(vhds.baothanhhoa.vn) - Cuộc nội chiến Lê - Mạc xảy ra và kéo dài qua hai thế kỷ (1533 - 1677) khiến đất nước chia cắt, bất ổn, lòng người không yên. Trong bối cảnh ấy, danh tướng - Thái Tể Vinh Quốc Công Hoàng Đình Ái (1527 - 1607, có tài liệu viết ông sinh năm 1526) với tài năng xuất chúng đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp trung hưng nhà Lê, được xếp vào hàng “Trung hưng đệ nhất công thần”.

Danh tướng Hoàng Đình Ái

Cuộc nội chiến Lê - Mạc xảy ra và kéo dài qua hai thế kỷ (1533 - 1677) khiến đất nước chia cắt, bất ổn, lòng người không yên. Trong bối cảnh ấy, danh tướng - Thái Tể Vinh Quốc Công Hoàng Đình Ái (1527 - 1607, có tài liệu viết ông sinh năm 1526) với tài năng xuất chúng đã góp phần quan trọng vào sự nghiệp trung hưng nhà Lê, được xếp vào hàng “Trung hưng đệ nhất công thần”.

Danh tướng Hoàng Đình ÁiHậu cung bên trong di tích có tượng thờ lão tướng Hoàng Đình Ái.

Vùng đất Bồng Thượng nay thuộc xã Vĩnh Hùng (Vĩnh Lộc) được biết đến là quê hương của Chúa Trịnh, cũng là quê hương của danh tướng Hoàng Đình Ái. Sinh ra vào thời loạn lạc, đất nước chia cắt, từ nhỏ Hoàng Đình Ái đã ham mê luyện tập võ nghệ, sớm xác định cho mình con đường binh nghiệp. Lớn lên, ông đầu quân và dốc sức cho sự nghiệp trung hưng nhà Lê.

Năm 1570, sau khi Thái sư Trịnh Kiểm qua đời, hai con trai của ông là Trịnh Cối và Trịnh Tùng nảy sinh bất hòa, tranh giành quyền lực khiến lòng dân hoang mang, tướng sĩ chia rẽ. Lợi dụng cơ hội, Mạc Kính Điển dẫn đầu đã đem 10 vạn quân, chia làm 5 đạo với 700 chiến thuyền đánh vào đất Thanh Hóa, dốc lực nhằm tiêu diệt nhà Lê - Trịnh. Sợ hãi quân Mạc, Trịnh Cối nhanh chóng đầu hàng. Trước tình hình ấy, danh tướng Hoàng Đình Ái đã kêu gọi tướng sĩ trên dưới một lòng vào triều yết kiến vua Lê Anh Tông và tôn Trịnh Tùng làm đô tướng chống quân Mạc.

Tuy nhiên, dưới sự chỉ huy của Mạc Kính Điển, thanh thế quân Mạc thực sự rất mạnh khiến tướng sĩ nhà Lê - Trịnh không ít lần buộc phải rút quân nhằm bảo toàn lực lượng. Khi Mạc Kính Điển mất (năm 1580) nhà Mạc dần bộc lộ những dấu hiệu suy yếu. Năm 1581, quân Mạc lại tấn công vào vùng đất Thanh Hóa. Lúc bấy giờ, lão tướng Hoàng Đình Ái đã thống lĩnh quân sĩ, chia làm 3 đạo do Nguyễn Hữu Liêu làm tiên phong và tự mình đốc đại binh làm chủ lực, Trịnh Thái làm hữu đốc, dọc theo sông Mã chặn đánh quân Mạc khiến kẻ địch thua chạy.

Tháng Giêng năm 1592 (niên hiệu Quang Hưng thứ 15), quân Lê - Trịnh đánh chiếm Đông Quan, bắt sống tướng nhà Mạc là Thường Quốc ở Mặc Kiều; đánh bại quân Mạc ở Lô Thủy, lấy lại được Thăng Long khiến Mạc Mậu Hợp phải bỏ trốn rồi cũng bị bắt. Thời điểm này, danh tướng Hoàng Đình Ái ở tuổi 66 trở thành một trong những công thần có công lớn bậc nhất trong sự nghiệp trung hưng nhà Lê. Khi tàn dư quân Mạc đóng ở phía Bắc với dã tâm chưa dứt vẫn liên tục quấy phá, lão tướng Hoàng Đình Ái dù tuổi đã cao vẫn không ngần ngại xông pha trận mạc, chinh chiến sa trường khiến kẻ địch chỉ nghe tên đã khiếp sợ.

Năm 1597, nhà Minh phương Bắc sai Uy quan là Vương Kiến Lập đến trấn Nam Giao đòi lễ cống và diễu binh. Lão tướng Hoàng Đình Ái (lúc này đã 70 tuổi) được vua Lê - chúa Trịnh tin tưởng trao cho thanh gươm “An Quốc” và 5 vạn quân “phòng ngự”, đề phòng nhà Minh tràn sang ngầm giúp nhà Mạc “bắt vua, hiếp tướng”. Tại cửa ải Nam Quan, Uy quan Vương Kiến Lập cùng tàn quân nhà Mạc trông thấy quân nhà Lê binh tướng oai hùng, khí thế hiên ngang đành phải lẳng lặng từ bỏ dã tâm. Cũng từ đây, nhà Minh buộc phải công nhận nhà Lê và bỏ nhà Mạc. Công lao của ông được người đời ngợi ca:“Đặc địa anh hùng cao nhất thế/ Kình thiên sự nghiệp vĩnh thiên thu”.

Không chỉ uy dũng nơi sa trường, trong cuộc đời làm quan của mình ông cũng được người đời ngợi ca bởi tấm lòng nhân hậu, khoan dung. Nhận xét về ông, sử gia Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí (tập 1) đã không tiếc lời ngợi ca: “Hoàng Đình Ái có học thức, thông binh pháp, cầm quân nghiêm chỉnh, trong thì giúp mưu mô, ngoài thì đánh dẹp, tự mình trải vài trăm trận đánh, đến đâu được đấy, làm cả tướng võ, tướng văn; không phân biệt thứ bậc, uy quyền, ưu đãi sĩ phu, giữ gìn pháp độ; đi đánh đẹp, mọi người đều khen là giỏi”.

Cuộc đời làm quan của mình, Thái tể Vinh Quốc công Hoàng Đình Ái một lòng dốc sức phụng sự cho đất nước, triều đình, tựa như “cây lớn trên núi Thái Sơn”. Tấm lòng của ông được cả vua Lê - chúa Trịnh đều trân trọng. Vì vậy, năm 1607 sau khi lão tướng Hoàng Đình Ái qua đời tại Thăng Long, vua Lê đã ra chiếu chỉ cả nước để tang ông 5 ngày, triều đình bãi triều 5 ngày, dân 10 xã được lựa chọn làm lính giữ mộ. Nhà vua đã ra lệnh cho Hữu thị lang Bộ Lễ (Nguyễn Lễ) soạn văn bia “Thần đạo” khắc ghi công lao bậc công thần nhằm lưu danh hậu thế. Nội dung văn bia có đoạn viết: “Tướng công Hoàng Đình Ái là người có phong cách sống trong sáng, hòa nhã, bền bỉ, đúng chức phận, trong công việc giữ điều tín nghĩa, đem hết năng lực ra làm việc nước, đức độ của tướng công thu phục lòng người, khoan hậu của Tướng công góp phần làm cho mạch nước thêm mạnh, thêm trường thọ, phong thái và thể chất của tướng công ngưng tụ thành biểu tượng cao lớn. Trong triều đình, Thái sư uy nghi như Thái Sơn - Kiều Mộc”. Đặc biệt, nhà vua còn ban cho ông bốn chữ “Kiều mộc thế thần” được hiểu là trụ cột vững chắc của triều đình, truy tặng tước vương “Cảm đức đại vương”; các triều đại về sau nhiều lần ban sắc phong “Thượng đặng phúc thần”, người dân nhiều nơi lập đền thờ phụng. Đến thời nhà Nguyễn, vua Gia Long cũng xếp ông vào hàng công thần trung hưng bậc nhất. Khi vua Minh Mạng lập miếu “Lịch đại đế vương” tại kinh thành Huế, Thái tể Vinh Quốc công Hoàng Đình Ái cũng được tôn vinh, đưa vào thờ phụng cùng với các bậc công thần nổi danh trong lịch sử.

Danh tướng Hoàng Đình ÁiCổng vào đền thờ cổ kính, thâm nghiêm với cây đại cổ thụ.

Ngày nay, trở về quê nhà của Thái tể Vinh Quốc công Hoàng Đình Ái tại làng Bồng Thượng, xã Vĩnh Hùng, còn đó ngôi đền thờ phụng ông được dân làng lập dựng tuy nhỏ nhắn nhưng uy nghiêm, cổ kính. Cổng vào được xây dựng theo kiến trúc một gian, hai bên tường đắp nổi phù điêu, bên trên cổng là cuốn thư với ba chữ Hán “Cao môn tướng”, bên trong là bức bình phong và đền thờ đã qua nhiều lần tu sửa. Nhà tiền đường xây theo kiểu 3 gian 2 chái chất liệu gỗ, tường hồi bít đốc; bên trong hậu cung đền thờ đặt bài vị và tượng Thái tể Hoàng Đình Ái khoác áo choàng đỏ, vẻ mặt khoan dung. Tại di tích cũng lưu giữ một số sắc phong và văn bia.

Đặc biệt, còn có hai cây thị và đại cổ thụ với tuổi đời hàng trăm năm, thân hình xù sì, khác lạ. Ông Hoàng Đình Ngư, hậu duệ đời thứ 15 của Thái tể Vinh Quốc công Hoàng Đình Ái, là người trông coi di tích chia sẻ: “Là hậu duệ của cụ (Hoàng Đình Ái), con cháu đều lấy làm tự hào về cuộc đời làm quan cùng những đóng góp của tiền nhân cho lịch sử, triều đại. Năm 2018, đền thờ đã được nhà nước hỗ trợ kinh phí trùng tu”.

Với những giá trị lưu giữ, năm 1995, đền thờ Thái tể Vinh Quốc công Hoàng Đình Ái được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ngày nay, về với vùng đất cổ Bồng Thượng bên bờ sông Mã, cùng với Phủ Trịnh và nghè Vẹt, đền thờ Thái tể Vinh Quốc công Hoàng Đình Ái cũng là địa chỉ tham quan không nên bỏ qua của du khách trong hành trình tìm về lịch sử.

(Bài viết có tham khảo nội dung trong sách Đại Việt sử ký toàn thư và Lịch triều hiến chương loại chí).

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]