(vhds.baothanhhoa.vn) - Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt là công nghiệp 4.0), thì việc ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội đã và đang là xu hướng tất yếu. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ số nhằm đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ đang được các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng.

Ứng dụng công nghệ số đưa lịch sử đến gần giới trẻ

Những năm gần đây, với sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (gọi tắt là công nghiệp 4.0), thì việc ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực của đời sống xã hội đã và đang là xu hướng tất yếu. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ số nhằm đưa lịch sử đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ đang được các cấp, ngành và địa phương trên địa bàn tỉnh chú trọng.

Ứng dụng công nghệ số đưa lịch sử đến gần giới trẻHọc sinh tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Bảo tàng tỉnh. (Ảnh chụp trước ngày 27-4-2021)

Từ những điển hình tiêu biểu

Tại Việt Nam, mặc dù hoạt động ứng dụng công nghệ số ở lĩnh vực lịch sử chưa nhiều, song tại một số bảo tàng lịch sử Hà Nội, như: Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Dân tộc học… cũng đã nỗ lực ứng dụng công nghệ vào hoạt động trưng bày, đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ứng dụng công nghệ, tạo hiệu quả cao. Trong số đó phải kể đến công nghệ tương tác 3D, hệ thống thuyết minh tự động, chương trình trải nghiệm thực tế ảo… bước đầu tạo nên sức hấp dẫn lớn, thu hút sự quan tâm của đông đảo giới trẻ, nhất là học sinh, sinh viên.

Mới đây nhất (tháng 7-2021), Di tích lịch sử Nhà tù Hỏa Lò (TP Hà Nội) đã cho ra mắt kênh phát thanh độc quyền trên nền tảng Spotify (ứng dụng nghe nhạc) và Apple Podcasts. Với cách tiếp cận gần gũi, tạo hứng thú cho cộng đồng nói chung và giới trẻ nói riêng, hiện nay fanpage đã đăng tải đều đặn chương trình phát thanh “Thắp lửa yêu thương” trên mạng xã hội, thu hút hơn 60.000 lượt thích. Phần nhiều bạn trẻ bày tỏ sự xúc động và mong chờ phần tiếp theo của chương trình phát thanh này.

Đây là lần đầu tiên một kênh truyền thông về lịch sử Việt Nam lại thu hút được sự quan tâm của các giới trẻ như vậy. Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, người dân được khuyến cáo hạn chế ra đường, việc có mặt trên một ứng dụng trực tuyến giúp mọi người vừa nâng cao kiến thức lịch sử, vừa đảm bảo sức khỏe và không cảm thấy nhàm chán khi ở nhà. Có thể thấy, phản ứng tích cực, sự đón nhận của đối tượng khách là người trẻ với thử nghiệm kênh phát thanh của Di tích Nhà tù Hỏa Lò trên ứng dụng Spotify và Apple Podcasts chính là tín hiệu lạc quan khi chuyển đổi số trong hoạt động của các điểm đến di tích, bảo tàng lịch sử trong bối cảnh hiện nay.

Tỉnh Thanh Hóa với trên 1.500 di tích đã được kiểm kê, hàng trăm làng nghề truyền thống và hệ thống bảo tàng… việc ứng dụng công nghệ số tại những điểm đến này cần được xem là hướng đi phù hợp, tất yếu. Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh được xem là đơn vị tiên phong khi đã áp dụng thuyết minh tự động vào phục vụ du khách từ năm 2019. Nội dung thuyết minh tại các điểm trong khu di tích được tích hợp trong hệ thống này đã được xây dựng một cách khoa học, đảm bảo tính chính xác về giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc và ý nghĩa của điểm đến. Nội dung thuyết minh còn được dịch sang tiếng Anh, phục vụ du khách quốc tế đến tham quan, tìm hiểu. Việc ứng dụng quét mã QR Code tại đây cũng bước đầu nhận được sự đánh giá cao từ phía du khách, đặc biệt thu hút sự quan tâm của giới trẻ.

Đến những khó khăn cần tháo gỡ

Theo ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng Ban Quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh: “Thực tế hiện nay, các không gian văn hóa truyền thống, điểm đến mang tính lịch sử chưa được nhiều bạn trẻ tiếp cận tham quan, tìm hiểu. Do đó, để lịch sử ngày càng đến gần hơn với công chúng, đặc biệt là giới trẻ, trước hết cần có sự liên hệ gần gũi giữa nhân vật lịch sử, hiện vật với thực tế thông qua ứng dụng công nghệ số. Các điểm đến phải giúp cho công chúng tiếp cận lịch sử dưới nhiều hình thức phong phú thì mới thu hút được khách tham quan. Khi các điểm đến này trở nên hấp dẫn hơn, thu hút được đông đảo giới trẻ nghĩa là chúng ta đã truyền tải thành công những thông điệp về lịch sử, văn hóa nhiều hơn đến với thế hệ trẻ. Từ đó nuôi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, đồng thời củng cố những giá trị của dân tộc đối với lớp người kế cận”.

Còn theo ông Trịnh Đình Dương, Giám đốc Bảo tàng tỉnh: “Bảo tàng tỉnh nói riêng, các điểm di tích lịch sử nói chung không phải là một không gian riêng, điểm đến riêng dành cho những nhà khoa học, người nghiên cứu lịch sử hay những người trẻ đến tham quan do “bắt buộc”. Bảo tàng được phát triển theo xu hướng là nơi mà giới trẻ lựa chọn, yêu thích tìm hiểu kiến thức lịch sử. Trong đó, ứng dụng công nghệ số, tăng cường sự hấp dẫn của trưng bày, giới thiệu tại những không gian văn hóa, lịch sử là một trong những giải pháp được đơn vị chú trọng”.

Được biết, trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ triển khai xây dựng các bộ sưu tập hiện vật, số hóa hiện vật tại Bảo tàng tỉnh. Một trong những mục tiêu đặt ra đó là giúp người xem trải nghiệm chân thật nhất các hiện vật lịch sử, không gian trưng bày bảo tàng mà không cần đến tận Bảo tàng tỉnh, không hạn chế về thời gian, không gian, phù hợp xu hướng của thế giới. Đồng thời hỗ trợ công tác nghiên cứu, phục hồi các tiêu bản một cách nhanh nhất, phục vụ cho công tác quản lý, lưu trữ hay phục chế và trưng bày những cổ vật, bảo vật… Trước mắt, sẽ số hóa 3 bảo vật quốc gia (Kiếm ngắn Núi Nưa, Trống đồng Cẩm Giang I và vạc đồng Cẩm Thủy) và 200 hiện vật/năm. Nghiên cứu, xây dựng một số chương trình tái hiện lịch sử như: Dấu ấn thời tiền sử ở Thanh Hóa; Thanh Hóa thời kỳ xây dựng và bảo vệ quốc gia phong kiến độc lập tự chủ; Bảo vật Quốc gia Việt Nam ở Thanh Hóa; Thanh Hóa với khởi nghĩa Lam Sơn; Văn hóa Đông Sơn - 100 năm phát hiện và nghiên cứu; Thời Lý và sự ra đời Danh xưng Thanh Hóa… để tổ chức tại các trường học trên địa bàn tỉnh. Thông qua nội dung chương trình, kết hợp với hình ảnh, hiện vật giúp các em học sinh hiểu thêm về lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Theo các chuyên gia, lịch sử sẽ dễ “chạm đến trái tim” của giới trẻ, giúp khơi dậy tinh thần dân tộc, niềm tự hào về truyền thống của đất nước, nếu quá trình chuyển đổi số ở các điểm di tích, không gian văn hóa truyền thống, bảo tàng lịch sử tìm được hướng đi phù hợp, tận dụng những lợi thế mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại. Tuy nhiên, những kết quả bước đầu trong việc ứng dụng công nghệ số tại các điểm di tích lịch sử, hệ thống bảo tàng trên địa bàn tỉnh chưa nhiều. Trong khi đó, kinh phí đầu tư cho xây dựng nội dung, trang thiết bị, nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số ở Thanh Hóa còn hạn chế. Vì vậy, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, việc huy động nguồn lực xã hội hóa trong đầu tư các thiết bị công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số rất cần được quan tâm, chú trọng hơn nữa trong thời gian tới.

Bài và ảnh: Hoài Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]