(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghề báo đến với tôi như một duyên nợ và tôi luôn xem đó là niềm hạnh phúc được cống hiến, được theo đuổi đam mê.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỷ niệm tác nghiệp trên đảo Cồn Cỏ - Lý Sơn

Nghề báo đến với tôi như một duyên nợ và tôi luôn xem đó là niềm hạnh phúc được cống hiến, được theo đuổi đam mê.

Đã hơn 6 năm bước vào nghề báo, tôi tự hào vì mình không chỉ được đặt chân trên mọi nẻo đường quê hương xứ Thanh mà xa hơn nữa, vinh dự được tác nghiệp ở những nơi “đầu sóng ngọn gió” của Tổ quốc. Kỷ niệm trên đảo Cồn Cỏ - Lý Sơn khi tôi mới về Báo Văn hóa & Đời sống được hơn 1 năm sẽ luôn sống mãi trong kí ức của một người phóng viên trẻ.

Ngày ấy, gần Tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, theo sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, sự phân công của lãnh đạo cơ quan, tôi vào Đà Nẵng, theo đoàn công tác Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân do Đại tá Bùi Văn Tám - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh dẫn đầu đến thăm và chúc tết quân, dân 2 huyện đảo: Cồn Cỏ (Quảng Trị) và Lý Sơn (Quảng Ngãi).

Nhớ lại ngày ấy, trên con tàu HQ 628, chúng tôi rời quân cảng Tiên Sa, Đà Nẵng trong những cái ôm, cái bắt tay thật chặt của những người ở lại. Huyện Đảo Cồn Cỏ cách quân cảng Đà Nẵng hơn 90 hải lý là địa điểm đầu tiên đoàn công tác đến thăm, chúc tết. Theo những cánh sóng dập dềnh, lênh đênh, nhìn từ xa Cồn Cỏ là một chấm xanh của rừng cây giữa trùng dương sóng nước. Đứng đợi từ bao giờ, những cán bộ, chiến sỹ Trạm rada 540 thuộc Tiểu đoàn 351 cùng cán bộ, nhân dân huyện đảo đón chào đoàn trên cầu cảng. Như gặp lại người thân đi xa trở về nhà, họ tay bắt mặt mừng, phấn khởi, hỏi thăm nhau bằng những câu chân thành. Những thùng quà, thực phẩm được chuyển lên bờ cẩn thận. Tiếng cười, nói hòa cùng tiếng sóng biển rì rào làm cho đảo trở nên nhộn nhịp. Sau khi mang những món quà tết từ đất liền trao tặng cho quân và dân các đơn vị trên địa bàn đảo, đoàn tổ chức đón tết sớm tại Trạm rada 540. Buổi tiệc mừng xuân diễn ra nhanh gọn với đủ các món như rượu, thịt, bánh chưng, người sinh sống trên đảo hầu như tham gia đầy đủ, cùng trao cho nhau những lời chúc tốt đẹp, lời động viên cho một năm mới tốt tươi, những lời dặn dò ân cần của lãnh đạo vùng đối với các chiến sỹ rada trong công tác canh giữ biển trời.

Tác giả trong chuyến công tác ra đảo Lý Sơn - Cồn Cỏ.

Chia tay cán bộ, nhân dân đảo Cồn Cỏ, cán bộ chiến sỹ Trạm rada 540 trong sự bùi ngùi, xúc động. Nhìn những cây phong ba sừng sững, xanh mướt trên những con đường, bên hiên nhà như thách thức với biển trời bao la, chúng tôi cầu chúc cho người dân, người lính nơi đây dẫu có phong ba bão táp không thể quật ngã được ý chí, tình yêu Tổ quốc của họ. Hòn đảo chưa đầy 4 cây số vuông, tương lai không xa sẽ còn có nhiều người dân từ đất liền, vượt biển khơi đến sinh cơ lập nghiệp, những tổ ấm gia đình và tiếng khóc trẻ thơ sẽ còn nhiều hơn nữa. Cồn Cỏ sẽ trở thành một hòn đảo hòa bình, du lịch, một hòn đảo lao động và dựng xây.

Rời Đảo Cồn Cỏ tiếp tục chuyến công tác, vượt qua hành trình 180 hải lý đoàn công tác đã đến thăm, chúc tết quân dân trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Cảng An Vĩnh trở nên nhộn nhịp, sầm uất khi từng chiếc tàu cá cập cảng, người bán, người mua làm vang rộn cả góc đảo. Những cánh đồng tỏi, hành xanh mướt bao quanh các gia đình, trên cánh đồng và ôm lấy hòn đảo. Đảo Lý Sơn đang dần dần thay da đổi thịt, cơ sở hạ tầng khang trang, kiên cố, những người dân trên đảo thân thiện, mến khách.

Thời gian trên đảo ngắn ngủi nhưng đoàn cũng đã đến thăm hỏi, chúc tết, tặng quà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân huyện Lý Sơn, Đồn biên phòng 328; thăm, chúc tết cán bộ, chiến sỹ trên Trạm rada 550 trên đỉnh Thới Lơi cao nhất đảo.

Khi được đoàn giới thiệu tôi là phóng viên ở tỉnh Thanh Hóa, các anh lính Trạm Rada 550 đã cùng đồng thanh: “Đồng chí Lâm đâu, ra nhận đồng hương đi nào”. Trong bộ quân phục của người lính hải quân, anh Lâm chững chạc, nụ cười hiền lành trên nước da sạm nắng. Cùng là những người đồng hương, câu chuyện với người lính hải quân nơi đảo xa bỗng trở nên ấm áp, thân tình. Sinh năm 1984, Thiếu úy Bùi Sỹ Lâm quê ởphường Trung Sơn, TP Sầm Sơn đã ra công tác ở Lý Sơn được hơn 4 năm. Không những vậy, anh còn có duyên với mảnh đất đầy nắng, gió, những con người thân thiện của hòn đảo thân yêu bằng một tình yêu đẹp và một đám cưới đầm ấm, giản dị với người con gái Lý Sơn.

Chuyến công tác Cồn Cỏ - Lý Sơn không chỉ là trải nghiệm là hành trang giúp tôi có thêm nhiều kinh nghiệm trong nghề, cao hơn chính là được biết đến cuộc sống của những người dân, người lính kiên cường, bám biển, vững tay súng canh giữ biển trời Việt Nam, để rồi thêm yêu, thêm tự hào về mảnh đất hình chữ S thân thương.

Đặc biệt, chuyến đi ấy giúp tôi được gặp gỡ, giao lưu học hỏi kinh nghiệm những người làm báo trên mọi miền Tổ quốc. Nhớ nhất Nhà báo Thu Lan, Đài Tiếng nói Việt Nam, nhà báo Nguyễn Thúy Quỳnh (nay là Tổng Biên tập Báo Văn nghệ Thái Nguyên), Nhà báo Nguyễn Thu Phương (Thông tấn xã Việt Nam tại Hà Nội)... Họ là những nhà báo kì cựu, có nhiều kinh nghiệm tác nghiệp vùng biển, đảo và trong chuyến đi ấy, tôi là người trẻ nhất. Sau mỗi lần say sóng, say gió, nhưng khi tàu cập bến, dường như có sức mạnh nào đó, cánh phóng viên, nhà báo lại hăm hở chuẩn bị máy móc thiết bị, phương tiện lên bờ với nụ cười tươi. Từ chuyến công tác ấy, đến nay chúng tôi vẫn liên lạc với nhau, thỉnh thoảng hỏi thăm chuyện gia đình, công việc và kể lại chuyến ra đảo đáng nhớ.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]