(vhds.baothanhhoa.vn) - Không xuất phát từ đam mê, Nguyễn Huy Thảo vào nghề chỉ với động lực duy nhất: muốn chinh phục bản thân. Sau nhiều thất bại, anh vẫn không bỏ cuộc. Sự kiên trì này đã tạo thành công cho thương hiệu bánh đa nem An Chi hôm nay.

Người xây dựng thương hiệu bánh đa nem An Chi

Không xuất phát từ đam mê, Nguyễn Huy Thảo vào nghề chỉ với động lực duy nhất: muốn chinh phục bản thân. Sau nhiều thất bại, anh vẫn không bỏ cuộc. Sự kiên trì này đã tạo thành công cho thương hiệu bánh đa nem An Chi hôm nay.

Người xây dựng thương hiệu bánh đa nem An Chi

Từ 5 công nhân ban đầu, hiện cơ sở sản xuất của anh Nguyễn Huy Thảo tạo việc làm cho gần 20 lao động với thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Lựa chọn

Anh Nguyễn Huy Thảo, 37 tuổi, ở thôn Văn Châu, xã Đông Văn (Đông Sơn), nhưng gốc của anh ở xã Thiệu Châu (nay là xã Tân Châu, Thiệu Hóa), nơi nổi tiếng với làng nghề truyền thống bánh đa làng Chòm.

Nguyễn Huy Thảo chia sẻ, anh chưa từng nghĩ, bản thân sẽ theo nghề của làng. Với anh, tuổi trẻ là được bay bổng và làm những gì mình thích. Năm 2012, khi 28 tuổi, anh đi làm tiếp thị nước giải khát. Những tưởng anh sẽ theo đuổi công việc này thì một năm sau đó, anh chuyển nghề. Anh nói: “Đến giờ vẫn không hình dung được, tôi đến với những chiếc bánh đa nem làng nghề nhanh thế. Trong quá trình làm thị trường nước giải khát, tôi giao hàng tại các cửa hàng tạp hóa và tình cờ, “gặp” bánh đa nem làng Chòm bày bán ở đây. Làng Chòm không chỉ có bánh đa mà làm cả bánh đa nem hay còn gọi bánh chả. Tôi lại thấy hợp với chiếc bánh đa nem hơn nên quyết định chuyển nghề. Sự lựa chọn này có thể do tôi bốc đồng, nông nổi nhưng đã chọn thì cứ thử sức xem sao”.

Nói là làm, năm 2013, Nguyễn Huy Thảo về “thưa chuyện” với những người thân đang theo nghề truyền thống làng Chòm. Công việc anh tiếp cận đầu tiên là đi giao bánh đa nem… Tuy nhiên, trong quá trình giao bánh, anh vừa khảo sát thị hiếu, thị trường sản phẩm này, vừa học nghề ở người thân và tham quan các mô hình ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nam, Bắc Giang… Từ đây, mở sang một trang mới với Nguyễn Huy Thảo.

Không sợ thất bại

Đến với nghề làm bánh đa nem, Nguyễn Huy Thảo đi qua một cuộc hành trình dài, có trầm, có thăng, có những lúc đã “tay trắng”, nhưng anh vẫn kiên trì bước tiếp… Anh mang sự hồn nhiên và lạc quan khi đối diện thất bại.

Năm 2014, sau khi tích lũy chút kinh nghiệm làm bánh đa nem, Nguyễn Huy Thảo chính thức làm nghề khi trong tay chỉ có 18 triệu đồng. Bố anh phải thế chấp nhà để vay ngân hàng 50 triệu đồng, vay thêm họ hàng 1 cây vàng để có vốn cho anh mở xưởng, mua máy móc, thiết bị…

Và rồi... Thảo thất bại ngay mẻ bánh đầu tiên do pha bột không đúng kỹ thuật. Anh lại về làng Chòm, sau đó ra tỉnh Hà Nam học lại cách pha bột. Tuy nhiên, mẻ bánh thứ 2, thứ 3 vẫn không thành công. Liên tiếp trong vòng 2 tháng, hàng chục mẻ bánh bị hỏng, hơn 2 tấn gạo phải bỏ đi… Thời điểm này, vốn lưu động không còn, anh tiếp tục vay mượn anh em họ hàng để xoay sở theo nghề, quyết không bỏ cuộc. Anh không sợ tổn thất cũng chẳng so đo tính toán điều gì, chỉ nghĩ: “Tôi dấn thân lao vào làm, không nghĩ đến thất bại. Thua rồi đứng dậy. Trong mọi hoàn cảnh, mục đích duy nhất là phải tiến chứ không lùi”.

Phải đến tháng 6-2014, Nguyễn Huy Thảo mới thành công mẻ bánh đầu tiên, nhưng may mắn vẫn chưa mỉm cười. Ra được sản phẩm nhưng chưa đúng kỳ vọng của khách hàng khi bánh bị chê dầy, mặn, chưa có độ giòn khi rán. Nguyễn Huy Thảo nghiên cứu thay đổi mẫu mã, cách làm. Anh nhập máy cắt tròn, đưa bánh từ hình vuông sang hình tròn, giảm độ mỏng, giảm muối để bánh dẻo khi cuốn và giòn sau rán. Sau cuộc hành trình này, bánh đa nem mang tên An Chi do cơ sở của anh sản xuất bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường.

Người xây dựng thương hiệu bánh đa nem An Chi

Anh Nguyễn Huy Thảo: "Tôi dấn thân lao vào làm, không nghĩ đến thất bại. Thua rồi đứng dậy. Trong mọi hoàn cảnh, mục đích duy nhất là phải tiến chứ không lùi”.

Không dừng ở đây, Nguyễn Huy Thảo tiếp tục đầu tư công nghệ tiên tiến để cho ra đời những sản phẩm tốt nhất. Nếu vào năm 2015, anh đưa bản thử nghiệm đầu tiên, bảo quản sản phẩm với quạt gió thủ công thì năm 2016, bản thử nghiệm thứ 2 là lắp mấy sấy. Bản thử nghiệm thứ 3 vào năm 2017, bảo quản sản phẩm trong kho lạnh. Nhưng cho đến năm 2020, Nguyễn Huy Thảo mới dám khẳng định, sản phẩm được hoàn thiện nhất. Anh cho biết: “Sau 7 năm, đây chính là năm thực sự thành công. Từ máy móc, sản phẩm, bao bì, tất cả đều đạt chất lượng và được khách hàng tin dùng nhiều hơn. Hiện, sản phẩm đang được địa phương xây dựng trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh”.

Từ 50m2 nhà xưởng, đến nay, Nguyễn Huy Thảo đã mở rộng lên 500m2. Từ 5 công nhân ban đầu, hiện anh tạo việc làm cho gần 20 lao động với mức thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng. Một tháng, cơ sở của anh Thảo tiêu thụ 12 tấn gạo, sản xuất ra 8 tấn sản phẩm. Bánh đa nem An Chi cũng đã có mặt trên 10 tỉnh, thành phố.

Khép lại câu chuyện về Nguyễn Huy Thảo, một người trẻ, dám đương đầu với thất bại và tạo thành quả sau những thua lỗ, tôi chợt nhận ra, sau từng ấy năm nếm mùi cay ngọt, anh đã chinh phục được chính bản thân, như anh chia sẻ: “Cũng có người hỏi, tôi đến với nghề làm bánh đa nem có phải vì muốn lưu giữ nghề truyền thống? Điều đó cũng đúng, nhưng chưa hẳn. Thực tế, tôi làm cho chính bản thân thì đúng hơn. Tôi muốn tìm ra một sản phẩm để làm, khi tìm được rồi thì tôi muốn thổi hồn vào đó để nâng tầm sản phẩm, giá trị sản phẩm theo cách riêng của tôi. Động lực lớn nhất để tôi kiên trì đến hôm nay, chính là muốn hoàn thiện bản thân mình”.

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]