(vhds.baothanhhoa.vn) - Khi cánh rừng chìm vào bóng tối cũng là lúc lớp học xóa mù chữ do Đại úy Hơ Văn Di phụ trách đứng lớp tại điểm trường Tiểu học bản Pa Búa, xã Trung Lý (Mường Lát) bắt đầu sáng đèn. 45 học viên của lớp xóa mù chữ đa phần là phụ nữ, họ ở nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng đều chung một lớp học.

“Gieo chữ” ở Pa Búa

Khi cánh rừng chìm vào bóng tối cũng là lúc lớp học xóa mù chữ do Đại úy Hơ Văn Di phụ trách đứng lớp tại điểm trường Tiểu học bản Pa Búa, xã Trung Lý (Mường Lát) bắt đầu sáng đèn. 45 học viên của lớp xóa mù chữ đa phần là phụ nữ, họ ở nhiều lứa tuổi khác nhau nhưng đều chung một lớp học.

“Gieo chữ” ở Pa BúaĐại úy Hơ Văn Di “cõng con chữ” đến với bà con bản Pa Búa, xã Trung Lý (Mường Lát).

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Mường Lát, học hết THPT, Hơ Văn Di nhập ngũ vào bộ đội biên phòng. Năm 2006, anh được điều động về công tác tại Đồn Biên phòng Trung Lý. Quá trình cắm bản, gắn bó với bà con, Đại úy Hơ Văn Di nhận thấy một trong những căn nguyên khiến bà con lạc hậu, nghèo đói là do thiếu cái chữ và dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng, lôi kéo làm những việc vi phạm pháp luật. Đại úy Hơ Văn Di đã tham mưu cho cấp ủy, chỉ huy đơn vị phối hợp với UBND xã Trung Lý tổ chức mở lớp xóa mù chữ tại các bản người Mông Pa Búa.

Trong những năm qua, cấp ủy, chỉ huy đơn vị Đồn Biên phòng Trung Lý luôn quan tâm, làm tốt công tác xóa mù chữ và chống tái mù chữ cho Nhân dân trên địa bàn. Hằng năm, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, tham mưu, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai thực hiện. Xác định đây là nhiệm vụ khó khăn và lâu dài, trước hết là phải thay đổi nhận thức của người dân, làm cho người dân có quyết tâm “chinh phục con chữ”; đơn vị đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương, nhất là Hội LHPN xã để triển khai nhiều hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động Nhân dân. Đơn vị đã cử cán bộ đến từng gia đình để vận động, thuyết phục người dân tham gia lớp xóa mù chữ, với tinh thần “ai chưa biết chữ thì đi học chữ, ai đã biết rồi thì học thêm để không tái mù”. Nhờ sự vào cuộc tích cực, chủ động đó, từ năm 2022 đến nay, đơn vị đã phối hợp mở được 3 lớp xóa mù chữ cho 106 người dân.

Trung tá Hoàng Ngọc Bình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Trung Lý cho biết: “Thông qua các lớp học xóa mù chữ đã tổ chức tuyên truyền cho bà con Nhân dân nắm được chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như kiến thức khoa học - kỹ thuật để áp dụng trong sản xuất, phát triển kinh tế; đồng thời tuyên truyền để bà con xóa bỏ các hủ tục lạc hậu như tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống mới; tuyên truyền các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để người dân nắm chắc, hiểu sâu, không cổ xúy, tham gia hoạt động, tuyên truyền đạo trái pháp luật”.

“Gieo chữ” ở Pa BúaĐồn Biên phòng Trung Lý phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng xã tổ chức bế giảng lớp học xóa mù chữ tại bản Tà Cóm, xã Trung Lý.

Những kết quả trong công tác xóa mù chữ và chống tái mù chữ của Đồn Biên phòng Trung Lý đã góp phần giúp người dân có cơ hội để được tiếp cận với tri thức, áp dụng tiến bộ khoa học vào đời sống, sản xuất, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Trong thực hiện nhiệm vụ tham gia xóa mù chữ cho Nhân dân đã có nhiều đồng chí không quản khó khăn, tích cực vận động, thuyết phục người dân đến lớp, dạy chữ cho Nhân dân như Đại úy Hơ Văn Di, Đại úy Hơ Văn Trẻ...

Ngày nào cũng vậy, cô giáo Lục Thị Ánh Nguyệt, sinh năm 1997, ở bản Táo, xã Trung Lý phải vượt đường đồi núi gồ ghề, khúc khuỷu rồi lên đò qua sông Mã mới đến được điểm trường Pa Búa. Việc đi lại hết sức khó khăn, nhất là những ngày mưa gió. Khu Pa Búa là một trong những điểm lẻ khó khăn bậc nhất của Trường Tiểu học Trung Lý 2, nằm vắt mình chênh vênh giữa những ngọn núi cao của huyện vùng biên Mường Lát, điểm trường có gần 100 học sinh.

Cô giáo Lục Thị Ánh Nguyệt chia sẻ: "Biệt lập với trung tâm xã vào mỗi mùa mưa bão. Cái nghèo đằng đẵng kéo theo sự học của con em cũng chông chênh, đứt quãng. Phần nhiều các em chỉ học hết bậc tiểu học, cao hơn nữa thì hết bậc THCS. Mấy năm nay, nhờ có điện sáng, cây sắn cho thu nhập, đời sống bà con đỡ vất vả hơn, sự học của con em mới được chú ý. Học sinh không đến lớp, thì buổi tối thầy cô lại kết hợp với ban quản lý bản đến gia đình vận động, chỉ cần các em đến lớp, thầy cô sẽ không quản ngại vượt khó đồng hành đi tìm con chữ cùng các em”.

Nhận công tác ở điểm trường xa xôi, điều kiện kinh tế cũng như sinh hoạt còn nhiều khó khăn, song bằng trách nhiệm và lòng yêu nghề, những giáo viên “cắm bản”, “thầy giáo quân hàm xanh” đang ngày đêm vượt qua trở ngại, khó khăn để miệt mài “gieo chữ” cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Khó khăn, vất vả là thế nhưng trên mảnh đất vùng cao Pa Búa hay bất cứ đâu sẽ không bao giờ vắng bóng những người thầy tâm huyết, bởi chỉ cần nhìn thấy những nụ cười của học trò là trái tim họ lại thúc giục lên đường.

Bài và ảnh: Hoàng Lan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]