Ngày xưa có một con bò...
Làm thế nào để đạt được thành công? Tại sao bản thân đã rất nỗ lực, cố gắng từng phút, từng giờ nhưng thành công vẫn chưa mỉm cười với bạn? Camilo Cruz, PhD đã viết cuốn sách “Ngày xưa có một con bò...” (Nguyễn Hoàng Yến Phương dịch, 2024, NXB Trẻ) để nói với độc giả một điều rằng: Muốn có được thành công, điều đầu tiên là bạn phải “tiêu diệt những CON BÒ của bạn đi”!
“Ngày xưa có một con bò” ra đời trong nhiệt huyết mãnh liệt của tác giả mong muốn lan tỏa thông điệp sống và làm việc tích cực, một phương pháp tư duy mới, có tính đột phá, tác động tích cực đến hành trình vươn tới thành công cho đông đảo độc giả trên khắp thế giới.
Ông háo hức tới nỗi không thể chờ đến khi ấn bản đầu tiên của cuốn sách được phát hành, mà quyết định đăng tải nó lên mạng dưới dạng e-book bằng tiếng Tây Ban Nha. Và kết quả thật đáng kinh ngạc, 250 nghìn lượt người từ hơn 100 quốc gia tải cuốn sách về trong vòng chưa đầy 4 tháng. Minh chứng sinh động và thuyết phục về sức hấp dẫn của cuốn sách này.
Nhưng chưa dừng lại ở đó, tác giả cuốn sách tận tâm đến mức gửi email cho những người đã tải cuốn sách. Ông thực sự muốn biết những người đã tải cuốn sách có thực sự đọc nội dung của nó và hiệu quả thực sự mà cuốn sách mang lại. Những email với câu hỏi: Bạn đã giải phóng mình ra khỏi bất kỳ CON BÒ nào trong cuộc sống được tác giả ấn nút gửi đi?
Một lần nữa, Camilo Cruz, PhD đã phải kinh ngạc trong niềm hạnh phúc lớn lao của người viết. Chỉ trong vòng 2 tuần lễ, có hơn 10 nghìn người cùng chia sẻ câu chuyện thực của đời họ về cách mà cuốn sách đã gây cảm hứng và cho họ thêm sức mạnh để “chiến đấu” với những CON BÒ đầy sự ngoan cố, lì lợm đã tồn tại rất lâu trong cách sống, cách tư duy của họ.
Với những luận đề sắc sảo, lập luận khoa học, chặt chẽ, dẫn chứng sinh động, tác giả Camilo Cruz, PhD đã kể cho hàng trăm nghìn độc giả về cách nhận diện những lời biện bạch, ngay cả những lời biện bạch được ngụy trang khéo nhất; cách để chúng ta loại bỏ những tư tưởng sai lầm, những niềm tin hạn hẹp, những điều tầm thường trong tư duy; cách thức để chúng ta vượt qua những cáo buộc, nỗi sợ, những điều làm bạn thất vọng trong quá khứ để đạt được sự trọn vẹn, tính xác thực, tiềm năng thực sự của bạn. Ông gom tất cả những điều đó vào chung hình ảnh, cách nói ẩn dụ. CON BÒ mà độc giả bắt gặp ngay từ nhan đề của cuốn sách mang hàm ý sâu sắc như vậy.
Cuốn sách mở ra với câu chuyện ngụ ngôn về một con bò. Con bò là tâm điểm sự sống của gia đình ấy, việc có con vật ấy tạo cho các thành viên trong gia đình môt cảm giác an toàn và mang lại cho họ sự ngưỡng mộ từ hàng xóm - dẫu rằng cuộc sống thực của họ chẳng khấm khá, tươm tất là bao. Bản thân sự hiện diện của con bò vừa mang lại cho họ nguồn sống nhưng vô hình trung cũng chính là vật cản trong tư duy, tầm nhìn của họ. Họ cho rằng việc có con bò là đủ; họ thỏa mãn với cuộc sống hiện tại và phụ thuộc, dựa dẫm hoàn toàn vào nó.
Chính cái sự “an toàn giả tạo” cùng lời biện minh: “Như vậy đã đủ lắm rồi”, “Khối người muốn cái công việc đó mà có được đâu” - đại ý thế, sẽ biến bạn trở thành “nạn nhân chung thân của những giới hạn” do chính bạn đặt ra trong cuộc sống của mình. Điều đó cũng giống như bạn “tự bịt mắt mình ở vạch xuất phát và cầu nguyện cho mình thắng cuộc”.
Việc người thầy rút dao giết chết con bò - “sự an toàn giả tạo” trong cuộc sống khiến họ phải suy nghĩ, hành động khác đi để tự cứu lấy mình. Họ bắt đầu nhìn thấy nhiều điều tươi sáng, tốt đẹp khác xung quanh mà ngày thường vì quá chú tâm vào con bò mà lãng quên đi. Họ bắt đầu tư duy, biết cách khai thác tài nguyên vốn có, biết cách sắp xếp, tổ chức làm việc và tìm kiếm nguồn lợi để cải tạo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Những CON BÒ luôn có mặt ở khắp mọi nơi trong cuộc sống của chúng ta, quen thuộc như “người bạn đồng hành lặng lẽ”. Từ bao giờ nỗi lo sợ vô lý trở thành “biện pháp phòng ngừa hợp lý”, và sự kỳ vọng thấp kém trở thành “một cái nhìn thực tế trong cuộc sống”. Thực tế, chúng ta thường có nhiều CON BÒ hơn số lượng chúng ta muốn nhìn nhận. Nhưng không phải CON BÒ nào cũng gào lên để chúng ta nhận diện và loại bỏ chúng ra khỏi tư duy.
Tệ hơn thế, nhiều người biết về sự tồn tại ấy nhưng không phải ai cũng sẵn sàng từ bỏ những CON BÒ của mình. Chúng ta thường không đủ can đảm, tự tin đối mặt với hậu quả của việc nói ra sự thật. Kỳ lạ hơn thế, chúng ta thường dễ dàng nhận ra những CON BÒ trên bãi chăn của ai đó hơn là thừa nhận chúng trên đất nhà mình.
Những trang cuối cùng của cuốn sách, Camilo Cruz, PhD dành để chỉ ra nguồn gốc, cách thức những CON BÒ hình thành, phân loại chúng một cách chi tiết và cuối cùng là tìm cách loại bỏ chúng. Cách thức ấy được trình bày tuần tự theo 5 bước: Nhận dạng những CON BÒ của mình; Xác định niềm tin sai lầm nào đang lẩn trốn sau mỗi CON BÒ; hay nhớ rằng bạn đang trả giá đắt cho mỗi CON BÒ mà bạn bao che; lập danh sách những kết quả tích cực mà bạn sẽ bắt đầu trải nghiệm như hiệu quả của việc bạn đã loại bỏ những CON BÒ; thiết lập những khuôn mẫu hành vi mới. Điều quan trọng nhất cũng là thành quả lớn nhất mà cuốn sách mang lại, đó chính là việc tạo ra và duy trì khu vực không có CON BÒ. Điều đó khó nhưng là mục tiêu bạn nhất định phải đạt được nếu muốn vươn đến thành công.
Sau khi đọc và nghĩ thật sâu về những điều được tác giả Camilo Cruz, PhD chia sẻ trong cuốn sách “Ngày xưa có một Con Bò”, ai cũng sẽ tự nhận thấy một vài đến rất nhiều CON BÒ đang tồn tại trong chính bản thân mình. Đó cũng là thời điểm nên hành động dứt khoát, quyết liệt nhất để từ bỏ những CON BÒ đang cản trở cuộc sống, con đường đi đến thành công của mỗi chúng ta, đúng như Camilo Cruz, PhD từng chia sẻ: “Tôi cho rằng, nhận lấy 100% trách nhiệm cho sự thành công của chính mình là một trong những thách thức lớn nhất mà chúng ta ai cũng phải đối mặt”.
Hoàng Linh
{name} - {time}
-
2025-05-18 10:31:00
Thấm từng trang sách “Búp sen xanh”
-
2025-05-18 10:17:00
Tháng Năm nhớ Bác
-
2025-05-13 10:38:00
Trao tặng 100 cuốn truyện ký “Người vào tâm bão” cho Công an tỉnh Thanh Hóa