(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện tại chỉ có 5 Trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) được Sở LĐ-TB&XH cấp phép trong lĩnh vực giới thiệu việc làm. Nhưng trên thực tế có rất nhiều TTDVVL không phép công khai hoạt động, gây mất niềm tin cho người lao động.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Loạn” trung tâm dịch vụ việc làm không phép

(VH&ĐS) Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện tại chỉ có 5 Trung tâm dịch vụ việc làm (TTDVVL) được Sở LĐ-TB&XH cấp phép trong lĩnh vực giới thiệu việc làm. Nhưng trên thực tế có rất nhiều TTDVVL không phép công khai hoạt động, gây mất niềm tin cho người lao động.

Không phép nhưng công khai

Nghị định số 52/2014/NĐ-CP Ngày 23/05/2014 của Chính phủ đã quy định rất rõ ràng, cụ thể về điều kiện, thủ tục cấp giấy phép hoạt động DVVL. Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại nhiều TTDVVL không thực hiện đúng những quy định của Nghị định số 52.

Trên đường Tống Duy Tân, phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa có một số TTDVVL hoạt động công khai. Đến địa chỉ TTDVVL số 64, đường Tống Duy Tân trong vai người lao động đi tìm việc làm một nhân viên nữ cho biết: “Chúng tôi tư vấn, giới thiệu nhiều lĩnh vực việc làm mà người lao động cần. Chi phí môi giới cao nhất là 300.000 đồng cho các công việc như lái xe, kế toán, thấp nhất là 50.000 đồng cho công việc dọn dẹp, giúp việc”. Nữ nhân viên trên cho biết thêm: “Khi giới thiệu đến địa điểm làm việc nếu khách không ưng ý chúng tôi sẽ giới thiệu lần thứ 2 đến nơi làm việc khác, việc giới thiệu việc làm không quá 3 lần. Qua lần 3 nếu người tìm việc không ưng ý sẽ không hoàn trả lại chi phí môi giới đã đặt trước đó”.

Khi PV đề cập đến giấy phép hoạt động DVVL nữ nhân viên cho biết: “Chúng em chủ yếu giới thiệu các công việc dọn dẹp, giúp việc là chính, không có giới thiệu việc làm nên chưa đăng ký giấy phép hoạt động”.

Đến địa chỉ TTGTVL số 13, đường Tống Duy Tân gặp một nữ nhân viên tư vấn cho biết: “Chúng tôi nhận mức phí cao nhất là 500.000 đồng, tùy từng công việc, lĩnh vực và thu nhập của người lao động mà lấy phí. Và chúng tôi giới thiệu công việc không quá 3 lần cho một người khi đã đặt chi phí”. Khi PV đề cập đến giấy phép hoạt động nữ nhân viên thực thà trả lời: “Chúng em chỉ cần thỏa thuận với người lao động, nếu người lao động ưng ý thì đi làm. Trung tâm của chúng em vẫn chưa xin giấy phép hoạt động vì nếu xin giấy phép thì phải thành lập công ty rồi phải đóng thuế. Thỉnh thoảng phường có đến kiểm tra nhắc nhở”.

Anh Hà Văn Tuấn, quê ở xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, chia sẻ: “Trước kia tôi có đóng một số tiền đặt cọc làm chi phí môi giới lái xe cho một TTDVVL ở đường Tống Duy Tân - TP Thanh Hóa nhưng họ giới thiệu toàn những chỗ có mức lương không đúng như đã giới thiệu. Khi quay lại TTDVVL trên để lấy lại số tiền đặt cọc thì trung tâm đã chuyển địa điểm, không còn ở đó, gọi điện nhưng không được, số tiền đặt cọc xem như bị mất không thể lấy lại”.

Dư luận đang đặt ra câu hỏi những TTDVVL không phép kể trên liệu có đầy đủ chức năng, điều kiện, uy tín trong lĩnh vực môi giới, tư vấn, giới thiệu, tìm việc làm cho người lao động.

Coi thường pháp luật

Trên đường Lê Lai, phường Đông Sơn, TP Thanh Hóa có hàng loạt các TTDVVL không thực hiện đúng những quy định của Nghị định số 52/2014 trong việc niêm yết công khai bản sao chứng thực giấy phép hoạt động DVVL tại trụ sở làm việc và có thái độ không hợp tác cản trở phóng viên tác nghiệp tìm hiểu làm rõ các vấn đề.

Trong vai người đi tìm việc làm, PV có mặt tại địa chỉ TTGTVL số 45 Lê Lai, cơ sở trên không niêm yết công khai bản sao chứng thực giấy phép hoạt động DVVL, khi PV giới thiệu về bản thân và công việc đang được cơ quan giao phó triển khai, một nữ nhân viên hất hàm thách thức: “Anh không có quyền xem giấy phép, tôi làm DVVL không liên quan đến báo chí nên không cần phải hợp tác, đến phường chúng tôi còn không hợp tác huống gì là báo chí. Nếu anh đến với nhu cầu tư vấn hoặc tuyển dụng việc làm thì hợp tác không thì thôi”.

TTDVVL số 45 Lê Lai, TP Thanh Hóa không cung cấp được Giấy phép hoạt động DVVL.

Tại TTDVVL số 27 Lê Lai, giấy phép hoạt động DVVL cũng không được niêm yết công khai. Khi PV hỏi về vấn đề trên một nữ nhân viên từ chối hợp tác, cho biết: “Thông cảm chị là nhân viên, sếp đi vắng, sếp không cho phát ngôn nên không được cung cấp thông tin, sếp có công ty ở trên thành phố đây chỉ là chi nhánh thôi”. Khi PV đề nghị nữ nhân viên cung cấp địa chỉ của công ty chính, nữ nhân viên tiếp tục không hợp tác, nói: “Không thể cung cấp địa chỉ của công ty vì sếp không cho phép, rồi nhấn mạnh thích thì làm không thích thì nghỉ”.

Tại TTDVVL số 88 Lê Lai cũng rơi vào tình trạng giấy phép hoạt động DVVL không được niêm yết công khai. Một nữ nhân viên cho hay: “Em làm cộng tác viên chứ không phải là nhân viên chính ở đây, công ty chính ở ngoài Hà Nội, giấy phép do chị quản lý giữ, chị quản lý đi vắng”. Sau nhiều lần liên hệ nữ nhân viên chỉ có một câu trả lời duy nhất: “Giấy phép chị quản lý cầm, chị quản lý đi vắng đến nay chưa về”.

Trước thực trạng trên, ông Hoàng Ngọc Trung - Trưởng phòng Việc làm và An toàn Lao động (Sở LĐ-TB&XH Thanh Hóa) cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 5 TTDVVL đã được Sở LĐ-TB&XH cấp phép trong lĩnh vực giới thiệu việc làm, gồm: TTDVVL Thanh Hóa trực thuộc Sở LĐ,TB&XH, Trung tâm Hướng nghiệp, dạy nghề và giới thiệu việc làm Thanh niên trực thuộc Tỉnh Đoàn Thanh Hóa, Trung tâm dạy nghề công đoàn trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân trực thuộc Hội Nông dân tỉnh và Trung tâm Đào tạo và Giới thiệu việc làm trực thuộc VCCI Thanh Hóa.

Sông Lô



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]