(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều cặp vợ chồng lấy nhau mấy năm trời, vẫn thấp thỏm chờ mong một đứa con. Số liệu thống kê hiện nay, ước tính hằng năm ở Việt Nam có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh và 50% trong số đó là dưới 30 tuổi. Đây là quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ vô sinh cao nhất thế giới.

Khó như làm bố mẹ

Nhiều cặp vợ chồng lấy nhau mấy năm trời, vẫn thấp thỏm chờ mong một đứa con. Số liệu thống kê hiện nay, ước tính hằng năm ở Việt Nam có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh và 50% trong số đó là dưới 30 tuổi. Đây là quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tỷ lệ sinh thấp nhất và tỷ lệ vô sinh cao nhất thế giới.

Khó như làm bố mẹ

Đẻ ra đã khó, nuôi một đứa con nên người lại càng khó. Ai làm bố làm mẹ mà chẳng mang vác hết nỗi lo này đến nỗi lo khác. Ấy thế mà ngày xưa tôi đã từng nghĩ bố mẹ nuôi chị em tôi sướng, ít quan tâm, chúng tôi cứ thế va vấp, cứ thế lớn khôn. Tôi đâu có hiểu, bố mẹ luôn lờ đi để quan sát, mắt nhắm mắt mở với rất nhiều chuyện của chúng tôi, nhưng, khi tôi buồn đau, người duy nhất dang tay ra là bố mẹ.

Rồi, tôi làm mẹ của hai đứa trẻ. Đúng là trẻ con càng ngày càng khó bảo, chúng luôn tạo khoảng cách với bố mẹ, chúng khác tôi ngày xưa. Ngôi nhà chỉ có một gian, không nói với bố mẹ thì nói chuyện với ai?. Bọn trẻ giờ về nhà là đóng cửa phòng riêng, thậm chí nhét tai nghe vào nghe nhạc, xem phim đến nỗi muốn gọi con, tôi phải nhấc điện thoại lên. Không ít lúc tôi cảm giác bất lực trong việc dạy dỗ con cái.

“Đó chỉ là cảm giác của mày thôi, còn tao bất lực hoàn toàn. Nói to một tiếng là nó dọa tự tử”, cô bạn tôi than phiền.

Chỉ cần nghe đến cụm từ “tự tử”, gần như bố mẹ nào cũng lo sợ. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do bệnh trầm cảm. Theo số liệu của một vài nghiên cứu tại Việt Nam gần đây, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%

Trong đó, căn nguyên dẫn đến trầm cảm, làm gia tăng ý định tự tử ở người trẻ là do tác động của mạng xã hội và môi trường sống... Hàng loạt những video độc hại trên youtube, tiktok, facebook lan truyền chóng mặt, có nguy cơ cao dẫn đến những hành động tiêu cực.

Nhiều lần nghe dọa như thế, vợ chồng bạn tôi đã đưa con đi khám. Kết quả là bé phát triển bình thường, không có dấu hiệu trầm cảm. Tuy nhiên, bác sĩ cũng khuyến cáo không nên để trẻ nghĩ nhiều về cái chết và rất có thể lâu dần từ dọa mà thành thật. Sau mỗi lần như vậy, phụ huynh lại rụt rè trước con trẻ. Nó đòi gì cũng chậc lưỡi đồng ý, nó muốn gì cũng đáp ứng ngay... để tránh hậu quả.

Nhiều người vẫn nghĩ, để dẫn đến việc con cái tự tử, hay có ý nghĩ tự tử chủ yếu là do bố mẹ. Con điểm kém thì áp cho bố mẹ thiếu quan tâm, căng thẳng thì do bố mẹ tạo áp lực, xung đột với bạn bè là bởi thiếu sự yêu thương của gia đình... cái vòng kim cô ấy siết trên đầu phụ huynh. Trong khi, phải thẳng thắn nhìn nhận là có những đứa trẻ, khả năng chống đỡ trước tác động từ thông tin bên ngoài khá kém, tâm lý không ổn định. Xung đột với bố mẹ, thầy cô, bạn bè hoặc có cảm giác chán chường, điều đầu tiên chúng nghĩ được là thử/ dọa “tự tử”.

“Bọn nó bắt thóp được tâm lý sợ hãi của bố mẹ. Có nghề nào khó và khổ hơn nghề làm bố mẹ cứ phải nhìn thái độ con mà sống", cô bạn tôi không ngừng than phiền.

Ở lứa tuổi dở dở ương ương, vừa muốn được làm người lớn nhưng lại vừa muốn là trung tâm chú ý của bố mẹ, đòi hỏi các bậc phụ huynh sự kiên trì nhẫn nại, sự bao dung và yêu thương. Trong những vất vả của bố mẹ là không ít niềm vui khi thấy con trưởng thành, biết sẻ chia, sống có trách nhiệm với chính mình và gia đình.

Nước mắt chảy xuôi, rồi khi chúng nó lớn lên, có người yêu, có gia đình, có con... chúng sẽ hiểu lòng bố mẹ.

HUYỀN CHI



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]