(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Quyết định số 77 ngày 24/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động (NLĐ) đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên 6 triệu đồng/khóa. Theo đó, NLĐ tham gia các khóa học nghề không quá 6 tháng được hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Quy định là vậy, song trên thực tế nhiều NLĐ thất nghiệp vẫn chưa mặn mà với chính sách hỗ trợ học nghề.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nghịch lý lao động thất nghiệp không muốn được hỗ trợ học nghề mới

(VH&ĐS) Quyết định số 77 ngày 24/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định mức hỗ trợ học nghề đối với người lao động (NLĐ) đang hưởng trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên 6 triệu đồng/khóa. Theo đó, NLĐ tham gia các khóa học nghề không quá 6 tháng được hỗ trợ tối đa 1 triệu đồng/người/tháng. Quy định là vậy, song trên thực tế nhiều NLĐ thất nghiệp vẫn chưa mặn mà với chính sách hỗ trợ học nghề.

Hàng ngày, Phòng Bảo hiểm thất nghiệp của Trung tâm dịch vụ, Sở LĐ-TB&XH đón trung bình trên 400 lượt NLĐ đến đăng ký hưởng BHTN. Ngoài hướng dẫn các thủ tục cần thiết, cán bộ của phòng còn tìm hiểu nhu cầu và tư vấn học nghề cho NLĐ. Thế nhưng, đa số lao động đến đây đều không mấy quan tâm.

Là trường hợp nghỉ việc vì lý do gia đình, chị Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1986, ở Yên Định) cho biết: “Tôi làm việc tại Công ty Sam Sung ở Bắc Ninhđược 4 năm, nhưng do con còn nhỏ, chồng thường xuyên đi làm xa nên phải nghỉ việc ở nhà chăm con. Sau khi đăng ký thất nghiệp tôi được cán bộ Trung tâm Dịch vụ việc làm tư vấn về chính sách học nghề sau thất nghiệp, nhưng điều kiện gia đình còn khó khăn tôi chưa tính đến việc đó. Hơn nữa, mức hỗ trợ học nghề tối đa 1 triệu đồng/người/tháng như hiện nay không đủ chi phí ăn uống, đi lại khi đi học nghề.

Còn anh Dương Trung Tuấn, ở Thiệu Hóa sau khi chấm dứt hợp đồng lao động với một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh nộp hồ sơ hưởng BHTN tại Trung tâm Giới thiệu việc làm. Sau khi tư vấn học nghề được hỗ trợ kinh phí, anh Tuấn phần nào hiểu được lợi ích của chính sách nhưng vẫn không tham gia.

Anh Tuấn cho biết: “Sau khi mất việc, điều tôi quan tâm nhất là khoản trợ cấp thất nghiệp để trang trải trong thời gian tìm việc làm mới. Học nghề có thể giúp tôi bổ sung kỹ năng, kiến thức, mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm trong tương lai. Nhưng điều tôi băn khoăn là sau 6 tháng học nghề có thể tìm được việc làm tốt hơn, thu nhập cao hơn?”.

Chính sách hỗ trợ học nghề sau thất nghiệp được xem là phao cứu sinh cho NLĐ.

Theo ông Phạm Văn Viện - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm và Trợ cấp thất nghiệp, Sở LĐ-TB&XH tỉnh: Mặc dù trung tâm đã rất tích cực trong việc tuyên truyền, hướng dẫn nhưng thời gian qua số người đến đăng ký học nghề sau thất nghiệp vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Theo số liệu thống kê của Phòng Bảo hiểm thất nghiệp, từ đầu năm đến nay Trung tâm đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 7.943 NLĐ bị mất việc làm song chỉ có khoảng 44 lao động tham gia học nghề.

Lý giải về nghịch lý này, ông Viện cho biết thêm: “Đối với phần lớn NLĐ thất nghiệp, nguyên nhân chủ yếu khiến họ không mặn mà với việc học nghề mới xuất phát từ chính sách ưu đãi còn chưa tương xứng. Nếu như mỗi người lao động được hưởng 300.000 đồng/tháng trong thời gian 6 tháng thì tổng số tiền được hỗ trợ cũng chỉ khoảng 1.800.000 đồng. Trong khi đó, học phí để học nghề mới thường tốn kém hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, phần lớn lao động thất nghiệp đều đã có tuổi hoặc có con nhỏ nên không có thời gian để học nghề mới. Chính vì thế, hiện nay dù Nhà nước đã có đầu tư song chính sách hưởng hỗ trợ học nghề sau thất nghiệp vẫn chưa thể phát huy được hiệu quả của nó”...

Theo một lý giải khác cho tình trạng rất ít NLĐ học nghề sau thất nghiệp là vì chủ yếu là lao động phổ thông, trình độ văn hóa còn hạn chế, độ tuổi cao. Những đối tượng này có tâm lý ngại chuyển đổi nghề. Bên cạnh đó, một số lao động chỉ quan tâm đến quyền lợi trước mắt là nhận được bao nhiêu tiền mà không quan tâm đến các quyền lợi liên quan...

Trong khi đó, chính sách hỗ trợ học nghề của Thủ tướng Chính phủ được xem là “phao cứu sinh” giúp NLĐ thất nghiệp có cơ hội học nghề, chuyển đổi nghề nghiệp, bảo đảm cuộc sống.

Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]