(vhds.baothanhhoa.vn) - Lê Hiển Tông (húy là Lê Tranh), sinh năm 1461, quê ở Lam Sơn, huyện Lôi Dương (nay là xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), là con trưởng của Vua Lê Thánh Tông.

Lê Hiển Tông - vị vua chăm lo đào tạo nhân tài cho đất nước

Lê Hiển Tông (húy là Lê Tranh), sinh năm 1461, quê ở Lam Sơn, huyện Lôi Dương (nay là xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), là con trưởng của Vua Lê Thánh Tông.

Lê Hiển Tông - vị vua chăm lo đào tạo nhân tài cho đất nước

(Tranh vẽ Vua Lê Hiển Tông. Nguồn: Internet).

Năm 1497, Vua cha ốm nặng rồi băng hà, Lê Hiển Tông nối ngôi. Không lâu sau khi lên ngôi, Vua Lê Hiển Tông đã thi hành một số chính sách nhân đạo nhằm ổn định tình hình xã hội. Vua sai sứ giả đi khảo sát khắp nơi, xem xét những người nghèo túng, già yếu còn trong quân ngũ để cho về; thực hiện giảm nhẹ thuế khóa cho dân; thưởng người có công, xét người oan khoất, tha kẻ lỗi lầm đã chịu cải tạo…

Đồng thời, Vua Lê Hiển Tông rất chú ý đến việc khuyến khích sản xuất nông nghiệp. Năm 1499, Vua xuống chiếu nhắc nhở các xã, thôn khuyên bảo những người trong địa hạt mình nên chú ý dự trữ thóc gạo, phòng khi mất mùa, đói kém... Năm 1501, Vua xuống chiếu nhắc các quan phủ, huyện quan tâm khai hoang, phục hóa, bồi đắp đê điều, phòng ngừa lũ lụt. Bên cạnh đó, Vua còn cho định lại lệ nộp thuế, không được để thuế năm này tồn đến năm sau...

Nhà vua cũng rất chú trọng đến việc giáo dục, thi cử để lựa chọn nhân tài. Từ năm 1499 đến 1502, Vua mở hai kỳ thi lớn; qua thi Đinh lấy được 55 người đỗ tiến sĩ; trong thi Hội, có tới hơn 5.000 người dự thi, Vua phải đích thân ra đầu bài. Kỳ thi Hội này lấy được ba người đỗ Đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, 24 người đỗ Đệ nhị, giáp Tiến sĩ xuất thân, 34 người đỗ Đệ Tam giáp tiến sĩ xuất thân...

Năm 1499, Vua Lê Hiển Tông định lại lệ khảo khóa, quy định các quan văn, võ ai tại chức đủ 9 năm không có can phạm, tham tang gì thì được giữ lại; ai có thực tài thì được thăng chức; ai không có tài năng gì, nhờ người khác mà nên hoặc lười biếng, hèn kém thì giáng chức hoặc cho về… Vua cũng ban hành 21 điều giáo huấn; định lại quy chế mũ áo, quan lại…

Tháng 4-1504, Vua Lê Hiển Tông xa giá về quê Lam Sơn, Thanh Hóa. Khi quay trở về cung ở Kinh đô Thăng Long, nhà vua bị ốm, di mệnh cho Thái tử nối ngôi rồi băng hà. Tuy chỉ ở ngôi một thời gian ngắn, nhưng Lê Hiển Tông được đánh giá là vị Vua hiền, đức hạnh, tiết kiệm, chuộng văn học, thận trọng trong thưởng phạt, biết dùng người tài, chăm lo chính sự, kính trời, chăm dân. Các sử gia đương thời đánh giá về Vua Lê Hiển Tông như sau: “Vua tư trời anh duệ, giữ vận thái bình, mới khoảng 7 năm mà trong nước yên tĩnh, đủ gọi là vị vua giỏi thủ thành, thế mà ở ngôi không lâu, đáng tiếc thay!”(*)

Hoàng Vĩnh

(*)Trích “Địa chí Thanh Hóa”


Hoàng Vĩnh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]