Người con miền Nam trên đất Thanh Hóa
Tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc và khánh thành khu lưu niệm. Tôi xem chương trình truyền hình trực tiếp từ Pleiku, nơi tôi đang sinh sống, và nhớ cồn cào những ngày Thanh Hóa của gia đình tôi.
Trên đỉnh núi Tùng nhìn xuống làng Phú Điền. (Ảnh chụp tác giả - nhà văn Văn Công Hùng)
Tôi cũng là con cán bộ miền Nam tập kết, nhưng được sinh ra ở Thanh Hóa, chứ không như một số bạn học đại học với tôi sau này ở Huế, các bạn được đưa ra khi là thiếu nhi, tất nhiên không phải là năm 1954, mà khoảng mươi năm sau đó, bí mật đưa ra Bắc theo đường giao liên vượt Trường Sơn. Còn số ra năm 1954 là thế hệ trước, đa phần ra bằng tàu thủy theo Hiệp định Giơnevơ.
Ba tôi và chú ruột ra Bắc vào năm này, nhưng không đi tàu, vì các cụ ở Huế. Các cụ đi bộ, mà trong ký ức của tôi, cứ thấy ba tôi kể cuộc vượt U Bò nào đấy, sau này tôi nhiều lần qua Quảng Bình du lịch Phong Nha mới biết đỉnh U Bò nó ra làm sao. Khi ấy, ba tôi đã mất và chú tôi rất yếu nên tôi không thể tổ chức cho các cụ đi lại con đường xưa.
Ba tôi đi theo diện cán bộ tập kết. Chú tôi là thiếu nhi có tham gia kháng chiến (đóng mở nắp hầm bí mật) nên cũng được đưa ra để học, đào tạo làm cán bộ.
Ra Nghệ An rồi cách gì đấy, cả 2 anh em đều về Thanh Hóa. Chú tôi lấy thím là người Thiệu Hóa, Thanh Hóa, là bác sĩ, ông là kỹ sư thủy lợi. Còn ba tôi, làm ở Công ty Lương thực Thanh Hóa, gặp mẹ tôi, người Ninh Bình, làm ở Liên hiệp Công đoàn tỉnh Thanh Hóa (sau này mới đổi thành Liên đoàn Lao động như bây giờ).
Sau này mẹ tôi làm Phó giám đốc Xí nghiệp Diêm 3-4 Thanh Hóa (tên lấy theo ngày đầu tiên hải quân ta chiến đấu với không quân Mỹ), đóng ở làng Phong Mục, Châu Lộc, Hậu Lộc. Gia đình tôi chuyển về đấy, khi ấy tôi đã học xong vỡ lòng ở thị xã Thanh Hóa.
Trước khi về đấy “định cư”, nhà tôi 4 người (ba mẹ tôi đẻ được 2 anh em, tôi và em trai), thường “lênh đênh” trên 2 chiếc xe đạp. Cứ thi thoảng lại thấy ông bà bắt gà bỏ vào bu, chất lên xe đạp, một bên bu gà, một bên cái ba lô, anh em tôi ngồi trên gác-ba-ga, ôm chặt ba mẹ, gà gật trên đường. Có khi ba mẹ phải lấy dây cột chúng tôi vào lưng, mỗi người một xe kẽo kẹt đạp đến nơi sơ tán mới... Chân ngắn mà bên bu gà bên ba lô nên rất mỏi, nhưng kệ, cứ phải xoạc chân hết cỡ như thế cả đêm. Dẫu rất nhỏ, tôi vẫn nhớ lời bà mẹ nói: Nhà mình còn có xe đạp, con thấy nhà chú Thủy, nhà cô Lan, cô Mơ gồng gánh đi bộ kia kìa. Thằng Chung, thằng Hải bằng tuổi các con mà đi bộ kia kìa, em Hằng ngồi trong thúng kia kìa...
Về Châu Lộc, nhà máy đóng trong rừng trám, khá kín, nhà tôi thành điểm tụ tập của các chú đồng hương. Toàn các chú vì ba mẹ tôi lớn tuổi nhất. Nghe họ rôm rả là tôi hóng chuyện miền Nam. Mẹ tôi cũng hóng, vì bà cũng có hình dung quê chồng ở làng Thế Chí Tây, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế ra làm sao đâu vì nó lăng lắc dằng dặc và mịt mù thế...
Tiểu học tôi học ở xã Châu Lộc, một cái lớp nửa là hầm. Đến THCS học ở Châu Triệu (2 xã Châu Lộc, Triệu Lộc có chung 1 trường); sau đó lên THPT Hậu Lộc, lúc này cả huyện chỉ có 1 trường, thi vào khá là khó.
Anh em chúng tôi hòa đồng với các bạn cùng lứa, dẫu thi thoảng cũng bị bắt nạt vì cái tội... ăn mặc chỉn chu hơn, có dép nhựa, cấp 3 thì có xe đạp. Cái ấy là vì cả ba mẹ tôi là cán bộ chứ không liên quan gì tới suất miền Nam, dù hồi ấy người miền Nam ở Bắc rất được nể, nhưng là họ nể những người nói tiếng Nam bộ. Ba tôi tiếng Huế, nhỏ nhẹ nên không ngầu như tiếng Nam bộ.
Nhưng cái họ thì độc. Nhớ năm lớp 10, tôi được Trường THPT Hậu Lộc chọn vào đội tuyển học sinh giỏi Văn, đi thi cấp tỉnh ở Trường Lam Sơn. Ngồi dưới sân nghe đọc tên, cái tên Văn Công Hùng xướng lên ai cũng ngoái tìm. Có đứa còn hỏi ngây ngô, sao mày không đặt là Công Văn Hùng lại đặt Văn Công Hùng khó thế.
Nhóm con miền Nam, cụ thể là Huế, ở Thanh Hóa hồi ấy không nhiều. Sau này, khi về Huế và học Đại học Tổng hợp Huế khóa 1, tôi mới biết, hồi ấy ngoài cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết, lượng học sinh miền Nam từ miền Bắc về rất đông, riêng lớp tôi đã gần chục bạn. Và họ chính là số cán bộ cốt cán sau này. Hôm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc ở Sầm Sơn, xem qua tivi, tôi nhận ra Hoàng Ngọc Hận, bạn đại học của tôi. Anh quê Quảng Nam, giờ sống ở Đà Lạt. Anh này hồi học, tết mọi người về nhà hết, anh xin thêm tiêu chuẩn bánh mì của anh em, cộng thêm của mình, ôm lên tàu Thống Nhất, đi vào rồi đi ra, còn kể, giao thừa được nhà tàu mời ăn cỗ trên tàu. Mấy năm như thế, mãi sắp ra trường tôi mới biết, nhà anh toàn liệt sĩ, tết về chả có ai, anh chọn cách ăn tết trên tàu.
Và Thanh Hóa ngoài người tập kết, ngoài học sinh được đưa ra sau này, còn một lực lượng rất đông được đưa ra sống ở đây nữa là học sinh K8. Số này là các bạn học sinh ở mấy tỉnh được coi là túi bom đạn, chủ yếu là Vĩnh Linh và có một ít Quảng Bình.
Mà Thanh Hóa khi ấy đói lắm. Chúng tôi là con cán bộ, có tiêu chuẩn tem phiếu còn đói, huống gì bà con nông dân, nhất là tháng ba ngày tám. Một tháng mỗi xã viên HTX được 8 cân lúa. Có nơi thấp hơn. Nhưng kỳ lạ, vẫn “thóc không thiếu một cân/ Quân không thiếu một người” chi viện cho chiến trường miền Nam. Dọc Quốc lộ 1 đoạn qua đền Bà Triệu ở xã Triệu Lộc, những đống bao gạo xếp lù lù chờ xe chuyển vào Nam, hầu như không suy suyển.
Những ngày đầu năm 1975 cho tới tháng Tư, nhóm miền Nam ở Thanh Hóa chộn rộn lắm. Nhà tôi là một trong những địa điểm tụ tập. Tối nào tôi cũng chuẩn bị nước để các chú tới, là những chú ở gần đấy, còn xa hơn thì chủ nhật mới đạp xe tụ tập, tôi lại vừa làm bếp vừa hóng chuyện, còn được cử làm thư ký nữa. Là đánh dấu lên tường, hôm nay ta đã đến đâu, tình hình chiến sự thế nào, thiệt hại của hai bên. Và tới tỉnh nào thì chú quê tỉnh ấy vỗ tay ầm ầm rồi kể chuyện quê mình, tất nhiên là quê... 21 năm trước.
Sau 1975, đa phần gia đình các chú ở tỉnh khác về quê, riêng nhà tôi, chú thím và các em vẫn ở Thanh Hóa và Hà Nội. Tôi về quê rồi học đại học, rồi lên Tây Nguyên lập nghiệp. Một lần về Huế, đưa mẹ đi khám bệnh, vô tình gặp lại chú nguyên giám đốc nhà máy diêm Thanh Hóa thời mẹ tôi làm phó cũng đang nằm viện. Và mới biết, con gái chú là bác sĩ ở bệnh viện này. Nhớ hồi nhà máy sơ tán ở làng Phong Mục, Châu Lộc, Thanh Hóa, chúng tôi hay chia phe đánh trận giữa ruộng sắn, nó bé tí, chuyên môn tiếp... đất cho chúng tôi... Chúng tôi gói đất bột vào giấy báo (của bố mẹ) rồi ném nhau. Hôm nào chơi trò ấy tối về cũng ăn đòn vì người đầy đất từ đầu tới chân, mà nước thì rất hiếm, phải gánh từ rất xa về.
Và té ra, trái đất tròn là có thật, và cũng không lớn lắm.
Văn Công Hùng
{name} - {time}
-
2025-02-05 16:42:00
Mở rộng chiến dịch tiêm vaccine trước nguy cơ bùng phát dịch sởi ở Việt Nam
-
2025-02-05 14:11:00
Tổng Bí thư yêu cầu tỉnh Phú Thọ huy động nguồn lực hiệu quả
-
2025-02-02 08:51:00
Xuân Ất Tỵ, “điểm danh” một số người tuổi Tỵ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam
Điểm nóng 2/2: Đình chỉ hoạt động quán bún riêu bán 1,2 triệu đồng/3 bát
Bản tin Tài chính 2/2: Vàng “xô đổ” mọi kỷ lục, tăng mạnh trong tuần nghỉ Tết
Tháng 2, không khí lạnh hoạt động mạnh gây ra nhiều ngày rét đậm, rét hại
Dự báo thời tiết 2/2: Bắc Bộ nắng đẹp ngày cuối cùng của kỳ nghỉ Tết
Đông Sơn Cổ Tự – Điểm check-in hoài cổ hấp dẫn du khách những ngày đầu xuân
Hạn chế chậm, hủy chuyến bay trong cao đểm Tết Nguyên đán
Thời tiết ngày 30/1: Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét đậm
Người phụ nữ phá kỷ lục sống lâu sau ghép nội tạng lợn chỉnh sửa gene
Vui tết cùng bà con phố Giang Thanh