(vhds.baothanhhoa.vn) - “Trường học hạnh phúc” là nơi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp hàng ngày. Nhưng, xoay quanh cụm từ “trường học hạnh phúc” vẫn còn đó trăn trở...

Xây dựng “Trường học hạnh phúc” và nỗi niềm...

“Trường học hạnh phúc” là nơi thầy cô, học sinh cũng như phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc trong quá trình dạy và học. Là nơi tình yêu thương giữa các nhà giáo, giữa thầy và trò, giữa học sinh với nhau được trân trọng và bồi đắp hàng ngày. Nhưng, xoay quanh cụm từ “trường học hạnh phúc” vẫn còn đó trăn trở...

Xây dựng “Trường học hạnh phúc” và nỗi niềm...Học sinh Trường THCS Thị trấn Cẩm Thủy (huyện Cẩm Thủy) chơi thể thao tại nhà tập đa năng.

Hạnh phúc nơi trường học, đơn giản từ những điều nhỏ nhất, có thể là tiếng cười đùa, vui vẻ của học sinh... Hạnh phúc là ở đó mà “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”...

Xây dựng “Trường học hạnh phúc” là xây dựng những giá trị cốt lõi về tinh thần, xây dựng bầu không khí sư phạm mà ở đó mỗi thầy cô giáo được tôn trọng, được tự chủ, được thỏa sức sáng tạo và nỗ lực trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, mỗi học sinh đều được quan tâm, ghi nhận những năng lực vượt trội để tự tin phát triển. Nhà trường và đội ngũ giáo viên được phụ huynh, Nhân dân tin tưởng, đồng thuận để yên tâm tổ chức các hoạt động giáo dục trong môi trường an toàn...

Nhưng, nhìn nhận thực tế, ở một khía cạnh, thì xây dựng “trường học hạnh phúc” vẫn còn đó nhiều nỗi niềm. Hạnh phúc đồng nghĩa không có nỗi buồn, không có thù ghét, bạo lực... Tuy nhiên, trong môi trường giáo dục hiện đang tồn tại nhiều vấn đề. Đơn cử như câu chuyện thiếu giáo viên. Từ việc thiếu giáo viên, thiếu phòng học nên phải tăng học sinh trên lớp để giảm số lớp, khiến cho sĩ số học sinh mỗi lớp đều rất đông so với quy định. Về vấn đề này, bà Vũ Thị Thanh Vân, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thị xã Nghi Sơn, cho rằng: Thay vì mỗi giáo viên tiểu học dạy 23 tiết/tuần, giáo viên THCS dạy 19 tiết/tuần, THPT 17 tiết/tuần thì nay do thiếu giáo viên nên mỗi thầy cô đều dạy quá nhiều tiết so với quy định. Với cường độ làm việc gấp rưỡi, gấp đôi và kéo dài liên tục như vậy, thầy cô quá mệt mỏi, thử hỏi có thể hạnh phúc, vui vẻ, để kiên nhẫn, khéo léo và truyền năng lượng tích cực cho học sinh trong mọi tình huống?

Bên cạnh đó, là vấn đề bạo lực học đường. Hiện, không chỉ dừng ở việc học sinh mâu thuẫn với học sinh mà học sinh còn mâu thuẫn với thầy, cô giáo, phụ huynh mâu thuẫn với giáo viên... Điểm qua một số sự việc xảy ra trong năm 2023, cho thấy ngày càng phức tạp hành vi bạo lực. Tháng 5, tại tỉnh Đắk Nông, phụ huynh xông vào nhà đánh giáo viên do con bị hạnh kiểm trung bình. Đầu tháng 12, cô giáo ở tỉnh Tuyên Quang bị học sinh cầm dép ném vào mặt. Trước đó, người giáo viên này đã dùng từ ngữ không chuẩn mực với học sinh của mình. Trung tuần tháng 12, phụ huynh đánh học sinh ở tỉnh Quảng Ngãi. Cuối tháng 12, tại tỉnh Đồng Tháp, phụ huynh đánh cô giáo ngay giữa sân trường do trước đó, cô giáo đã tát học sinh không học bài...

Xây dựng “Trường học hạnh phúc” và nỗi niềm...Học sinh Trường Tiểu học Đông Vệ 2 (TP Thanh Hóa) hào hứng với góc sáng tạo STEM.

Trong môi trường giáo dục đã xảy ra vấn đề bạo lực học đường với tính chất nghiêm trọng hơn, vô đạo đức hơn. Sự bất an đã đến với giáo viên, học sinh và cả phụ huynh. Một bộ phận cha mẹ học sinh coi thầy cô như “làm dâu trăm họ” còn con mình thì như “con trời” khiến thầy cô đối diện với áp lực nhiều hơn. Một số đông gia đình lại kỳ vọng quá nhiều vào thành tích học tập của con. Ngoài ra, việc đánh giá chất lượng giáo dục của học sinh, nhà trường, địa phương qua các kỳ thi cũng là áp lực lớn cho giáo viên, học sinh, ảnh hưởng đến tâm lý, cảm giác “hạnh phúc” của họ... Theo bà Nguyễn Thị Khuyên, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Yên Định thì xu hướng dân chủ (có nhiều khi quá trớn), thông tin đa chiều cũng tạo áp lực và tâm lý bất an cho hiệu trưởng các trường. Bà nói: “Hiệu trưởng được tự chủ, sáng tạo trong việc quản trị nhà trường nhưng nếu làm khác một tí thì lại sợ một vài phụ huynh hoặc ai đó thiếu thiện chí gửi đơn phản ánh đến cơ quan chức năng kiểm tra mà chờ được kết luận thì cũng đã rất phiền hà”.

Những mâu thuẫn, những bất cập vừa đề cập ở trên cho thấy đã có sự lo lắng và đã có những nỗi buồn khi xây dựng “Trường học hạnh phúc”. Nỗi niềm là có, điều này không tránh khỏi. Khi nào giải quyết được những mâu thuẫn, những bất cập đó thì trường học mới thực sự trở thành nơi hạnh phúc.

Xây dựng trường học hạnh phúc là một hành trình dài, không có điểm dừng. Với tất cả những áp lực, khó khăn, để xây dựng được trường học hạnh phúc thì việc tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ nhà giáo là rất cần thiết. Cũng theo bà Vũ Thị Thanh Vân, Trưởng Phòng GD&ĐT thị xã Nghi Sơn, thì: “Chỉ khi đội ngũ nhà giáo nhận thức đầy đủ về trường học hạnh phúc, có đủ kỹ năng để quản trị được cảm xúc của mình, chủ động tích cực xử lý mọi tình huống sư phạm thì thầy cô mới làm cho bản thân mình hạnh phúc. Từ đó, mới truyền cho học sinh nguồn năng lượng tích cực, làm cho các em hạnh phúc trong quá trình học tập và chính học sinh lại là nguồn hạnh phúc vô tận của thầy cô. Chỉ như thế mới có trường học hạnh phúc”.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]