(vhds.baothanhhoa.vn) - Tục ngữ Việt Nam có câu “Mỗi người một nắm thời đắm đò ông” (dị bản Mỗi người một nắm cũng đắm đò ông; Mỗi người một nắm thì đắm đò ông; Mỗi người mỗi nắm cũng đắm đò ông).

“Mỗi người một nắm thời đắm đò ông”

Tục ngữ Việt Nam có câu “Mỗi người một nắm thời đắm đò ông” (dị bản Mỗi người một nắm cũng đắm đò ông; Mỗi người một nắm thì đắm đò ông; Mỗi người mỗi nắm cũng đắm đò ông).

“Mỗi người một nắm thời đắm đò ông”

Dân gian muốn gửi gắm gì qua câu tục ngữ này?

- Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Nhóm Vũ Dung - NXB Văn học) giảng là “sức mạnh của số đông, số nhiều”.

- Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam dành cho học sinh (Nguyễn Phương Nga - NXB Thanh Niên) giảng: “Nhiều cái nhỏ sẽ hợp thành cái lớn. Đoàn kết sẽ tạo nên một sức mạnh vĩ đại. Câu đồng nghĩa: Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”.

- Từ điển thành ngữ tục ngữ - ca dao Việt Nam (Việt Chương - NXB Tổng hợp Đồng Nai) giảng khá dài, nhưng có thể lược ra những ý chính như sau: “Người ta vốn coi thường những cái nhỏ nhoi, những chuyện tiểu tiết, vì cho rằng nó nhỏ mọn, tầm thường, không đáng kể. Họ đâu có ngờ rằng chính nhờ vào những cái nhỏ đó hợp lại mới thành ra cái lớn lao. Một đồng kẽm giá trị có ra gì, nhưng mười đồng kẽm hợp lại đã thành một tiền, một trăm đồng kẽm đã thành một quan. Cũng thế, một hột cát nhỏ nhoi có ra gì nhưng triệu triệu hột cát gom lại đã tạo nên một sa mạc [...] Ngụ ý câu này khuyên ta nên coi trọng những cái nhỏ nhặt. Mặt khác cũng có ý khuyên mọi người nên biết chi tiêu tiện tặn, góp nhặt từng đồng rụng đồng rơi để phòng khi túng ngặt sau này”.

Tuy dài ngắn và cách diễn đạt có khác nhau, nhưng tựu trung những cuốn từ điển trên đây đều thống nhất cách hiểu là: Sức mạnh của sự đoàn kết, số đông; nên biết coi trọng những cái nhỏ nhặt, vì nhiều cái nhỏ sẽ hợp thành cái lớn,...

Tuy nhiên theo chúng tôi, vì không quan tâm đến nghĩa đen câu tục ngữ, trong đó quan trọng nhất là hai chữ “đắm đò”, nên các soạn giả đã hiểu lầm ý dân gian.

“Đắm đò” là gì? “Đắm đò” là một loại tai nạn đường sông rất nghiêm trọng. Thành ngữ Trôi sông, đắm đò là câu nguyền rủa, hoặc nói lên nỗi bất hạnh, sự quả báo đáng sợ bậc nhất theo quan niệm dân gian.

Đắm đò chẳng những mất mạng, mà còn có thể mất cả xác. Thế nên tục ngữ Hán cũng có một số câu nói lên mối nguy hiểm của việc đi lại bằng thuyền bè, như: Hữu lộ mạc đăng chu Có đường chớ lên thuyền (Nếu có hai sự lựa chọn thì nên đi đường bộ cho an toàn, chứ không nên đi thuyền); Phụ tử bất đồng chu

Cha con không đi chung một thuyền (Đi chung thuyền rủi ro cao, nếu gặp nạn thì cha con chết cả, không có người nối dõi).

Ngày trước, phương tiện đi lại trên sông nước bằng thuyền bè, đò ngang nhỏ bé thô sơ, nên rất hay xảy ra tai nạn, đặc biệt là với những chuyến “đò đầy”. “Đò đầy” là gì? “Đò đầy” là đò chở quá tải. Sự quá tải này thường là do chở quá số người quy định, nhưng cũng có khi đủ số người nhưng vẫn quá tải. Vì sao vậy? Vì tuy số người không nhiều, nhưng nếu mỗi người lên đò đều mang theo một vài thứ hàng hóa, vật dụng như con dao, cái cuốc, con lợn, con gà, nắm cơm, bát gạo, hay bế thêm vài đứa trẻ,... chúng tuy nhỏ bé, nhưng dồn góp lại sẽ thành sức nặng không nhỏ, có thể làm đắm đò, lật thuyền.

“Mỗi người một nắm thời đắm đò ông” là như vậy. Thế nên có câu ca dao dặn dò rất cụ thể về chuyện phải thận trọng đối với những chuyến “đò đầy” như: “Con ơi nhớ lấy câu này, sông sâu chớ lội, đò đầy chớ qua”. Rồi câu “Con một đòi đi đò đầy”, ý nói việc làm liều lĩnh, thiếu hiểu biết, dễ xảy ra hậu quả nặng nề, “chết mất nòi mất giống”. Kinh nghiệm này cho đến nay vẫn còn giá trị, bởi nhiều vụ đắm đò, đuối nước là do “đò đầy”, chở quá tải.

Người xưa có câu Đồng châu cộng mệnh (Cùng một chuyến đò là cùng một vận mệnh, lợi hại như nhau); Đồng châu ngộ phong

(Cùng chung một chuyến đò thì khi gặp nghịch cảnh sẽ cùng chịu chung một số phận). Trong khi nghĩa đen của thành ngữ, tục ngữ thường có mối quan hệ chặt chẽ, quyết định cách hiểu nghĩa bóng. Ở đây “đắm đò” là một tai nạn gây chết người, nên không thể hiểu thành sức mạnh của số đông, sự đoàn kết, nhiều nhỏ góp lại thành to theo nghĩa tích cực.

Như vậy, câu tục ngữ Mỗi người một nắm thời đắm đò ông, phải được hiểu là: Tác nhân dù rất nhỏ bé, đơn lẻ, nhưng nếu bị dồn góp lại cùng một lúc sẽ thay đổi hoàn toàn bản chất và gây ra tai họa lớn.

Hoàng Trinh Sơn (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]