(vhds.baothanhhoa.vn) - Mấy hôm liền, Chiều thấy bụng mình như tổ kiến đất bị hun lửa. Những người trong nhà, từ bố mẹ chồng, em gái chồng, đều nghĩ là Chiều không khỏe. Trời đã vào giữa hạ, ve ran khắp núi như gợi mưa khiến Chiều thấp thỏm không yên.

Hoàng Thu Phố

Mấy hôm liền, Chiều thấy bụng mình như tổ kiến đất bị hun lửa. Những người trong nhà, từ bố mẹ chồng, em gái chồng, đều nghĩ là Chiều không khỏe. Trời đã vào giữa hạ, ve ran khắp núi như gợi mưa khiến Chiều thấp thỏm không yên.

Mẹ chồng Chiều luôn để mắt đến cô và mới tối hôm qua, trong bữa ăn, bà nói: “Đau ở đâu phải nói ra để bố còn đi lấy thuốc cho”. Chiều chỉ khẽ dạ. Mẹ chồng cô năm nay độ năm mươi, còn trẻ lắm. Bố mẹ chồng còn ngủ chung buồng. Buồng của Chiều ở gần bếp, cửa đi thông với bếp để còn dậy sớm cơm nước. Buồng của bố mẹ chồng ở phía bên kia, cửa đi ra nhà lớn, để còn tiện ra khi có khách. Buồng của hai đứa em cô cửa trổ ra ngoài thềm, để tiện chúng đi về. Gái lớn rồi mà. Còn cái nhà nho nhỏ tách riêng biệt kia là nơi ở của ông bà nội. Ông bà chỉ chung sân thôi còn ăn ở riêng. Ông bà ở với chú út bên chồng bị dở hơi năm nay đã bốn chục tuổi mà vẫn như đứa trẻ con.

Cái nhà của người Mông dài hay rộng bao nhiêu là do số thành viên trong gia đình và do cả điều kiện kinh tế quyết định. Có nhiều nhà, cứ thêm con dâu về là lại can thêm, để tất cả quây quần ở chung khi chưa có điều kiện làm nhà cho con ở riêng. Nhà chồng cô rất nghèo. Cái buồng của vợ chồng cô bé tí như tổ chim, chỉ kê vừa chiếc giường và cây sào treo quần áo. Phía sau đuôi giường có hai chiếc ghế gỗ nhỏ để hai cái cở phía trên thay cho cái hòm đựng đồ linh tinh.

Làng Cù khi Chiều về làm dâu còn khá heo hút. Con đường bê tông rộng hơn một mét bề ngang đang đổ dở dang thì dừng lại vì dân không có tiền góp. Người cùng một huyện với nhau, nhưng khi nghe bà mối nói nhà Phù ở bản Gấm, mà Chiều còn ngỡ ngàng. Vì Chiều chỉ nghe tên bản, chứ chưa từng đặt chân đến bao giờ. Từ nhà Chiều đến nhà Phù là quãng đường gần sáu chục cây số. Nói như ông nội thì bản Gấm là cực Nam còn Hoàng Thu Phố là cực Bắc của huyện.

Chiều vẫn nhớ hôm lễ hỏi, thầy cúng bảo hai người là duyên kỳ ngộ. Phù họ Lùng. Lùng A Phù. Còn Chiều họ Lồ. Tiếng Mông, Lùng có nghĩa là Rồng, con rồng. Còn Lồ có nghĩa là lửa. Nên duyên này là duyên trời, rồng phun lửa, mạnh lắm, hợp lắm, con cháu đầy nhà, ngô lúa đầy gác, trâu bò đầy chuồng. Ấy thế mà...

Nghĩ đến là Chiều thở dài. Cưới nhau về, chăn đệm chưa kịp ấm hơi người, được hơn ba tháng thì bất thình lình Phù bỏ đi không nói với ai câu nào. Cả nhà, cả họ Lùng, cả thôn làng Cù nháo nhác kiếm tìm. Trên rừng, dưới chợ, vực thẳm, khe sâu, bố mẹ Phù đều nhờ người tìm kiếm cả rồi, vì Phù là đứa con trai duy nhất trong nhà. Cả tháng trời không thấy tăm tích gì của Phù thì bố mẹ bắt đầu soi mói Chiều. Họ thường vu vơ đâu đó, rằng đàn bà như Chiều có tướng sát chồng. Chiều muốn về nhà mẹ đẻ mà không được về. Dù nhà chồng bán tín bán nghi về đứa trẻ trong bụng cô nhưng họ vẫn nhất quyết giữ lấy.

Nhà nào ở làng Cù cũng đông người, còn đông hơn nhà Chiều. Mẹ chồng bảo thôn có hơn sáu chục nóc nhà nhưng phải gần bảy trăm con người cả già lẫn trẻ. Vì thôn toàn người Mông, ai cũng biết nhau. Thôn này, nhà nào nhà ấy chỉ trồng ngô nấu rượu và nuôi gà đen, bán cho người buôn ngoài phố huyện. Ngô xanh miên man phủ khắp các triền núi xuống tận bờ sông Chảy. Dưới chân ngô là bầy gà đen lích rích kiếm ăn. Người ta đánh dấu phần đất của nhà mình với nhà bên cạnh bằng rặng mận tam hoa. Bên kia nương ngô nhà Chiều là đất của người Dao, là xã khác, huyện khác rồi. Đất đai tươi tốt thế, mà dân vẫn nghèo, thì chả phải tại đông con là gì.

Những ngày tháng trôi miên man, nhiều khi Chiều còn không nhớ thứ nào, tháng nào cả. Cũng không ai nói về việc Chiều đi hay ở. Nhưng mỗi lần Chiều gấp quần áo cho hai mẹ con là kiểu gì mẹ chồng cũng thò cổ vào buồng. Mắt bà nhìn Chiều như đe. Rằng cứ ở yên đấy, đợi chồng mày về.

Bố mẹ chồng cô không phải là người xấu hay quá đỗi ghê gớm. Tuy nhiên, việc chồng cô bỏ nhà đi sớm quá, cô như cái bát lẻ loi trong chạn không có người dùng, như bắp ngô để quên trên gác bếp. Chiều lại còn quá trẻ, quá mẫn cảm với nỗi cô đơn mà cô không đáng phải chịu đựng.

Hôm nay là ngày cu Sóc tròn ba tuổi, nghĩa là Phù đã bỏ nhà đi hơn ba năm rồi. Chiều ngồi yên lặng mép giường, nhìn thằng Sóc say ngủ. Nhìn chán thì cô quờ tay, vơ quần áo của hai mẹ con nhét đại vào cái cở để trên chiếc ghế gỗ. Gấp làm gì. Chiều cũng không ngẩng đầu lên khi thấy tiếng bước chân quen thuộc đi về phía buồng cô. Cô cứ nhìn vào mặt con như thể thằng Sóc là điểm tựa duy nhất cho cô trong lúc này.

- Thu xếp quần áo đồ đạc đi. Nhà này không giữ con nữa!

Chiều sững người, từ từ ngẩng đầu nhìn mẹ chồng. Môi cô tái mét, cô vội quỳ gối, chắp tay, lắp lắp:

- Con xin mẹ, cho... cho con ở lại đây đợi Phù!

- Thôi, con về nhà đi, chắc gì thằng Phù đã trở về. Chẳng phải con vẫn mong ngày mong đêm được về Hoàng Thu Phố đấy sao? Con gái đi lấy chồng mà cứ muốn về nhà mẹ, thì ai còn muốn giữ!

Chiều hết nhìn thằng Sóc đang ngủ say, lại nhìn mẹ chồng. Cô đoán, nhà chồng cô sẽ giữ thằng bé lại. Làm sao cô có thể ra đi mà không có con? Nước mắt Chiều giàn giụa. Tiếng mẹ chồng cô chợt cắt ngang suy nghĩ của cô:

- Con cứ đem thằng Sóc đi. Nếu sau này lấy chồng, không nuôi được thì lại đem về đây!

Chiều run bần bật, cô lật đật đứng dậy, vơ quần áo thằng Sóc và quần áo của mình. Không kịp gấp. Không kịp gì cả. Cứ vơ từng mớ từ cỡ này nhét sang cỡ kia. Rồi luống cuống tìm cái địu. Giống như con chim đứng trước cánh cửa lồng hé mở, nếu không nhanh, cánh cửa sẽ khép lại.

* * *

Tiếng ông trưởng ban văn hóa xã oang oang:

- Nhà có cỗ hả? Mọi người lại đây, ai tinh mắt nhìn xem có phải thằng Phù không?

Mọi người nghe nhắc đến tên Phù thì chạy hết ra sân.

- Cỗ bàn gì đâu, ai dám cỗ bàn. Có mấy cô chú trên Tả Củ Tỷ xuống chơi. Nhà đông người sẵn!

Chủ nhà vừa phân trần vừa nhìn vào cái điện thoại ông trưởng ban văn hóa xã cầm khư khư trên tay. Mọi người xán cả lại. Ông trưởng ban văn hóa trịnh trọng bấm bấm vuốt vuốt cái điện thoại mỏng dính nhưng to đùng, nom rất hiện đại. Trên màn hình có những bức ảnh mờ mịt nhưng chỉ cần nhìn qua là con Si đã gật đầu lia lịa. Anh Phù đấy. Chả anh Phù thì ai? Mẹ lại nhìn xem!

Trong ảnh là một thanh niên tóc dài râu rậm, người gầy gò hốc hác đang đứng xếp hàng ngang cùng ba người nữa như thể đứng để cho người ta chụp ảnh.

Tiếng ông trưởng ban văn hóa vẫn oang oang như cái loa. Tối qua thằng con nhà này xem báo mạng, thấy có người nhắc tên huyện mình thì vội xem. Nó bảo nom giống thằng Phù ở làng Cù xã mình. Tôi thì mắt kém, từ lâu vẫn dùng mắt nó để đọc cái nọ cái kia, đợi sáng ra, phi lên ủy ban xã để báo cáo. Đến nơi thì đã có công văn gửi về thật. Cả đêm qua, bụng tôi toàn nghĩ, họ nhầm lẫn gì đó, chứ làng Cù làm gì có thằng nào trông gớm ghiếc như thổ phỉ thế. Nó cùng mấy thằng nữa bị bộ đội biên phòng bắt từ sáng hôm chủ nhật, cho đi cách ly luôn rồi. Hơn chục ngày nữa mà không bận gì thì sẽ được thả về. Thấy bảo làm ăn bên kia bị chủ quỵt tiền còn đánh cho nên bàn nhau trốn về. Tôi biết ngay mà. Bao nhiêu anh bỏ nhà đi, bỏ vợ bỏ con đi, cứ tưởng đi ôm của thiên hạ mang về tiêu xài, rồi hóa ra bị lừa, mất tích luôn. Dịch bệnh bùng phát cái là lù lù kéo nhau về. Thôi cô chú xác nhận đúng thằng Phù nhà mình là được rồi.

Ông trưởng bản ra đến cổng. Chủ nhà bẽ bàng nói với theo:

- Nếu có công văn gửi vào cách ly, chú bảo thằng Phù khi về thì về luôn Hoàng Thu Phố nhé!

Ông trưởng ban ngoái cổ, có vẻ không hiểu, nhưng vẫn cứ gật đầu và lên xe phóng đi, ra cái vẻ vội vàng lắm. Ừ thì từ khi dịch bệnh toàn cầu, các ông bà cán bộ ở đây đều thế cả. Vội vội vàng vàng.

Khách khuất dạng rồi, bà chủ nhà nguýt chồng:

- Nó mà về, sẽ về Hoàng Thu Phố, có khi còn ở luôn bên ý, còn mất con!

- Mất con là tại bà, chưa gì đã đuổi con dâu đi!

- Ông đừng đổ tiếng ác, tôi đuổi nó bao giờ? Nó muốn về thì tôi cho về chứ! Thế tôi hỏi ông, ai là người nhiếc móc thằng Phù “mày giỏi thì làm nhà ở riêng ra cho rộng”.

- Thế ai bảo nó chê nhà chật?

* * *

Đường vào Hoàng Thu Phố mùa này ngô trải thảm xanh rợp các triền núi. Hương ngô dìu dịu mơn man trong gió. Qua những triền ngô, là bập vào rừng chè cổ thụ, gốc to hơn cái cột nhà, thân mốc trắng. Tán chè to rộng như một bầu trời con râm mát. Bố Chiều bảo, những cây chè ở đây có cây gần hai trăm tuổi rồi đấy, người ta giữ gìn cây chè cổ thụ như giữ gìn báu vật tiên tổ. Nếu như ở thôn Tả Thồ, người Dao tự hào với những rừng thông, rừng quế bạt ngàn, thì ở thôn của Chiều, Quán Dín Ngài, đồng bào Mông tự hào với cây chè cổ thụ. Hoàng Thu Phố là nơi cao nhất của cao nguyên trắng. Nơi lạnh nhất về mùa đông và mát nhất vào mùa hè. Từng ngọn cỏ ở đây cũng tươi tốt. Chả thế mà đàn trâu béo núc, đàn lợn, đàn dê đông đúc nhất vùng. Gần bốn năm ở nhà chồng, Chiều như người bị giam lỏng, giờ trở về Hoàng Thu Phố, ở bên bố mẹ, chị em ruột, Chiều như cái cây được mưa gội cho xanh tốt. Mới đầy năm, trông Chiều béo trắng ra, gái chưa chồng còn phải ghen tỵ. Thì Chiều mới có hai bốn tuổi thôi mà.

Sáng nọ, đang vắt vẻo trên cây hái chè giúp mẹ. Tiếng một đứa con trai cất lên ấm áp. Chiều từ trên tán chè nhìn xuống, không thấy người, chỉ thấy tiếng:

- Anh muốn gọi em là ban mai, là binh minh, chứ không muốn gọi em là Chiều đâu nhé. Ơi ban mai!

Chiều rùng mình nhận ra tiếng Lầu. Đứa trai ngày trước theo đuổi Chiều suốt nhưng nhà nghèo quá, còn nghèo hơn nhà Phù, hai lần bà mối đến, bố Chiều đều từ chối khéo. Khi ấy Chiều còn dại, nào đã biết gì. Còn bây giờ, nghe mẹ kể, nhà Lầu khá lắm rồi, Lầu chí thú làm ăn, nuôi trâu, nuôi lợn rừng và gà đen, có mấy năm mà đã xây được nhà to. Trong giọng mẹ còn chứa đầy sự tiếc nuối. Chiều lựa lời nói vọng xuống:

- Em là gái đã có chồng, làm sao mà ban mai được nữa!

Lầu nhảy ra khỏi bụi mua, ngước mắt nhìn Chiều đắm đuối. Rồi không đợi Chiều đồng ý. Lầu chạy đến bên gốc chè, chỉ nhún chân một cái, bật lên, tay đu cành, là Lầu đã ở trước mặt Chiều.

- Anh xuống đi, hỏng hết chè em!

- Không, chè này phải hái hai người. Búp chè phải xao khi còn tươi mới thơm ngon. Để anh giúp em. Mình em hái lâu lắm!

- Nhưng mà...

- Đừng nhưng gì nữa. Họ đã trả tự do cho em rồi. Mà như họ có bắt đền, thì anh sẽ đền. Bao nhiêu cũng đền!

- Thế còn Phù?

- Phù không bao giờ trở về nữa. Chả phải Phù đã biệt tăm gần năm năm rồi hay sao? Cu Sóc đã bốn tuổi rồi còn gì!

Vừa nói, Lầu vừa bạo dạn nắm tay Chiều, thì thầm:

- Anh đã đợi em cả trăm năm! Đám cưới của chúng mình sẽ to nhất Hoàng Thu Phố. Ở bên anh, em sẽ không bao giờ phải khóc!

Chiều nhìn xuống con đường uốn quanh triền núi, mắt rưng rưng. Cô rụt rè rút tay ra, ngượng ngùng:

- Có người kìa!

- Kệ người!

Lầu ngoái cổ nhìn xuống con đường. Đúng là có một bóng người đàn ông ăn mặc rất lạ, đang mải miết bước. Chắc trai phố vào bản tìm mua gì thôi. Nhưng Chiều vẫn hốt hoảng giục:

- Anh xuống đi! Gẫy cành bây giờ. Bây giờ em chưa muốn nói chuyện!

Không hiểu sao, gần đây, cứ mỗi lần thấy bóng ai trên con đường về bản, Chiều đều tưởng tượng đó là Phù. Nghe tiếng đàn môi ai đó thổi, Chiều cũng nôn nao nhớ đến những ngày mới đến bên nhau. Nếu Phù trở về, thế nào Phù cũng về Hoàng Thu Phố tìm cô. Vì ý nghĩ dai dẳng này mà Chiều không muốn cho Lầu đến gần mình quá. Tự nhiên, Chiều nhớ đến đêm hôm ấy, Phù nói, “nhà ta có nghèo quá không?”. Lúc ấy Chiều cứ nghĩ Phù nói mơ thôi.

Trên đường về, Lầu cứ nghĩ mãi. Nhất định phải nghĩ ra cách khiến cho Chiều thích mình. Khó như kiếm được nhiều tiền tại chính núi rừng này mà Lầu còn làm được cơ mà. Con gái Hoàng Thu Phố, đứa nào cũng đỏng đảnh vậy.

* * *

Tiếng đàn môi cứ mỗi lúc thêm gần, thêm rõ. Như có gì đó xui khiến, Chiều tụt xuống, đứng dưới gốc chè chờ đợi. Con đường ngay dưới kia, người ấy và tiếng kèn môi ấy nhất định sẽ đi qua. Giữa bình minh đầy ánh mặt trời và tiếng chim hót thế này, thì dẫu là Chiều đang mơ, cô vẫn muốn tận hưởng giấc mơ ấy.

Truyện ngắn của Tống Ngọc Hân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]