(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong cái nắng oi ả ngày hè, cùng với nhu cầu giải nhiệt, tắm mát thì nguy cơ đuối nước cũng từ đó tăng cao. Liên tiếp những vụ việc đuối nước đau lòng khiến chúng ta không khỏi xót xa. Để phòng tránh nguy cơ đuối nước, câu chuyện dạy bơi - học bơi chưa bao giờ là cũ.

Hè về lại nghĩ chuyện học bơi

Trong cái nắng oi ả ngày hè, cùng với nhu cầu giải nhiệt, tắm mát thì nguy cơ đuối nước cũng từ đó tăng cao. Liên tiếp những vụ việc đuối nước đau lòng khiến chúng ta không khỏi xót xa. Để phòng tránh nguy cơ đuối nước, câu chuyện dạy bơi - học bơi chưa bao giờ là cũ.

Hè về lại nghĩ chuyện học bơiĐể phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em, việc dạy bơi và trang bị các kỹ năng cho trẻ là điều vô cùng cần thiết.

Tai nạn đuối nước có thể xảy ra với bất cứ ai, ở bất kỳ thời điểm nào. Nhưng có một thực tế, vào mùa hè, tai nạn đuối nước xảy ra dường như cũng nhiều hơn. Mùa hè là khoảng thời gian học sinh, sinh viên, các bạn trẻ được nghỉ hè. Cùng với thời tiết nắng nóng cũng khiến cho nhu cầu giải nhiệt, tắm mát ở các khu vực ao, hồ, sông, suối... tăng cao.

Chiều ngày 17/6, một nhóm học sinh trên địa bàn quận Cẩm Lệ (TP Đà Nẵng) rủ nhau ra khu vực hồ nước gần nhà tắm mát. Trong lúc tắm, hai học sinh 10 tuổi và 14 tuổi chẳng may đuối nước. Dù nhóm bạn đi cùng phát hiện và hô hoán người lớn đến cứu, song phép màu đã không xảy ra.

Cũng trong ngày 17/6, trên địa bàn TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), các lực lượng chức năng đã phát hiện thấy thi thể hai cháu bé dưới hồ nước ở một khu tái định cư. Sau khi xác minh được biết, hai nạn nhân là anh em ruột.

Trước đó chỉ hai ngày, trên sông Ba thuộc địa phận huyện Phú Hòa (tỉnh Phú Yên) cũng đã xảy ra vụ việc đuối nước thương tâm khiến ba thiếu niên tử vong.

Tại Thanh Hóa, ngày 8/6, một vụ việc đuối nước đau lòng cũng đã xảy ra trên địa bàn xã Xuân Phúc (Như Thanh). Nạn nhân là hai anh em ruột (một cháu sinh năm 2016 và một cháu sinh năm 2018). Nguyên nhân ban đầu được xác định, khi hai trẻ chơi ở khuôn viên nhà thì chẳng may rơi xuống ao, sau đó tử vong.

Vào cuối tháng 4/2024, trên địa bàn thị trấn Thường Xuân, một học sinh lớp 8 cũng đã tử vong vì tai nạn đuối nước sau khi tắm trên sông Nông Giang. Sau một ngày, thi thể cháu mới được tìm thấy.

Tai nạn đuối nước xảy ra, phần lớn nạn nhân là trẻ em. Tuy nhiên, ngay cả người lớn, những thanh niên có sức khỏe nếu không cẩn trọng cũng khó tránh khỏi “nỗi đau thủy thần”.

Đã 2 tháng trôi qua nhưng bà con lối xóm quanh khu vực nhà tôi vẫn chưa hết bàng hoàng, xót thương trước tai nạn đuối nước đau lòng xảy ra với hai nam thanh niên trong thôn. Vào buổi chiều một ngày gần cuối tháng 4, các em rủ nhau xuống biển tắm mát. Chỉ sau hơn 1 giờ đồng hồ thì tin dữ báo về với gia đình. Hai em đã không may bị đuối nước. Hai nạn nhân là anh em họ và đều đã ngoài 20 tuổi, trong đó có một em vừa tốt nghiệp đại học. Với sự vào cuộc tìm kiếm tích cực của cơ quan chức năng, thi thể hai em sau đó đã được tìm thấy để gia đình, hàng xóm cùng chung tay lo hậu sự.

Sau 2 tháng, đến nay mỗi khi nhắc đến vụ việc, người trong thôn cũng chỉ biết buồn bã nói “giá như”. Giá như hôm đó thời tiết đừng quá nóng, giá như buổi chiều đó các em không xuống biển tắm mát, giá như ai đó biết trước để ngăn các em... Và giá như, có ai đó kịp thời phát hiện, để các em không rơi vào lưỡi hái của thủy thần... Dẫu vậy, khi người ta nói “giá như” cũng có nghĩa mọi thứ đã không thể thay đổi được nữa, cũng chẳng có phép màu nào xảy ra cả.

Đuối nước có thể xảy ra với mọi đối tượng, dù là người lớn hay trẻ em, do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong những nguyên nhân quan trọng là việc không biết bơi và thiếu các kỹ năng an toàn. Và trẻ em vẫn là đối tượng có nguy cơ cao bị tai nạn đuối nước.

Đuối nước được hiểu là tình trạng các nạn nhân không thở được dưới nước trong một khoảng thời gian, lượng oxy đi vào cơ thể giảm khiến cho các cơ quan trong cơ thể ngừng hoạt động do thiếu oxy. Với đối tượng là trẻ nhỏ, khoảng thời gian dẫn đến tử vong do đuối nước thường ngắn hơn so với người trưởng thành.

Không phải tất cả các nạn nhân gặp phải tai nạn đuối nước đều tử vong. Tuy nhiên, có không ít trường hợp dù có thoát khỏi lưỡi hái của thủy thần thì hậu quả - biến chứng do tai nạn đuối nước gây ra cũng thực sự đau lòng. Đó là những tổn thương về não phải điều trị lâu dài, tốn kém và đã có những trường hợp nạn nhân rơi vào trạng tháng sống thực vật do tai nạn đuối nước.

Một số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vẫn còn chưa cũ - đuối nước là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em (từ 5 - 14 tuổi) trên thế giới. Việt Nam là quốc gia có hệ thống sông ngòi, kênh rạch, ao hồ lớn. Bên cạnh thuận lợi cho phát triển kinh tế thì đó cũng là nguy cơ hiện hữu có thể dẫn đến tai nạn đuối nước.

Còn theo thống kê năm 2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), tỉ lệ học sinh tiểu học và THCS được dạy bơi và biết bơi trong cả nước mới chỉ đạt gần 34%, còn khoảng 66% học sinh chưa được học bơi và biết bơi. Theo đó, mới có chưa đến 9% trường học trong cả nước có bể bơi. Để phòng chống đuối nước cho học sinh, Bộ GD&ĐT đã xây dựng đề án “Tổ chức dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho học sinh giai đoạn 2025-2030, định hướng đến năm 2035” với mục tiêu sẽ có 80% học sinh được dạy kỹ năng phòng, chống đuối nước (theo Truyền hình Quốc hội Việt Nam).

Hè về lại nghĩ chuyện học bơiNguy cơ đuối nước tiềm ẩn ở nhiều nơi.

Dẫn ra những vụ việc, con số thống kê như vậy để thấy rằng, câu chuyện dạy bơi, trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho người dân, đặc biệt là trẻ em không phải vấn đề mới song chưa bao giờ là cũ. Đặc biệt là mỗi dịp hè về, khi tình trạng đuối nước vẫn đâu đó xảy ra, gây hậu quả đau lòng.

Khi năm học vừa khép lại, việc đầu tiên anh Nguyễn Văn Hòa (TP Thanh Hóa) thực hiện là đăng ký cho các cháu tham gia khóa học bơi tại một bể bơi tư nhân gần nhà. Anh Hòa chia sẻ: “Đọc báo hằng ngày thấy tai nạn đuối nước thật sự nguy hiểm, chỉ tích tắc thôi đã có thể cướp đi sinh mệnh của con trẻ. Do trường học của các cháu chưa có bể bơi nên việc học bơi trong nhà trường chưa diễn ra. Là bố mẹ, chúng ta phải lo cho con trước, đâu thể trông chờ, ỷ lại vào nhà trường được. Dù tôi đã nghiêm cấm các cháu không được đến khu vực có ao hồ, vũng nước lớn nếu không có người lớn bên cạnh. Nhưng tai nạn thường bất chợt, khó lường hết nên việc trang bị kỹ năng cho con là vô cùng cần thiết”.

Dù khá bận rộn nhưng anh Hòa vẫn tranh thủ hằng ngày đưa con đi học bơi. Cháu đầu 9 tuổi, cháu nhỏ mới hơn 5 tuổi. Cũng theo chia sẻ của anh Hòa, vào mùa hè năm ngoái, anh đã cho con trai đầu đến bể học bơi và cháu đã vượt qua được nỗi sợ khi xuống nước, bắt đầu biết bơi. Tuy nhiên, khi vào đầu năm học do bận rộn nên việc học bơi của cháu bị gián đoạn. Sau gần một năm mới trở lại bể, cháu gần như đã quên cả việc biết bơi trước đó, phải học lại từ đầu. Học bơi cũng như chơi các môn thể thao, phải thường xuyên rèn luyện mới có kết quả tốt.

Không chỉ riêng anh Hòa, hiện nay nhiều gia đình cũng đã chú trọng đến việc cho con học bơi mỗi dịp hè về. Đó có thể xem như một “tín hiệu” tích cực trong câu chuyện phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em.

Việc dạy bơi, trang bị kỹ năng an toàn cho trẻ em là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và cả xã hội. Nó cần được người lớn nhận thức một cách nghiêm túc - bởi trách nhiệm và tình yêu thương con trẻ.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]