(vhds.baothanhhoa.vn) - Một nhà sử học nổi tiếng của đương đại đã nói rằng: nếu những thập niên trước quyền lực thuộc về sự sở hữu thông tin thì đến nay quyền lực thuộc về những ai biết buông bỏ. Mang tâm lý hồ nghi và một chút tò mò, tôi đã tìm đến cuốn “Sức mạnh của buông bỏ”- Học cách buông bỏ để tự do.

Học cách buông bỏ để tự do

Một nhà sử học nổi tiếng của đương đại đã nói rằng: nếu những thập niên trước quyền lực thuộc về sự sở hữu thông tin thì đến nay quyền lực thuộc về những ai biết buông bỏ. Mang tâm lý hồ nghi và một chút tò mò, tôi đã tìm đến cuốn “Sức mạnh của buông bỏ”- Học cách buông bỏ để tự do.

Học cách buông bỏ để tự do

Tác giả là ai? John Purkiss vốn là người khởi nghiệp trong lĩnh vực tư vấn và ngân hàng nhưng hiện là người chuyên tuyển mộ nhân sự cấp cao. Ngoài thành công trong lĩnh vực kinh tế, tài chính và quản trị nhân sự, ông còn là người yêu thích triết học, tôn giáo, đi nhiều nơi để tìm hiểu về truyền thống Vệ Đà, Phật giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo Mật tông...

Theo tác giả John Purkiss: Con người cần tập trung vào hiện tại và tận hưởng mọi khoảnh khắc, cũng như cần buông bỏ những ý nghĩ khiến bạn bế tắc. Nỗi đau đang chi phối cuộc sống của bạn, cũng cần buông bỏ. “Làm sao để biến những mong ước của bạn thành hiện thực thông qua việc buông bỏ”, là một chương khá thú vị của cuốn sách.

Thông điệp đáng chú ý của sách chính là: Từ bỏ không giống như bỏ cuộc hoặc chẳng làm gì cả. Đúng hơn là chúng ta dừng cái việc cố làm cho thế giới này phù hợp hơn với những ý tưởng cứng nhắc của mình, rằng việc này nên thế này và việc kia nên thế nọ.

Nếu bạn từ bỏ, nghĩa là chúng ta đang tạo ra khoảng trống cho những điều thú vị xảy ra... Những điều thú vị này, chính là quy luật tự nhiên, như nhiên. Một cách hài hước và đáng buồn cần cảnh báo tới tất cả chúng ta: Không phải vì chúng ta hay cần có chúng ta mà cuộc sống này tiến hóa. Sự trôi chảy của quy luật và tiến hóa tự thân nó bao đời nó vẫn vậy. Việc của những người hiểu biết, đó chính là nắm bắt được điều đó và ứng xử hợp thức với nó.

Thực ra đây mới là đoạn chính yếu của cuốn sách: “Động từ Surrender (từ bỏ) trong tiếng Anh bắt nguồn từ động từ Se rendre trong tiếng Pháp có nghĩa là từ bỏ cái tôi. Cái tôi ở đây là cái tôi không viết hoa - nói cách khác là bản ngã: thói quen nhận diện bằng thể xác và tinh thần”. Cũng theo tác giả, nếu chúng ta kiên trì từ bỏ cái tôi thì cuộc sống sẽ ngày càng êm thuận hơn.

Về bản chất, bản ngã là sự ảo tưởng rằng Bạn và sự tồn tại là riêng rẽ. Nghĩa là bạn cảm thấy mình tách riêng khỏi mọi người, mọi thứ, tách biệt bởi thể xác và tinh thần của riêng bạn. Có khi nào bạn cảm thấy mình vượt trội, hoặc cảm thấy mình thấp kém... Tất cả đều là bản ngã. Cụ thể và trực quan hơn, bạn nên là người lữ hành. Bước đến, dạo qua trong tâm trí của chính mình hơn là ông chủ hoặc phận tôi tớ của tâm trí...

Đến đây, không biết bạn đọc thấu hiểu thế nào về điều này, riêng tôi, đó thực sự là trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ. Chúng ta không cần đi đến bức tường cuối cùng của hành trình nhọc nhằn của áp lực, khó khăn với định kiến cũ: chúng ta sẽ cố gắng và đạt được mọi thứ. Chúng ta cần thay đổi một cách nhìn mới: đôi khi là dừng lại, đôi khi là khoảng lặng và tuân theo những hành động ở hiện tại. Bởi trong tưởng tượng của người leo núi: càng lên cao, chúng ta càng có tầm nhìn xa hơn. Đó cũng là lúc con người buông bỏ những phán xét, những định kiến và những mô thức tinh thần.

Bản chất của cuộc sống này là sáng tạo. Có lẽ con người khi vượt qua rất nhiều định kiến và mô thức cũ, tự họ sẽ tìm thấy vô vàn những điều thú vị ngay bên cạnh mình.

Tôi nhớ một hiền triết nào đó đã nói rằng: Cuộc sống vẫn vậy như cây thông trước sân nhà. Bạn buồn hay vui, thành công hay thất bại, lạc lối hay kiên định, thì cây thông vẫn ở đó. Cây thông vẫn ở đó, nó không phụ thuộc vào cách bạn nghĩ. Nếu hiểu tất cả mọi điều diễn ra xung quanh mình bằng tâm thức đó, điều đó cũng đồng nghĩa là bạn đã bắt đầu buông bỏ rồi đó...

Có giây phút nào, khi bạn thức dậy mỗi buổi, bạn ngỡ ngàng không biết mình là ai, đang làm gì và ở đâu không? Bạn không cần lo lắng khi đọc đến đây. Trước khi đọc cuốn sách này, tôi từng lầm tưởng mình lúc ấy là vô tri, mất ý thức tạm thời. Thực ra, theo sự lý giải của tác giả, chính là lúc ấy cơ thể rơi vào sự buông bỏ, chạm đến khoảnh khắc ý thức tuyệt đối. Và hầu như khoảng lặng đó đều cần thiết với tất cả chúng ta. Như mặt hồ yên ả sau mọi đợt sóng, tâm trí con người sẽ trở nên sáng suốt hơn bao giờ hết. Chúng ta có thể rèn luyện và thực hành điều đó mỗi ngày. Nếu muốn hiểu sâu hơn điều đó, nếu có cơ duyên, hãy chạm tay vào cuốn sách này bạn nhé, hoặc cuốn sách khác cũng được: Vì mọi nẻo đường đều tìm về sự tỉnh thức, thấu hiểu mà!.

Nguyễn Hường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]