(vhds.baothanhhoa.vn) - Sau gần 5 năm bàn giao lại tài sản lưới điện hạ áp nông thôn (HANT) cho Công ty Điện lực Thanh Hóa quản lý, đến nay 7 Hợp tác xã Dịch vụ điện năng (HTXDVĐN) ở TP Thanh Hóa vẫn chưa nhận lại được một đồng vốn nào.

Tin liên quan

Đọc nhiều

7 HTX dịch vụ điện năng bao giờ được hoàn vốn?

Sau gần 5 năm bàn giao lại tài sản lưới điện hạ áp nông thôn (HANT) cho Công ty Điện lực Thanh Hóa quản lý, đến nay 7 Hợp tác xã Dịch vụ điện năng (HTXDVĐN) ở TP Thanh Hóa vẫn chưa nhận lại được một đồng vốn nào.

Vừa không trả tiền vừa kinh doanh trên tài sản của người khác

Theo đó, tháng 12/2015, 7 HTXDVĐN của TP Thanh Hóa là: HTXDVĐN Quảng Thắng, HTXDVĐN Đông Cương, HTXDVĐN Quảng Hưng 1, HTXDVĐN Quảng Hưng 2, HTXDVĐN Đông Hải, HTXDVĐNQuảng Thành 1 và HTXDVĐN Quảng Thành 2 đã bàn giao tài sản cho Công ty Điện lực Thanh Hóa tiếp nhận, quản lý theo Văn bản số 6613/UBND-CN ngày 14/09/2012 và Văn bản số 3279/UBND-CN ngày 02/10/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Giá trị còn lại của tài sản tại thời điểm bàn giao theo Biên bản giữa bên giao và bên nhận, kết quả xác định của Hội đồng định giá tài sản Thành phố Thanh Hóa là 12.642.759.000 đồng.

Theo Thông tư liên tịch số 32/2013/TTLT-BCT-BTC hướng dẫn giao, nhận và hoàn trả vốn đầu tư tài sản lưới điện hạ áp nông thôn, trong đó quy định việc hoàn trả vốn được thực hiện tối đa là 36 tháng kể từ thời điểm quyết định phê duyệt giá trị tài sản bàn giao của UBND tỉnh hoặc thành phố có hiệu lực. Như vậy là so với thời gian phê duyệt của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa vào tháng 10/2014 thì việc hoàn trả vốn đã quá thời gian quy định là 2 năm. Tuy nhiên, đến nay, các HTXDVĐN vẫn chưa nhận được một đồng vốn nào. Một nghịch lý là tiền thì không trả cho các HTXDVĐN nhưng Công ty Điện lực Thanh Hóa hiện vẫn đang tiếp tục kinh doanh trên số tài sản của các HTXDVĐN này.

Một lý do được Công ty Điện lực Thanh Hóa đưa ra đó là hồ sơ, sổ sách theo dõi tài sản các HTXDVĐN không đầy đủ, chưa đủ căn cứ để xác định cơ cấu nguồn vốn đầu tư và hoàn trả vốn. Chính vì vậy, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã không thể hoàn trả vốn cho các HTXDVĐN. Nhưng một câu hỏi được đặt ra là nếu không thể giải quyết việc hoàn trả vốn thì Công ty Điện lực Thanh Hóa cũng phải giao trả lại tài sản đã nhận để các HTXDVĐN tự quyết định. Dù vậy, không những không trả tiền mà Công ty Điện lực Thanh Hóa vẫn kinh doanh trên tài sản của người khác ngay cả khi có ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh.

Lãnh đạo các HTX Dịch vụ điện năng bức xúc vì chưa được Công ty Điện lực Thanh Hóa hoàn vốn lưới điện hạ áp nông thôn.

Cuộc hành trình đi... đòi nợ

Bức xúc, bất bình, 7 HTXDVĐN đã nhiều lần làm đơn kiến nghị gửi các cấp, ngành. Theo đó, tại Công văn số 356/STC-ĐT ngày 26/01/2018 của Sở Tài chính Thanh Hóa gửi Chủ tịch UBND tỉnh về báo cáo tình hình bàn giao, hoàn trả vốn đầu tư lưới điện HANT ở 7 HTXDVĐN của TP Thanh Hóa đã có những kiến nghị, đề xuất. Một là Liên ngành đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản yêu cầu Công ty Điện lực nếu không thể giải quyết việc trả hoàn vốn đầu tư thì thực hiện giao trả lại tài sản đã nhận để các HTXDVĐN (chủ sở hữu) được tự quyết định trên cơ sở quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật. Hai là Sở Tài chính đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị, yêu cầu Công ty Điện lực Thanh Hóa báo cáo, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc giải quyết hoàn trả vốn đầu tư tài sản lưới điện đã nhận bàn giao. Trong trường hợp Công ty Điện lực Thanh Hóa vẫn khẳng định ngành điện không hoàn trả lại vốn cho các HTXDVĐN thì thực hiện theo đề xuất của Liên ngành.

Sau đó, Công ty Điện lực Thanh Hóa đã có Văn bản số 234/PCTH-KDDN ngày 27/02/2018 trả lời với nội dung sẽ không thực hiện việc giao trả lại tài sản cho các HTXDVĐN vì Công ty Điện lực Thanh Hóa đã thực hiện tiếp nhận tài sản lưới điện HANT theo đúng chỉ đạo của UBND tỉnh Thanh Hóa, Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc trên cơ sở các văn bản quy định của pháp luật. Sau tiếp nhận đã thực hiện tăng, trích khấu hao tài sản đồng thời thực hiện cải tạo nâng cấp, sửa chữa lưới điện đảm bảo cấp điện ổn định cho nhân dân. Vì vậy lưới điện hiện nay đã không còn như hiện trạng lúc ban đầu được giao. Trước đó, tại Văn bản số 4837/EVNNPC-KD+TCKT ngày 07/11/2017 của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc gửi Công ty Điện lực Thanh Hóa cũng sẽ không hoàn trả vốn cho các HTXDVĐN vì không đủ cơ sở.

Dư luận cho rằng, 2 lý do trên của Công ty Điện lực Thanh Hóa đồng nghĩa với việc các HTXDVĐN sẽ mất trắng số tài sản đã có.

Không dừng ở đây, ngày 24/04/2018, UBND TP Thanh Hóa đã có Công văn số 1465/UBND-KT về việc giải quyết đơn kiến nghị của các HTXDVĐN. Trong đó đề nghị Công ty Điện lực Thanh Hóa nếu không thể giải quyết việc trả hoàn vốn đầu tư lưới điện HANT cho các HTXDVĐN thì thực hiện giao trả lại tài sản cho các HTX này. Tiếp đó, thực hiện chỉ đạo của Bí thưTỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, tại Công văn số 12220/UBND-CN ngày 03/10/2018, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Anh Tuấn đã có ý kiến chỉ đạo: Đề nghị Công ty Điện lực Thanh Hóa căn cứ các quy định hiện hành của pháp luật và các ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, tiếp tục xin ý kiến của Tổng Công ty Điện lực Miền Bắc khẩn trương giải quyết dứt điểm đề nghị hoàn trả vốn đầu tư lưới điện HANT của các HTXDVĐN.

Nhưng đã gần 1 năm trôi qua kể từ khi có ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Anh Tuấn, các HTXDVĐN vẫn chưa được hoàn trả vốn hay được giao lại tài sản. Mới đây, 7 HTXDVĐN lại tiếp tục làm đơn kiến nghị lên UBND tỉnh Thanh Hóa. Hiện, vụ việc đã được giao lại cho Sở Công thương có trách nhiệm giải quyết, thực hiện. Được biết, Sở Công thương đang đôn đốc các đơn vị hoàn thiện hồ sơ báo cáo trình UBND tỉnh.

Ông Nguyễn Hữu Thành, nguyên Chủ nhiệm HTXDVĐN Đông Cương cho biết: "Thực tế tài sản các công trình trên hình thành chủ yếu do các HTXDVĐN tự đầu tư bằng nguồn vốn đóng góp của các xã viên trong nhiều năm. Vì vậy việc cập nhật, lưu trữ các hồ sơ, thủ tục liên quan đến quá trình đầu tư hình thành tài sản, nguồn vốn đầu tư công trình không hoàn toàn đáp ứng đúng như yêu cầu tại Thông tư liên tịch số 32. Trước, chúng tôi cũng đã bổ sung giấy tờ nhưng vẫn không đủ điều kiện. Hiện 7 HTXDVĐN đã hoàn thiện danh sách góp vốn của các xã viên, UBND các phường cũng đã có xác nhận. Tới đây, chúng tôi sẽ còn xin xác nhận của UBND TP Thanh Hóa. Nếu thành phố không xác nhận thì sẽ tiếp tục làm đơn lên UBND tỉnh".

Cuộc hành trình ròng rã để đi đòi nợ của các HTXDVĐN có vẻ như đang mở ra những tín hiệu khả quan. Cuộc hành trình đã khép lại hay chưa hay vẫn còn gặp những phiền hà, rắc rối, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trong những số báo tiếp theo.

Tại khoản 5, Điều 6 của Thông tư liên tịch 32/2013/TTLT-BCT-BTC ngày 4/12/2013 nêu rõ: Trong trường hợp không còn hoặc không đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 3, bên giao và bên nhận cần lập biên bản miêu tả hiện trạng cụ thể hồ sơ của tài sản bàn giao (đặc biệt là đối với hồ sơ vay vốn và huy động vốn của các tổ chưc, cá nhân). Thực hiện đánh giá giá trị còn lại thực tế của tài sản bàn giao theo các phương pháp nêu tại Điều 4 của thông tư liên tịch này, báo cáo Hội đồng định giá thẩm định để trình UBND tỉnh/thành phố xem xét quyết định.

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]