(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết HĐND các cấp, tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia (CQG) của Thanh Hóa đã có nhiều sự bứt phá. Số lượng và chất lượng các trường đạt chuẩn tăng lên đáng kể nhờ những cách làm sáng tạo.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thực trạng và giải pháp xây dựng trường chuẩn Quốc gia (Bài 2): Đạt chuẩn bằng những cách làm sáng tạo

(VH&ĐS) Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh và Nghị quyết HĐND các cấp, tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia (CQG) của Thanh Hóa đã có nhiều sự bứt phá. Số lượng và chất lượng các trường đạt chuẩn tăng lên đáng kể nhờ những cách làm sáng tạo.

Kiên trì thực hiện “3 rõ”

Từ nhiều năm gần đây, ngành GD&ĐT Thọ Xuân đã tiến hành đăng ký rõ lộ trình; có phương án xây dựng trường chuẩn rõ ràng, cụ thể; tăng cường kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện từng tiêu chí gắn với việc quy rõ trách nhiệm cụ thể của từng bên liên quan... Với sự kiên trì thực hiện 3 rõ ấy, ngành GD Thọ Xuân đã đạt được kết quả đáng mừng.

Ông Lê Huy Nhị - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thọ Xuân cho biết: Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường CQG gắn với nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phòng GD&ĐT Thọ Xuân đã tập trung rà soát, đánh giá đúng thực trạng của các trường theo 5 tiêu chuẩn xây dựng trường chuẩn; từ đó xây dựng kế hoạch, đăng ký lộ trình thực hiện mỗi năm đối với từng đơn vị. Đồng thời, phòng đã chủ động tham mưu với huyện trích kinh phí các chương trình, dự án đầu tư cho giáo dục; nâng cao hiệu quả chương trình xã hội hóa giáo dục nhằm hỗ trợ các trường xây dựng cơ sở vật chất trường học.

Ngoài ra, ngành Giáo dục Thọ Xuân còn tập trung thực hiện tốt các hoạt động giáo dục, nhất là hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, chú trọng dạy học theo chuẩn kiến thức kỹ năng, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Đến nay, huyện Thọ Xuân có 80/131 trường đạt CQG, trong đó có 05 trường đạt CQG mức độ II, là một trong những đơn vị đứng đầu toàn tỉnh về số lượng trường đạt chuẩn. Thời gian tới, Ban chỉ đạo xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia huyện sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, các xã, thị trấn, tập trung nguồn lực đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 80,3% số trường đạt CQG (106 trường) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện.

Ưu tiên xây dựng trường mới theo hướng đạt chuẩn

Là một trong những huyện đứng trong top đầu của tỉnh về tỷ lệ trường CQG, huyện Quảng Xương hiện có 65/96 trường đạt CQG (đạt 67,7%), trong đó có 10 trường đạt chuẩn mức độ 2. Để có được kết quả này, giải pháp mà huyện Quảng Xương thực hiện là tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư cho cơ sở vật chất (CSVC) xây dựng trường học, lớp học theo hướng đạt CQG, ưu tiên xây dựng các trường mới theo hướng đạt chuẩn.

Theo đó, từ nguồn ngân sách địa phương, ngân sách nhà nước, nhân dân đóng góp và các nguồn thu hợp pháp khác đều được các địa phương đầu tư xây dựng CSVC, trang thiết bị trường học, đội ngũ giáo viên... theo tiêu chuẩn trường CQG. Toàn huyện phấn đấu đến năm 2020, xây dựng mới 132 phòng học, 139 phòng chức năng, 130 phòng thuộc khu hiệu bộ; đầu tư mua sắm bổ sung trang thiết bị, đồ dùng dạy học theo hướng đạt chuẩn phục vụ cho việc dạy và học của các nhà trường.

Trường THPT Quảng Xương I, một trong những ngôi trường đạt chuẩn Quốc gia của huyện Quảng Xương.

Ngày 20/6/2016, UBND huyện Quảng Xương đã ban hành Đề án số 24, về xây dựng trường CQG giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu toàn huyện phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV về xây dựng trường CQG giai đoạn 2015 - 2020, phấn đấu có thêm 29 trường đạt CQG mức độ 1; 11 trường đạt CQG mức độ 2; công nhận lại trên 50 trường. Các cấp học, bậc học và từng đơn vị nhà trường phấn đấu hoàn thiện và nâng cao chất lượng 5 tiêu chuẩn của trường CQG.

Dễ trước, khó sau

Là một huyện miền núi, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nói chung, cơsở vật chất trường học theo hướng đạt CQG nói riêng ở huyện Thạch Thành còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với những cách làm hiệu quả, đến nay, huyện Thạch Thành đã có trên 45% trường đạt CQG và được đánh giá là đơn vị miền núi dẫn đầu về xây dựng trường đạt CQG. Để tạo điều kiện cho các địa phương xây dựng trường chuẩn, huyện Thạch Thành thực hiện phương châm “dễ trước, khó sau”, Ban chỉ đạo xây dựng trường CQG huyện sẽ chọn những trường cận chuẩn trích từ 300 đến 500 triệu đồng từ ngân sách huyện hỗ trợ kích cầu các trường có điều kiện xây dựng trường CQG.

Ngoài ra, huyện còn huy động nguồn lực từ công tác xã hội hóa để đầu tư CSVC cho các trường đặc biệt khó khăn và một số trường ở các xã “trắng chuẩn”. Rà soát, đánh giá đúng thực trạng của các trường theo 5 tiêu chuẩn xây dựng trường CQG, từ đó xây dựng kế hoạch, đăng ký lộ trình thực hiện mỗi năm đối với mỗi đơn vị; đưa ra phương án cụ thể đối với từng trường, đồng thời Ban chỉ đạo xây dựng trường CQG huyện còn sâu sát kiểm tra, đôn đốc tiến độ thực hiện, giao trách nhiệm cho người đứng đầu mỗi đơn vị...

Từ đó, việc xây dựng trường CQG trên địa bàn huyện trở thành động lực để các nhà trường chỉnh trang CSVC trường lớp, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và chất lượng giáo dục, góp phần cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện hoàn thành các mục tiêu phát triển KT-XH đã đề ra, trong đó phấn đấu đến năm 2020 đạt 80% trường CQG.

Nhờ có lộ trình cụ thể, không đầu tư dàn trải mà tập trung vào từng mục tiêu cụ thể, đầu tư đạt chuẩn ngay từ khi mới xây dựng... là những cách làm sáng tạo cùng với sự đoàn kết, nhất trí cao, sự nỗ lực và hợp sức của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, công tác xây dựng trường CQG ở Thanh Hóa đã có sự bứt phá, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những tỉnh có tỷ lệ trường chuẩn cao của cả nước.

Linh Hương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]