(vhds.baothanhhoa.vn) - “Ngài Cóc đi gặp bác sĩ tâm lý” là cuốn cẩm nang dành cho những ai đang gặp bất ổn tâm lý mà chưa biết phải đối mặt thế nào. Ai cũng sẽ nhận ra những tương đồng với chính mình trong câu chuyện của chàng Cóc.

“Ngài Cóc đi gặp bác sĩ tâm lý”: Hành trình tìm lại chính mình trong thế giới nội tâm

“Ngài Cóc đi gặp bác sĩ tâm lý” là cuốn cẩm nang dành cho những ai đang gặp bất ổn tâm lý mà chưa biết phải đối mặt thế nào. Ai cũng sẽ nhận ra những tương đồng với chính mình trong câu chuyện của chàng Cóc.

“Ngài Cóc đi gặp bác sĩ tâm lý”: Hành trình tìm lại chính mình trong thế giới nội tâm

Cuốn sách “Ngài Cóc đi gặp bác sĩ tâm lý” đã bán trên 1 triệu bản.

“Bạn có thực sự hiểu về bạn không? Về những gì đã tạo nên bạn của ngày hôm nay, bao gồm cả hạnh phúc và bất hạnh?”. Cuốn sách của Robert de Board (Phạm Trúc Quỳnh dịch, Nhà xuất bản Thanh Niên liên kết với Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông 1980 Books ấn hành) sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi tưởng chừng rất khó tỏ bày, giải nghĩa trong cuộc đời.

“Ngài Cóc đi gặp bác sĩ tâm lý” kể về anh chàng Cóc, nhân vật nổi tiếng trong cuốn “Gió qua rặng liễu” của tác giả Kenneth Grahame đang trong quá trình vật lộn với những bất ổn tâm lí và hành trình “chữa lành” của anh chàng.

Ngay từ những trang đầu tiên, chàng Cóc xuất hiện trước mắt độc giả với dáng vẻ nhếch nhác, đầy u uất, chán nản. Đó là “dáng vẻ buồn bã nhất” mà từ trước đến nay những người bạn của chàng như Chuột Chũi, Chuột Nước hay bác Lửng chưa từng thấy. Tất cả đều đặt ra câu hỏi: Làm sao một sinh vật vừa thú vị vừa tràn trề hứng khởi, hoạt bát, phóng khoáng còn có chút vênh váo ngày nào lại có thể rơi vào trạng thái bi thương tới mức độ này?

Tình bạn chân thành cùng mẩu tin về việc một vị bác sĩ tâm lý đã có thể tiếp nhận bệnh nhân ở Bãi Diệc 576 đã khiến Chuột Chũi, Chuột Nước, bác Lửng đi đến nhận định: Chàng Cóc cần phải đi tham vấn tâm lý. Lúc bấy giờ, chẳng ai trong bọn họ hiểu rõ 4 từ tham-vấn-tâm-lý nhưng chúng biết đó là hoạt động đầy bí ẩn mà chỉ có người từng trải qua những chuyện nghiêm trọng hay kinh ngạc nào đó tiếp nhận. Và họ tin rằng, đây là liệu pháp tốt nhất dành cho chàng Cóc.

16 chương trong cuốn sách tương ứng với những dấu mốc trên hành trình “chữa lành”, tìm lại chính mình ở thế giới nội tâm của chàng Cóc. Trong đó, nội dung những cuộc hội thoại giữa chàng Cóc và ông Diệc - bác sĩ tâm lý giúp bạn đọc có cái nhìn bao quát, khách quan về khái niệm tham vấn tâm lý và những tác động tích cực của việc tham vấn tâm lý đối với con người. Nó không chỉ dừng lại ở việc giúp bạn giải quyết các khó khăn hay xung đột trong cuộc sống, mà còn bao gồm một loạt những cải thiện đối với sức khỏe tinh thần, cảm xúc, hành vi và quan hệ xã hội của bạn. Sự thay đổi rõ rệt từ nhận thức, hành vi của chàng Cóc giữa trước và sau khi tiếp nhận tham vấn tâm lý là minh chứng sinh động, thuyết phục nhất.

Chàng Cóc với nội tâm hỗn loạn, chất chứa đầy ẩn ức, chán nản, tuyệt vọng, liên tục khóc nấc lên khi trải lòng về những câu chuyện buồn đã bước vào buổi tham vấn đầu tiên với tâm thế rất hời hợt, lúng túng, e dè. Nhưng sự kiên quyết, tận tâm cùng kinh nghiệm của bác sĩ tâm lý đã dần dần phá vỡ “bức tường băng” ngăn cách. Ông từng chút một tiến gần hơn, thận trọng mở cánh cửa bước vào thế giới nội tâm đầy hỗn loạn của Cóc bằng tất cả sự chân thành, tôn trọng cảm xúc, suy nghĩ của cậu khi luôn bắt đầu bằng câu hỏi: Cậu đang cảm thấy/ở trong trạng thái như thế nào? Rồi ông chăm chú lắng nghe, tỉ mỉ phân tích, đối thoại cùng cậu.

Bằng các phương pháp đối thoại, khuyến khích, gợi ý hoặc gợi mở thông tin, ông Diệc giúp chàng Cóc hiểu rằng: “Tham vấn tâm lý là một quá trình tự nguyện, đối với cả người tham vấn lẫn khách hàng. Điều đó có nghĩa là chúng ta chỉ có thể bắt đầu hợp tác nếu như cậu muốn làm điều này vì chính lợi ích của bản thân cậu chứ không phải để làm vừa lòng bạn bè cậu”, “nó là trách nhiệm của chính bản thân cậu chứ không phải bất kì ai”.

Trước những áp lực, biến động của xã hội ngày nay, con người rất dễ bị đẩy vào những bất ổn tâm lý. Minh chứng rõ rệt nhất cho điều này là những trường hợp mắc bệnh trầm cảm dẫn đến tự tử xảy ra ngày càng nhiều. Hệ quả để lại cho gia đình, người thân và xã hội là nỗi đau không dễ gì nguôi ngoai. Tuy nhiên, ở Việt Nam, các vấn đề thuộc về tâm lý vẫn chưa được nhận thức đúng và đủ, thường bị xem nhẹ hoặc phản ứng theo cách cực đoan. Những người mắc bệnh thường sẽ che giấu cho đến khi bản thân không thể chịu đựng được nữa. Ngay cả khi chấp nhận điều trị, bệnh tình đã diễn tiến nặng, khó có cơ hội hồi phục. Rất ít người trong số họ tìm đến phương pháp tham vấn tâm lý ngay từ khi gặp bất ổn.

“Ngài Cóc đi gặp bác sĩ tâm lý” là cuốn cẩm nang dành cho những ai đang gặp bất ổn tâm lý mà chưa biết phải đối mặt thế nào. Ai cũng sẽ nhận ra những tương đồng với chính mình trong câu chuyện của chàng Cóc.

Dõi theo hành trình của chàng Cóc từ khi còn rất đỗi mơ hồ về những vấn đề mình gặp phải cho đến khi trải qua quá trình tham vấn tâm lý, từng bước khai phá và trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, chính là tham gia vào hành trình “chữa lành”.

Và hơn hết, cuốn sách gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh rằng mỗi chúng ta hãy biết quan tâm hơn đến những người thân, bạn bè xung quanh mình và những vấn đề đang xảy ra xung quanh họ. Sự quan tâm đúng lúc, chia sẻ chân thành, lời khuyên đúng mực đủ sức cứu rỗi một con người đang bên bờ chênh vênh, tuyệt vọng.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]