(vhds.baothanhhoa.vn) - Sinh ra ở Lang Chánh, cô gái dân tộc Thái Lê Thị Kim Chung (sinh năm 1944) vốn mê múa hát từ bé. Từ khi còn là thành viên của đội tuyên truyền ở huyện đến sau này trở thành nghệ sĩ Đoàn Ca múa Thanh Hóa chị vẫn luôn nhận được tình cảm yêu thương của bà con ở các bản làng trong tỉnh.

Nghệ sĩ Kim Chung và một thời thương nhớ

Sinh ra ở Lang Chánh, cô gái dân tộc Thái Lê Thị Kim Chung (sinh năm 1944) vốn mê múa hát từ bé. Từ khi còn là thành viên của đội tuyên truyền ở huyện đến sau này trở thành nghệ sĩ Đoàn Ca múa Thanh Hóa chị vẫn luôn nhận được tình cảm yêu thương của bà con ở các bản làng trong tỉnh.

Nghệ sĩ Kim Chung và một thời thương nhớ

Nghệ sĩ Kim Chung cùng đồng nghiệp biểu diễn phục vụ bộ đội ở trận địa Bái Thượng.

Năm 1961, chị về Đoàn Ca múa Thanh Hóa (nay là Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn). Cũng từ đó đến khi nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội năm 1999 chị gắn bó với “ngôi nhà” chung này.

Nhớ lại ngày đầu tiên xuống thị xã (sau này là TP Thanh Hóa), chị cho biết: “Lúc đó tôi “tắc ngơ” lắm, 17 tuổi mà còn cứ khóc đòi về. May là tôi thích múa, thích hát nên cũng dần thích nghi”.

Giai đoạn làm nghề của chị cũng là những năm tháng chiến tranh ác liệt. Đoàn Ca múa Thanh Hóa lúc ấy có hơn 20 người, cứ hết múa lại ca, trên ô tô là nhà, dưới sân kho là bếp của các chị. Hầu hết thời gian thanh xuân của chị là phục vụ các mặt trận, chiến trường. Chị nhớ lại: “Từ các trận địa Ghép ở Tĩnh Gia; cầu Hàm Rồng, trận địa Bái Thượng… chỗ nào cũng có bước chân, lời ca, tiếng hát của chúng tôi. Đó là những ngày tháng không thể quên. Tiếng bom đạn ai mà chẳng sợ, nhất là phụ nữ trẻ. Tôi nhớ lần ở trận địa đồi C4 trên núi Rồng, người ta hướng dẫn khi nghe báo động thì phải chạy vào lối này, lối kia, nhưng tôi sợ quá, chạy ngay vào bệ pháo. May là không chết. Trên đầu là máy bay, dưới là chúng tôi và những thương binh. Những ngày đi phục vụ thương binh ở Dân Quyền, nhìn thấy các anh với những nỗi đau không thể chịu đựng nổi, chúng tôi vừa hát vừa khóc. Rồi ở trận địa Bái Thượng, khi nghe còi báo động, nhạc sĩ Văn Hòe nhảy xuống trước, chúng tôi lo sợ, quýnh quáng nhảy theo và đè hết lên người ông. Khi máy bay đi rồi, ông Văn Hòe hổn hển thở: “Tôi không chết vì máy bay thả bom đạn mà có thể chết vì mấy cái bà văn công này”.

...“Rồi những ngày hồi hộp chờ lệnh đi chiến trường B (chiến trường miền Nam). Tôi đã sẵn sàng gửi con về ông bà nội, chia tay gia đình. Nhưng sau đó phân công lại, tôi tham gia chiến trường C trên nước bạn Lào. Những ngày chỉ có đi và hát, thế mà chúng tôi cứ hăng hái đi, chẳng biết ngày mai mình thế nào”.

Cái thời lưu luyến ấy được nghệ sĩ múa Kim Chung kể với sự say sưa xen lẫn ánh mắt ngân ngấn lệ. Sau thời gian phục vụ chiến trường, chị lại tiếp tục đi khắp nơi trong tỉnh để diễn phục vụ đồng bào. Mỗi năm ở 6 tháng miền núi. Trung bình mỗi ngày đi bộ 30km di chuyển từ chỗ này đến chỗ kia. Đêm, đến được chỗ tập kết lại thắp đèn măng xông diễn, thậm chí nhiều khi phải thắp luốc (thắp đuốc). Thời ấy nghệ sĩ không nhiều, cả đoàn có 25 người, phân công tốp đi chỗ này, tốp đến nơi kia. Vì thế, là diễn viên múa nhưng chị thường xuyên phải tham gia hát song ca, tốp ca; thậm chí còn đóng kịch “Lửa hang treo”, “Tình rừng”.

Chứng kiến và tiễn đưa rất nhiều bộ đội đi vào Nam chiến đấu (đi B) ở Ngọc Lặc, rồi cái dùng dằng níu lại của người dân, tình cảm quân dân ấy sao quên được. “Tôi còn nhớ kỷ niệm những ngày đi diễn ở Phú Lệ (Quan Hóa), xe cộ không có, ông Hoàng Hải (nghệ sĩ nhân dân Hoàng Hải) bắt chúng tôi đi chặt nứa làm bè để xuôi mà không biết chỗ nào đá ngầm. Giữa dòng nước chảy xiết, bè chúng tôi va vào đá ngầm, vỡ tan tành. May có dân cứu chứ không chúng tôi đã chết”.

Nghệ sĩ Kim Chung và một thời thương nhớDù gần 80 tuổi, nghệ sĩ Kim Chung vẫn giữ được vóc dáng thanh mảnh của cô diễn viên múa ngày nào.

Cái thời ấy, các nghệ sĩ tới đâu là “đi dân nhớ, ở dân thương”. Chính vì thế mà các nghệ sĩ như chị lúc nào cũng hăng hái, nhiệt huyết. “Hai vợ chồng, vợ là diễn viên, chồng là nhạc công, đi triền miên, làm gì có thời gian ở bên cạnh con chứ nói gì đến chăm con. Nhiều khi tôi nói với chồng: Ông ở lại, tôi về hoặc ông về, tôi ở lại. Thương con lắm. Hồi ấy, quê còn thiếu thốn vất vả, nào được như bây giờ”. Chả là thời ấy, đi Hòn Mê còn khó khăn, sang Lào lại càng xa xôi, chứ không có đủ phương tiện như hiện nay. “Lúc bấy giờ, đi ra đảo Hòn Mê, đúng đợt bão gió chúng tôi còn không thể về nhà ăn tết”.

Những câu chuyện của chị như những lát cắt của thời gian, của kỷ niệm. Đọng lại hơn hết là niềm tự hào về những ngày tháng tuổi trẻ. “Thực ra có những ngày sống như thế để sau này tôi trân quý cuộc sống hơn, tôi mới có vốn sống để giáo dục con, cháu nên người. Ba đứa con tôi nghe mẹ kể chuyện chúng nó hiểu rằng, bố mẹ đã có những năm tháng vất vả thế nào”.

Chồng mất sớm khi chị mới ngoài 50 tuổi, một tay chăm lo cho 3 đứa con. Giờ con cái chị đều ổn định, trong đó có 2 người con vẫn “dính” tới nghệ thuật. Còn chị, dù “về hưu” rồi, vẫn tham gia nhiều hoạt động, nhiều câu lạc bộ, rồi đi dạy cho các cháu nhỏ ở Nhà văn hóa thiếu nhi, đi các huyện hướng dẫn phong trào. “Giờ gần 80 tuổi, mấy đứa con không cho đi dạy, chúng nó nói: Mẹ ở nhà thôi, không may mẹ ngã thì khổ ra”. Vì là nghệ sĩ nên 80 tuổi vẫn lo sợ không đẹp trong mắt mọi người. 80 tuổi chị vẫn tập thể dục hàng ngày để giữ vóc dáng, để không mang nhiều bệnh tật.

Tổng kết về nghề nghiệp của mình, chị nói: Cả quãng đời nghệ thuật gần 40 năm, điều tôi nhớ nhất chính là những nỗi nhớ thương. Đôi khi tôi nghĩ tới những người thương binh tôi vừa hát vừa khóc năm nào họ có còn sống không. Chúng tôi dù khó khăn thì cũng là những khó khăn chung của một giai đoạn lịch sử, xã hội. Nhưng chúng tôi còn may mắn lắm, có con, có cháu, có những giây phút hạnh phúc sinh nghề tử nghiệp. Đặc biệt, tôi còn có những người bạn nghệ sĩ, đó là Thanh Hường, Uyên Phi, Tuyết Chinh..

40 năm cống hiến, không có một danh hiệu nào, chị cho biết: “Nói không buồn thì không đúng, nhưng tôi cứ nghĩ thôi thì thời nào theo thời đó. Thời chúng tôi đi hết chiến trường này đến chiến trường khác, làm gì có huy chương vàng, huy chương bạc, đến cái bằng khen là quý giá mà cũng chẳng giữ được đến ngày nay. Thậm chí cả chục năm không tăng lương cũng chẳng ai đòi hỏi. Mấy chục năm làm nghề, tôi vẫn nghĩ đó là một thời thương nhớ, một thời đáng trân quý”.

Có lẽ cái danh hiệu mà chị giữ được lớn nhất đó chính là sự trân trọng của những đứa con, sự sẻ chia của đồng nghiệp. Thời gian lấy đi nhan sắc, tuổi trẻ, sự nhiệt huyết, và chị vẫn gắng níu giữ lại những ký ức đẹp tươi nhất, để đến nay khi gặp lại đồng nghiệp cùng thời hoặc những nghệ sĩ trẻ họ vẫn cười vui, trao nhau những cái ôm ấm áp, thế là đủ rồi”.

Thời thương nhớ ấy là niềm vui tuổi già, là sự tự hào để chị nhắc nhở cháu con mình. Tôi mong chị sẽ cứ giữ những kỷ niệm để mỗi ngày sống của chị là một ngày ý nghĩa.

Bài và ảnh: BẢO ANH



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]