(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm ở hữu ngạn sông Mã, cửa Hới (TP Sầm Sơn) là một vùng không gian văn hóa đậm đặc với những di tích, lễ hội gắn liền với nét đẹp tín ngưỡng tâm linh của người dân vùng biển xứ Thanh.

Không gian văn hóa vùng cửa Hới

Nằm ở hữu ngạn sông Mã, cửa Hới (TP Sầm Sơn) là một vùng không gian văn hóa đậm đặc với những di tích, lễ hội gắn liền với nét đẹp tín ngưỡng tâm linh của người dân vùng biển xứ Thanh.

Không gian văn hóa vùng cửa HớiLễ hội Cầu ngư bơi trải có ý nghĩa quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của người dân Sầm Sơn nói chung và cư dân vùng cửa Hới nói riêng.

Dòng sông Mã trên hành trình trở về với biển mẹ, về đến Ngã ba Bông thì “tách” dòng, tạo nên sông Lèn; nhánh còn lại thì “hội” cùng sông Chu, theo hướng Hàm Rồng, đổ ra biển qua cửa Hội Triều. Cửa Hội Triều bên tả ngạn sông Mã là Hoằng Hóa; hữu ngạn là Sầm Sơn, vẫn thường được gọi là cửa Hới. Nơi đây là cả một không gian văn hóa vùng biển đặc sắc.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa địa phương Hoàng Thăng Ngói: “Nhờ sự bồi lấp của phù sa sông Mã đã tạo nên vùng đất ven biển rộng lớn. Bởi vậy, nếu nói về không gian bên này cửa Hội Triều - cửa Hới thuộc Sầm Sơn, không thể chỉ “bó hẹp” chỉ ở khu vực làng Hới. Còn có làng Trấp (Cá Lập), Thanh Khê, Triều Dương... mỗi làng biển với những nghề nghiệp, đặc điểm khác nhau đã cùng góp phần làm nên vẻ đẹp của không gian văn hóa vùng cửa Hới”.

Làng Triều Dương (ngoài) thuộc phường Quảng Cư còn có tên gọi làng Trào. Triều Dương khi xưa vốn sát biển, nhưng quá trình biển lấn, sóng nổi khiến người dân Triều Dương buộc phải “lùi” vào phía trong đất liền. Bởi vậy, dù là làng ven biển, nhưng số đông người Triều Dương lại không sinh sống bằng nghề đi biển. Cư dân Triều Dương chuyên đan lưới, dệt súc cho ngư dân các làng biển lân cận vươn khơi bám biển. Sản phẩm súc làng Triều Dương nổi tiếng bền đẹp, rất được ưa chuộng. Và nghề dệt súc nơi đây còn gắn liền với truyền thuyết vị tổ nghề là Bà Triều.

Theo sách Địa chí thành phố Sầm Sơn: “Súc làng Triều nổi tiếng miền Bắc với kỹ thuật dệt không đâu có, chuyên dùng đánh moi (trong nghề biển, ngư dân gọi là “súc” hay “lái súc”) cho hiệu quả kinh tế cao. Làng Triều giữ bí mật kỹ thuật dệt súc có quy ước nghiêm ngặt cấm truyền bá ra ngoài. Thông thường chỉ con trai trong làng mới được truyền nghề. Con gái những ai không có chồng hoặc lấy chồng trong làng mới không cấm học nghề. Kỹ thuật dệt súc làng Triều mãi đến năm 1955 mới được lưu truyền rộng rãi”.

Nếu người dân làng Triều Dương giỏi nghề dệt súc thì cư dân làng Hới lại nổi tiếng với nghề đi biển. Làng Hới còn được biết đến với tên gọi Hải Thôn, ngày nay nằm ở phía Bắc phường Quảng Tiến, trung tâm của vùng cửa Hới. Làng Hới nằm ở khu vực tiếp giáp giữa sông và biển, thuận tiện cho giao thông đường thủy và khai thác đánh bắt, chế biến hải sản. Khi xưa, giao thông đường thủy còn giữ vai trò trọng yếu, thuyền bè từ cửa Hới ngược xuôi đi muôn phương, vận chuyển thủy hải sản lên miền ngược và rồi lại đưa lâm sản, hàng hóa về xuôi. Sống nơi “đầu sóng ngọn gió”, cư dân làng Hới bao đời nay vốn giỏi sông nước, bơi, lặn, đi khơi, đi lộng. Không chỉ vậy, trong các cuộc kháng chiến vệ quốc của dân tộc, những người đàn ông giỏi sông nước của làng Hới đã cùng nhau tòng quân làm lính thủy tham gia chiến đấu chống giặc.

Không gian văn hóa vùng cửa HớiDi tích đền làng Hới hay phủ Hới nằm trên địa bàn phường Quảng Tiến (TP Sầm Sơn).

Khác với người dân làng Hới giỏi nghề đi khơi, đi lộng hay người làng Triều dệt súc đẹp nổi tiếng, dù nằm trong không gian của vùng đất cửa Hới, song làng Cá Lập khi xưa lại là một làng biển điển hình với sản xuất nông nghiệp. “Người dân trong làng chủ yếu sống bằng nghề trồng lúa nước một vụ và trồng màu một vụ tại những khu đất nhỏ, ít ỏi trong làng, kết hợp nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm tại nhà; một số hộ gần sông Đơ có thêm nghề nuôi trồng thủy sản nước lợ tại các cánh đồng trũng, ngập sâu nước... Người làng Cá Lập xưa nay có bản tính cần cù, siêng năng, chịu thương, chịu khó trong lao động sản xuất; chắt chiu tằn tiện trong sinh hoạt, đời sống hằng ngày. Vì vậy, dù điều kiện sản xuất không thuận lợi như làng Hới nhưng họ dễ dàng chịu đựng và vượt qua thăng trầm, biến động của lịch sử để tồn tại, phát triển thành khu vực trù phú như ngày nay” (sách Địa chí thành phố Sầm Sơn).

Sống nơi sóng nước, ngoài sự nỗ lực, cố gắng tự thân, thì cư dân vùng cửa Hới bao đời nay luôn mong cầu ở sự phù trợ của các vị thần linh và tiền nhân đi trước, để cuộc sống mưu sinh mỗi ngày thêm no đủ, mỗi chuyến vươn khơi, bám biển được bình an, thuyền về đầy tôm cá. Niềm tin ấy được gửi gắm, vun đắp thông qua việc xây dựng, giữ gìn các giá trị văn hóa tín ngưỡng tâm linh.

Có thể kể đến, đền Bà Triều thờ bà tổ của nghề dệt súc; đền Thanh Khê thờ Tứ vị Thánh nương; đền Cá Lập (hay nghè làng Trấp) thờ Đương cảnh Tây phương Tướng Quân - một ngư dân giỏi chài lưới, thông thạo luồng lạch, sông nước. Vào thời Trần, khi triều đình đưa quân vào vùng ven biển xứ Thanh nhằm chặn đánh giặc Nguyên Mông từ Chiêm Thành kéo ra, lúc bấy giờ Tây phương Tướng quân là người địa phương đã trở thành vị tướng trong quân đội nhà Trần đánh chặn quân xâm lược. Ngài hy sinh trong chiến trận, được người dân làng Cá Lập tôn làm Thành hoàng làng.

Viết về đền làng Hới (phủ Hới hay đền Đức Ông), theo sách Linh tích Sầm Sơn, ngôi đền khi xưa nằm ở phía Tây làng “Trước mặt là âu thuyền và cống Quảng Châu nơi cửa sông Đơ đổ vào Lạch Trào sông Mã, nơi tấp nập tàu thuyền vào ra trú bão, neo đậu sau những chuyến đi khơi dài ngày. Phía Nam đền nhìn sang đền Lộc Trung, đền Làng Trấp và chùa Khải Nam... phía Bắc giáp sông Mã nhìn qua bên kia sông là huyện Hoằng Hóa”. Bởi nhiều nguyên do, đền làng Hới phải nhiều lần di chuyển. Hiện tại, đền làng Hới là một quần thể di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Nhắc đến nét đẹp văn hóa của người dân vùng cửa Hới Sầm Sơn, không thể không nói đến lễ hội Cầu ngư bơi trải. Lễ hội truyền thống Cầu ngư bơi trải diễn ra với ý nghĩa cầu cho trời đất hiền hòa, sóng yên biển lặng, ngư dân ra khơi vào lộng được an toàn. “Kỳ lễ mở đầu vào vụ cá Nam lại vào mùa mưa bão nên lễ hội là hoạt động văn hóa tinh thần, tâm linh cho ngư dân có thêm niềm tin, sức mạnh yên tâm trong nghề biển khơi” (sách Linh tích Sầm Sơn). Lời ca văn tế lễ hội Cầu ngư vừa thành kính trang nghiêm, lại như mời gọi, thôi thúc mỗi người tham gia, vui hội: “Thênh thang trên bến dưới thuyền/ Nao nức trong sông ngoài biển/ Nhà nhà già trẻ hân hoan/ Lớp lớp tàu thuyền đổ bến/ Dòng sông Mã nước xanh ngăn ngắt/ In hình lễ hội, rạng long cung/ Cửa Lạch Trào sóng biển nhấp nhô/ Nổi trống hòa ca, lòng dân vào hội”.

Cùng với nghi lễ lập đàn tế lễ, cầu ngư trang nghiêm, là phần hội bơi trải sôi động, hấp dẫn. Những đội thi sẽ chọn ra các chàng trai có sức khỏe, giỏi kỹ năng chèo lái, thông thạo luồng lạch và đặc biệt là không có tang cớ. Mỗi đội từ 19 đến 23 người. Vào ngày chính hội (15 tháng 5 âm lịch), khoảng giờ Thìn, các đội tham gia bơi trải vào cuộc đua. Trên bến, dưới sông, tiếng người hò reo, cổ vũ náo nức cả một vùng mênh mông sóng nước. Là nét đẹp văn hóa truyền thống, ngày nay lễ hội Cầu ngư bơi trải còn là “sản phẩm” văn hóa - du lịch, hấp dẫn du khách khi về với Sầm Sơn.

Về với Sầm Sơn, về với cửa Hới để cảm nhận rõ hơn vị mặn mòi của biển, để thấy niềm vui trong đôi mắt ngư dân sau những ngày dài vươn khơi với thuyền bè nặng tôm cá... và để hiểu hơn, về những nét đẹp trong đời sống văn hóa, lao động của đất và người ở một vùng không gian cửa Hới.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]