(vhds.baothanhhoa.vn) - Quê gốc ở đất Gia Miêu xứ Thanh, Nguyễn Hữu Cảnh (còn gọi là Nguyễn Hữu Kính) là danh tướng dưới thời chúa Nguyễn ở “Đàng trong”. Ông là người có công lớn trong việc mở mang, xác lập chủ quyền đất nước về phương Nam. Tên tuổi ông in dấu đậm nét, được người dân nhiều nơi lập đền thờ phụng.

Nguyễn Hữu Cảnh: Danh tướng xứ Thanh “mở đất” phương Nam

Quê gốc ở đất Gia Miêu xứ Thanh, Nguyễn Hữu Cảnh (còn gọi là Nguyễn Hữu Kính) là danh tướng dưới thời chúa Nguyễn ở “Đàng trong”. Ông là người có công lớn trong việc mở mang, xác lập chủ quyền đất nước về phương Nam. Tên tuổi ông in dấu đậm nét, được người dân nhiều nơi lập đền thờ phụng.

Nguyễn Hữu Cảnh: Danh tướng xứ Thanh “mở đất” phương NamVùng đất Gia Miêu là quê hương của danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh.

Ông nội Nguyễn Hữu Cảnh là Nguyễn Triều Văn - quê Gia Miêu nay là xã Hà Long (Hà Trung). Khi chúa Nguyễn Hoàng vào đất Thuận Hóa gây dựng cơ nghiệp, Nguyễn Triều Văn đã đi theo làm tham tướng dưới trướng. Con trai Nguyễn Triều Văn là Nguyễn Hữu Dật thông minh nổi tiếng, phụng sự chúa Nguyễn, được ngợi ca là “Gia Cát nước Nam”. Sinh ra trong gia đình danh gia vọng tộc, từ nhỏ Nguyễn Hữu Cảnh đã thể hiện trí thông minh xuất chúng, lại được cha nghiêm khắc chỉ dạy, rèn văn, luyện võ nên sớm xác lập con đường sự nghiệp bản thân.

Tương truyền, khi Hữu Cảnh vẫn còn là trang thiếu niên, bấy giờ quân “Đàng ngoài” do chúa Trịnh thân chinh dẫn binh tiến đánh “Đàng trong” gấp gáp khiến chúa Nguyễn không khỏi lo lắng. Bấy giờ, Nguyễn Hữu Dật dâng thư lên chúa Nguyễn hứa sẽ đánh thắng, đẩy lùi được quân triều đình, nếu thua xin chịu tội cả gia đình. Điều này khiến các con của Nguyễn Hữu Dật đều hết sức lo lắng, chỉ riêng Hữu Cảnh là ung dung. Khi được cha hỏi, Hữu Cảnh mới lên tiếng, đại ý: Cha nói thế để yên lòng Chúa. Chúa yên lòng thì quân vững dạ, quân vững dạ thì quyết tâm đánh trận. Còn nếu có thua, lúc ấy thành lũy không còn, trời nước mênh mông, biết ai sống, chết mà phải lo... Lời thiếu niên Hữu Cảnh nói quả nhiên đoán đúng ý cha mình.

Cũng vì sớm được rèn luyện nên Nguyễn Hữu Cảnh theo cha dấn thân trên con đường binh nghiệp khi tuổi còn rất trẻ: Mười chín tuổi làm cai đội, hai mươi tuổi làm cai cơ. Năm 1672 chúa Trịnh Căn đem đại quân đánh phá lũy Trấn Ninh, tình thế nguy cấp. Nguyễn Hữu Dật phải từ lũy Động Cát đi cứu lũy Trấn Ninh. Ông đoán quân Trịnh không phá được lũy Trấn Ninh, sẽ tiến theo đường thủy. Vì thế đã sai con trai Hữu Cảnh làm tham tướng đem thủy quân giữ cửa Nhật Lệ. Hữu Cảnh đã chỉ huy quân sĩ đóng cọc gỗ ở cửa biển, lại đắp thêm pháo đài ở lũy Động Cát, để tạo thế thủy - bộ “dựa” nhau. Nhờ đó mà tạo nên sức mạnh ngăn chặn bước tiến của quân Trịnh (theo sách Địa chí huyện Hà Trung).

Tuy nhiên, con đường binh nghiệp của danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh thực sự vẻ vang, được sử liệu và người đời nhắc nhớ khi gắn với sự nghiệp giúp chúa Nguyễn mở cõi về phương Nam.

Cuối thế kỷ XVII, vua Chiêm Thành là Bà Tranh với âm mưu ngầm chống lại chúa Nguyễn đã nổi loạn ở phủ Diên Ninh. Chúa Nguyễn Phúc Chu đã sai Nguyễn Hữu Cảnh dẫn binh đi đánh Bà Tranh. Nghe tin Hữu Cảnh đến, Bà Tranh lo sợ đã cố thủ trong dinh lũy, cho dùng tên lửa và tên độc bắn xuống, những tưởng quân Nguyễn sẽ lùi bước. Trước tình thế đó, dũng tướng Nguyễn Hữu Cảnh đã sai quân dùng ván ngâm nước, trát bùn bên ngoài làm khiên che đỡ để trèo lên thành. Không lâu sau đó, quân Nguyễn đã bắt được Bà Tranh cùng gia quyến và bề tôi. Chúa Nguyễn đã cho đổi nước của Bà Tranh (mảnh đất cuối cùng của Chiêm Thành) làm trấn Thuận Thành, đến năm 1697 thì đặt phủ Bình Thuận.

Việc bình định, cai trị vùng đất mới dĩ nhiên không hề thuận lợi, ngoài việc vỗ về an dân thì gặp phải không ít những cuộc nổi loạn của tàn quân Chiêm Thành. Vì thế, Nguyễn Hữu Cảnh phải nhiều lần thân chinh dẫn binh. Sau đó, nhờ sự khôn khéo, ông cũng giúp chúa Nguyễn bình định được vùng đất cuối cùng của Chiêm Thành.

Theo sử liệu, bấy giờ đất đai nhà Nguyễn đã mở mang đến tận xứ Sài Gòn, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Hữu Cảnh làm thống suất kinh lý vùng đất Thủy Chân Lạp. Vùng đất này trước đó gần 20 năm, chúa Nguyễn đã cho các tướng cũ nhà Minh tránh nạn nhà Thanh, được phép khai khẩn để ở. Họ vỡ đất hoang, dựng phố xá, buôn bán, ra vào tấp nập. Nhưng do tranh chấp quyền lợi, họ đánh giết lẫn nhau, chia riêng sơn hà, khiến dân chúng điêu đứng lầm than. Hữu Cảnh sai tướng dẹp yên, bọn Cao Lôi Liêm đều xin thần phục. Nguyễn Hữu Cảnh đã lấy xứ Lộc Dã (người Hoa ở đây gọi là Giản Phố hay Đông Phố và tên khác là Nông Nại - nay là Đồng Nai) làm huyện Phước Long và dựng dinh Trấn Biên để cai quản. Ông chiêu mộ dân phiêu tán từ Quảng Bình, cho ở theo thôn ấp. Người Hoa (người Minh, người Thanh) đến cư trú thì cho ở theo phố xá riêng để quản lý.

“Hữu Kính sai lấy xứ Sài Gòn đặt huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn (sau là tỉnh Gia Định, nay là TP Hồ Chí Minh). Các dinh Trấn Biên, Phiên Trấn đều đặt các chức lưu thủ, cai bạ, ký lục và các cơ đội thuyền bè, thủy bộ tinh binh... Đất đai mở rộng thêm ngàn dặm và dân được thêm 4 vạn hộ. Nhưng so với đất đai, dân cư hãy còn thưa thớt... Hữu Kính chiêu mộ những nhà dân có nhân lực, vật lực ở xứ Quảng Nam vào vùng đất mới để khai khẩn đất hoang, ai làm được bao nhiêu thành ruộng tư bấy nhiêu. Ông cho mua nô tỳ ở các trấn đầu nguồn đem đến ở vùng đất mới để trai gái tự lấy nhau, sinh con để cái, do đó dân số càng phát triển, đồng ruộng càng mở mang” (sách Những làng cổ tiêu biểu ở Thanh Hóa, phần Gia Miêu ngoại trang, tác giả Hoàng Tuấn Phổ).

Tháng 7 năm Kỷ Mão (1699) Nặc Thu nước Chân Lạp làm phản, cướp của dân buôn, đắp lũy chống lại quân Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Chu lại sai Nguyễn Hữu Cảnh làm thống soái dẫn binh đi dẹp loạn. Đến tháng 2 năm Canh Thìn (1700), ông đem các đạo quân tiến vào Chân Lạp, đóng quân và dò xét tình hình. Theo sách Địa chí huyện Hà Trung: “Nguyễn Hữu Kính đem quân tiến đánh lũy Bích Đôi và Nam Vang, Nặc Thu lùa hết đại binh ra chống trả. Hữu Kính mặc nhung phục đứng trên đầu thuyền vung gươm, vẩy cờ, đốc thúc các quân thủy, bộ đánh gấp, tiếng vang như sấm. Nặc Thu hoảng sợ bỏ thành chạy trốn. Nặc Yêm ra hàng. Hữu Kính vào thành, cấm ba quân tuyệt đối không đốt phá, cướp của, giết người. Ông kể tội Nặc Thu, khuyên dân chúng yên lòng. Nặc Thu đến cửa quân xin đầu hàng, từ nay nộp lễ cống... Hữu Kính kéo quân về đóng ở Lao Đôi (nay thuộc Rạch Giá) để kinh lý việc biên cương, chia binh sai tướng trấn giữ vùng đất tiếp giáp Chân Lạp, chiêu dân đến ở”.

Cũng trong năm này, trải qua đợt ốm nặng khiến ông không qua khỏi. Khi đó, ông mới 50 tuổi. Thương tiếc sự ra đi của vị tướng tài, chúa Nguyễn đã truy tặng Nguyễn Hữu Kính Hiệp tán công thần đặc tiến chưởng dinh, thụy là Trung Cần. Đến đời vua Gia Long thì được tòng tự ở Thái miếu, đến triều vua Minh mệnh ông được phong Vĩnh An hầu.

Nguyễn Hữu Cảnh: Danh tướng xứ Thanh “mở đất” phương NamDanh tướng Nguyễn Hữu Cảnh đã góp phần làm rạng danh dòng họ Nguyễn ở Gia Miêu.

Dù là dũng tướng đánh trận, song trên con đường binh nghiệp cuộc đời, danh tướng Nguyễn Hữu Cảnh chủ động lấy uy đức để cảm hóa kẻ đối địch và dân lành. Vì thế, ơn đức của ông được người đời khắc ghi, nhắc nhớ. Tưởng nhớ công ơn mở đất của ông, người dân ở nhiều tỉnh thành phía Nam đã lập đền thờ phụng với những tên gọi khác nhau như, đền Lê Công; đền Lễ Thành hầu. Không chỉ vậy, ở nhiều tỉnh thành phía Nam, tên ông còn được đặt cho các vùng đất, con đường, trường học... “Nguyễn Hữu Cảnh đã đi vào lịch sử dân tộc và nổi tiếng là vị thần thiêng trong truyền thuyết của đất phương Nam”.

Lật giở gia phả dòng họ Nguyễn ở đất Gia Miêu, ông Nguyễn Hữu Thoại, hậu duệ dòng họ Nguyễn ở đất Gia Miêu, cho biết: “Tính từ cụ Nguyễn Công Duẩn - công thần triều Lê sơ, dòng họ Nguyễn ở Gia Miêu mỗi thời kỳ lịch sử luôn xuất hiện những nhân vật kiệt xuất, trong đó có tên tuổi cụ Nguyễn Hữu Cảnh. Các vị tiền nhân với những công tích được sử sách lưu truyền là niềm tự hào cho cháu con noi theo”.

(Bài viết có tham khảo, sử dụng tư liệu trong các sách Địa chí huyện Hà Trung; Những làng cổ tiêu biểu ở Thanh Hóa, và một số tài liệu lưu giữ tại dòng họ Nguyễn ở Gia Miêu).

Bài và ảnh: Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]