Hành trình của những điều kỳ diệu
Ở tuổi đôi mươi, trong khi các cô gái được xúng xính váy áo tung tăng đi khắp nơi thì cuộc sống của Lê Thủy Tiên (sinh năm 1998, SN 53 đường Ngô Sỹ Liên, phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa) lại bị giới hạn trên một chiếc giường bởi căn bệnh bại não. Nhưng, chỉ qua một ngón chân trái, em vẫn say mê sáng tác văn, thơ chỉ mong thông qua tác phẩm của mình có thể lan tỏa những điều tốt đẹp đến cộng đồng xã hội.
Thủy Tiên bên mẹ - chị Lê Ngọc Bích (ảnh trái). Thủy Tiên “đánh vật” với các con chữ trên chiếc điện thoại.
Số phận trớ trêu
Cách đây gần 24 năm về trước, Lê Thủy Tiên cất tiếng khóc chào đời trong niềm vui của cả gia đình. Song, niềm vui ấy quá ngắn ngủi. Chỉ ít ngày sau sinh, cô bé bỗng nhiên sốt cao, co giật dẫn đến bại não, chân tay co quắp không thể cử động bình thường. Kể từ đó cho đến nay, cuộc sống của em gắn liền với thuốc và một góc giường, mọi sinh hoạt đều phải có mẹ đỡ đần. Bất hạnh hơn, em không thể nói được.
Rồi một ngày, Thủy Tiên nhận ra, ngoài nỗi đau bệnh tật, cuộc sống này còn có muôn vàn nỗi đau khác không thể gọi tên. Đó là lúc em biết tin người bố mà em hằng kính trọng, yêu quý, tin tưởng đi tìm vui duyên mới bên một người phụ nữ khác. Từ đây, em thường xuyên phải chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã, đánh nhau mà không biết phải làm gì ngoài những tiếng ú ớ thống khổ trong cổ họng. Có lần, thấy mẹ bị bố đánh đến trọng thương, em đã tự làm mình ngã từ trên giường xuống đất rồi lê lết lại để che đỡ cho mẹ. Kể cả trong giấc mơ, em vẫn thường thảng thốt hét lên như vừa trải qua một cơn ác mộng kinh hoàng nào đó.
Lớn lên trong hoàn cảnh ấy, Thủy Tiên thương mình thì ít mà thương mẹ thì nhiều, nhưng lại không biết làm sao để nói lời động viên, an ủi. Vì bệnh tật, em không thể cùng bạn bè đến trường. Hàng ngày nhìn các bạn ở phố ríu rít gọi nhau đi học, lòng em lại trào dâng niềm ao ước. Thế rồi năm 14 tuổi, như hiểu được lòng con gái, mẹ đã xin cho em đi học ở một ngôi trường gần nhà. Trong đôi mắt của cô bé, từ ấy luôn ánh lên niềm vui khôn tả dù đó cũng là những tháng ngày em phải khổ luyện tập viết bằng ngón chân trái đến nỗi chiếc bút bị kẹp ở chân thường xuyên dính máu. Đến năm lớp 6, vì lý do sức khỏe, em đã không thể tiếp tục đến trường.
Nói về học trò Thủy Tiên, cô Đào Thu Phương (hiện đang là giáo viên Trường Tiểu học Quảng Thắng) nhớ lại: Ngày đó, dù bệnh tật nhưng Thủy Tiên vẫn đi học rất chuyên cần. Em tiếp thu nhanh và rất chịu khó học. Vì không cầm bút được nên em làm bài tập bằng máy tính. Mỗi lần em viết là mồ hôi vã ra như tắm vì cứ viết lại xóa, rất lâu mới được một chữ trọn vẹn. Khó khăn, đau đớn là thế, nhưng em vẫn kiên trì, nhẫn nại, viết ở trường không xong thì về nhà lại viết tiếp để nộp bài cho cô chấm. Tôi rất thích đọc văn của em vì ở đó có sự sáng tạo, đọc một lần là không thể quên được".
Vượt lên chính mình
Không để bản thân “sống mòn” trong nỗi đau bệnh tật, nhất là khi thấy mẹ vừa phải vất vả chăm lo cho mình, Thủy Tiên bắt đầu tìm đọc nhiều văn, thơ và tập tành sáng tác. Sau này, ngoài viết trên máy tính, em còn mày mò học viết trên điện thoại. Cũng nhờ đó mà em vừa có thể viết thành công được nhiều tác phẩm, vừa dễ dàng giao tiếp, nói lên suy nghĩ của mình với mẹ và mọi người thông qua những thiết bị điện tử này.
Cô giáo Đào Thu Phương, người dạy cho Thủy Tiên những con chữ đầu tiên.
Khoe với chúng tôi các tác phẩm đã được đăng báo, Thủy Tiên cho biết: “Em chỉ ước mình có thật nhiều sức khỏe để sáng tác. Sau này nếu có điều kiện thì sẽ in thành sách để truyền cảm hứng cho những người bất hạnh khác”. Đó có lẽ là con người của Thủy Tiên, luôn lạc quan và tràn đầy nghị lực. Dù để viết được một câu từ trọn vẹn, cơ thể gầy gò, nhỏ bé giống như một học sinh lớp 3 của em phải gồng mình đánh vật với các con chữ trên bàn phím điện thoại và máy tính khiến ai nhìn thấy cũng đều không khỏi động lòng. Và cũng chính bởi gồng mình quá nhiều mà cơ thể em ngày càng gày gò co cứng lại, việc ăn uống vì thế cũng khó khăn, vất vả hơn.
Hạnh phúc là có được một người bạn tri kỷ
Thủy Tiên cho rằng “Cuộc đời này chỉ cần một người bạn tri kỷ là đủ”. Em kể: "Ngày đi học vào năm 14 tuổi, em mới bắt đầu có bạn. Họ là những cô cậu tiểu học kém xa em đến gần chục tuổi. Trong số đó, có một bạn gái luôn bảo vệ, quan tâm em trước những lời trêu chọc ác ý và hiểu được cả những gì em đang nghĩ. Không chỉ vậy, hằng ngày, bạn ấy còn tự nguyện đến nhà đẩy xe đưa em đi học. Tiếc là khi lên THCS, bạn phải theo gia đình sang định cư ở nước ngoài. Cũng may, nhờ có facebook mà chúng em vẫn thường xuyên liên lạc và tâm sự với nhau mọi chuyện. Với em, như thế đã là hạnh phúc rồi”.
Theo năm tháng, tình bạn tri kỷ ấy cũng đã đi vào văn chương của Thủy Tiên và trở thành đề tài được em viết khá nhiều. Nổi bật trong số đó phải kể đến là truyện “Quay về và chờ tôi”. Truyện dài gần 20 trang giấy A4 và có bố cục rõ ràng, hành văn chỉn chu, không sai một dấu “phẩy”. Đó là sự nỗ lực phi thường vì ngay cả Thủy Tiên cũng không nhớ nổi em đã mất bao nhiêu thời gian và tâm sức vào truyện này. Vậy nên, có lần máy tính bị hỏng phải đem đi sửa, tập truyện bị mất, em đã khóc suốt nhiều ngày liền vì chưa kịp lưu lại và chia sẻ một số tác phẩm đã viết lên facebook.
Công việc sáng tác lấy đi nhiều mồ hôi và cả nước mắt là vậy nhưng khi được hỏi “Đâu là niềm vui hàng ngày của em?” thì Thủy Tiên nhanh nhảu trả lời: “Em rất yêu thích văn chương nên ngày nào cũng phải đọc và sáng tác gì đó mới thấy vui được. Những lúc như thế, em có thể hiểu hơn về cuộc sống, về tình người, tình đời. Cũng qua đó, em được hóa thân trong thế giới của các nhân vật và được hòa nhập với cộng đồng xã hội - điều mà em luôn ao ước ngoài đời nhưng lại không thể thực hiện”.
Trái tim của mẹ
Ngay từ khi còn bé, em đã được mẹ đọc cho nghe nhiều tác phẩm văn, thơ. Đến khi biết đọc, biết viết, mẹ vừa là động lực, vừa là nguồn cảm hứng để em tập làm thơ, viết truyện. Vậy nên trong các sáng tác của Thủy Tiên, đề tài về mẹ gần như là chủ đạo. Ở đề tài này, em viết chân thật nhưng lại gây xúc động đến nỗi ai đọc cũng thấy như được thức tỉnh con tim, để rồi chợt nhận ra, có đôi lúc ta vô tâm với đấng sinh thành chỉ vì mải chạy theo những điều phù phiếm. Chẳng hạn như bài thơ “Mẹ” đã từng được đăng trên Báo Thanh Hóa có những câu chữ khiến người đọc không khỏi giật mình: Tôi vui chạy theo bè bạn/ Mẹ ngồi đếm tháng năm trôi/ Oằn lưng gánh bao nặng nhọc/ Và gánh cả cuộc đời tôi/ Trong mơ tôi gặp cổ tích/ Trong mơ tôi thấy vườn hoa/ Trong mơ tôi đầy bè bạn/ Bóng mẹ trong mơ nhòa nhạt/ Trái tim ngày đêm thổn thức/ Chạy theo bao áng mây trời/ Chạy theo niềm vui cuộc sống/ Nào hay tim mẹ chơi vơi...
Khép lại cuộc trò chuyện ngắn ngủi với Thủy Tiên nhưng chỉ chừng ấy thôi cũng đủ để tôi phần nào cảm nhận được, ở cô gái này không chỉ có nghị lực phi thường vượt lên trên số phận mà còn có cả một trái tim đầy xúc cảm yêu thương, luôn muốn thông qua các tác phẩm của mình tiếp thêm nguồn năng lượng tích cực cho những người có cùng cảnh ngộ giống như em.
Bài và ảnh: Ngọc Lan
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-07-28 14:59:00
Du lịch lòng hồ thủy điện Trung Sơn
Phát triển thương hiệu sản phẩm OCOP xứ Thanh
Mưu sinh ở các cơ sở thu mua phế liệu
Bản tin Tài chính ngày 28/7: “Cá mập” đổi chiều mua gom vàng
Dự báo thời tiết (28/7): Thanh Hoá tiếp tục nắng nóng
Bảo tồn, phát huy quần thể cây di sản ở Khu bảo tồn Thiên nhiên Pù Hu
Chuyển đổi số trong quản lý và bảo vệ rừng
Không gian vui chơi cho trẻ tại bệnh viện
Trở về với “đất mẹ”
Một thời cầu đò Trạp