“Hồn làng” trong bức tranh nông thôn mới
Nông thôn mới đã đem đến sự đổi thay cho nhiều làng quê nông thôn. Là công sở, trường học, trạm y tế khang trang, đường làng sạch sẽ... Nhưng bên cạnh đó, nhìn lại quá trình XDNTM, người ta cũng băn khoăn tự hỏi, trong diện mạo “bức tranh mới” ấy, “hồn làng” đang được gìn giữ như thế nào?!
Nhờ cách làm đúng trong XDNTM đã tạo nên bức tranh đẹp cho nhiều làng quê.
1. Trong tâm thức người Việt, khi nhắc đến hai chữ “hồn làng”, ta gợi nhớ đến cây đa, giếng nước, sân đình - những “biểu tượng” thấm sâu vào tâm hồn những thế hệ, trở thành niềm cảm hứng văn thơ. Đó dường như là nơi mỗi người ngoái nhìn lại sau những quyết định xa quê lập nghiệp, cũng là sự chộn rộn nhớ đến cồn cào trong những năm tháng đi xa. Để rồi khi có dịp trở về, dẫu bộn bề công việc, ai đó vẫn phải dạo một vòng quanh làng, thăm lại đình làng, soi bóng mình trong giếng làng, múc một gầu nước mát lành... Chí ít, để thấy mình đã thực sự trở về, được “tắm” mình trong bình yên quê hương.
Trải qua thăng trầm thời gian với vô vàn sự biến đổi, bức tranh làng quê nông thôn với những “biểu tượng” tưởng chừng như bất biến cũng đang từng bước thay đổi ở nhiều miền quê. Những mái đình cổ kính rêu phong vì nhiều nguyên do, hoặc đã không còn, hoặc còn nhưng vì xuống cấp trầm trọng mà chẳng được gìn giữ, trùng tu, không người ghé thăm; lễ hội mai một... từ đó mà trở nên xa lạ. Rồi những giếng làng tấp nập, rộn ràng tiếng cười nói một thuở của người làng trong mỗi buổi chiều đi làm về cũng dần biến mất sau khi “hoàn thành sứ mệnh”. Có chăng tất cả chỉ được nhắc đến trong lời kể của những bậc cao niên, rằng xưa kia, ở làng có một cái giếng thật lớn, nước trong vắt, mát lành, người cả làng đều ra đó gánh nước về dùng...
Đời sống thay đổi, việc những “biểu tượng” của làng đã hoàn thành “sứ mệnh” hữu dụng cũng là điều dễ hiểu. Bởi giờ đây, khi mà đường nước máy đã đến từng cổng nhà dân, mấy ai còn sức để đi gánh nước. Và cuộc sống bận rộn, người ta cũng chẳng còn nhiều thời gian ghé đình làng mỗi ngày... Nhưng còn “sứ mệnh” tinh thần của những biểu tượng ấy - liệu có thể dễ dàng đánh mất?!
Những biểu tượng ấy, ông cha ta đã từng phải chắt chiu, dốc sức và dồn tinh hoa mới có thể tạo dựng. Những đình làng với cột đình vững chãi, vòng tay người lớn ôm chẳng xuể, kết hợp với những bức, mảng chạm khắc gỗ tinh xảo, sống động... từng là niềm tự hào của biết bao thế hệ người dân trong làng. Hay để đào được giếng làng, là những chọn lựa vị trí kỹ lưỡng, nhọc nhằn... Và hẳn người xưa, khi đào giếng, xây đình, trồng cây, đã gửi gắm tâm tư, cả hy vọng, về những công trình để đời, trường tồn với thời gian.
Nhưng rồi, bên cạnh việc lấp giếng, ở không ít làng quê, nhiều kiến trúc đình làng nếu có còn tồn tại, cũng chưa được quan tâm đúng mức. Đã có vô vàn lý do được biện minh cho sự xuống cấp của công trình kiến trúc tâm linh, trong đó phổ biến nhất vẫn là thiếu kinh phí?! Và trong khi, người dân kêu khó, địa phương kêu khó... thì trải nắng mưa thời gian, những công trình kiến trúc ấy, ngày càng xuống cấp, quạnh vắng, trở nên xa lạ với chính cộng đồng nơi nó hiện hữu.
Chưa kể, kiến trúc làng quê nông thôn cũng đang từng bước thay đổi. Những nếp nhà ngói truyền thống trăm năm đã dần nhường chỗ cho nhà bê tông hiện đại. Điều đáng nói, ngay cả nhà hiện đại thì cũng “mỗi nhà một vẻ”, từ nhà Thái đến Nhật, Pháp... Tôi từng đọc một bài viết, có kiến trúc sư đã nhận định, đại ý: Bức tranh làng quê nông thôn đang được “vẽ” lại - sạch đẹp nhưng thiếu vắng linh hồn. “Linh hồn” làng quê được nhắc đến, có lẽ là sự hài hòa vốn có của kiến trúc truyền thống. Từ những công trình kiến trúc tín ngưỡng tâm linh, công trình mang dấu ấn cộng đồng, cảnh quan làng quê, đến kiến trúc nhà ở... Mọi thứ đang được “vẽ” lại một cách... tùy hứng.
Và trước hiện trạng bức tranh làng quê nông thôn ở nhiều miền quê hiện nay, nhiều người không khỏi nuối tiếc. Đó không chỉ là sự nuối tiếc cây đa, giếng nước, sân đình, mà rộng hơn, là sự tiếc nuối một miền quê với những thanh bình, mát rượi của ao làng, hàng cây... của những thứ tưởng chừng tạo nên “bản sắc” của làng thì giờ đây đã ít nhiều mai một, vắng bóng.
2. Tuy nhiên, thực trạng đó không phải là tất cả. Ở nhiều địa phương, nhờ những dốc sức, đồng lòng và định hướng rõ ràng, bức tranh làng quê nông thôn đang được vẽ với những bố cục và gam màu tươi sáng. Bức tranh ấy, không chỉ tạo nên vẻ đẹp riêng của làng quê, mà còn tác động trực tiếp, làm thay đổi đời sống của người dân địa phương, theo chiều hướng tích cực.
Quê tôi, một làng quê được bồi đắp bởi phù sa sông Mã. Một vùng quê đã có lịch sử lập làng đến cả nghìn năm. Vùng quê ấy, vẫn được ngợi ca là “địa linh nhân kiệt” và với sự thuận tiện nhiều mặt, quê tôi còn được xem là trung tâm giao thương, buôn bán của người trong vùng suốt nhiều thế kỷ. Đặc biệt, khi cầu Nguyệt Viên nối đôi bờ sông Mã được bắc, quê tôi lại gần thêm với TP Thanh Hóa sầm uất. Khái quát như vậy để thấy rằng, quê tôi có đầy đủ các yếu tố cho sự phát triển và cả đô thị hóa.
Quê tôi cũng là một trong những địa phương “đi đầu, về sớm” trong quá trình XDNTM. Nhờ XDNTM, diện mạo làng quê nông thôn đã thực sự đổi thay.
Những công trình kiến trúc tâm linh và sinh hoạt văn hóa là một trong những điểm nhấn tạo nên “hồn làng”.
Cũng như nhiều làng quê nông thôn, XDNTM khiến cho hệ thống đường giao thông ở quê tôi hoàn toàn thay đổi. Từ đường lớn đến ngõ nhỏ, được mở rộng và thảm nhựa phẳng lì. Ngay cả những ngõ xóm vốn được xem như “heo hút”, hoang rậm nhất trong làng trước đây, cũng nhờ tinh thần - vật chất cùng chung tay trong XDNTM, giờ đây đã có một diện mạo thật khác.
Quê tôi cũng là một miền quê văn vật với sự hiện hữu của nhiều công trình kiến trúc tín ngưỡng tâm linh. Từ đình, đền, chùa, nhà thờ dòng họ... cả thảy có hơn 10 di tích đã được xếp hạng. May mắn, trong quá trình biến đổi của xã hội, các di tích vẫn được giữ gìn, trùng tu kịp thời... Những công trình kiến trúc ấy, không chỉ mang ý nghĩa tâm linh mà còn là “điểm tựa” tinh thần cho người dân quê.
Nhắc đến quả ngọt của quá trình XDNTM ở quê tôi, đó còn là bức tranh làng quê được tạo điểm nhấn bởi những ao làng một thuở từng bị bỏ quên thì giờ đây đã được kè bờ sạch đẹp, soi bóng dừa xanh mát... Không gian ấy, là nơi nghỉ ngơi, vui chơi của người già, trẻ nhỏ trong làng vào mỗi chiều hè nóng bức. Và dĩ nhiên, ai đó khi về đến làng, thấy cảnh sắc ấy, đều sẽ thấy lòng bình yên! Quê tôi, được ngợi ca là miền quê đáng sống - không chỉ trong mắt những vị khách ghé thăm làng, mà còn trong nhận thức của mỗi người dân sống trong không gian ấy.
Bức tranh - hồn làng - là niềm tự hào của người dân quê tôi. Và bức tranh ấy cũng đang được vẽ ở nhiều miền quê khác, nhờ sự định hướng, cách làm phù hợp.
XDNTM không phải là “đập đi xây lại”, cũng không phải là thay cái cũ bằng cái mới. Đó là quá trình “kiến tạo” dựa trên sự hài hòa của cái cũ - cái mới. Ở đó, những thứ được xem là “bản sắc” của bức tranh làng quê, cần được coi trọng, giữ gìn...
Bài và ảnh: Trang Bùi
- 2024-11-05 10:17:00
Xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em
- 2024-11-05 09:23:00
615 ứng viên đạt chuẩn Giáo sư, Phó Giáo sư năm 2024
- 2024-11-03 10:12:00
Hương lúa quê nhà
Hội thi “Thủ lĩnh tài năng" và Liên hoan các mô hình sáng tạo trong truyền thông
Đổi thay ở bản biên giới Xắng Hằng
Bản tin Tài chính 3/11: Giá vàng tuần tới được dự báo như thế nào?
Dự báo thời tiết ngày 3/11: Thanh Hóa sáng sớm có sương mù, ngày nắng
Lượm lặt chuyện ở Bệnh viện Ung bướu
Nhọc nhằn nghề chài lưới trên dòng Mã giang
Hương mía ngọt lịm trong tim
Đồng hành cùng Nhân dân trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giữ yên biên giới
Bản tin Tài chính 2/11: Giá vàng đồng loạt giảm, cửa hàng bán vàng nới lỏng quy định mua