Làng quê trong Thơ Nguyễn Văn Hiếu
Ở tuổi 82 Nguyễn Văn Hiếu trình làng tập thơ thứ 8. Năm 2024, ông cho tái bản lần thứ nhất tuyển tập Thơ Nguyễn Văn Hiếu, được bạn đọc đón nhận nhiệt thành và trân quý. Đây là tập thơ được chọn lọc từ nhiều tập thơ của ông với những bài hay nhất, tâm đắc nhất.
Tập sách phản ảnh một đời người, một đời thơ Nguyễn Văn Hiếu từ tuổi niên thiếu ắp đầy kỷ niệm, đến khi trưởng thành, dấn thân cùng những buồn vui của đất nước. Nguyễn Văn Hiếu nói: “Tôi bắt đầu tham gia lực lượng thanh niên xung phong, từ Thanh Hóa hành quân bằng xe đạp vào tuyến lửa Quảng Bình, sau đó tổ chức sáp nhập vào Đoàn 559 (Binh đoàn vận tải Trường Sơn huyền thoại), trở thành người chiến sĩ quân đội từ đó. Cả chục năm công tác chiến đấu, đối diện với bom đạn Mỹ, giữa cái sống cái chết, với mưa rừng, gió núi, sốt rét, đói cơm lạt muối, vậy mà trời thương cho an lành trở về sau chiến
tranh”. Hòa bình, Nguyễn Văn Hiếu lại bộc lộ tài năng kinh doanh, làm giám đốc một công ty kinh tế thuộc Bộ Quốc phòng, ăn nên làm ra cho tới ngày nghỉ hưu. Nói thế, đủ biết đây là con người từng trải, cộng với năng khiếu văn chương trời cho là cơ sở để Nguyễn Văn Hiếu tạo ra những thi phẩm giàu cảm xúc. Thơ Nguyễn Văn Hiếu viết dưới thể loại nào, thanh âm cũng trầm lắng, không véo von, nhưng đầy thân phận. Tuyển thơ in đẹp gồm 225 bài, lục bát có, đường luật có, tự do có và cả thơ hai câu. Thơ Nguyễn Văn Hiếu viết nhiều về làng quê. Nhiều bài thơ cảm xúc làm lay động đến tình cảm người đọc, khi thấy có bóng hình mình trong đấy.
Sinh ra ở một làng quê kẹp giữa hai con sông bên này là dòng sông Mã, bên kia, cách vài cây số qua một cánh đồng là dòng sông Chu. Đây là hai con sông lớn xứ Thanh, vào mùa lũ, sông dữ dằn như “ngựa lồng, trâu húc” (theo cách ví von của thi sĩ Trần Mạnh Hảo), và nhiều khi, hai dòng sông ấy thật hiền hòa đẹp như hai dải lụa màu lam biếc. Bãi dâu, bến nước, cây đa, sân đình, cánh cò, làng quê lãng đãng khói lam chiều. Bóng cha, dáng mẹ, nhọc nhằn khuya sớm úp mặt xuống dòng sông cả một đời, làm sao quên được.
Những năm tháng ở Trường Sơn, nhớ nhà, Nguyễn Văn Hiếu viết:
Mưa rơi tí tách mãi thâu đêm
Nước nổi đầy ao tiếng ếch rền
Sấm động mộng tàn nhớ cố quận
Lưng trời mây phủ phía trăng lên
(Nhớ quê)
Tâm trạng người xa quê trong hoàn cảnh bình thường đã thấy buồn, thấy nhớ da diết rồi, huống chi một người lính trong chiến tranh giữa rừng khuya, mưa đêm Trường Sơn dầm dề, nỗi nhớ ấy còn dài biết chừng nào? Tôi thích âm thanh tiếng ếch rền, ngày xưa những miền quê vùng Bắc bộ ruộng đồng, ao chum đâu đâu cũng rộn ràng tiếng ếch mỗi khi mưa xuống. Bây giờ san lấp phân lô bán nền hết ráo, đâu có nhiều ếch như trước nữa mà kêu, lớp trẻ ngày nay có thể khó tin “tiếng ếch rền”, nhưng hoàn toàn là sự thật!
Quê Nguyễn Văn Hiếu sát bên bờ Mã giang. Dòng sông ấy đã đem đến cho ông nhiều cảm xúc:
Lửa xưa cảnh vật tiêu điều
Lưa thưa xóm chợ quán lều vắng không
Chiều sương đã phủ tím đồng
Nhặt khoan tiếng mõ bên sông
lửa chiều
(Lửa chài)
Vẫn lấy con sông làm ngữ cảnh, Nguyễn Văn Hiếu lại gợi một cảm xúc khác:
Bao năm trở lại thăm nhà
Đường quê khúc khuỷu la đà cành tre
Trâu nghênh sừng vểnh tai nghe
Sườn đê lớp lớp tràn trề cỏ non
Ngõ quê vài dáng lưng thon
Sông quê tần tảo vài con đò gầy
Mẹ già đã hóa màu mây
Tiếng chim lẻ bạn gọi bầy cành cao
(Hồn quê)
Mẹ sinh ra ta, che chở cho ta bằng cả sinh mạng của mình. Sau những tháng năm xa quê trở về và mỗi lần như thế, hình ảnh làng quê lối cũ, con người, cha mẹ lại hiện về: “Trở về xóm cũ năm xưa/ Chiều đông rét mướt cơn mưa mù trời/ Khúc sông bên lở bên bồi/ Cô đơn bến cũ đá ngồi phong rêu”. Rồi: “Lá bay xào xạc cuối chiều/ Con thuyền run rẩy mái chèo qua sông/ Sấm rền trời nổi cơn giông/ Mẹ đi gánh rạ giữa đồng mưa xa”. Và: “Nhà nghèo ống gạo xẻ ba/ Bát cơm độn sắn, quả cà mốc meo/ Có bữa sáng hụt bữa chiều/ Lần hồi từng bữa, gió hiu hắt lùa” (Ký ức).
Ai cũng có một miền quê, nhưng miền quê trong Nguyễn Văn Hiếu quá ư sâu nặng, thiên nhiên, phong cảnh, thân phận con người qua ký ức xưa, một vài hoàn cảnh thân thương nào đó khó khăn, bất hạnh, cơ hàn, cảm giác nỗi nhớ ấy luôn xuất hiện bất cứ lúc nào. Nguyễn Văn Hiếu không còn sống ở quê gần 60 năm, nhưng dù phố xá phù hoa, lung linh lộng lẫy, nỗi nhớ cố hương không bao giờ phai nhạt.
Mỗi năm có mấy ngày thong thả
Cánh chim xa tổ khắp phương trời
Đêm ba mươi tết hương trầm thắp
Lòng thầm bái vọng cố hương ơi...
(Cố hương)
Những bài thơ viết về tình yêu, Nguyễn Văn Hiếu không quá bay bướm ngọt ngào đến mức ủy mị, nhưng không hề khô khan mà vẫn rất lãng mạn, dịu dàng và tha thiết. Những người con gái ấy, suy ra vẫn là người yêu dấu nơi chốn miền quê hương đồng gió nội:
Ngày anh nhập ngũ đầu xuân ấy
Qua gốc đa làng em tiễn đưa
Mái tóc em xanh mềm cơn gió
Đôi mắt em nhìn đẫm nước mưa.
Nhưng rất tiếc chiến tranh kết thúc, chàng còn sống trở về, nàng đã đi lấy chồng vì có tin đồn chàng đã tử trận.
Anh về mong gặp em thương nhớ
Em xa. Em mãi mãi xa rồi
Mình anh tìm đến cây đa cũ
Chiều xuống buông đầy xác lá rơi...
(Cây đa xưa vẫn còn đây)
Thơ lục bát dễ làm, nhưng viết hay là rất khó. Trong tập thơ tôi chú ý đến bài “Trắng chiều”, bởi giọng điệu yêu khá mạnh mẽ, cuồng nhiệt và say đắm:
Em như bến đợi sông quê
Anh như cơn lũ tràn về bờ em.
Thật tiếc cuộc tình đó không đến được bến bờ, không hoàn hảo như cả hai mong đợi: “Cau vàng trầu héo vì ai/ Ngọn đèn đỏ mắt đêm dài ngẩn ngơ”. Rồi giận dỗi vẻ như oán trách, nhưng biết làm sao được, rồi thời gian sẽ khỏa lấp: “Thôi đừng đổ lỗi vì đâu/ Thời gian nước chảy bạc màu cỏ xanh”. Và ta lại thấy hình ảnh quê hương, dòng sông, bến đò trong thơ của Nguyễn Văn Hiếu hiện lên như thế.
Nguyễn Văn Hiếu không có quá nhiều bài thơ, nhưng điều ấy đâu có quan trọng? Quan trọng là thơ hay hoặc không hay!
Thơ Nguyễn Văn Hiếu có nhiều bài hay, câu hay; có giọng điệu riêng. Anh trầm tĩnh, viết chậm, nhưng chắc! Những bài thơ Nguyễn Văn Hiếu viết về thiên nhiên, sông nước, con người làng quê mang dấu ấn sâu đậm, đầy cảm xúc, làm người đọc bịn rịn, bâng khuâng.
Bài và ảnh: Đỗ Viết Nghiệm (CTV)
- 2024-11-13 10:37:00
Nhà xuất bản Giáo dục sẽ xuất bản truyện thiếu nhi kinh điển của Chile
- 2024-11-13 09:51:00
“Hái trăng trên đỉnh núi” - Mỗi đứa trẻ như một thiên sứ gieo yêu thương đến với cuộc đời
- 2024-10-18 11:51:00
Cơ hội cuối cùng
Ngọt ngào hương hoa dẻ
Nguyễn Duy Chinh về “Nơi mặt trời không lặn”
Nhà xuất bản Thông tấn ra mắt 2 cuốn sách ảnh về đất nước và Bác Hồ
Nữ nhà văn người Hàn Quốc giành Giải Nobel Văn học 2024
Mưa phố
Đi ngang Hà Nội
Ðiều chưa kịp nói
Nhà văn Nguyễn Văn Đệ từ bút ký, truyện ngắn đến tiểu thuyết “Tâm cơn bão biển”
Biển đêm mùa thu