(vhds.baothanhhoa.vn) - Giữa thời công nghệ số, nhắc đến tem thư dường như đã lạc hậu!? Nếu không có cuộc thi Viết thư quốc tế UPU, liệu học sinh có biết đến tem thư?

Học sinh và câu chuyện tem thư thời công nghệ số

Giữa thời công nghệ số, nhắc đến tem thư dường như đã lạc hậu!? Nếu không có cuộc thi Viết thư quốc tế UPU, liệu học sinh có biết đến tem thư?

Học sinh và câu chuyện tem thư thời công nghệ sốBài dự thi Cuộc thi Viết thư quốc tế UPU của học sinh Trường Tiểu học Minh Khai 1 (TP Thanh Hóa). Ảnh nhà trường cung cấp

Vừa qua, hơn 1.000 học sinh ở Trường Tiểu học Minh Khai 1 (TP Thanh Hóa) đã tham gia cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lần thứ 53. Cũng như nhiều học sinh khác trong trường, 41 học sinh lớp 5A6 rất hào hứng với cuộc thi này. Tuy nhiên, năm nay có khác hơn mọi năm, học sinh sẽ tự viết bì thư và tự dán tem. Cô giáo Lê Thị Ngoan, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A6 cho biết: “Lớp 5 là lớp anh, chị trong trường nên sẽ tự tay làm những công đoạn này. Trước đó, khi đến với cuộc thi, giáo viên không chỉ hướng dẫn, hỗ trợ về cách viết mà còn giải thích cho học sinh biết về tem thư. Các em sinh ra và lớn lên khi công nghệ đã phát triển, nếu không giải thích về tem thư, chắc chắn các em sẽ không hiểu ý nghĩa con tem thế nào”.

Tem có in tranh ảnh, giá tiền, dùng để dán lên các bưu phẩm làm chứng từ và cước phí. Mỗi con tem được xem như một tác phẩm nghệ thuật thu nhỏ mà ở đó từ hình thức đến nội dung đều phong phú, hấp dẫn. Đặc biệt hơn, mỗi con tem được đánh giá như một chứng minh thư của mỗi dân tộc, ghi nhận lại lịch sử, văn hóa và nhiều yếu tố của mỗi quốc gia.

Viết thư quốc tế UPU là một cuộc thi do Liên minh Bưu chính thế giới tổ chức thường niên từ năm 1971, dành cho học sinh từ 9 - 15 tuổi. Thông qua cuộc thi này, giúp học sinh hiểu hơn về ngành bưu chính trong cuộc sống và phát triển xã hội đồng thời thể hiện suy nghĩ, trách nhiệm của bản thân đối với xã hội, đất nước và thế giới...

Một cuộc thi viết thư tay, theo đó không thể thiếu phong bì và tem. Giữa thời công nghệ số, khi thư tay đã được thay bằng thư điện tử thì cuộc thi Viết thư quốc tế UPU dường như đang tái hiện lại ký ức thời gian. Và quả thực, nếu không có cuộc thi này thì học sinh của thời công nghệ khó mà biết thế nào là con tem. Hà My, học sinh lớp 7B, Trường THCS Nguyễn Chích (Đông Sơn) bộc bạch: “Em tham gia cuộc thi từ năm lớp 4 và đây cũng là lần đầu tiên em được nhìn thấy con tem. Lên THCS, em cũng như bạn bè cảm nhận rõ hơn về ý nghĩa của tem thư. Qua cuộc thi, nhiều bạn trong lớp tỏ ra rất thích thú với tem, thậm chí có bạn, sau mỗi cuộc thi Viết thư quốc tế UPU lại cất đi một con tem”.

Không chỉ Hà My mà rất nhiều học sinh khác, lần đầu tiên được nhìn thấy tem thư chính là khi các em đến với cuộc thi Viết thư quốc tế UPU. Ở đó, cảm xúc có thể không giống nhau nhưng chắc chắn không thể thiếu sự tò mò, thích thú và hơn thế là muốn khám phá những điều còn chưa biết về con tem. Câu chuyện của Hà Việt Tú, học sinh lớp 9B, Trường THCS Ban Công (Bá Thước) là ví dụ.

Dù được biết đến con tem từ năm lớp 4, khi lần đầu đến với cuộc thi Viết thư quốc tế UPU nhưng phải 2 năm sau đó, Hà Việt Tú mới chính thức “say” tem. Cuộc “say” cũng bắt đầu từ cuộc thi này. Việt Tú kể: “Bước vào lớp 6, cũng tại cuộc thi Viết thư quốc tế UPU, nhà trường có giới thiệu về con tem trước toàn học sinh trong buổi chào cờ. Lần đó, không hiểu sao lại kích thích sự tò mò của em về tem. Tình cờ 1 lần xuống đọc sách ở thư viện nhà trường, em bắt gặp cuốn Tạp chí Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin, trong đó có rất nhiều thông tin về tem thư. Cũng từ đó, em bắt đầu tìm hiểu tem và tìm kiếm nó”.

Học sinh và câu chuyện tem thư thời công nghệ sốTem Song long cước, một trong những mẫu tem về chọi gà phát hành năm 2000 đã được học sinh Hà Việt Tú sưu tầm. Ảnh: VIỆT ANH

Chưa hẳn là đam mê nhưng tem đã thực sự có sức hút đối với Hà Việt Tú. Sau gần 4 năm tìm kiếm, đến nay em đã thu về cho bản thân hơn 20 con tem Việt Nam, được phát hành vào các năm: 1946, 1957, 1990, 2001... Hà Việt Tú cho biết thêm: “Ấn tượng nhất với em đó là con tem in trên chất liệu giấy dó có hình Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng qua 1 số tài liệu, em được biết đã in được tem nổi, loại tem này được phủ thêm một lớp nhựa cứng hoặc dẻo để tạo bề mặt nổi. Người mù cũng có thể cảm nhận được hình thù trên chiếc tem này. Rất tiếc, em lại chưa được thấy nó”.

Còn nhớ ở TP Nha Trang (Khánh Hòa), có một người thầy đã tiên phong đưa tem vào trường học để làm đồ dùng dạy học cho học sinh. Ông tên Ngụy Như Ánh. Khi còn công tác ở một trường học tại TP Nha Trang, thầy giáo Ánh đã trình bày các trang tem trên bàn cho học sinh tham quan với đầy đủ các nội dung về lịch sử, văn hóa... Bằng cách này, sẽ giúp học sinh hứng thú hơn với bài học và cũng dễ nhớ hơn.

Tại Thanh Hóa, nhất là từ sau khi COVID-19, các câu lạc bộ tem hoạt động rời rạc, không có nhiều sự gắn kết giữa các thành viên. Hội tem tỉnh cũng chưa tổ chức đại hội dù đã quá nhiệm kỳ. Vậy nên, với giới trẻ, đặc biệt là học sinh, các em biết đến tem thư giữa thời công nghệ số, có chăng là qua cuộc thi Viết thư quốc tế UPU, như chia sẻ của thầy giáo Nguyễn Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường THCS Ban Công (Bá Thước): “Khi các em tham gia cuộc thi này, giáo viên Tổng phụ trách Đội của nhà trường cũng đã giới thiệu các em về tem thư. Tại sao phải làm như vậy, vì thời công nghệ số, học sinh gửi thông tin cho nhau qua các ứng dụng nhắn tin nhanh trên mạng xã hội như zalo, fcebook... Học sinh hiện nay gần như không biết con tem là gì, không biết tại sao phong bì lại dán tem mới gửi được đi? Theo tôi, khi tham gia một cuộc thi về bưu chính, chắc chắn không thể không giới thiệu đến học sinh về con tem được. Rất cần thiết”.

Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]