Người khuyết tật và câu chuyện mưu sinh: Tín hiệu từ Bell Home
Dự án: “Hỗ trợ và kiến tạo không gian khởi nghiệp cho người khuyết tật”, một dự án cộng đồng mang tính nhân văn, hỗ trợ người khuyết tật khởi nghiệp bằng chính năng lực, kinh nghiệm và trí tuệ của mình. Bước đầu Dự án đã mang lại hiệu quả nhất định cho người khuyết tật tỉnh nhà.
Một điểm bán sản phẩm Bell Home của người khuyết tật huyện Quảng Xương tại chợ Cống Trúc.
Khi Bell Home về Thanh Hóa
Dự án do Công ty CP Tập đoàn Bell Việt Nam cùng Liên Chi hội người khuyết tật thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật trẻ mồ côi và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Thanh Hóa phối hợp, thực hiện. Từ tháng 1/2024 đến nay, đã tổ chức đến 3 huyện là Hà Trung, Quảng Xương và Hậu Lộc với 12 điểm bán hàng và đã hỗ trợ tạo việc làm, thu nhập cho 100 hội viên là người khuyết tật. Điểm bán hàng tại các chợ và các ki-ốt gần chợ. Hàng hóa là 10 sản phẩm hóa mỹ phẩm sinh học mang tên Bell Home của Công ty CP Tập đoàn Bell Việt Nam. Những sản phẩm này thừa hưởng toàn bộ khoa học công nghệ tiên tiến từ Đức.
Là 1 trong 3 huyện mở được nhiều điểm bán hàng nhất đến thời điểm này với tổng số 7 điểm, bà Trịnh Thị Phương, Chủ tịch Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi huyện Quảng Xương, cho biết: “Tuy mới triển khai nhưng dự án đã mang lại lợi ích thiết thực cho người khuyết tật. Họ rất vui vì nhờ có dự án họ đã có thu nhập. Nhiều chị bán hàng rất tốt, tư vấn cho khách hàng như một chuyên gia...”. Theo bà Phan Lan Anh, Phó trưởng Ban Dự án “Hỗ trợ và kiến tạo không gian khởi nghiệp cho người khuyết tật” thì các điểm bán hàng tại Thanh Hóa hiện đang hoạt động rất hiệu quả. Bà nói: “Thanh Hóa đang duy trì các điểm bán khá tốt. Theo quy định, công ty hỗ trợ vốn đầu tư công nợ bằng hàng từ 10 triệu đồng cho 1 điểm bán. Công ty sẽ trích trả 25% trên tổng doanh thu bán hàng cho hội viên trực tiếp tham gia bán hàng hoặc nhóm người tham gia bán hàng. Dự án này triển khai trong 10 năm, tương lai mở trên 10 nghìn điểm bán tại 63 tỉnh, thành. Tập đoàn Bell Đức sẽ kết hợp với các tỉnh ký hợp tác hỗ trợ hàng hóa, công cụ, kiến thức, hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật...
Tuấn và Bell Home
Trong số 100 hội viên đang được hỗ trợ bán hàng, tạo thu nhập từ Dự án “Hỗ trợ và kiến tạo không gian khởi nghiệp cho người khuyết tật”, Hoàng Anh Tuấn là một người đặc biệt. Tuấn sinh năm 1995, ở tổ dân phố Đông Đa 2, thị trấn Tân Phong (Quảng Xương). Sinh ra, em bị bại não dẫn đến khó nói, làm gì cũng phải lên gân. Tuấn khi nói hoặc ngửa mặt lên trời hoặc ngoẹo đầu. Nói thôi người cũng đã túa mồ hôi. Rất may, Tuấn với trí tuệ bình thường, biết đọc, viết và tính toán. Cách đây 9 năm, Tuấn đã đi học Tin học văn phòng. Với kiến thức đã học, việc đầu tiên em áp dụng là cài đặt phần mềm cho người thân.
Bell Home đã mang lại thu nhập đầu tiên cho Hoàng Anh Tuấn.
Ngày 8/3/2024, một ngày đặc biệt đối với Hoàng Anh Tuấn. Em được làm việc và đã có thu nhập 45 nghìn đồng đầu tiên từ việc bán sản phẩm Bell Home của Công ty CP Tập đoàn Bell Việt Nam. Ước mơ muốn có được việc làm để giúp đỡ bố mẹ dường như đang sắp thành hiện thực với Tuấn. “Em rất vui. 29 tuổi em mới biết kiếm tiền”. Hoàng Anh Tuấn nói. “Khuôn mặt của em không biểu cảm, nói lại khó khăn nên không thể livestream phát trực tiếp bán hàng mà chỉ có thể đăng bài quảng cáo sản phẩm trên mạng xã hội facebook và đã có 15 người chốt đơn. Tính đến nay, em đã bán được 100 combo từ bán hàng trực tuyến và trực tiếp tại nhà. Bố mẹ sẽ giúp em mang hàng đến cho khách. Em vẫn 1 tuần 3 buổi học online về kỹ năng bán hàng... Công việc này, em thấy cũng khá phù hợp”.
Tôi sử dụng 1 combo của Tuấn. Về đến nhà, tôi nhận được tin nhắn của em: “Em xin phép hướng dẫn chị sơ qua về sử dụng sản phẩm ạ!”. Những tin nhắn chi tiết cụ thể cách sử dụng từng sản phẩm từ nước giặt xả đến lau sàn nhà hay xả vải khô... Tôi bất ngờ và xúc động, bởi một người khuyết tật như Tuấn, nếu nhìn bề ngoài, làm sao tin được em có thể làm được những điều như thế!
29 tuổi, lần đầu tiên Tuấn biết kiếm tiền. Vui và chắc chắn hạnh phúc. Không chỉ Tuấn mà nhiều người khuyết tật khác cũng thấy lấp lánh niềm tin vì họ được lao động và được nhìn thấy thành quả của chính bản thân.
Hoàng Anh Tuấn vẫn 1 tuần 3 buổi học các kỹ năng bán hàng, đào tạo sản phẩm Bell Home...
Không chỉ đợi đến Dự án “Hỗ trợ và kiến tạo không gian khởi nghiệp cho người khuyết tật” thì người khuyết tật Thanh Hóa mới có cơ hội để được làm việc, tạo thu nhập. Trước đó, người khuyết tật tỉnh nhà cũng đã được tạo điều kiện có việc làm và thu nhập ổn định thông qua hỗ trợ tư vấn việc làm, dạy nghề... Tất nhiên, với người khuyết tật, hiệu quả việc làm sẽ khó khăn hơn vì còn phụ thuộc vào sức khỏe và nhiều yếu tố khác.
“Hỗ trợ và kiến tạo không gian khởi nghiệp cho người khuyết tật”, một dự án đã và đang mở ra nhiều hy vọng cho người khuyết tật trên cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng. Cuộc hành trình với Bell Home sẽ còn dài và nói như Hoàng Anh Tuấn: “Nếu thực sự khả quan, em sẽ kiên trì với Bell Home. 29 tuổi mới biết kiếm tiền nên cũng háo hức lắm”.
Bài và ảnh: Việt Hoàng
- 2024-09-18 16:12:00
Người dân huyện Mường Lát giao nộp súng tự chế cho bộ đội biên phòng
- 2024-09-18 10:29:00
Thị xã Bỉm Sơn khắc phục ô nhiễm môi trường, xây dựng đô thị xanh - sạch - đẹp
- 2024-04-05 16:24:00
Tuổi trẻ Thanh Hóa vì “một Việt Nam xanh”
Người khuyết tật và câu chuyện mưu sinh: Khát vọng
Xem bói trực tuyến: Trò lừa tâm lý
Thực tiễn và kinh nghiệm mối quan hệ cấp ủy lãnh đạo, chính quyền quản lý, Nhân dân làm chủ trong xây dựng NTM nâng cao ở Thiệu Chính
Tết Thanh minh năm 2024 rơi vào ngày nào?
“Cuộc chiến” sách lậu không hồi kết?
Chung sức, đồng lòng xây dựng thành công xã NTM kiểu mẫu Hoa Lộc
Trao tình yêu thương
Linh thiêng cột mốc
Chuẩn bị tốt các điều kiện cho mùa du lịch biển 2024