(vhds.baothanhhoa.vn) - Huy Trụ sinh năm 1950 tại làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huy Trụ tham gia quân đội, xuất ngũ về làm báo Văn hóa Thông tin Thanh Hóa. Là hội viên Hội VHNT Thanh Hóa, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện anh làm Trưởng ban đại diện báo Gia đình - Xã hội Bắc Trung Bộ. Đến nay, anh đã có hàng chục tập thơ ra mắt bạn đọc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Huy Trụ: Đổ bao vướng vít vào lòng...!

Huy Trụ sinh năm 1950 tại làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Huy Trụ tham gia quân đội, xuất ngũ về làm báo Văn hóa Thông tin Thanh Hóa. Là hội viên Hội VHNT Thanh Hóa, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Hiện anh làm Trưởng ban đại diện báo Gia đình - Xã hội Bắc Trung Bộ. Đến nay, anh đã có hàng chục tập thơ ra mắt bạn đọc.

Giải thưởng văn học: Giải Nhì (không có giải Nhất) HLHVHNT Việt Nam năm 1993 cho tập thơ Lời của gió, Giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi thơ lục bát Báo Giáo dục và Thời đại năm 1996 - 1998 với bài thơ Cỏ giao mùa. Giải Nhì thơ 5 năm 1990 - 1995 của tỉnh Thanh Hóa...

Thơ Huy Trụkhá đa dạng. Thơ thế sự trăn trở, ưu tư. Thơ tình yêu tinh tế, lắng đọng. Đọc thơ Huy Trụ, chẳng biết có gì, mỗi câu thơ thật giản dị, gõ vào trái tim ta một điều gì đó, và ta nhớ... Đó là những giây phút thăng hoa, là những tiếng thổn thức của trái tim đang khát khao yêu, là thứ âm nhạc trong nhịp điệu du dương đi từ thẫn thờ đến đứt nối:“Một ngày lạ lắm không em/Hạt mưa như cũng cho riêng một người/ Tiếng mưa đứt, nối thành lời/ Lời quên bỏ giữa một trời không em” (Không đề).

Sự thành công trước hết trong các thi phẩm là nhờ tác giả biết khai thác được những tứ thơ thật độc đáo. Tập thơ Miền riêng tôi; Thức trong mơ... với hàng trăm bài thơ là một điệu tâm tình; từ nhiều cung bậc của đời sống tâm hồn xoay quanh tâm điểm yêu thương. Huy Trụ có cách diễn đạt về tình yêu thật dễ thương: “Mới hay, dẫu chỉ một ngày/ Không em, nửa trái đất này... chung chiêng” (Một ngày).

Tiếp tục cái nguồn mạch ấy, tập thơ “Thức trong mơ” gồm 40 bài, có sự kế thừa và phát triển mới mẻ trong cách thể hiện. Tác phẩm dày đặc những chi tiết đắt giá, tuyển lọc từ vốn sống của một tư duy văn chương nhạy cảm và từng trải. Lúc trữ tình đằm thắm, da diết, cộng thêm cái táo bạo, giàu liên tưởng và chỉn chu gọt giũa rất tinh tế giấu trong cái vẻ tự nhiên. “Đổ bao vướng vít vào lòng/ Vẫnkhông lấp được khoảng mong một người” (Ngẫu hứng). Tài hoa của người viết là ở chỗ khai thác chi tiết đến tận cùng, để từ chi tiết ấy mà người đọc chạm đến tận cùng những nỗi niềm, những trồi sụt của kiếp người trong dâu bể đa đoan: “Gom hết ngày đông vào vạt áo/ Thả hết nắng hồng xuống gótson/ Mùa xuân nhu nhú mơn man gió/ Đồi mơ men ủ búp căng tròn”.

Ở đây nhà thơ như kẻ si tình. Mạch thơ cứ quấn quýt lấy nhau và thăng hoa theo từng hơi thở, người đọc như bị cuốn vào những rung cảm của người thợ đẽo lũa tài hoa kia. Những nút thắt cứ tự nhiên dần dần ép nhau lên đến đỉnh điểm; “xuân nhu nhú; ủ búp căng tròn”. Thực lòng tôi rất tôn trọng những phút xao lòng, lã lơi không hiếm hoi trong cuộc sống. Dường như đó là điều không thể khác được và chẳng bao giờ mất đi, dù ai cũng biết rằng biên giới của sự phải - trái, dại - khôn thật mong manh, sương khói. Cảm tình nhau để lạc vào huyền ảo. Đắm đuối nhau ở cung bậc cao hơn thì đâu dễ dàng nhận thấy. Thế mới thú vị và cảm phục những câu thơ trên của anh.

Đặc biệt hơn, thơ Huy Trụ ngổn ngang những hoài niệm, ăm ắp những ngang dọc của thời hiện hữu. Đọc thơ anh ta có thể ngộ ra cái “tâm”của cuộc đời, của đất nước, của thời đại. Những ồn ả bán mua, những đỏ đen thế sự được cập nhật qua từng lát cắt tinh nhạy của câu và chữ trong thơ: “Giữa dòng trong đục ngổn ngang/ Bao nhiêu phẩm giá bày sàng bán, mua...”.

Huy Trụ viết nhiều về sông. Con sông Mã: Chả bao giờ sông bình lặng em ơi/Cả những lúc lòng sông phơi trắng cát/ Không sóng nổi chồm bờ thì sóng ngầm xoáy đất/ Đừng thấy trăng lên lơ đễnh gác con sào (Sông Mã). Ba câu tưởng chừng tưng tửng, không ai ngờ câu thứ tư chứa đựng một triết lý hết sức sâu xa, tất cả gói trong câu: “Đừng thấy trăng lên lơ đễnh gác con sào”... Huy Trụ thâm trầm suy tưởng và đắng xót đời thường. Câu thơ anh thẳm thẳm một nỗi buồn nhân thế: “Ở đất này dámchấp nhận cùng nhau/ Một câu nói nửa rừng nửa biển”; “Đừng thấy trănglên lơ đễnh gác con sào”; được Huy Trụ nhắc nhở tất cả mọi người, mọi thời, giá trị nhân văn là khi mất mát, đau đớn của người này tạo nên tấm biển chỉ đường để làm cho người khác cháy lên. Bài thơ Sông Mã của anh đã có đời sống riêng, vượt khỏi tầm “kiểm soát” của tác giả. Bài thơ không cần một giải thưởng danh giá nào, vẫn có một chỗ đứng trong số những bài thơ hay nhất thế kỷ 20; đã làm nên một nhà thơ trong lòng bạn đọc, một tên tuổi không mấy ai quên!

Khi viết về quê hương và những kỷ niệm học đường luôn là những kỷ niệm tươi nguyên ấm lòng, nó sống, da diết trong tiềm thức tháng năm. Bài thơ “Cỏ giao mùa”càng khẳng định rằng, giọng thơ của Huy Trụ trẻ trung tươi tắn bởi tình yêu. Tình yêu cộng hưởng tuổi học trò, ẩn sâu trong từng câu chữ của anh những thầm thì, những du dương say đắm. Huy Trụ mạnh ở cảm xúc, những phát sáng trong thơ anh có lẽ bắt đầu từ đây: Sân trường vẫn cỏ ngày xưa/ Vẫn là giọt nắng, giọt mưa thuở nào/ Ghế thì thấp, bàn thì cao/ Đâu rồi vết mực tím vào áo em/ Góc nào bị phạt đứng nghiêm/ Thầy không vui bởi tôi quên học bài/ Em bưng miệng khúc khích cười/ Giỗi hơn, tôi chẳng thèm chơi, em buồn!/ Năm dạy lớn, tháng dạy khôn/ Ta bươn trải giữa thị trường bán mua/ May mà vẫn có ngày xưa/ Sân trường cỏ vẫn giao mùa... gọi ta (Cỏ giao mùa).

Thơ của Huy Trụ là vậy, cấu trúc gọn, ý tưởng được bộc lộ ngay theo từng tuyến nhân vật, giọng thơ nhẹ nhàng thủ thỉ tâm sự cùng ta về cái thiện, cái ác, cái ân tình, hiếu nghĩa cuộc sống thường nhật của cõi người. Từ cái triết lý sống ấy Huy Trụ đã bước những bước dài trên con đường nhọc nhằn, gian khổ của cái nghiệp chữ nghĩa mà người viết phải “dấn thân”: “Thơ là rượu của thế gian/ Phải đâu nước lọc rót tràn mời nhau.../ Cho đời nhớ được một câu/ Bạc đầu người viết, chắc đâu đã thành/ Thơ như quả chín treo cành/ Lại là lá đắng chữa lành vết đau.”(Gửi bạn làm thơ).

Có thể nói, đối tượng trữ tình ám ảnh nhất với nhà thơ Huy Trụ là nhân vật “em”. “Em” của Huy Trụ gắn với mùa xuân: Chút xuân, Tìm xuân, Khúc tự xuân, Em đến, Dịu dàng xuân, Khúc xuân Thị Mầu, Nghĩa xuân... Thơ tình của Huy Trụ dễ gieo vào lòng người ta một nỗi bâng khuâng mơ hồ, khói sương bảng lảng, nhà thơ thật khéo biết tạo dư âm và một chiều sâu cho tác phẩm. “Ào xuống nước, thả vai trần em tắm/ Ngọc trai nào sánhvới thịt da em”(Ngẫu hứng Sầm Sơn), hay “Tóc em thả suốt con đường/ Để anh toàn nhặt nỗi buồn vu vơ/ Em về như bóng mây trôi/ Quờ tay, chiếc lá đã rơi về chiều”(Em về thành phố). Thơ tình của Huy Trụ có nhiều giọng điệu. Ngoài chất lãng mạn trong sáng, nó như là một nhu cầu không thể thiếu “Chỉ tại khuôn trăng đầy đặn quá/ Một tầm tay với chạm vào hoa”(Giá em), hoặc “Em đẹp quá để ta thành ngơ ngẩn/ Cúc mùa thu vàng tím cả sang đông”.

Thế đấy, khi người ta yêu thì không nghi ngờ bất cứ điều gì, có khiđây đó còn có cả sự nhục cảm, nồng thắm đắm đuối được vùi sâu nhờ những uyển chuyển khéo léo của chữ nghĩa. Nhà thơ như người kể lại câu chuyện của mình, chậm rãi, da diết, khắc khoải. Và chắc hẳn nhiều người đã và đang yêu sẽ thấy thi sĩ nói hộ lòng mình: Đa mang nào phải đa tình/ Trót yêu đào huyệt trôn mình mà yêu...

Bài thơNếu em không đến, Huy Trụ lại có cảm nhận tinh tế, ngậm ngùi, anh đã tìm ra cái quy luật muôn một thật yếu đuối dễ thương, dễ mềm lòng, nhưng rất đàn ông, những trực giác khắc khoải, vẫn nhẫn chịu để được yêu, không cháy hết mình sẽ không viết được câu thơ này.“Bông hoa kia nở trước thềm/ Con chim kia cứ hót truyền cành xanh/ Nếu em không đến với anh/ Thì thiên nhiên ấy chả thành gì đâu/ Hạt mưa còn biết tìm nhau/ Cớ chi em lại lắc đầu với anh”. Lại nữa “Cái hôn đến cả trong mơ/ Thì em đừng bắt anhchờ nữa em!”. Mới hay, tình yêu cho đến muôn đời vẫn là điều bí ẩn dẫu đã được nói đi nói lại rất nhiều.

Ở một phần khác, tất nhiên là vô cùng quan trọng, anh yêu quý hết mực ngôi nhà ấm áp của mình. Huy Trụ có những câu thơ ấm áp viết về con, về gia đình. Trong tổ ấm của nhà thơ, phụ nữ chiếm ¾ và anh đã trân trọng, kiêu hãnh về điều đó: “Có em lòng bớt ganh đua/ Bớt đi thù hận, bất hòa nhỏ nhen/... Giữa trời giữa đất bao la/ Chẳng là gì cả? Em là vợ Anh”. Người vợ với Huy Trụ không đơn thuần chỉ là người vợ bổn phận mà còn là người tri ân, tri kỷ: “Một ngày, mới đó xa em/ Mà anh cứ ngỡ đã là bao năm/... Mới hay, dẫu chỉ một ngày/ Không em, nửa trái đất này... chung chiêng...” (Một ngày).

Một trong những thành công của Huy Trụ là hầu hết các bài thơ đều rất giàu nhạc điệu, cách gieo vần cũng rất tự nhiên. Các vần bằng trắc bỗng trở nên ngọt ngào, dễ thương, xoắn luyến quấn quýt với nhau như lứa đôi tình tự. Tôi nghĩ Huy Trụ đã làm trọn cái phẩm hạnh của một thi nhân luôn đứng về phía cái đẹp. “Sau bao chìm lấp, nổi nênh/ Sóng xô bạc mặt, thác vênh lòng thuyền/Chỉ còn trong vạt áo em/ Để tôi tìm lại một miền riêng tôi” (Miền riêng tôi).

Nhà thơ, ở thời nào, nếu để lại cho đời được một bài thơ, một câu thơ hay đều đáng quý. Đọc xong những tập thơ của nhà thơ Huy Trụ, tâm hồn ta trong trẻo và thánh thiện. Nhiều bài thơ anh viết như một đoạn phim ngắn có nhân vật, có sự kiện, lại giàu ngôn ngữ hình tượng, câu chữ vừa đủ để khắc sâu cái đẹp vào độc giả. Những câu hỏi lớn muôn đời cứ thăm thẳm dựng bên trời. Những câu thơ viết ra từ gan ruột, cứ ùa vào người đọc với đồng cảm lớn. Thơ anh hay là vậy. Thế mà anh vẫn còn biết bao khắc khoải trong lòng: “Lâu rồi chẳng muốn làm thơ/ Trước trang giấy cứ vẩn vơ một mình/ Câu thơ vốn rất đa tình/ Lòng như suối cạn sao đành với thơ”.

Lần giở bài thơ hay cần đọc lại, tôi mỉm cười vì Huy Trụ đã gọi đích danh tâm can những câu thơ mà anh viết: “Đổ bao vướng vít vào lòng/ vẫn không lấp được khoảng mong một người”. Nên “Cả đời vun nắng gạt mây/ Trông trời, trông đất chọn ngày ươm reo”. Trời ạ! Huy Trụ đã găm được cả cái sự “vướng vít”; “Cái giàu có ẩn trong từng con chữ ấy đến với sự rộng lớn của nhân thế và bạn đọc ở muôn nơi”. Tất cả đã làm nên một nhà thơ Huy Trụ. Xin chúc mừng anh.

Triều Nguyệt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]