(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhiều năm qua, ông đã mang văn hóa đọc về cho làng quê. Tấm lòng của ông, ai cũng quý trọng, nể phục. Ông là Hà Duyên Sơn, người đã lập thư viện sách ngay trong nhà mình.

Chuyện ông Sơn sách

Nhiều năm qua, ông đã mang văn hóa đọc về cho làng quê. Tấm lòng của ông, ai cũng quý trọng, nể phục. Ông là Hà Duyên Sơn, người đã lập thư viện sách ngay trong nhà mình.

Chuyện ông Sơn sách

Đam mê và ý tưởng

Hỏi thăm nhà ông, từ người già, con trẻ ở xã Xuân Lai (Thọ Xuân), hầu như ai cũng biết. Họ chỉ đường với niềm phấn khởi hiện rõ trên khuôn mặt khiến khách cũng mừng vui theo. Nhà ông ở thôn 5. Ngay cái cổng sắt trước nhà có dán một tờ giấy A4, là danh sách các cá nhân, tập thể ủng hộ sách cho thư viện, được đánh máy rất cẩn thận.

Ông tên Hà Duyên Sơn nhưng thư viện mang tên ông nội Hà Duyên Đạt - nhà lão thành cách mạng. Gia đình ông vốn có truyền thống hiếu học và có tới 4 đời theo nghề giáo. Ông nguyên là Hiệu trưởng Trường THPT Thọ Xuân 4.

Từ nhỏ, ông Sơn đã bộc lộ niềm đam mê sách, đi đâu, làm gì cũng mang sách bên mình. May mắn, ông và các con cháu sau này được thừa hưởng nguồn sách quý với gần 400 cuốn của đời trước để lại. Hàng trăm cuốn sách đã được ông đọc hết, trong đó có những cuốn, ông đọc đi lại nhiều lần.

Năm 2012, ông và vợ là bà Hà Thị Mai, nguyên Phó hiệu trưởng Trường THCS Xuân Lai về nghỉ chế độ. Đây là thời điểm thích hợp để hai vợ chồng có điều kiện biến ý tưởng thành hiện thực. Ông nói: “Từ lâu, vợ chồng tôi muốn xây dựng một tủ sách gia đình cho con cháu. Giá trị văn hóa của sách rất lớn. Chính vì vậy, sẽ giúp thế hệ sau không chỉ biết gìn giữ, trân trọng những gì của người đi trước để lại mà còn có cơ hội tích lũy kiến thức”...

Xây dựng được tủ sách gia đình cũng là lúc ông nhận thấy nhu cầu về văn hóa đọc của người dân hãy còn lớn khi người già, con trẻ trong thôn thường tìm đến nhà ông để đọc sách, mượn sách. Ông lại tích cực kêu gọi con cháu ở khắp nơi ủng hộ để tăng lượng sách mới phục vụ bà con. “Lúc đầu, chúng tôi chỉ dừng ở việc xây dựng tủ sách cho con cháu, nhưng không nghĩ nó lại có sức lan tỏa rộng ra cộng đồng. Điều này thôi thúc tôi phải làm điều gì đó ý nghĩa hơn, không chỉ trong phạm vi tủ sách gia đình. Năm 2015, cùng với sự giúp đỡ của nhiều người, vợ chồng tôi đã thành lập Thư viện tư nhân Hà Duyên Đạt” - Ông Sơn kể.

Thư viện nhỏ, tấm lòng lớn

Sau 9 năm ra đời, đến nay Thư viện Hà Duyên Đạt có gần 8.000 cuốn sách, trong đó có hơn 3.000 đầu sách, với đầy đủ thể loại. Đối tượng đến với thư viện phần lớn là học sinh và người cao tuổi trên địa bàn Xuân Lai và một số xã lân cận như Phú Xuân, Xuân Lập... Trung bình mỗi ngày có khoảng 40 lượt người đến đọc và mượn sách. Giở lại cuốn sổ ghi chép, ông Sơn dí dỏm: “Ngày đông nhất có tới 75 lượt người đến mượn, đổi sách. Học sinh đứng vòng trong, vòng ngoài, tôi toát mồ hôi mà vẫn thấy vui”.

Trong thư viện gần 20m2 này, có thể tìm thấy nhiều cuốn sách có giá trị lớn về lịch sử như “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Những chiến sỹ cách mạng trung kiên tỉnh Thanh Hóa”, hay những tác phẩm văn học nổi tiếng của Việt Nam và nước ngoài như Tắt đèn (Ngô Tất Tố), Những người khốn khổ (Victor Hugo)… Như chia sẻ của ông Sơn, có học sinh đi nhiều nhà sách không tìm được cuốn đang cần, đến thư viện của ông lại có.

Nhiều năm qua, người dân xã Xuân Lai đã quen với hình ảnh, vào mỗi chiều chủ nhật, ông Sơn lại “chở” văn hóa đọc đến các nhà văn hóa thôn. Bí thư Chi bộ thôn 5, ông Hà Như Sơn, cho biết: “Ở xã Xuân Lai, có những thôn cách nhau 2-3 km. Đường xa, nhiều cháu không có điều kiện để đến với Thư viện Hà Duyên Đạt, có cháu phải nhờ bố mẹ đưa đến hoặc tự đi xe đạp. Hiểu được điều này, đích thân ông Sơn đã mang sách đến các nhà văn hóa thôn để người dân, đặc biệt là các cháu học sinh được tiếp cận thêm những nguồn thông tin bổ ích từ sách”.

Không dừng ở đây, thư viện của ông Sơn còn góp phần cho sự thành công nhiều cuộc thi, trong đó phải kể đến cuộc thi “Bác Hồ với thiếu nhi - Thiếu nhi với Bác Hồ”. Bà Trịnh Thị Huyên, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Xuân Lai, người từng là học trò của ông Hà Duyên Sơn, chia sẻ: “Rất mừng khi thư viện của thầy có một kho tư liệu quý về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó đã giúp cho học sinh hoàn thành tốt bài thi. Ở thư viện trường, các loại sách đều có nhưng không phong phú, đa dạng, chủ yếu là sách giáo khoa, sách tham khảo. Nhiều năm nay, học sinh nhà trường luôn xem thư viện của thầy là ngôi nhà thân thiết của mình”.

“Một ngày không có ai

đến đọc sách,

mượn sách,

tôi lại thấy buồn”…

Ít ai biết rằng, để có gần 8.000 cuốn sách như hiện nay, ngoài sách của gia đình thì Thư viện Hà Duyên Đạt đã nhận được sự hỗ trợ sách của nhiều tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Đó như là sự tri ân với người đã mang văn hóa đọc về cho làng quê.

Lần giở lại những tấm lòng qua cuốn sổ ghi chép, ông Hà Duyên Sơn vẫn còn nguyên cảm xúc. Ông đọc từng cái tên và nhắc lại những kỷ niệm. Trong đó, món quà lớn nhất là gần 1.000 cuốn sách của chị Hà Thị Huệ ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Gần đây nhất là hơn 400 cuốn sách của hai vợ chồng giáo viên ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa). Họ đã chở sách bằng ô tô đến tận nhà ông để tặng cho thư viện. Đó còn là 237 cuốn sách của cậu học trò cũ bên Mỹ gửi tặng thầy nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11…

Nhiều học sinh được đọc sách do ông Hà Duyên Sơn mang đến nhà văn hóa thôn.

Ngoài nguồn sách ủng hộ, mỗi tháng, hai vợ chồng ông Sơn còn tiết kiệm 1 triệu đồng tiền lương để mua thêm sách mới. Việc này cũng đã được ông bà thực hiện đều đặn 9 năm nay, từ khi mới xây dựng tủ sách gia đình.

Năm nay, ông Hà Duyên Sơn 69 tuổi, là báo cáo viên chuyên trách của Đảng bộ xã Xuân Lai. Ngoài gắn bó với hoạt động thư viện ở gia đình, ông còn là Phó Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện Thọ Xuân.

Hôm chúng tôi về nhà ông, trời mưa lất phất. Ông bảo, Ngày Sách Việt Nam 21-4 sắp tới, ông sẽ đưa sách về Trường Tiểu học Xuân Lai và sẽ cố gắng có thêm nhiều đợt trong năm đưa sách đến các trường học. Trong lúc trò chuyện, ông bỗng trầm ngâm: “Nhu cầu đọc sách ngày càng lớn. Tôi mong có thêm nhiều sách mới để thay đổi, phục vụ người dân tốt hơn. Mọi người đến thư viện là tôi phấn khởi. Nhưng những hôm trời mưa, không có ai mượn sách, đọc sách, tôi lại thấy buồn”...

Bí thư Đảng ủy xã Xuân Lai, ông Lê Văn Sâm: “Đó là một đảng viên gương mẫu, một công dân kiểu mẫu. Khi ở môi trường nông thôn vẫn còn hạn chế các điều kiện tiếp cận với văn hóa đọc thì nghĩa cử cao đẹp của ông Hà Duyên Sơn đã góp phần đáp ứng nhu cầu về văn hóa đọc không những của học sinh, mà còn cho cán bộ và Nhân dân trong xã”.

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]