sinh hứng thú hơn với môn học.

Phòng học tiếng của Trường PT Dân tộc bán trú Lang Chánh.

Với lợi thế cả 3 GV tiếng Anh đều đạt chuẩn B2 có năng lực chuyên môn tốt, Trường THCS Ba Đình (TX Bỉm Sơn) được chọn là một trong những trường dạy thí điểm chương trình tiếng Anh theo Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” của Bộ GD&ĐT.

Bà Lê Thị Liên - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Dạy chương trình thí điểm nhưng nhà trường thiếu GV do dạy tiếng Anh 3 tiết/ tuần, trường chỉ có 1 phòng Lab trong khi có tới 18 lớp học, thêm vào đó chương trình học 1 đằng, nhưng thi 1 nẻo. Vì vậy, Trường THCS Ba Đình đã tổ chức dạy phụ đạo cho học sinh vào buổi chiều theo chương trình cũ để đảm bảo kiến thức cho học sinh thi, đồng thời tăng cường rèn luyện các kỹ năng nghe, nói, thuyết trình cho học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa bổ ích khiến học sinh thích thú, phụ huynh yên tâm.

Bên cạnh việc sáng tạo trong quá trình giảng dạy, bổ sung cơ sở vật chất trang thiết bị dạy học thì hoạt động sinh hoạt chuyên môn cũng là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng góp phần vào việc nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ.

Có nhiều đổi mới trong sinh hoạt chuyên môn, tổ chức sinh hoạt chuyên môn riêng với môn tiếng Anh, Trường Tiểu học Bắc Sơn (TP Sầm Sơn) đang là điểm sáng của ngành Giáo dục TP Sầm Sơn đang được các trường bạn trong và ngoài thành phố đến học tập kinh nghiệm.

Bà Lê Thị Hạnh - Hiệu trưởng Trường TH Bắc Sơn (TP Sầm Sơn) cho biết:Cũng chỉ có cơ sở vật chất dạy học tiếng Anh ở mức tối thiểu với loa, máy chiếu và dạy học tiếng Anh ở lớp học văn hóa do không có phòng học tiếng riêng nhưng học sinh nhà trường rất thích thú với mỗi giờ học tiếng Anh. Để làm được điều này trước hết nhà trường đã đổi mới trong tổ chức sinh hoạt chuyên môn để nâng cao chất lượng mỗi giờ dạy. Không chỉ tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo trường, phòng GD&ĐT TP Sầm Sơn còn tổ chức sinh hoạt chuyên môn theo cụm, mỗi buổi sinh hoạt sẽ có nội dung khác nhau hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng mỗi giờ dạy.

Ngoài ra, nhà trường còn tổ chức các CLB tiếng Anh sinh hoạt theo tuần, hoặc tháng. Trong các buổi dạy học sẽ lồng ghép thêm nội dung sinh hoạt tuần. Ngoài ra, nhà trường còn đẩy mạnh vận dụng phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực hóa các hoạt độngcủa học sinh, tổ chức nhiều trò chơi bổ ích, ý nghĩa như cuộc thi kể chuyện, đóng kịch có phân vai bằng tiếng Anh, thi Rung chuông vàng theo khối ở tất cả các môn học với các câu hỏi là nội dung kiến thức học trên lớp khiến học sinh thích thú, giáo viên sinh hoạt chuyên môn sôi nổi, tạo hứng thú cho học sinh và giáo viên để mỗi ngày đến trường thực sự là một ngày vui.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào mỗi giờ dạy

Nhằm nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ cho học sinh, UBND huyện Cẩm Thủy đã đầu tư trên 500 triệu đồng mua phần mềm dạy học tiếng Anh cho toàn bộ 19 trường TH và THCS trên địa bàn toàn huyện trong 3 năm học, từnăm 2017 - 2019. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ kinh phí mua máy chiếu, tranh ảnh, xây dựng phòng học bộ môn... nhằm hỗ trợ cho quá trình đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy, học tiếng Anh trên địa bàn, nhờ đó chất lượng dạy họctiếng Anh trên địa bàn huyện Cẩm Thủy những năm gần đây đã được cải thiện đáng kể.

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong dạy học, sử dụng thiết bị, phần mềm dạy học tiếng Anh; thường xuyên sử dụng các thiết bị nghe nhìn, tranh ảnh minh họa... nên các tiết học tiếng Anh ở Trường THPT Chu Văn An (TP Sầm Sơn) trở nên sôi nổi, lôi cuốn học sinh hơn.

Cô giáo Lưu Thị Tuyết - Tổ trưởng Tổ tiếng Anh, Trường THPT Chu Văn An cho biết: “Nhờ có công nghệ thông tin, 8 GV tiếng Anh trong trường đã lập một Group (nhóm riêng) để thường xuyên cập nhật thông tin, trao đổi chuyên môn; kết nối với GV các trường bạn để trao đổi những thắc mắc hoặc kinh nghiệm về đề thi, giáo án... Đồng thời môn tiếng Anh cũng được ban giám hiệu nhà trường thường xuyên quan tâm, chỉ đạo chuyên môn, đầu tư trang thiết bị dạy học cá nhân. Ngoài ra, trong mỗi tiết học chúng tôi đã tạo cơ hội để học sinh giao tiếp, thể hiện quan điểm, giá trị, mơ ước, chia sẻ kinh nghiệm,... và hợp tác trong các hoạt động học tập, tận dụng mọi cơ hội có thể để học sinh tiếp xúc với vật thật/tình huống thực, sử dụng các công cụ dạy học (trình chiếu, video, tranh ảnh, vật thật,...) để “đưa” học sinh lại gần đời sống thực tế... nhờ đó tạo được cho học sinh sự hứng thú, say mê đối với môn học”.

Ứng dụng CNTT vào hoạt động GD&ĐT mang lại rất nhiều lợi ích. Tuy nhiên, dù công nghệ có hiện đại đến đâu, thì yếu tố quyết định đến hiệu quả vẫn là con người. “Trong cái khó, ló cái khôn”, sự sáng tạo, năng động đã tạo nên những hiệu quả nhất định mà ở đó đã mở sang trang mới với những bài học quý, kinh nghiệm hay. Vậy nên, vẫn cần lắm những tấm lòng nhiệt huyết, tài năng, yêu người, yêu nghề...

Linh Hương


Linh Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]