(vhds.baothanhhoa.vn) - Nguyễn Chích - bậc khai quốc công thần nhà Hậu Lê. Nhắc đến ông, hậu thế nhớ đến tòa thành thiên tạo Hoàng Nghiêu hay thành Nguyễn Chích độc đáo. Nhà bác học Lê Quý Đôn trong sách Kiến văn tiểu lục đã viết: “Bề tôi có công khai quốc, kể về bậc tài trí cần lao không phải là hiếm, nhưng sở dĩ vua Cao Hoàng (vua Lê Thái Tổ) bình định được cả nước là do mưu của Lê Chích (Nguyễn Chích)...”. Cũng bởi công lao to lớn, mà Nguyễn Chích còn được ban quốc tính (họ vua).

Khai quốc công thần Nguyễn Chích: “Công lao đầy biên quận, sự nghiệp đầy triều đình”

Nguyễn Chích - bậc khai quốc công thần nhà Hậu Lê. Nhắc đến ông, hậu thế nhớ đến tòa thành thiên tạo Hoàng Nghiêu hay thành Nguyễn Chích độc đáo. Nhà bác học Lê Quý Đôn trong sách Kiến văn tiểu lục đã viết: “Bề tôi có công khai quốc, kể về bậc tài trí cần lao không phải là hiếm, nhưng sở dĩ vua Cao Hoàng (vua Lê Thái Tổ) bình định được cả nước là do mưu của Lê Chích (Nguyễn Chích)...”. Cũng bởi công lao to lớn, mà Nguyễn Chích còn được ban quốc tính (họ vua).

Khai quốc công thần Nguyễn Chích: “Công lao đầy biên quận, sự nghiệp đầy triều đình”Đền thờ khai quốc công thần Nguyễn Chích ở làng Vạn Lộc, xã Đông Ninh.

Từ đất Vạn Lộc

Làng Vạn Lộc nay thuộc xã Đông Ninh (Đông Sơn) nổi danh vùng đất “Văn vật danh hương”. Đây chính là quê hương của danh tướng xứ Thanh Nguyễn Chích - nhân vật lịch sử có những sáng tạo và nhãn quan quân sự độc đáo khiến người đương thời và hậu thế kính nể.

Theo sử liệu, Nguyễn Chích (sinh năm 1383) sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, bố mẹ mất sớm. Từ nhỏ ông đã sớm tự lập mưu sinh, không ngại vất vả đi chăn trâu cho các gia đình trong làng ở khu vực núi Hoàng, núi Nghiêu. Lớn lên trong những biến động của đất nước cuối thế kỷ XIV đầu thế kỷ XV, chứng kiến sự thất bại của nhà Hồ trước quân Minh xâm lược, rồi chính sách cai trị hà khắc của kẻ xâm lược khiến Nhân dân ta lầm than... tất cả đã tác động đến suy nghĩ và lựa chọn con đường lập thân của chàng trai trẻ Nguyễn Chích ở đất Vạn Lộc.

Không chấp nhận người dân phải chịu lầm than dưới sự cai trị tàn độc của quân xâm lược, Nguyễn Chích đã tập hợp lực lượng, dựng cờ khởi nghĩa ngay trên quê hương Vạn Lộc. Theo sách Địa chí huyện Đông Sơn: “Cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo đã khởi đầu cho một phong trào đấu tranh chống quân Minh xâm lược lớn nhất ở Thanh Hóa, trước khi khởi nghĩa Lam Sơn bùng nổ”. Trên quê hương Vạn Lộc, những đồn lũy, doanh trại nhanh chóng được lập nên, hoạt động, chiến đấu sôi nổi khiến “Một cõi Đông Sơn, quân giặc không dám đến cướp phá”, thanh thế của thủ lĩnh Nguyễn Chích lan ra khắp vùng.

Trở về vùng đất cổ hôm nay, dẫu cho đồn lũy, doanh trại không còn. Nhưng còn đó những tên gọi, địa danh: cồn Pháo, cồn Cán Cờ, cồn Voi, cồn Binh, cồn Luyện, cồn Tam quân, cồn Lưỡi kiếm...

Đến tòa thành Hoàng Nghiêu

Căn cứ Vạn Lộc tuy vững mạnh, nhưng với nhãn quan quân sự, thủ lĩnh Nguyễn Chích sớm nhận ra vùng đất này không đủ cơ sở để mở rộng, phát triển cuộc khởi nghĩa. Nhờ sự am hiểu vùng đất phía Nam xứ Thanh, với những núi Hoàng, núi Nghiêu từ những ngày chăn trâu cắt cỏ, sau nhiều tính toán, cuối cùng Nguyễn Chích đã quyết định chọn khu vực núi Hoàng - Nghiêu (Đông Sơn, Nông Cống, Quảng Xương) làm nơi xây dựng căn cứ khởi nghĩa mới. Địa thế căn cứ mới có núi cao, sông sâu, nhiều hang động và thung lũng: “Ông Chích lợi dụng trong đó lấy núi làm thành, mượn sông làm hào. Thành tuy không được bằng phẳng cho lắm nhưng ra vào thì khó mà lường được. Từ đó mà đánh giặc, một người giữ chỗ hiểm mà trăm người không thể địch lại được... Hễ tướng nhà Minh đến thì giữ chỗ hiểm để cố thủ, tướng nhà Minh đi thì đón đánh, do đó quân giặc sợ không dám đem quân đến đánh” (theo sách Thanh Hóa tỉnh chí).

Cố nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ trong bài “Di tích lịch sử Hoàng Nghiêu sơn, tòa thành đá hùng vĩ” đã viết: “Thành đá Hoàng Nghiêu của tướng quân Nguyễn Chích là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo trong kiến trúc xây dựng thành đá dựa vào thiên nhiên, lợi dụng một công trình núi non hùng vĩ của tạo hóa để thay sức người hữu hạn trong thế giới vô hạn. Thành xây chủ yếu bằng đá xếp “hòn trên đè hòn dưới, hòn dưới chống hòn trên”, tạo nên thế vững chắc”.

Thanh thế của nghĩa quân và khởi nghĩa do Nguyễn Chích lãnh đạo nhanh chóng lan rộng ra khắp vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ, được người dân hưởng ứng nhiệt tình, khiến giặc Minh hoảng hốt tìm cách trấn áp. Lúc bấy giờ, nơi núi rừng Lam Sơn, Bình Định Vương Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa. Cảm mến tài trí của Nguyễn Chích nên đã cho người đến mời về. Và năm 1420, thủ lĩnh Nguyễn Chích rời căn cứ Hoàng Nghiêu, đem toàn bộ lực lượng gia nhập nghĩa quân Lam Sơn, trở thành dũng tướng dưới trướng Bình Định Vương Lê Lợi.

Trước sự vây ráp và dã tâm của kẻ xâm lược, vùng đất Lam Sơn và phía Tây xứ Thanh lúc bấy giờ khó có thể bảo toàn lực lượng để phát triển cuộc khởi nghĩa. Trước sự lo lắng “Chúng ta sẽ đi về đâu để lo việc nước” của Bình Định Vương Lê Lợi, bằng tài năng của mình, danh tướng Nguyễn Chích đã hiến kế: “Nghệ An là nơi hiểm yếu, đất rộng người đông. Tôi đã từng qua lại Nghệ An nên thông thuộc đường đất. Nay ta trước hãy đánh lấy Trà Long, chiếm giữ cho được Nghệ An để làm chỗ đất đứng chân, rồi dựa vào nhân lực, tài lực ấy mà quay ra đánh Đông Đô thì có thể tính xong việc nước” (theo sách Địa chí huyện Đông Sơn).

Theo sử liệu, nghe theo đề xuất của tướng Nguyễn Chích, nghĩa quân Lam Sơn đã chuyển hướng tiến vào Nghệ An. Chỉ trong thời gian ngắn đã nhanh chóng làm chủ một vùng rộng lớn. Từ “bàn đạp” này tiến công ra Đông Đô, quét sạch quân xâm lược, làm nên nghiệp lớn. Đánh giá về đóng góp to lớn của danh tướng xứ Thanh Nguyễn Chích trong khởi nghĩa Lam Sơn, nhà bác học Lê Quý Đôn trong sách Kiến văn tiểu lục đã không tiếc lời ngợi ca: “Bề tôi có công khai quốc, kể về bậc tài trí cần lao không phải là hiếm, nhưng sở dĩ vua Cao Hoàng bình định được cả nước là do mưu của Lê Chích (tức Nguyễn Chích)... Không cần phải đánh mà hạ được thành Đông Đô, lấy hòa hiếu để kết liễu chiến tranh, tuy là mưu kế của Nguyễn Trãi, nhưng trước hết làm cho căn bản mạnh để thu lấy thắng lợi hoàn toàn thực là bắt đầu từ Lê Chích”.

Không chỉ có công lớn trong khởi nghĩa Lam Sơn. Khi vương triều Hậu Lê được sáng lập, danh tướng Nguyễn Chích chứng tỏ tài năng trận mạc khi nhiều lần được nhà vua tin tưởng giao trọng trách dẹp loạn, trấn giữ vùng biên ải, khiến tướng giặc chỉ nghe tên đã sợ hãi... Bởi vậy, sau khi ông mất (năm 1448) đã được nhà vua sai người soạn văn bia “Quốc triều tá mệnh công thần bi” khắc ghi công đức. Văn bia do Trình Thuấn Du soạn có viết: “Than ôi! Công lao sự nghiệp lớn như thế là bởi ông lập chí bền, thấy sự việc sớm trù tính vận dụng kín đáo, ứng biến mau lẹ, cho nên mới hay: Lời trung nghĩa cảm hóa tướng sĩ, lấy đức độ chiêu phục người biên giới xa xôi, giữ được thành trì bị cô lập nơi cõi tuyệt làm rào dậu cho một phương. Công lao đầy biên quận, sự nghiệp đầy triều đình, là gương sáng cho thiên hạ soi chung”.

Ngày nay, ở làng Vạn Lộc, xã Đông Ninh (Đông Sơn) còn quần thể di tích mộ, đền thờ khai quốc công thần Nguyễn Chích và văn bia Quốc triều tá mệnh công thần bi. Ông Nguyễn Văn Bằng, công chức Văn hóa xã hội xã Đông Ninh cho biết: “Lăng mộ, đền thờ và văn bia liên quan đến danh tướng Nguyễn Chích đã được xếp hạng Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Làng Vạn Lộc và vùng quê Đông Ninh tự hào là quê hương của danh tướng Nguyễn Chích tài năng. Hàng năm vào ngày kỵ (giỗ) của ông (26-11 âm lịch) con cháu trong dòng họ, Nhân dân địa phương cùng nhau trở về di tích tưởng nhớ người xưa. Đền thờ, bia, mộ Nguyễn Chích cũng là điểm đến tham quan của du khách xa, gần”.

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]