(vhds.baothanhhoa.vn) - Tác giả Thanh Đàm, tên thật là Vũ Đình Thờn, tên thường gọi là Võ Quyết, sinh năm 1922 tại thôn Mỹ Xuyên, xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc), tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm.

“Gửi lại thời gian”- Hạt tinh thần óng ánh của nhà thơ Võ Quyết

Tác giả Thanh Đàm, tên thật là Vũ Đình Thờn, tên thường gọi là Võ Quyết, sinh năm 1922 tại thôn Mỹ Xuyên, xã Vĩnh Yên (Vĩnh Lộc), tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm.

“Gửi lại thời gian”- Hạt tinh thần óng ánh của nhà thơ Võ Quyết

Năm 1938, ông hoạt động trong phong trào phản đế cứu quốc địa phương và năm 1941 tham gia đội du kích chiến khu Ngọc Trạo. Tháng 12/1941 ông bị thực dân Pháp bắt, kết án 5 năm tù, giam tại xà lim Thanh Hóa. Tháng 8/1945, ông tham gia lãnh đạo khởi nghĩa giành chính quyền huyện Cẩm Thủy, là Phó Chủ tịch, quyền Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời, Chủ nhiệm Việt Minh huyện Cẩm Thủy trong các năm 1945-1946. Thời gian sau, ông đảm nhiệm các chức vụ: Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lộc (1949); Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy Thanh Hóa (1949); Trưởng Ban Tôn giáo vận Tỉnh ủy Thanh Hóa (1953); Ủy viên Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa (1958); kiêm Trưởng Ty Văn hóa - Thông tin Thanh Hóa (1961); kiêm Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa (1974). Ghi nhận cuộc đời hoạt động cách mạng kiên trung của ông, tháng 8/2020, tên phố mang tên Võ Quyết đã được gắn biển tại TP Thanh Hóa.

“Gửi lại thời gian” (NXB Văn học, 2021) của nhà thơ Thanh Đàm - chiến sĩ lão thành cách mạng, từng tham gia đội du kích chiến khu Ngọc Trạo năm 1941. Tác phẩm là “hạt tinh thần óng ánh” của một chiến sĩ du kích luôn phơi phới niềm tin, niềm lạc quan cách mạng từ trong chiến khu, quên mọi đọa đầy đau khổ của lao tù, thủy chung sắt son tình yêu với quê hương, cách mạng, với kháng chiến và đồng đội.

Với độ dày gần 400 trang, cuốn sách gồm 4 phần: thơ, hồi ký, kịch bản; Thanh Đàm trong ký ức bạn bè kèm theo một số hình ảnh tư liệu quý về tác giả.

“Đối với tôi, dù thơ được “ưu”, “bình”, hay “liệt” đều đem lại những chuỗi cười cởi mở. Cứ thế, nhớ lấy, chép lại, sửa lại, giữ lại làm lưu niệm, để rồi cứ mỗi lần đọc lại, tìm ra những hứng thú mới, kích thích tôi tiếp tục sáng tác”. Năm 1970, tác giả Thanh Đàm tâm sự chân thành như vậy về quá trình sáng tác cần mẫn của mình. Quá trình ấy là sự lao động trí óc vừa hứng thú, giàu sáng tạo, rèn tư tưởng đúng như lời ông nói: “Làm thơ đã góp phần rèn luyện cho tôi những nếp suy nghĩ thêm chín chắn, tô đẹp thêm lý tưởng cuộc đời, dẫn bước cho tâm hồn thanh thoát, rung động thêm những dòng tình cảm cách mạng nồng cháy. Làm thơ là một quá trình rèn luyện lao động trí óc căng thẳng nhưng đầy thú vị. Có lẽ thấy hứng thú nhất của người làm thơ là ở giữa phút mà tiếng lòng rung động xôn xao, hình ảnh trở về nhộn nhịp, tư tưởng vút cao và ý tứ được diễn đạt kịp thời, đầy đủ nhất bằng ngôn ngữ riêng của thơ ca”.

Nói vậy để thấy, tám sáu bài thơ của tác giả Thanh Đàm thể hiện một quá trình sáng tạo nghệ thuật nghiêm túc, là tiếng lòng gửi lại với nhân gian của một người chiến sĩ cách mạng trung kiên sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng và chính lý tưởng cách mạng đã soi sáng trong những trang thơ của ông. Là chiến sĩ du kích Ngọc Trạo, bằng tâm hồn phơi phới thanh xuân, tràn trề niềm tin tưởng lạc quan, nên không quá mà nói rằng những vần thơ về đội du kích Ngọc Trạo là những câu thơ hay nhất trong các sáng tác của Thanh Đàm.

Đó là tâm sự của chàng thanh niên với “lòng hân hoan” gia nhập du kích quân:

Đường đi mình lại với mình

Bước vui chân lại đếm tình non sông

Một mai khi phất cờ hồng

Với tinh thần, mở cả lòng hân hoan...

(Qua Eo Gió)

Vẻ đẹp tình đồng chí, đồng đội của các chiến sĩ du kích trong gian khó đều được tác giả Thanh Đàm lột tả rất rõ nét:

Đoàn chúng ta người bốn phương hợp lại

Bởi dây tình cách mạng quấn vào nhau

Rừng Ngọc Trạo một ngày ta nhớ mãi

Đời tự do, đây cuộc sống bắt đầu.

Điều đặc biệt, ngay trong bài thơ này, tinh thần chiến sĩ du kích, đội quân du kích ở phạm vi cả nước cũng đều được nhắc tới trong niềm đoàn kết, tin tưởng rất hào sảng, khí phách:

Cơm chấm muối, đời mặn tình ca hát

Nằm sườn non, lòng bay bổng thanh xuân

Và:

Ai ra tới Bắc Sơn, ta nhắn:

Niềm kiên trung theo bạn quyết xông pha

Ai về trong Hậu Giang, ta dặn:

Gương anh hùng trong trí nhớ không nhòa.

Thơ Thanh Đàm không chỉ nồng nàn xúc cảm mà còn rất giàu tự sự. Điểm độc đáo và mới mẻ là ngay từ năm 1941, tác giả đã tìm đến cách thức độc thoại nội tâm để biểu đạt bằng các hình ảnh song song như một sự tự vấn nội tâm rất phong phú. Bài thơ “Rừng và du kích” là một ví dụ. Bài thơ có 5 trường đoạn nhỏ xen kẽ lời tự sự của rừng và du kích, tựa như một quá trình diễn biến nội tâm và trưởng thành trong chiều sâu tâm hồn của người chiến sĩ du kích: từ lúc bỡ ngỡ, tâm tư hướng về người thân, nỗi hờn căm thù mất nước, ngày tháng gian nan nghĩa tình và cuối cùng hướng về lý tưởng đại đồng. Chiều sâu trong tư tưởng thấm đều trong giọng thơ trong sáng, hình ảnh dung dị. Có những đoạn đạt đến sự tinh tế trong cảm xúc:

Rừng:

Sao người quên xóm làng êm ả

Không nhớ mẹ thương mắt đợi mòn

Không nhớ vợ hiền đêm lẻ bóng

Con thơ đỏ mắt lúc hoàng hôn

Du kích:

Phải ép tình mềm trong tim sắt

Có đâu mờ hoa nhớ hương quen

Nào có đời vui bên gót giặc

Gian nan này tìm cảnh ấm êm.

(Rừng và du kích)

Năm năm bị giam cầm tại xà lim Thanh Hóa chính là khoảng thời gian thử thách tấm lòng trung kiên sắt son của người chiến sĩ cách mạng. Và trong chính khoảng thời gian ấy, đã ra đời những vần thơ dạt dào lý tưởng “đời trai đầy kiêu vọng” sục sôi ý chí đấu tranh sắt đá:

Ôi! Tình nghĩa riêng chung tràn thương nhớ

Muốn phá tung nát vụn bốn tường lao

Máu thanh xuân không ngớt chuyển dạt dào

Nuôi lý tưởng đời trai đầy kiêu vọng.

(Không đề. Tại nhà tù Thanh Hóa tháng 12/1941)

Với tinh thần “Đời cách mạng ta coi thường nguy hiểm” (Tên anh là ngọn lửa), vượt qua nỗi buồn, nỗi uất hận, hờn căm thì trong thơ Thanh Đàm vẫn tràn đầy niềm lạc quan tin tưởng: Tương lai tiếng gọi nước non đợi chờ (Tuyệt thực); Hãy nhớ em ơi nơi ngục thất/ Đời anh vẫn rực lửa tương lai (Thăm hỏi chi thêm nhục bước đời). Tai thanh xuân mà chất nặng ưu phiền, lắng gạn lấy niềm vui trong ngột ngạt... Bạn tù ơi! Có phải đời ta vui vì biết sống... (Đời ngục thất).

Thơ Thanh Đàm tựa như tâm hồn ông vậy. Chân thực, trân trọng từng khoảnh khắc sống. Một đời trải qua bao cam go, hoạn nạn, gian nan và thử thách đến những giây phút cuối đời, tinh thần của Thanh Đàm vẫn tràn trề nhựa sống dù trong cơn bạo bệnh:

Tinh thần còn tỏa muôn màu sắc

Thể xác buồn sao sớm úa tàn?

Có hạt tinh thần nào óng ánh

Bạn ơi, gửi lại với thời gian.

Những năm cuối đời, với niềm đau đáu khôn nguôi về Hang Treo, chiến khu Ngọc Trạo, dù lâm bạo bệnh, tác giả Thanh Đàm vẫn viết kịch bản văn học khi nằm trên giường bệnh. “Đuốc lửa hang Treo” đã ra đời như thế với 3 hồi, 6 cảnh phản ánh một phần cao trào phản đế cứu quốc diễn ra ở Thanh Hóa năm 1940-1941, hưởng ứng phong trào vũ trang cách mạng Bắc Sơn và khởi nghĩa Nam Kỳ theo thông cáo khẩn cấp của Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương và thư kêu gọi của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Kịch bản đã để lại ấn tượng lớn trong lòng khán giả về phong trào cách mạng và hình tượng người du kích. “Đuốc lửa hang Treo” đã được Đoàn Ca múa Thanh Hóa dàn dựng và công diễn năm 1982, đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 tại Đà Nẵng.

Hơn 40 năm kể từ ngày tác giả Thanh Đàm ra đi, trong tâm trí và ký ức của bạn bè, người thân, những sáng tác mà ông để lại - những “hạt tinh thần óng ánh” khi thì ngùn ngụt khí thế, lý tưởng yêu nước, sắt son cách mạng, lúc lại lắng đọng sâu xa vẫn còn lại mãi với thời gian, sáng mãi tinh thần chiến khu Ngọc Trạo:

Cơm chấm muối, đời mặn tình ca hát

Nằm sườn non, lòng bay bổng thanh xuân

Ngóng cờ đỏ sao vàng ngày xuất phát

Bước đoàn ta theo nhịp bước Hồng quân.

(Đoàn du kích chúng ta)

Bài và ảnh: NGUYỄN HƯỜNG (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]