(vhds.baothanhhoa.vn) - Bước vào hôn nhân, có người phụ nữ nào lại không mong muốn được người bạn đời yêu thương, chia sẻ và chở che. Vậy nhưng thực tế, xã hội dù phát triển, vẫn có không ít phụ nữ chân yếu tay mềm bị chính người chồng của mình bạo hành đau đớn. Và ngay cả khi chẳng may là nạn nhân của bạo hành gia đình, không ít phụ nữ vẫn băn khoăn, lựa chọn im lặng hay lên tiếng?

Khi phụ nữ bị bạo hành: Im lặng hay lên tiếng?

Bước vào hôn nhân, có người phụ nữ nào lại không mong muốn được người bạn đời yêu thương, chia sẻ và chở che. Vậy nhưng thực tế, xã hội dù phát triển, vẫn có không ít phụ nữ chân yếu tay mềm bị chính người chồng của mình bạo hành đau đớn. Và ngay cả khi chẳng may là nạn nhân của bạo hành gia đình, không ít phụ nữ vẫn băn khoăn, lựa chọn im lặng hay lên tiếng?

Khi phụ nữ bị bạo hành: Im lặng hay lên tiếng?Theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Hường, nạn nhân bị bạo hành gia đình rất cần phải lên tiếng.

Phụ nữ là để yêu thương. Nhưng rồi, chính tôi đã tận mắt nhìn thấy những vết thương bầm tím trên cơ thể và cả gương mặt của những người phụ nữ. Đó là hậu quả của những cú “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”, rồi “lên gối”, đánh, đấm... như đấu võ của chính những người được gọi là chồng. Tôi hiểu, đâu đó trong cuộc sống thường ngày, phụ nữ vẫn là nạn nhân của bạo hành gia đình.

Tháng 11/2022, khi chị N.T.H. quê Minh Lộc (Hậu Lộc) tìm đến Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa để được hỗ trợ, trên cơ thể đã chi chít những vết thương bầm tím. Trong suốt những năm tháng sống cùng chồng, có với nhau đã 3 đứa con, vậy nhưng chị không thể nhớ nổi đã bao nhiêu lần bị chồng đánh đập tàn bạo. Vết sẹo này chưa liền thì vết thâm kia đã xuất hiện. Thậm chí, theo lời kể của chị với nhân viên Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa, có những thời điểm cứ 2 ngày chị lại bị chồng đánh một lần, không cần lý do. Anh ta thường “mượn cớ” say rượu, ghen tuông, gia đình hết tiền... để trút những “hận thù” thú tính lên thân thể vợ.

Vốn dĩ suốt bao năm, chị N.T.H. vẫn cứ “cắn răng” chịu đựng khi bị chồng đánh đập, vì chị nghĩ “số mình khổ”, rồi cố sống vì các con... Vậy nhưng, những đau đớn thể xác và ảnh hưởng tâm lý đã vượt quá sức chịu đựng của người phụ nữ lam lũ, tảo tần. Chị muốn sống, muốn được giải thoát khỏi cuộc hôn nhân bất hạnh của chính mình.

Cách đây vài tháng, chị H. ở thị trấn Tân Phong (Quảng Xương) gọi điện lên số tổng đài của Ngôi nhà Ánh Dương (18001744) lúc nửa đêm để cầu cứu. Qua điện thoại, chị H. cho biết người chồng sau khi uống rượu về say xỉn đã “nắm tóc chị đập đầu xuống nền nhà khiến chảy máu”. Sau cơn choáng váng vì đau đớn, chị H. quyết định gọi đến Ngôi nhà Ánh Dương để được tư vấn hỗ trợ. Theo thông tin chị H. chia sẻ, gia đình chị không thiếu thốn về kinh tế, chồng chị cũng được xem là người có học thức. Vậy nhưng anh ta vẫn thường đánh vợ mỗi lần say xỉn hay không vừa ý chuyện gì. Liên tiếp những lần bị chồng đánh đập khiến chị H. đau đớn cả thể xác, ám ảnh về tâm lý.

Câu chuyện của chị N.T.H. ở xã Minh Lộc hay chị H. ở thị trấn Tân Phong chỉ là hai trong số nhiều trường hợp phụ nữ đã, đang là nạn nhân của bạo hành gia đình.

Chị Trần Thị Thúy, nhân viên công tác xã hội tại Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa, cho biết: “Kể từ khi chính thức đi vào hoạt động từ háng 1/2022 đến hết tháng 8/2023, Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa đã tiếp nhận 30 trường hợp bị bạo lực trên cơ sở giới. Trong đó có 18 phụ nữ và 12 trẻ em (đi cùng mẹ). Hầu hết phụ nữ là nạn nhân của bạo hành gia đình khi đến đây đều trong tình trạng khá bi đát. Cơ thể bầm tím, đau đớn và tinh thần hoảng loạn. Nhiều người còn chia sẻ, nếu không phải nghĩ đến con, có lẽ đã quyên sinh rồi(!). Đáng nói, các nạn nhân bị bạo hành nhiều lần, trong thời gian dài...”.

Ông Trương Hải Dương - Giám đốc Trung tâm cung cấp dịch vụ Công tác xã hội tỉnh Thanh Hóa, nhìn nhận: “Ngôi nhà Ánh Dương là địa chỉ hỗ trợ, giúp đỡ nhóm dân số dễ bị tổn thương, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em có nơi tạm lánh an toàn khi bị bạo lực về giới. Tôi cho rằng, con số 30 người (mẹ và con) đến Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa để được hỗ trợ thời gian qua chưa phản ánh hết tình trạng bạo lực trong gia đình hiện nay. Hầu hết phụ nữ khi tìm đến Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa đều đã trong tình trạng cơ thể nhiều thương tổn, bị bạo hành trong thời gian dài, họ gần như không thể tiếp tục chịu đựng thêm nữa, mọi thứ với họ thực sự bế tắc. Trong khi đó, một kết quả điều tra quốc gia công bố năm 2021 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 1 người (32%) bị chồng bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục. Đặc biệt, có đến trên 90% phụ nữ khi bị bạo lực gia đình không tìm kiếm sự giúp đỡ... Điều này có nghĩa, không ít phụ nữ vẫn đang âm thầm chịu đựng đau đớn khi bị bạo lực gia đình”.

Khi phụ nữ bị bạo hành: Im lặng hay lên tiếng?Nạn nhân bạo lực gia đình được hỗ trợ tạm lánh tại Ngôi nhà Ánh Dương Thanh Hóa.

Cũng theo ông Trương Hải Dương, bên cạnh những người tìm đến Ngôi nhà Ánh Dương để được hỗ trợ trực tiếp, thì mỗi ngày, tổng đài của trung tâm cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại mong được tư vấn tìm lời khuyên để giải quyết tình trạng bạo lực gia đình. Qua tổng đài tư vấn, các nạn nhân chia sẻ nhiều vấn đề nhức nhối và đau lòng về chuyện bị bạo hành của bản thân. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, họ lại không dám “công bố”, đối diện trực tiếp nỗi đau, bất hạnh của mình.

Còn theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Hường, Tổng Giám đốc Công ty CP Đào tạo và Tư vấn tâm lý hạnh phúc Việt: "Bạo lực gia đình là vấn đề nhức nhối vẫn đang âm thầm diễn ra trong xã hội hiện đại. Ngày nay, dù vai trò, vị thế của người phụ nữ đã được khẳng định; xã hội cũng dành cho người phụ nữ nhiều tôn vinh trong các ngày lễ, kỷ niệm. Cùng với đó, không ít đàn ông cũng đã thể hiện được trách nhiệm gia đình và dành sự yêu thương với người bạn đời của mình".

Tuy nhiên đáng buồn, vẫn còn không ít phụ nữ, bất hạnh và đớn đau ngay trong chính nơi gọi là nhà - tổ ấm của chính mình. Có một câu khá hay, rằng nhà là nơi bão dừng sau cánh cửa. Nhưng thực tế, không ít phụ nữ khi về nhà, là bước vào nơi đầy “bão giông”, mệt mỏi. Trung bình mỗi ngày, cá nhân tôi nhận được không dưới 20 cuộc điện thoại nhờ tư vấn. Không ít nạn nhân dường như đã không thể chịu đựng thêm nữa, họ quẩn quanh với câu hỏi, có nên chấm dứt cuộc hôn nhân bất hạnh chính mình.

Bạo lực gia đình không chỉ là vấn đề bạo hành về thể xác, mà còn bạo lực tình dục, bạo hành tinh thần... Nếu như bạo lực thể xác hiển hiện ra bởi những tổn thương cơ thể, có thể dần khỏi qua thời gian; thì bạo lực tinh thần dù âm thầm nhưng có sức sát thương khủng khiếp hơn rất nhiều, để lâu ngày, nó khiến nạn nhân rất dễ rơi vào suy nhược, trầm cảm...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình. Tuy nhiên, bất luận là nguyên do gì, việc một người đàn ông bạo hành vợ mình là điều không thể chấp nhận.

Và theo chuyên gia tâm lý Lê Thị Hường: “Khi phụ nữ bị bạo hành gia đình, rất cần phải lên tiếng. Gia đình là nơi để mỗi thành viên thể hiện trách nhiệm, tình yêu thương với các thành viên khác, không phải nơi để người phụ nữ chịu đựng đau đớn. Tuy nhiên, lên tiếng phải đúng lúc và đúng người. Cuộc sống hôn nhân, hiếm có gia đình nào không trải qua ít nhiều mâu thuẫn dẫn đến tranh cãi. Với những mâu thuẫn thường gặp, người phụ nữ nên là người biết tiết chế cảm xúc, hạn chế to tiếng dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Và khi lên tiếng, hãy tìm đến những người thật sự tin tưởng, chuyên gia uy tín... để họ có thể cho mình những lời khuyên hữu ích, gợi mở hướng giải quyết triệt để vấn đề”.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]