(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhà giáo - nhà thơ - chiến sĩ Nguyễn Trọng Liên (Hội viên Hội VHNT Thanh Hóa) nhập ngũ năm 1965, tái ngũ năm 1972, chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Từng là giáo viên Toán Trường THPT Thiệu Hóa; Trưởng bộ môn Hình học, Khoa Khoa học Tự nhiên Trường Đại học Hồng Đức cho đến khi nghỉ bảo hiểm xã hội (năm 2008).

Góc nhìn chiến tranh và lịch sử trong thơ Nguyễn Trọng Liên

Nhà giáo - nhà thơ - chiến sĩ Nguyễn Trọng Liên (Hội viên Hội VHNT Thanh Hóa) nhập ngũ năm 1965, tái ngũ năm 1972, chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Từng là giáo viên Toán Trường THPT Thiệu Hóa; Trưởng bộ môn Hình học, Khoa Khoa học Tự nhiên Trường Đại học Hồng Đức cho đến khi nghỉ bảo hiểm xã hội (năm 2008).

Góc nhìn chiến tranh và lịch sử trong thơ Nguyễn Trọng Liên

Ông đã xuất bản 11 tập thơ, ký, truyện ngắn và nhiều thơ in chung. Thơ của Nguyễn Trọng Liên đa dạng về thể loại, đề tài, giọng điệu. Tập thơ Câu ru ngày cuối (NXB Văn học) tập hợp 101 bài thơ lục bát là thành công lớn của tác giả Nguyễn Trọng Liên khi anh đề cập đến nhiều chủ đề về tình yêu quê hương làng xóm, về ơn nghĩa sinh thành cốt nhục, về chiến tranh, về văn hóa lịch sử… với thể thơ lục bát truyền thống cùng dấu ấn sáng tạo của nhà thơ.

1.Chiến tranh là đề tài được nhà thơ Nguyễn Trọng Liên quan tâm, bởi hơn ai hết, anh là người trong cuộc. Là người lính mang tâm hồn nghệ sĩ, anh có dịp quan sát, cảm nhận, suy ngẫm những gì diễn ra trong cuộc chiến. Anh thường viết nhiều về mất mát hy sinh, về những nỗi đau chiến tranh… Thăm một gia đình ở Lộc Ninh cuối năm 1973 sau một trận càn và B52 rải thảm:

Trời ơi! Còn lại tàn tro

B52 đã xóa mờ dấu yêu.

Bia căm thù giữa xóm nghèo

Gió loang mặt đá khắc điều đau thương.

(Chị Hoa)

Ngày đánh ấp Thái Hưng năm 1974, người đồng đội nhỏ tuổi đã hy sinh. Anh bế người chiến sĩ ấy trên tay, nghĩ về người mẹ và cô gái trẻ ở hậu phương mà Khóc em lạnh ngắt ở trong tim này:

Em đi như thể đi chơi

Áo anh đẫm máu của người chiến binh

Súng em anh khoác ngang mình

Ủ em bên cạnh mép sình nhé cưng…

(Em đã đi rồi)

Sau cuộc chiến, anh được may mắn trở về, nhưng người anh trai Nguyễn Trọng Vịnh mãi mãi nằm lại chiến trường. Thương xót nhưng đành chấp nhận vì anh hiểu quy luật của chiến tranh. Sau này, có dịp, anh đi tìm anh trai trong xót xa mà tự hào:

Cái trưa… Khiêng pháo qua đồi

Công kiên bám trụ diệt loài ác ôn

Cái trưa… Anh đã… Không còn

Dòng tên anh vẫn ấm hồn anh đây…

(Cái trưa… Đi tìm bóng anh)

Anh trai hy sinh vì nước non. Còn chị dâu? Nhà thơ Nguyễn Trọng Liên càng thương anh trai mình lại càng thương hơn nữa là chị dâu phải chịu cảnh góa bụa, sầu não, mòn mỏi một đời người:

Cút côi chị hóa lặng câm

Tóc trên vai đã hoa râm lúc nào?

Mỗi năm tháng Bảy lao xao

Áo khăn chị lại đi vào với anh

Trường Sơn gió giữa rừng xanh

Tuổi sáu mươi chị ôm nhành hoa xuân.

Trập trùng núi núi non non

Chị vùi trong giấc hoàng hôn… ru chồng.

(Ru chồng)

Trong một lần đi thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ ở Quảng Trị, Nguyễn Trọng Liên đã từng trực tiếp chôn cất đồng đội ở chiến trường vậy mà anh vẫn không cầm được lòng mình trước anh linh đồng đội:

Bước dừng lặng giữa nghĩa trang

Xót xa hoa tím, bàng hoàng lá xanh

Tiếng chim méo mó trên cành

Run run thắp nén tâm thành làm nhang…

Gio Linh đất ấm bước chân,

Giọt đau. Chiều. Với tần ngần… Cỏ ơi!

(Cỏ ơi)

2.Là một nhà giáo - chiến sĩ - nhà thơ Nguyễn Trọng Liên luôn biết trân quý những giá trị văn hóa và lịch sử dân tộc. Mỗi khi có dịp tham quan, tiếp cận với các địa chỉ văn hóa hay lịch sử, anh thường có thơ để ghi lại những cảm xúc và nhận thức riêng của mình.

Câu chuyện Mị Châu - Trọng Thủy và vua Thục là một bi kịch lớn, là bài học sâu sắc về tình yêu và trách nhiệm công dân với Tổ quốc được tác giả chia sẻ:

Dấu yêu lông ngỗng trắng trời

Trước mặt biển lớn là nơi tận cùng.

Không còn đất phía sau lưng

Lưỡi gươm chém sóng mà chừng máu tuôn…

(Dấu yêu)

Một công chúa Huyền Trân biết hy sinh phận mình vì quyền lợi dòng tộc và dân tộc mà chấp nhận lấy vua Chiêm Thành:

- Nàng đi gói gió heo may

Vào trong dải yếm mà thay lời thề.

Gập ghềnh vó ngựa sơn khê

Bước chân sang phía bên tê trời chiều

Mưa còn rơi xuống Vọng Liêu

Chuông chùa Diệu Đế buông theo gió ngàn?

- Nàng về trên chiếc thuyền oan

Lênh đênh bể với những hàng mưa bay

Heo may rắc lạnh chốn này

Phong rêu Điện Chén, hoa gầy Hương Giang

Thắt đau trong giấc mơ màng

Lệ rơi trên nắp áo quan Chiêm Thành…

(Khúc yêu)

Các nhà viết sử đã có những kiến giải về sự kiện này. Còn nhà thơ Nguyễn Trọng Liên lại rất tinh tế, thương cảm cho công chúa Huyền Trân. Hình ảnh thơ, nhịp điệu thơ giúp bạn đọc hình dung được cảnh ra đi làm dâu xứ người và cảnh ngày về đều thấm đẫm nước mắt, bi thương…

Về thăm quê hương Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta, một học trò xuất sắc của Nguyễn Ái Quốc, nhà thơ say sưa với vùng quê Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh) non nước hữu tình: Sông La vẫn chảy thầm thì/ Hai bờ xõa tóc xanh rì làng quê…/ Kia dòng Ngàn Phố, Ngàn Sâu/ Bến Tam Soa biếc một màu thủy chung… Nhà thơ càng cảm phục tấm gương yêu nước và lý tưởng giải phóng dân tộc của người con ưu tú, người Tổng Bí thư kiên trung của Đảng, của quê hương:

Mới hai mươi sáu tuổi xuân

Đã hồng sắc đỏ con đường tự do

Thắm tô máu những ngọn cờ

Quốc tế ca hát lời thơ của người…

(Thăm Khu di tích Trần Phú)

Nguyễn Trọng Liên đã hai lần đến Côn Đảo, cái địa ngục trần gian đã giam giữ và hãm hại hàng chục ngàn chiến sĩ cộng sản cũng là nơi bừng sáng những trái tim yêu nước, những người con thủy chung son sắt với cách mạng. Đi giữa Côn Đảo hôm nay Gió Hàng Dương lại làm cay mắt người/ Ô kìa đất đã sinh sôi/ Ô kìa trời đã xanh trời đảo xa, anh bồi hồi với những gì đã diễn ra ở đất này dưới thời Mỹ ngụy:

Hơn hai vạn những linh hồn

Đã yên giấc ngủ Côn Lôn nhiệm mầu…

… Nghĩa trang trắng mặt biển đầy

Đảo chiều như chiếc thuyền mây giữa trời.

(Về Côn Đảo, 10-2011)

Lần thứ hai anh ra Côn Đảo vào ngày 16-9-2019, anh có bài thơ lục bát Viết ở nghĩa trang Hàng Dương và Ban Giám đốc Bảo tàng Côn Đảo xin được lưu giữ bài thơ như góp một kỷ vật quý giá với bảo tàng:

Nghĩa trang nhòe ánh đèn đường

Bước chân lạnh. Gió hàng dương đổ mùa.

Trăng rằm giấu mắt trong mưa

Í uôm … Con sóng mới vừa chợt xa…

Hình như mỗi bước chân qua

Khúc xương trắng đã tìm va gót giầy.

Hơn trăm năm, mấy vạn ngày

Còn đau tảng đá, ngực gầy Côn Lôn!

Bài thơ ngập tràn cảm xúc, có xót thương da diết như sợ chạm vào vết đau của các anh các chị, có tự hào về lòng kiên trinh của những người tù cách mạng, và có cả niềm tin bay bổng, lạc quan… Lời thơ, hình ảnh thơ vừa hàm súc vừa lãng mạn đã chạm được trái tim bạn đọc!

Phẩm chất nghệ sĩ của nhà thơ là cảm xúc chân thành trước hiện thực đời sống, trước số phận con người. Có thể thấy, nhà thơ Nguyễn Trọng Liên luôn làm chủ được cảm xúc của mình, đồng thời kiểm soát được vần nhịp để thơ lục bát của anh không bị thất vận, ép vần, lạc nhịp. Đây cũng là sự sáng tạo của nhà thơ Nguyễn Trọng Liên trong hành trình làm mới mình, làm mới thơ. Mới nhưng không lạ, mới của trí tuệ, của sự tìm tòi để dần khẳng định giọng điệu riêng của thơ anh trong đó có thơ lục bát.

Bài và ảnh: Lê Xuân Soan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]