(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) “Dòng họ tự quản về ANTT” trên địa bàn huyện Ngọc Lặc là mô hình không chỉ thắt chặt thêm mối quan hệ tình làng nghĩa xóm mà còn góp phần phòng ngừa, đấu tranh làm giảm tội phạm, tệ nạn xã hội và các vi phạm pháp luật khác. Đồng thời có tác dụng lớn trong việc quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại gia đình, cộng đồng dân cư...

Tin liên quan

Đọc nhiều

Mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT” ở huyện Ngọc Lặc

(VH&ĐS) “Dòng họ tự quản về ANTT” trên địa bàn huyện Ngọc Lặc là mô hình không chỉ thắt chặt thêm mối quan hệ tình làng nghĩa xóm mà còn góp phần phòng ngừa, đấu tranh làm giảm tội phạm, tệ nạn xã hội và các vi phạm pháp luật khác. Đồng thời có tác dụng lớn trong việc quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại gia đình, cộng đồng dân cư...

Tiếp chuyện chúng tôi, ông Lê Văn Hạnh - Trưởng tộc dòng họ Lê Văn năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng ông vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Đã 1 năm, kể từ ngày mô hình dòng họ Lê Văn được thành lập, đến nay đã có 200 thành viên của 27 hộ gia đình tham gia. Đứng đầu là trưởng tộc và 2 phó trưởng tộc, đó là những người lớn tuổi có uy tín nhất trong dòng họ. Ông Hạnh cho biết: Trước kia, dòng họ Lê Văn nghèo lắm, các hộ sống dựa vào mấy sào ruộng, quanh năm làm nương, sống qua ngày. Trẻ em cũng không được học hành đến nơi đến chốn. Thất học đi liền với nghèo, khó, nên sinh những thói hư, tật xấu.

Qua theo dõi trên phương tiện thông tin đại chúng, cũng như các buổi họp thôn, xã, ông Hạnh thấy mô hình dòng họ tự quản tại một số địa phương hoạt động hiệu quả trong cộng đồng dân cư nên đã tập hợp con, cháu để lấy ý kiến, thống nhất thành lập mô hình dòng họ tự quản; đồng thời xây dựng quy ước, hương ước của dòng họ để giáo dục con, cháu trong gia đình, dòng họ sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, tránh xa tệ nạn xã hội.

Để duy trì, nâng cao hiệu quả mô hình, dòng họ Lê Văn đã đề ra quy ước, nếu các thành viên trong họ vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định của dòng họ. Nếu hộ nào, người nào có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và làm kinh tế giỏi, có con, em thi đỗ vào các trường cao đẳng, đại học và làm cán bộ xã trở lên sẽ được thưởng và ghi tên vào sổ vàng của dòng họ.

Dòng họ Lê Văn tuyên truyền vận động con cháu trong dòng họ nghiêm chỉnh chấp hành các chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước.

Qua một năm thực hiện mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT”, các thành viên trong dòng họ Lê Văn nói chung và nhân dân trong thôn, xã nói riêng đã có ý thức về công tác giữ gìn ANTT, nâng cao tinh thần tự quản, cảnh giác, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; giữ gìn đạo đức và truyền thống của gia đình, dòng họ; động viên con cháu tích cực học tập, nâng cao hiểu biết về chính sách, pháp luật, đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh nên đời sống kinh tế của từng gia đình trong dòng họ có nhiều khởi sắc.

Những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đều được Hội đồng gia tộc kêu gọi các thành viên trong họ quan tâm giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần. Đến nay, dòng họ Lê Văn không còn hộ nghèo. Các gia đình tham gia ngày càng sôi nổi các phong trào của địa phương.

Thượng tá Lê Đức Huy - Phó trưởng Công an huyện Ngọc Lặc cho biết: Từ năm 2014 đến nay, Công an huyện đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn xây dựng và ra mắt 5 mô hình “dòng họ tự quản về ANTT” tại 4 xã gồm: mô hình dòng họ Phạm ở làng Quang Thọ và dòng họ Lưu Vĩnh ở làng Quang Vinh, xã Quang Trung; mô hình dòng họ Phạm Văn, ở thôn Hồng Sơn, xã Thúy Sơn; mô hình dòng họ Lê Văn, ở làng Lương Thiện, xã Thạch Lập và mô hình dòng họ Lê Viết, ở làng Bứa, Phùng Giáo. Các mô hình này đã và đang phát huy hiệu quả tích cực trong công tác đảm bảo ANTT ở cơ sở.

Bên cạnh đó, lực lượng công an và ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình hay, điển hình tiên tiến trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người lầm lỗi tại gia đình, cộng đồng dân cư để làm nền tảng vững chắc và tạo bước đột phá trong công tác bảo đảm ANTT và phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Điển hình như các mô hình: “Tổ hòa giải” của ban công tác mặt trận thôn; “Tự quản về ANTT và trật tự an toàn giao thông” của hội cựu chiến binh; “Câu lạc bộ thanh niên tự quản”; “Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc” ...

Cùng với việc xây dựng và nhân rộng các mô hình “Dòng họ tự quản về ANTT”, những năm qua, Công an huyện đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đầu tư xây dựng, củng cố, kiện toàn lực lượng nòng cốt làm công tác ANTT ở cơ sở vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo đảm ANTT trong tình hình mới.

Đặc biệt, từ năm 2008 đến nay, thực hiện Đề án 375, Chỉ thị số 10 của UBND tỉnh về xây dựng khu dân cư an toàn về ANTT, huyện Ngọc Lặc đã kiện toàn, củng cố 22/22 ban chỉ đạo ANTT; 176 tổ bảo vệ ANTT thôn và gần 1.400 tổ an ninh xã hội ở khu dân cư.

Thông qua đó, hàng năm quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng công an hơn 100 nguồn tin có giá trị về ANTT. Qua kết quả bình xét phân loại khu dân cư an toàn về ANTT, toàn huyện đã có 241 khu dân cư đạt tiêu chuẩn an toàn về ANTT, đạt tỷ lệ 90%; gần 30.000 hộ gia đình; 100% các cơ quan, đơn vị đã đăng ký cam kết làm nhiều việc tốt về ANTT.

Nhờ đó, các vụ việc liên quan đến ANTT và những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân cơ bản đã được phát hiện và giải quyết dứt điểm, không để phát sinh “điểm nóng” và các mâu thuẫn kéo dài, góp phần phòng ngừa, đấu tranh làm giảm tội phạm, giữ vững ổn định về ANTT trên địa bàn huyện.

Mai Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]