Hãy để tết là niềm vui
Người Việt vẫn thường có câu cửa miệng: “Vui như tết”, vừa là sự khẳng định và cũng là để so sánh, biểu đạt niềm vui. Nói như vậy để thấy rằng, tết là phải vui vẻ. Vậy nhưng với không ít người, tết về lại bộn bề với những sắm sửa, mua bán, rồi cả tất bật cỗ bàn... Để rồi mỗi lần tết đến, niềm vui bị lấn át bởi những lo lắng, mệt mỏi.
Tết cổ truyền là dịp để nghỉ ngơi, vui chơi.
Đã thành thông lệ, mỗi năm tết đến, người Việt lại chi tiêu, mua sắm nhiều hơn với tâm lý cho một cái tết ấm no, năm mới đủ đầy.
Chị Lê Thị Bình quê xã Thiệu Viên (Thiệu Hóa) làm công nhân cho nhà máy gần nhà, còn chồng làm lao động tự do, có hai con nhỏ. Ấy vậy mà dù chi tiêu tiết kiệm nhưng theo chia sẻ của chị, năm nào tết đến gia đình chị cũng tiêu tốn hết trên dưới 20 triệu. Từ việc sắm sửa vài bộ quần áo mới, rồi bánh chưng, thịt lợn, giò chả, bánh kẹo, đến biếu bố mẹ hai bên chút tiền tiêu tết, rồi tiền mừng tuổi con trẻ, bao nhiêu thứ phải lo. Thành thử, đi làm cả năm, nuôi con ăn học, rồi chi tiêu cho cái tết xong, gia đình chị cũng chẳng còn dành dụm được bao nhiêu.
Hơn nửa năm nay, do công ty gần nhà không có đơn hàng nên cắt giảm lao động, chị Bình phải để con ở nhà cho chồng chăm sóc, còn mình thì ra Bắc Ninh đi làm, chị cho biết: “Đi làm xa nhà lương tuy có cao hơn một chút nhưng lại nhiều chi phí. Năm nay kinh tế khó khăn, đang lo không biết tết này có dành được đủ tiền để chi tiêu”. Chia sẻ về việc, tết chủ yếu là niềm vui, còn chuyện ăn uống, cỗ bàn cũng không quá quan trọng, liệu có thể cắt bớt các khoản chi tiêu để đỡ áp lực kinh tế, chị Bình tâm tình: “Biết rằng có nhiều thứ ngày tết không mua thì thiếu mà mua lại thừa. Nhưng rồi tâm lý làm cả năm tiêu mấy ngày tết, nhà hàng xóm có, nhà mình chẳng nhẽ lại không. Nên cứ phải cố, dù cũng áp lực lắm. Nghĩ đến tết mà lo”.
Sự lo lắng tiền bạc chi dùng trong dịp tết không phải chỉ của riêng chị Bình. Nó dường như là nỗi lo ám ảnh với nhiều người. Đặc biệt, khi kinh tế gặp nhiều khó khăn như năm nay.
Với chị Lương Thị Thành (Đông Sơn) từ ngày lấy chồng, chị lại đón tết với tâm lý... ngại. Là bởi, gia đình chồng chị thuộc kiểu “truyền thống”. Có nghĩa ngoài việc phải sắm sửa đầy đủ thì trong ba ngày tết còn phải duy trì mỗi ngày đủ 2 mâm cơm dâng cúng tổ tiên. “Năm nào cũng thế, mới sáng mùng một tết đã phải lo dậy sớm sắm sửa mâm cơm cúng. Đến tận trưa mới hạ xuống ăn thì đồ đã nguội lạnh, nấu lại cũng không còn ngon. Rồi thì buổi chiều có muốn đi đâu chơi cũng phải lo đến giờ về để chuẩn bị mâm cơm thắp hương. Mà cỗ thì lại phải đủ cả canh, rau, cá, thịt, giò chả... Nếu chuẩn bị sơ sài sẽ bị chê không chu đáo. Thành thử, ba ngày tết chỉ loanh quanh với cỗ bàn, bát đũa. Vui thì ít mà mệt thì nhiều” - chị Thành chia sẻ.
Còn anh Lê Khắc Cường (Hoằng Hóa) nhiều năm qua, tết về là khoảng thời gian gia đình anh tất bật với những cuộc di chuyển. Anh chia sẻ: “Tôi lấy vợ cách nhà hơn 200 cây số. Năm nào cũng 28, 29 tết mới được nghỉ. Vợ chồng con cái gấp rút về quê để xúm với ông bà nội dọn dẹp nhà cửa, mua sắm cho kịp đón tết. Được ngày mùng 1 ở nhà, mùng 2 đã phải thuê xe để cả gia đình về quê ngoại, đến chiều mùng 3 lại trở ra, loanh quanh là hết tết. Đã từng định một năm tết nội, một năm tết ngoại nhưng chưa bao giờ thực hiện được. Bởi có bố mẹ nào ngày tết không mong con có mặt ở nhà. Vậy nên mỗi năm tết đến, gia đình tôi lại phải “chạy” như vậy”.
Tết về, mỗi gia đình lại bận bịu với những mối lo riêng. Và gia đình tôi cũng vậy.
Việc mua sắm quá nhiều thứ cho ngày tết khiến nhiều gia đình áp lực chi tiêu.
Đã thành thông lệ, mỗi năm đến ngày cận tết, tôi thường được bố mẹ giao nhiệm vụ mang túi gạo nếp với con gà trống lên biếu bác cả. Và lần nào trước khi đi, bố mẹ cũng dặn phải nói với bác, đại ý: “Gà và gạo đều do nhà làm ra, bố mẹ cháu biếu bác và các anh chị ăn tết”. Mẹ tôi thường bảo, do bác trai đi bộ đội hy sinh, còn mình bác gái tần tảo nuôi các con khôn lớn, bố mẹ không giúp được gì nhiều, tết đến chỉ có con gà với vài ống gạo nếp biếu bác. Không phải vì bác thiếu những thứ đó, đơn giản đó là tình thân, anh chị em quan tâm đến nhau, quý là ở tình cảm.
Và năm nào lên nhà bác những ngày gần tết, tôi cũng thấy bác tôi đang tất bật với việc dọn dẹp, lau chùi nhà cửa kỹ càng đến từng ngóc ngách. Rồi bao nhiêu đồ mua sắm cho tết được chất đống trong một góc, còn bác tôi thì luôn miệng kêu nhiều việc quá, dọn mãi mà vẫn chưa sạch, rồi mua bao nhiêu thứ mà vẫn thiếu, cứ như vậy, bác tôi tất bật đến tận chiều 30 tết... Thiếu là theo cách nói của bác vậy thôi, chứ năm nào qua mấy ngày tết, tủ lạnh nhà bác tôi chẳng chật kín đồ ăn thức uống. Đến nỗi, chị con dâu bác còn nhiều lần thở than, nhà ở gần chợ mà đầu năm toàn phải ăn đồ cũ, thậm chí có thứ vì để lâu quá còn bị hỏng.
Ấy thế mà chẳng phải chỉ riêng bác, đến bố mẹ tôi cũng vậy, suốt bao năm vẫn cứ “buộc” mình vào những sự thiếu - đủ ngày tết, để rồi đến tận giao thừa vẫn còn tất bật. Chưa kể, trong 3 ngày tết còn tất bật với cỗ bàn. Thành thử, năm nào qua mấy ngày tết, dù được nghỉ việc đồng áng nhưng mẹ tôi cũng mệt lử. Tuy nhiên, cái sự bận rộn ngày tết của bố mẹ, bác tôi và cả nhiều người khác nữa không dễ gì thay đổi. Thậm chí, có người còn xem việc bận rộn, tất bật, vất vả trong ngày tết là lẽ đương nhiên. Xin không luận bàn đúng sai. Tuy nhiên, tết vốn là vui vẻ, thảnh thơi, vậy nhưng khi con người ta phải “bó” mình vào quá nhiều mối lo thì liệu chúng ta có thể hưởng trọn vẹn ý nghĩa của ngày tết đến, xuân về.
Chia sẻ quan điểm về việc đón tết, chơi tết của người dân hiện nay, theo nhà nghiên cứu văn hóa Cao Sơn Hải: “Nếu so với trước đây, người Việt hiện nay ăn tết cổ truyền to hơn, đó cũng là tất yếu khi mà cuộc sống vật chất ngày càng đủ đầy. Tết ngày nay không dừng lại ở những thịt mỡ, dưa hành, hay nồi thịt đông trong bếp nữa; đó còn là muôn vàn hàng hóa, nào bánh kẹo, rượu bia, nước ngọt, hoa trái nhập khẩu cũng tràn ngập... Người Việt thường có tâm lý “đua nhau”, nhà hàng xóm có mà gia đình mình không có cũng không vui. Chính vì thế, người ta cứ phải cố nhiều thứ... mà quên mất rằng, điều quan trọng nhất của ngày tết là con cháu sum vầy bên ông bà, cha mẹ, trong khói hương thơm nồng của ban thờ gia tiên để cùng hy vọng về những điều tốt đẹp. Đó mới là ý nghĩa quan trọng nhất của tết. Còn nếu vì quá chú tâm vào nhiều thứ khác để rồi khiến bản thân, gia đình trở nên mệt mỏi, lo lắng thì chính chúng ta, đang vô tình làm phai nhạt đi ý nghĩa tốt đẹp của ngày tết đến”.
Bài và ảnh: Trang Bùi
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-01-13 15:26:00
Sương còn đọng vai anh - Tình yêu đọng mãi trong đời!
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 13-1-2024
Học cách buông bỏ để tự do
Giữ gìn nét đẹp Tết cổ truyền
Hôn lễ cổ tích của hoàng tử Brunei và cô dâu thường dân kéo dài trong 10 ngày
Vịnh Hạ Long và Sa Pa trong tốp 5 điểm đến xu hướng hàng đầu thế giới
Từ “Rút dây động rừng” đến “Tai vách mạch dừng”
Miss Global 2023: Nhan sắc Việt trình diễn trang phục dân tộc “Lưỡng nghê chầu"
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 12-1-2024
♦ Sự kiện văn hóa – thể thao – giải trí ngày 11-1-2024