(vhds.baothanhhoa.vn) - Từ năm 2013 đến năm 2022, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Thanh Hóa đã thực hiện lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ cho hơn 400 trường hợp. Trong số đó chỉ có 11 liệt sĩ (chiếm 2,75%) được xác định, trả lại tên, còn lại 129 mẫu không đảm bảo chất lượng để giám định và 260 mẫu (chiếm 97,25%) không cho ra kết quả.

Hành trình đi tìm mộ liệt sĩ: Trả lại tên cho liệt sĩ

Từ năm 2013 đến năm 2022, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Thanh Hóa đã thực hiện lấy mẫu sinh phẩm giám định ADN xác định danh tính liệt sĩ cho hơn 400 trường hợp. Trong số đó chỉ có 11 liệt sĩ (chiếm 2,75%) được xác định, trả lại tên, còn lại 129 mẫu không đảm bảo chất lượng để giám định và 260 mẫu (chiếm 97,25%) không cho ra kết quả.

Hành trình đi tìm mộ liệt sĩ: Trả lại tên cho liệt sĩÔng Phạm Văn Nguyễn chăm sóc các mộ liệt sĩ chưa biết tên tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Đồng Tâm.

1.Ngày 16/12/2023, từ thông tin Tìm thân nhân liệt sĩ Phạm Minh Chiến đăng trên Báo Quân đội Nhân dân, chúng tôi về xã Cẩm Châu (Cẩm Thủy). Công chức chính sách xã hội, chị Hoàng Thị Thương cho chúng tôi biết: Tại Nghĩa trang liệt sĩ liên huyện Vĩnh Hưng - Tân Hưng, tỉnh Long An, ngôi mộ ở khu C2, lô 1, hàng 5, số mộ 10 mang tên Phạm Minh Chiến, quê quán: Cẩm Châu, Cẩm Thủy, Thanh Hóa; hy sinh ngày 12/3/1972; cấp bậc: Tiểu đội phó. Đây chính là hài cốt biết tên được Đội K73, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An cất bốc, quy tập về từ giai đoạn V (mùa khô 2005-2006). Dù thông tin cơ bản đầy đủ nhưng từ lúc quy tập đến nay, việc xác minh thân nhân liệt sĩ vẫn gặp nhiều khó khăn, cần thêm các thông tin để làm rõ.

Qua xác minh của xã Cẩm Châu, ở địa phương không có hồ sơ liệt sĩ Phạm Minh Chiến mà chỉ có hồ sơ liệt sĩ Phạm Văn Hiếm có thông tin gần trùng khớp với thông tin liệt sĩ Phạm Minh Chiến. Theo đó, tỉnh Thanh Hóa và thân nhân trong gia đình đã có đơn đề nghị Sở LĐTB&XH tỉnh Long An xác minh, làm rõ thông tin để có cơ sở đổi tên trên bia mộ liệt sĩ Phạm Minh Chiến thành Phạm Văn Hiếm. Tuy nhiên, với những thông tin có được trong quá trình quy tập, việc xác minh chính xác tên thật của liệt sĩ bằng phương pháp thực chứng rất khó khăn. Vấn đề là, hiện nay công tác xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin được thực hiện bằng hai phương pháp: Phương pháp giám định ADN và phương pháp thực chứng. Trong trường hợp liệt sĩ Phạm Minh Chiến (hay Phạm Văn Hiếm) các cơ quan chức năng mong muốn ai biết được thông tin về liệt sĩ cung cấp; đồng thời đề nghị gia đình liệt sĩ Phạm Văn Hiếm làm thủ tục giám định ADN xác định danh tính hài cốt liệt sĩ.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Hải Sâm, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Cẩm Thủy nói: Toàn huyện có 1.659 liệt sĩ. Song, chỉ có 149 liệt sĩ có mộ ở nghĩa trang liệt sĩ huyện. Trong đó, mộ có thông tin là 51 mộ; mộ biết một phần thông tin là 39; mộ chưa xác định được thông tin là 59. Ngoài ra, số mộ mà gia đình đang quản lý là 50. Như vậy, số mộ liệt sĩ chưa được quy tập, được tìm thấy là rất lớn. Trường hợp liệt sĩ Phạm Văn Hiếm lại càng khó hơn khi không còn thân nhân, người thờ cúng hiện là chị dâu của liệt sĩ.

2. Câu chuyện của ông Lê Văn Dỵ, thôn Đông Cao, xã Trung Chính (Nông Cống), anh trai của liệt sĩ Lê Văn Rạng (sinh năm 1952), cũng khá li kỳ. Có 15 năm làm công tác thương binh xã hội của xã, cũng là người trực tiếp tham gia chiến đấu, ông phần nào hiểu được hành trình tìm kiếm mộ liệt sĩ từ bước đầu tiên cho đến kết thúc, khó khăn thế nào.

Hành trình đi tìm mộ liệt sĩ: Trả lại tên cho liệt sĩThương binh Lê Văn Dỵ, thôn Đông Cao, xã Trung Chính (Nông Cống) trò chuyện với PV Báo Thanh Hóa.

Ông kể lại: Năm 1974, được tin em tôi hy sinh. Năm 1976, một năm sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, tôi đi tìm tất cả những người đồng đội nhập ngũ năm 1970 ở cùng đơn vị em tôi để xác nhận thông tin và khai danh dự. Nhiều năm đi tìm, đến tháng 3/2003, tôi đã vào huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang (trước đây là tỉnh Cần Thơ) và tận mắt nhìn thấy bia mộ liệt sĩ Lê Văn Rạng. Kể từ đó, tôi đã 3 lần vào thăm, hương khói.

Mấy năm sau, do ốm đau triền miên, ông không bố trí đi thăm mộ, lúc đó, tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang thực hiện tách huyện, chia tỉnh, di chuyển nghĩa trang đến chỗ khác. Đến năm 2015, gia đình ông có kế hoạch di chuyển mộ liệt sĩ về quê nhà nên đã liên lạc với nghĩa trang để xin làm giám định ADN. “Chúng tôi đã nghĩ 100% đó là mộ em trai mình, việc thực hiện giám định ADN chỉ là làm cho đúng cho đủ, theo yêu cầu. Ấy vậy mà kết quả lại là: không trùng huyết thống. Nhà có 2 anh em, bố mẹ mất rồi, tôi chỉ mong muốn đưa được em về gần gũi, để hương khói cho em được ngày nào hay ngày đó”.

“Kể từ ngày đó, ông nhà tôi buồn nhiều hơn”, vợ ông Lê Văn Dỵ chia sẻ với chúng tôi.

3. Nghĩa trang liệt sĩ Quốc tế Đồng Tâm (Bá Thước) hiện có 2.144 mộ liệt sĩ của 32 tỉnh, thành trong cả nước và 16 phần mộ liệt sĩ của nước bạn Lào. Đã 28 năm trông coi, chăm sóc liệt sĩ tại đây, ông Phạm Văn Nguyễn chứng kiến không biết bao nhiêu câu chuyện cảm động và xót xa. Ông đã đón tiếp nhiều đoàn cựu chiến binh đến tìm đồng đội, nhiều gia đình đến tìm mộ người thân, có những gia đình mừng vui khôn xiết thì cũng có những gia đình đã ra về trong lặng lẽ. Ông Nguyễn chia sẻ: Mỗi ngày đối diện với hơn 2 nghìn phần mộ ở nghĩa trang này, tôi mới thấy nỗi đau do chiến tranh gây ra không đơn thuần chỉ là mất mát, hy sinh mà đó còn là nỗi đau dai dẳng suốt cả cuộc đời một con người. Chiến tranh đã cướp đi tuổi xuân, sinh mạng của người lính, cất giấu luôn cả tên tuổi, quê quán... của họ; chiến tranh còn là sự kiếm tìm dai dẳng của người thân, đồng đội. Ngay tại ở nghĩa trang này, 11 mộ có một phần thông tin và 1.048 mộ không có thông tin...

Ông Lê Phú Hiền, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Bá Thước, cho biết: Huyện Bá Thước hiện có 30% gia đình liệt sĩ chưa biết được phần mộ của người thân. Mặc dù có chính sách hỗ trợ công tác xác định danh tính liệt sĩ, tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong đó có lý do nhiều gia đình ngần ngại không muốn giám định gen vì sợ khai quật nhầm mộ người khác, sợ liên quan đến các yếu tố tâm linh.

Theo thông tin từ Sở LĐTB&XH, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 31 nghĩa trang liệt sĩ (2 nghĩa trang liệt sĩ cấp tỉnh, 22 nghĩa trang liệt sĩ cấp huyện, 7 nghĩa trang liệt sĩ cấp xã). Trong số 10.963 mộ, có tới 1.652 mộ liệt sĩ có một phần thông tin và 3.212 mộ liệt sĩ chưa biết thông tin. Như vậy, số lượng mộ liệt sĩ cần xác minh, tìm kiếm, bổ sung thông tin là rất lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành của cả hệ thống chính trị và các tầng lớn Nhân dân quan tâm.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: "Các chiến sĩ đã hy sinh xương máu để giữ gìn đất nước... Các chiến sĩ thật xứng đáng với Tổ quốc và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên những người con yêu quý như thế". Vì thế, nhằm xoa dịu nỗi đau, thấm giọt nước mắt, làm vơi đi nỗi nhớ dẫu khó khăn thì hành trình trả lại tên cho liệt sĩ vẫn sẽ luôn được quan tâm, đồng hành và chia sẻ.

Bài và ảnh: KIỀU HUYỀN



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]