Khó khăn trong dạy môn Công nghệ
Công nghệ là môn học bắt buộc trong giai đoạn giáo dục cơ bản, là môn học lựa chọn thuộc nhóm công nghệ và nghệ thuật trong giai đoạn giáo dục định hướng nghề nghiệp. Một môn học thiết thực giúp học sinh hình thành những kiến thức hữu ích trong cuộc sống. Trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, môn học này được thực hiện từ lớp 3 đến lớp 12. Quá trình thực hiện, bên cạnh những thuận lợi cũng đặt ra nhiều vấn đề khó...
Tiết dạy Công nghệ của cô giáo Nguyễn Thị Minh tại lớp 10B7 trường THPT Đào Duy Từ.
Từ nội dung chương trình...
Năm học 2023-2024 là năm học thứ 2 cô giáo Phạm Thị Phương, hiện là giáo viên chủ nhiệm lớp 3B ở Trường Tiểu học (TH) thị trấn Vĩnh Lộc (huyện Vĩnh Lộc) được phân công dạy thêm môn Công nghệ lớp 3.
Qua giảng dạy thực tiễn và quá trình tập huấn, nghiên cứu sách, cô giáo Phương cho rằng, phân môn Công nghệ lớp 3 của bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”, các chủ đề học tập gần gũi với học sinh TH, gắn với cuộc sống hằng ngày của các em nên dễ trải nghiệm và khám phá... Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất lớp học tương đối đầy đủ (1 tivi, 1 máy tính/lớp), phục vụ tốt cho việc dạy học theo Chương trình GDPT 2018.
Tuy nhiên, phân môn này cũng đặt ra nhiều khó khăn đối với cả cô và trò. Trước hết, về phía học sinh, vì đây là phân môn mới nên các em còn bỡ ngỡ trong việc chủ động tiếp cận kiến thức. Về phía giáo viên, nguồn tài liệu còn hạn chế, không có nhiều video tiết dạy tham khảo nên khó có được một tiết dạy sinh động, lôi cuốn đối với học sinh. Về sách giáo khoa, theo cô giáo Phương, một số chủ đề mà sách đề cập không còn phù hợp. Cô cho biết: “Tôi ví dụ như bài “Máy thu thanh”. Hiện loại máy này không còn phổ biến trong các gia đình, do đó học sinh ít được tiếp xúc nên gây khó khăn trong việc hiểu cũng như tiếp thu. Hoặc bài “Máy thu hình” ở hoạt động 3, thiết nghĩ một số chương trình truyền hình nên kết hợp luôn phần cho học sinh kể thêm một số kênh mà các em hay xem, vì những kênh mà sách giáo khoa đề cập, một số học sinh sẽ không theo dõi hoặc không có hứng thú với những chương trình đó...”.
Không chỉ bậc TH, đối với môn Công nghệ bậc THCS, cũng đặt ra một số khó khăn, nhiều ý kiến cho rằng, môn học này nội dung kiến thức khá nhiều, trong khi đó thời lượng thực hành vận dụng kiến thức còn hạn chế, một số nội dung khó dạy. Đối với bậc THPT, chương trình còn nặng tính hàn lâm, nhiều phần tương đối khó với nhiều kiến thức mới... Là giáo viên dạy môn Vật lý kiêm môn Công nghệ, cô giáo Nguyễn Thị Minh, giáo viên Trường THPT Đào Duy Từ (TP Thanh Hóa) cho hay: “Đơn cử như môn Công nghệ lớp 10, phần vẽ kỹ thuật có nhiều nội dung mà học sinh khó tiếp cận vì đòi hỏi học sinh phải có trí tưởng tượng và vật thể vẽ lên bản vẽ phải có tính trừu tượng. Cụ thể như bài 11, hình chiếu trục đo, nội dung hướng dẫn vẽ hình khá phức tạp, học sinh khó tiếp thu và chỉ vẽ được những vật thể có cấu tạo đơn giản, không phù hợp để vẽ vật thể có cấu tạo phức tạp”.
...đến đội ngũ giáo viên
Nhìn nhận thực tế, đối với môn Công nghệ Chương trình GDPT 2018, hiện nay các trường học trên địa bàn tỉnh đang đối diện với thực trạng thiếu giáo viên và trang thiết bị dạy học. Về giáo viên, do thiếu cục bộ nên phần lớn dạy kiêm nhiệm, rất ít trường có giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành. Cũng như nhiều trường TH khác trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc, tại Trường TH thị trấn Vĩnh Lộc, giáo viên môn Công nghệ do giáo viên văn hóa trực tiếp dạy. Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Đỗ Thị Ca cho biết: “Thời gian qua, việc bồi dưỡng giáo viên chủ yếu bằng hình thức học trực tuyến nên khó tương tác, thực hành, giáo viên khó lĩnh hội các phương pháp mới về áp dụng trong giảng dạy. Trong khi đó, môn học không phải do giáo viên chuyên ngành dạy nên khó tránh những hạn chế...”. Theo Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ, thầy giáo Chu Hồng Văn, cho biết: “Về môn Công nghệ, nhà trường không có giáo viên được đào tạo bài bản. Để đáp ứng Chương trình GDPT 2018, không còn cách nào khác, nếu là môn Công nghệ nông nghiệp thì lấy giáo viên Sinh học để dạy, còn nếu môn Công nghệ công nghiệp thì lấy giáo viên môn Vật lý. Phải kiêm nhiệm thêm một bộ môn, đó cũng là áp lực lớn đối với giáo viên”.
Học sinh lớp 3B, Trường TH thị trấn Vĩnh Lộc với môn Công nghệ.
“Giáo viên dạy môn Công nghệ rất hiếm”, đó là chia sẻ của cô giáo Phạm Thị Hoa, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú (TP Thanh Hóa) khi tại ngôi trường này, trong tổng số 20 lớp học thì chỉ có duy nhất 1 giáo viên có liên quan một phần nhỏ về môn Công nghệ, đó là giáo viên dạy môn Hóa - Địa. Hiệu trưởng Phạm Thị Hoa trải lòng: “Nhà trường cũng phải liệu cơm gắp mắm để sắp xếp, bố trí giáo viên dạy môn Công nghệ, chủ yếu là dạy trái ban”.
Công nghệ là môn học bắt buộc trong giai đoạn giáo dục cơ bản, là môn học thiết thực giúp học sinh hình thành những kiến thức hữu ích trong cuộc sống. Công nghệ trong Chương trình GDPT mới tiếp thu được những xu hướng lớn về giáo dục công nghệ như: Mô hình năng lực công nghệ, chuẩn hiểu biết công nghệ phổ thông; định hướng nghề nghiệp ở THPT; tiếp cận giáo dục STEM và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0...
Theo đó, để bảo đảm chất lượng dạy và học môn học này, cần phải quan tâm đến đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, đối với Thanh Hóa, một trong những địa phương thiếu giáo viên nhiều nhất cả nước thì đây được xem là cái khó chung chứ không riêng gì môn Công nghệ. Do đó, trước mắt, môn học này cần phải khắc phục về nguồn tài liệu giảng dạy cho giáo viên, đặc biệt những tài liệu dưới dạng video. Bên cạnh đó, cần thiết phải trang bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị dạy học tối thiểu theo yêu cầu...
Bài và ảnh: Vi An
{name} - {time}
-
2024-11-21 10:02:00
Thận trọng với đồ ăn vặt trước cổng trường
-
2024-11-20 06:38:00
Cô giáo cuộc đời tôi...
-
2024-01-09 09:58:00
Xây dựng trường học an toàn trong cấp học mầm non
Sôi nổi hoạt động tại Ngày hội học sinh, sinh viên toàn quốc “Connect Fest 2024”
Xây dựng “Trường học hạnh phúc” và nỗi niềm...
Cô giáo “truyền lửa” đam mê học tiếng Anh cho học sinh
Học sinh trung tâm GDNN-GDTX liên tiếp đoạt 3 giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi
Hiệu quả từ hoạt động giáo dục trải nghiệm trong tiết sinh hoạt dưới cờ
Hoạt động đoàn, đội trong trường học góp phần giáo dục nhân cách cho học sinh
“Xanh hóa” trường học
Mô hình thư viện xanh ở huyện vùng biên Mường Lát
Cô hiệu trưởng yêu nghề, mến trẻ