(vhds.baothanhhoa.vn) - Một cuộc sống tối giản mà ở đó loại bỏ những vật dụng không cần thiết, những suy nghĩ tiêu cực,... đang được nhiều người trẻ áp dụng vì những lợi ích nhất định mà nó mang lại.

Khi người trẻ chọn sống... tối giản

Một cuộc sống tối giản mà ở đó loại bỏ những vật dụng không cần thiết, những suy nghĩ tiêu cực,... đang được nhiều người trẻ áp dụng vì những lợi ích nhất định mà nó mang lại.

Khi người trẻ chọn sống... tối giảnKhông gian sống thoáng, không nhiều vật dụng theo lối sống tối giản.

Biết cách loại bỏ và sắp xếp

Sống tối giản là một trào lưu thịnh hành trong giới trẻ Nhật, ảnh hưởng đến giới trẻ Việt trong những năm gần đây và được nhiều người áp dụng. Tối giản là một khái niệm mở, không chỉ áp dụng cho đồ đạc, vật chất mà còn cả tinh thần. Đó là việc loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực, mối quan hệ không tốt cho bản thân, giữ lại những gì thực sự cần thiết, những điều quan trọng khiến bản thân vui vẻ và thoải mái. Một cuộc sống tối giản sẽ bao gồm việc tạo nên không gian sống đơn giản, suy nghĩ đơn giản. Tối giản không đồng nghĩa với việc sống tiết kiệm, hạn chế yếu tố vật chất như chi tiêu ít hơn hay hạn chế mua sắm mà chủ yếu đề cập đến lối sống về mặt tinh thần.

Những ưu tiên về sự vui vẻ, thoải mái chính là điều mà giới trẻ thích khi lựa chọn lối sống này. Để giảm áp lực, căng thẳng trong cuộc sống, Nguyễn Thu Trà, một nhân viên văn phòng ở TP Thanh Hóa đã lựa chọn lối sống tối giản. Theo đó, Trà đã thay đổi thói quen chi tiêu, sinh hoạt thường nhật. Ngoài ra, để thay đổi suy nghĩ theo hướng tích cực, cô cố gắng loại bỏ những thứ không cần thiết để tìm được cảm giác bình yên, thoải mái... “Một trong những đặc trưng của người sống tối giản chính là biết cách loại bỏ và sắp xếp. Chúng tôi chấp nhận bỏ đi những thứ cồng kềnh và hướng đến những đồ vật nhiều tính năng tiện ích vượt trội, hiện đại hơn”, Trà cho biết.

Theo kinh nghiệm của Trà, nhiều người thường lầm tưởng tối giản là loại bỏ hết những món đồ đang sở hữu. Nhưng thực chất, sống tối giản là mọi người có thể tận dụng sắp xếp và bắt đầu cuộc sống theo ý thích của mình, loại bỏ bớt những thứ rườm rà. Trà tập thói quen sống tối giản bằng cách sửa chữa và tái sử dụng đồ cũ, tham gia các chương trình, hoạt động tái chế, sống xanh,... nhằm giúp bản thân tìm kiếm tính năng mới cho những món đồ cũ, hoặc trao đổi những món đồ không còn dùng đến và mang về những món đồ mình cần.

Bên cạnh đó, để kiên trì với lối sống tối giản, Trà còn tự tạo thử thách với “10 ngày sống tối giản”, “1 tuần sống xanh”, “1 tuần không dùng túi ni lông”,... hay những kế hoạch cụ thể như “ngày 1, sàng lọc, dọn tủ quần áo, chỉ giữ lại 5 - 6 bộ. Ngày 2, bỏ ra những thứ không cần thiết trong túi xách, ba lô. Ngày 3, không sử dụng thiết bị điện tử trong một ngày...”.

Khi người trẻ chọn sống... tối giảnLan lựa chọn lối sống tối giản vì những lợi ích mà nó mang lại.

Cùng quan điểm với Trà, Hà Thị Lan, sinh viên Trường Đại học Hồng Đức cũng lựa chọn lối sống tối giản. Lan cho biết: “Với nhịp sống ngày càng nhanh, em thấy có rất nhiều bạn trẻ đã và đang bị cuốn vào việc mua sắm quá nhiều đồng thời họ giữ lại rất nhiều đồ đạc và những thứ không thực sự cần thiết. Đôi khi họ sẽ cảm thấy ngột ngạt bởi chính không gian mà họ đang sống. Vậy nên, lối sống tối giản có thể giúp em và các bạn trẻ giải quyết được những vấn đề này”. Để thực hiện điều đó, Lan bắt đầu bằng việc cắt giảm những vật dụng không cần thiết, tạo không gian sống xanh cho bản thân. Lan học cách trân trọng những gì mình đang có và tận hưởng cuộc sống theo cách đơn giản nhưng ý nghĩa hơn. “Ngoài ra, tối giản trong cách ăn mặc cũng là một thay đổi tích cực mà em cảm thấy hữu ích. Em nghĩ các bạn trẻ không nên mua sắm theo cảm hứng hay chạy theo mốt nhất thời, mà cần chọn những trang phục cơ bản, dễ phối hợp và phù hợp với phong cách riêng. Điều này không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn khiến chúng em cảm thấy tự tin, thoải mái hơn”, Hà Thị Lan cho biết thêm.

Tiết giản nhu cầu về vật chất

Với Nguyễn Văn Đức ở thị trấn Bút Sơn (Hoằng Hóa) thì việc lựa chọn lối sống tối giản chính là để giảm áp lực cho bản thân. Theo Đức, với những người trẻ như anh thì nhu cầu chi tiêu cho bản thân luôn ở mức cao. Anh nói: “Nhìn thấy bạn bè dùng điện thoại đời mới, mình cũng sẽ nỗ lực để có thể mua nó. Rồi mình cũng muốn đổi xe, đổi quần áo cho hợp mốt, dù có những đồ dùng mua về để đó... Những nhu cầu đó nhiều khi vượt quá khả năng tài chính của bản thân khiến mình cảm thấy mệt mỏi, áp lực”.

Từ ngày chọn lối sống tối giản, Đức học cách tiết giảm nhu cầu về vật chất, ưu tiên hoạt động tinh thần như học thiền, yoga, thể thao... Sau khoảng 1 năm với lối sống tối giản, anh đã tiết kiệm được một số tiền nhất định, số tiền đó anh dành để mua quà biếu những người thân yêu và cho kế hoạch tương lai của mình. Anh chia sẻ: “Tôi thích cuộc sống hiện tại, không quá áp lực và cảm thấy vui vẻ mỗi buổi sáng thức dậy. Việc không quá áp lực về nhu cầu vật chất khiến đầu óc thoải mái, công việc của tôi cũng thuận lợi hơn và nhiều ý tưởng mới mẻ ra đời...”.

Theo các chuyên gia tâm lý, với một số người trẻ việc lựa chọn lối sống tối giản chính là cách để họ giảm bớt áp lực cuộc sống, điều chỉnh bản thân theo hướng tích cực, đó là khi nhu cầu về vật chất cao hơn so với thực tế tài chính khiến họ cảm thấy căng thẳng, mệt mỏi... Lối sống này giúp các bạn trẻ chi tiêu hợp lý, tiết kiệm nhất là chi tiêu vào những trải nghiệm ý nghĩa, tránh được lối suy nghĩ “sở hữu nhiều hơn, hạnh phúc hơn”. Ngược lại, lợi ích của lối sống tối giản có thể cảm nhận ngay được ở việc tiết kiệm chi phí, tiết kiệm thời gian, tạo không gian sống thoáng đãng, gọn gàng, cho phép dành nhiều thời gian nuôi dưỡng sức khỏe, tinh thần...

Bài và ảnh: Phan Thị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]