(vhds.baothanhhoa.vn) - Huyện Mường Lát có trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn rộng, dân cư phân bố không tập trung, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí không đồng đều nên nhận thức về công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em còn hạn chế. Cùng với đó, nhiều người dân vẫn còn giữ quan niệm và thói quen cho trẻ em ăn dặm sớm thay cho bú sữa mẹ. Do đó, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng (SDD) trên địa bàn huyện Mường Lát luôn cao so với toàn tỉnh. Năm 2022, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể câng nặng là 24,3% (giảm 1% so với cùng kỳ); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể chiều cao là 29,8% (giảm 0,2% so với cùng kỳ).

Mường Lát nỗ lực phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em

Huyện Mường Lát có trên 96% là đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn rộng, dân cư phân bố không tập trung, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, trình độ dân trí không đồng đều nên nhận thức về công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em còn hạn chế. Cùng với đó, nhiều người dân vẫn còn giữ quan niệm và thói quen cho trẻ em ăn dặm sớm thay cho bú sữa mẹ. Do đó, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng (SDD) trên địa bàn huyện Mường Lát luôn cao so với toàn tỉnh. Năm 2022, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể câng nặng là 24,3% (giảm 1% so với cùng kỳ); tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD thể chiều cao là 29,8% (giảm 0,2% so với cùng kỳ).

Mường Lát nỗ lực phòng chống suy dinh dưỡng trẻ emNhân viên Trung tâm Y tế huyện Mường Lát tư vấn sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ nuôi con nhỏ.

Ông Hồ Văn Trọng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, cho biết: Dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng, giúp trẻ nhỏ phát triển toàn diện cả về thể chất và tinh thần. Đặc biệt với trẻ dưới 5 tuổi thường có nhu cầu dinh dưỡng cao để phát triển cơ thể. Do đó, khi bị SDD, trẻ chậm lớn, thường hay mắc bệnh nhiễm khuẩn như tiêu chảy và viêm đường hô hấp, giảm khả năng học tập... Muốn trẻ phát triển khỏe mạnh, cha mẹ cần cho trẻ ăn uống đầy đủ theo lứa tuổi, với nhiều bữa ăn và đa dạng các loại thực phẩm, rau xanh, củ quả, bổ sung đầy đủ các vi chất.

Để cải thiện tình trạng SDD trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn, Trung tâm Y tế huyện Mường Lát đã tham mưu cho UBND huyện đưa chỉ tiêu giảm tỷ lệ trẻ SDD vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành trong công tác phòng, chống SDD trẻ em. Chú trọng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống SDD bằng nhiều hoạt động cụ thể như: tư vấn trực tiếp, thăm hộ gia đình; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cao điểm vào các dịp “Tháng hành động vì trẻ em”, “Ngày vi chất”, “Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ”... Đồng thời, tổ chức các buổi truyền thông “1.000 ngày vàng của bé”; tổ chức tập huấn, thực hành dinh dưỡng tại các xã, thị trấn 2 lần/năm cho bà mẹ nuôi con nhỏ và người chăm sóc trẻ. Trong đó, chú trọng bà mẹ có con dưới 5 tuổi và phụ nữ có thai. Thông qua các buổi truyền thông, tập huấn, cán bộ y tế cung cấp kiến thức dinh dưỡng hợp lý, cách thực hành nuôi con bằng sữa mẹ, cách lựa chọn chế biến thức ăn dinh dưỡng đảm bảo đủ 4 nhóm dinh dưỡng cho trẻ; hướng dẫn phương pháp theo dõi mức độ tăng trưởng chiều cao, cân nặng của trẻ; cách chăm sóc, nuôi dưỡng, nhận biết các dấu hiệu SDD ở trẻ.

Bên cạnh đó, tại các xã, thị trấn đã tạo điều kiện cho phụ nữ và trẻ em được tiếp cận với những dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu. Các trạm y tế xã, thị trấn tổ chức cân đo định kỳ và đánh giá tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi. Phụ nữ trong thời gian mang thai đều được khám thai và tiêm phòng uốn ván đầy đủ. Trên 98% trẻ từ 6 - 60 tháng tuổi và phụ nữ sau sinh trong vòng 1 tháng được uống vitamin A. Chị Hà Thị Mơ, xã Tén Tằn chia sẻ: “Bình thường ở nhà, tôi vẫn tự nấu cháo hay nấu cơm cho con ăn, nhưng chưa biết cách kết hợp những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng. Được cán bộ y tế hướng dẫn, tôi đã biết cách nấu bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, hàng ngày có đủ 4 nhóm thực phẩm là tinh bột, chất đạm, chất mỡ và vitamin để giúp cho con phát triển khỏe mạnh. Đồng thời, chú ý hơn tới việc đưa con đi khám, đo cân nặng, chiều cao, tiêm chủng tại trạm y tế xã”.

Để nâng cao chất lượng sức khỏe cho trẻ ngay từ khi mới hình thành, Trung tâm Y tế huyện Mường Lát đã tăng cường thống kê, rà soát số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ đang mang thai để quản lý. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền vận động phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ mang thai bổ sung các chất dinh dưỡng, tiêm chủng đầy đủ, khám thai định kỳ. Nhờ vậy, toàn huyện có 94% phụ nữ được quản lý thai nghén và đẻ được cán bộ y tế can thiệp.

Với việc triển khai các biện pháp đồng bộ trong công tác phòng, chống SDD ở trẻ em, huyện Mường Lát đã từng bước nâng cao nhận thức, thay đổi cách nuôi trẻ ở các bà mẹ và người chăm sóc trẻ. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ trẻ em SDD giảm 1%. Để giảm tỷ lệ trẻ SDD trên địa bàn huyện, Trung tâm Y tế huyện Mường Lát tiếp tục phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống SDD, chăm sóc sức khỏe trẻ em; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về chăm sóc, thực hành dinh dưỡng, tiêm chủng, khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em và phụ nữ mang thai.

Bài và ảnh: Thùy Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]