(vhds.baothanhhoa.vn) - Lễ hội mùa xuân ở miền núi tỉnh Thanh Hóa thường kéo dài từ tháng Giêng cho tới tận tháng Ba (âm lịch). Đồng bào Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ, Khơ Mú có các lễ hội tiêu biểu như: lễ hội xuống đồng, cầu nước đầu năm mới, hội Séc bùa, tết nhảy, lễ hội Cửa Đạt, phủ Na, lễ hội Pôồn Pông, Kin chiêng boọc mạy, lễ hội Chá Chiêng, lễ hội Mường Đòn...

Mỹ tục hội xuân miền núi xứ Thanh

Lễ hội mùa xuân ở miền núi tỉnh Thanh Hóa thường kéo dài từ tháng Giêng cho tới tận tháng Ba (âm lịch). Đồng bào Mường, Thái, Dao, Mông, Thổ, Khơ Mú có các lễ hội tiêu biểu như: lễ hội xuống đồng, cầu nước đầu năm mới, hội Séc bùa, tết nhảy, lễ hội Cửa Đạt, phủ Na, lễ hội Pôồn Pông, Kin chiêng boọc mạy, lễ hội Chá Chiêng, lễ hội Mường Đòn...

Mỹ tục hội xuân miền núi xứ ThanhLễ hội Nàng Han – Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, xã Vạn Xuân (Thường Xuân).

Lễ hội mùa xuân thường có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ là những nghi thức mang tính tâm linh của những người đang sống đối với thiên nhiên, rừng cây, ngọn suối, tưởng nhớ; thể hiện lòng ngưỡng vọng, biết ơn tổ tiên, thần linh, những người có công lao đối với đất nước, làng bản, dòng tộc. Phần hội là những trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống gắn với những tích, truyện và phong tục, tập quán cổ truyền tạo nên sự phấn khởi, vui tươi, thăng hoa trong cuộc sống của mỗi cá nhân và cả cộng đồng.

Tộc người Mường có nhiều lễ tục, lễ hội, tiêu biểu là hội Séc bùa, hội Pôồn Pông. Đã thành nét đẹp truyền thống, ngay trong buổi sáng đầu năm mới, đồng bào Mường thường tổ chức hội Séc bùa. Phường Séc bùa có từ 10 - 12 cồng, chiêng, vừa đi vừa hát và biểu diễn cồng, chiêng. Với âm thanh tươi vui, rộn rã, phường Séc bùa lần lượt kéo tới từng làng, bản, đến mỗi gia đình cầu chúc cho muôn người sức khỏe, thóc lúa dồi dào, người già sống lâu, trẻ con chóng lớn, gia súc đầy chuồng...

Vào tháng Ba, khi mùa hoa bông trăng - loài hoa tượng trưng cho tình yêu, hạnh phúc của con người bừng nở, là lúc diễn ra lễ hội Pôồn Pông. Xung quanh cây hoa nhiều màu sắc, người hát múa, người đứng xem kín cả một vùng, những lời hát trữ tình trong sáng ngân lên quyện với 9 trò diễn: xin vào chơi hoa, gieo bông, trồng hoa... như hút hồn người tham gia hội lễ. Lễ hội Pôồn Pông phản ánh lòng lạc quan, yêu đời, khát vọng vươn lên trong cuộc sống của những người dân lao động.

Lễ hội Mường Đòn ở làng Phong Vân, Thành Mỹ (Thạch Thành) tổ chức vào ngày 18 tháng Giêng tưởng nhớ Thành hoàng làng Vũ Duy Dương, danh tướng thời Lê Trung hưng, người có công phò vua, diệt giặc, lập nhiều công lớn và đã hy sinh anh dũng. Trong lễ hội, có rước kiệu, hát xường, đang, hát tuồng và các trò chơi dân gian như chơi đu, đấu vật, kéo co, chọi gà, thi làm cỗ dâng cúng Thành hoàng và các vị phúc thần...

Đồng bào Thái, trong những ngày đầu năm, khi nghe tiếng sấm đầu tiên, mọi người hồ hởi vui mừng đón nguồn sinh lực đất trời ban tặng. Tiếng sấm kèm theo nguồn nước cho mùa màng tươi tốt, cho hạnh phúc con người được bà con đón mừng với những nghi thức trang trọng. Khi nghe tiếng sấm thì dù ở đâu, làm việc gì cũng đều ngừng lại, mọi người chúc tụng nhau những lời tốt đẹp. Sau đó tất cả kéo nhau ra sông suối rửa mặt để xua đi cái đen đủi của năm cũ, đón sự tốt lành của năm mới. Trẻ em được người lớn luộc cho một quả trứng gà, sau đó bóc ra và xoa lên mặt, lên da, vừa lăn trứng họ vừa cầu chúc: “... Mặt ta trắng như trứng/ Mặt ta hồng như dưa”... mong cho con trẻ khỏe mạnh, bụ bẫm, có nước da trắng trẻo mịn màng. Cùng lúc đó, bà con múc nước về đồ xôi cúng ông bà, tổ tiên. Trong những ngày tết, đón tiếng sấm đầu năm mới, trai gái kéo nhau chơi núi, chơi hang, cùng khặp, hát giao duyên, chơi các trò chơi: ném còn, bắn cung, đua ngựa. Sang ngày mùng sáu tết, bản làng khai xuân, vào rừng săn bắn, xuống sông suối đánh, xúc cá. Ngày mùng bảy, làng bản cùng nhau quây quần uống rượu cần, bàn công việc lớn trong năm.

Cùng với lễ đón tiếng sấm đầu năm mới, lễ hội Kin chiêng boọc mạy, lễ cúng bản cũng được tổ chức vào tháng Giêng. Phần hội gồm 13 trò diễn xung quanh cây hoa nhiều tầng, trai gái chen vai, thích cánh cùng nhau hát khặp, nhảy múa, diễn tả các động tác như: xúc cá, lấy ong, chăn trâu, chăn vịt, săn nai, cắt tranh. Lễ hội này phản ánh kinh nghiệm chữa bệnh bằng cây thuốc cỏ ở trong rừng, là dịp để những người được chữa bệnh trả ơn thần linh, rừng núi và người có công giúp đỡ đã chữa cho họ khỏi bệnh với mong muốn cuộc sống an lành, no đủ, hạnh phúc.

Lễ hội Chá chiêng được tổ chức vào dịp cây cối đâm chồi nảy lộc, mọi người cùng nhau hát múa xung quanh cây hoa có gắn nhiều mô hình động vật, dụng cụ gắn liền với sản xuất nông nghiệp làm nương rẫy như: khung cửi, cày bừa, con dao, con ếch, ve sầu, chim, cá... Trong hội Chá chiêng có lời thầy mo kể chuyện, lời khặp thiết tha, đằm thắm, tiếng luống khua náo nức cùng nhiều điệu múa đặc sắc: múa khăn, múa kiếm, cưỡi voi, phi ngựa, dệt vải, hái nấm... kéo dài thâu đêm suốt sáng. Người Thái còn có nhiều lễ tục, lễ hội khác diễn ra mùa xuân cũng không kém phần hấp dẫn và giàu nghĩa nhân văn như: tục chơi hang Lãm (ở huyện Thường Xuân), hội chơi Hạn Khuống (ở huyện Lang Chánh, Như Xuân, Quan Sơn), hội đâm đuống, hội ném còn...

Người Dao có tết nhảy. Mặc dù tết nhảy diễn ra trong một dòng họ, trong một gia đình nhưng có sức lôi cuốn cả làng bản và nhiều nơi khác về dự. Với những động tác nhảy, khấn tụng, múa đao, múa cờ, múa rùa, múa chuông... những bộ tranh thờ Đại Đường đẹp, trang phục nhiều màu sắc. Tết nhảy phản ánh tín ngưỡng thờ cúng, biết ơn tổ tiên và các thần linh đã phù hộ và bảo vệ cho cuộc sống của mỗi người, mỗi nhà, dòng họ ấm êm, hạnh phúc.

Đồng bào Mông, Thổ, Khơ Mú cũng có các lễ tục, lễ hội độc đáo như: lễ hội cầu mùa, lễ hội xuống đồng, lễ hội gầu tào... diễn ra sôi nổi mỗi khi tết đến, xuân về.

Lễ hội mùa xuân ở miền núi xứ Thanh là lễ hội gắn liền với cư dân nông nghiệp, nghề rừng, săn bắt, đánh cá. Tín ngưỡng nông nghiệp và cầu mùa thể hiện đậm nét trong lễ hội Pôồn Pông (dân tộc Mường), Kin chiêng boọc mạy (dân tộc Thái), lễ hội xuống đồng (dân tộc Dao, Mông, Thổ)... Cầu cho nguồn nước dồi dào, thóc gạo dư thừa, nhân khang, vật thịnh, cuộc sống đủ đầy, vui tươi, hạnh phúc.

Lễ hội phản ánh tín ngưỡng tâm linh và nhu cầu thưởng thức, giao lưu văn hóa của người lao động, là dịp để con người thăng hoa trong tâm thức, được hòa đồng với thiên nhiên, cộng cảm với cộng đồng thần linh, đảm bảo sự cân bằng về tâm lý, tình cảm giúp họ hăng say lao động, sản xuất, bảo vệ bản làng và cuộc sống bình yên.

Lễ hội mùa xuân của đồng bào các dân tộc miền núi thể hiện khiếu thẩm mỹ, sự tài khéo, tinh tế của các nghệ nhân dân gian trong việc chế tác các công cụ sản xuất làm nên các sản phẩm thủ công như: con giống, cây bông, quả còn, đồ đan lát, thêu dệt thổ cẩm... đồng thời thể hiện tài chế biến các món ăn đã trở thành văn hóa ẩm thực như: rượu cần, các loại bánh, các món lam, các món đồ... phong phú và mang đậm hương vị của các làng bản, phản ánh kinh nghiệm chữa trị bệnh dân gian bằng cây cỏ. Lễ hội mùa xuân còn thể hiện tinh thần dân chủ, bình đẳng trong mối quan hệ giữa con người với con người, con người với thiên nhiên.

Bên cạnh những giá trị tốt đẹp của lễ hội mùa xuân miền núi tỉnh Thanh Hóa, vẫn còn có những hiện tượng mê tín dị đoan, tập tục lạc hậu cần được loại bỏ. Một số lễ hội còn có hiện tượng bói toán, cầu khấn ma rừng, ma nhà. Một số biểu hiện mất vệ sinh, tin vào bùa ngải vẫn còn xuất hiện.

Để lễ hội mùa xuân đáp ứng nhu cầu về đời sống tinh thần của Nhân dân, gìn giữ phát huy vốn văn hóa cổ truyền tốt đẹp của đồng bào các dân tộc miền núi Thanh Hóa, bài trừ các tệ nạn xã hội, các cấp, các ngành, ban quản lý di tích và lễ hội ở các địa phương cần phải nâng cao vai trò trách nhiệm của mình trong việc quản lý và tổ chức lễ hội, làm cho mọi người dân có ý thức làm chủ, tự giác và chấp hành tốt những quy định trong quy chế tổ chức lễ hội.

Cần lưu giữ và phát huy những lễ tục, lễ hội tốt đẹp, gạt bỏ những tập tục, tín ngưỡng có nội dung phản khoa học, mê tín dị đoan, hủ tục ra khỏi lễ hội. Đề cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn, lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc để các giá trị đó không ngừng được phổ biến, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của các tầng lớp Nhân dân; góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên quê hương xứ Thanh.

Hoàng Minh Tường (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]