(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhắc đến ông Cao Bằng Nghĩa ở khu Khằm, thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) nhiều người nhớ đến ngôi nhà sàn tựa bảo tàng thu nhỏ trưng bày các hiện vật cổ được ông sưu tầm. Nhưng ngoài niềm đam mê sưu tầm đồ cổ, ông còn có tài thổi khèn và rất am hiểu các loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc thiểu số, như sáo Mông, khèn lá, khèn bè… Đặc biệt, ông là người có trong tay hầu hết các tài liệu về chữ viết, tiếng nói, văn hóa của người Thái.

Nhà nghiên cứu Cao Bằng Nghĩa: Cả đời đắm đuối với văn hóa Thái

Nhắc đến ông Cao Bằng Nghĩa ở khu Khằm, thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) nhiều người nhớ đến ngôi nhà sàn tựa bảo tàng thu nhỏ trưng bày các hiện vật cổ được ông sưu tầm. Nhưng ngoài niềm đam mê sưu tầm đồ cổ, ông còn có tài thổi khèn và rất am hiểu các loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc thiểu số, như sáo Mông, khèn lá, khèn bè… Đặc biệt, ông là người có trong tay hầu hết các tài liệu về chữ viết, tiếng nói, văn hóa của người Thái.

Nhà nghiên cứu Cao Bằng Nghĩa: Cả đời đắm đuối với văn hóa Thái

Ngấm và thấm văn hóa Thái bắt đầu từ chính người cha của mình, ông đến với lĩnh vực văn hóa như một cơ duyên, do được điều từ ngành giao thông thủy lợi sang làm ở phòng văn hóa, rồi được cử đi học đại học ở Hà Nội vào những năm 80 của thế kỷ trước. Kinh qua các vị trí Trưởng phòng Văn hóa huyện (thời kỳ Quan Hóa chưa chia tách thành 3 huyện: Quan Hóa, Quan Sơn và Mường Lát), rồi Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Quan Hóa, ông luôn tâm niệm: “Ở mỗi vị trí thì vinh dự và trách nhiệm có khác nhau. Nhưng là người con dân tộc Thái, tìm hiểu văn hóa Thái, tôi như được khai phá chính mình và hiểu hơn những giá trị văn hóa của dân tộc mình”, ông chia sẻ.

Xuyên suốt câu chuyện với ông Nghĩa là sự lo lắng. Sau hơn 40 năm nghiên cứu, điều ông nghĩ ngợi nhất là nền văn hóa các dân tộc nói chung và văn hóa Thái đang dần bị quên lãng, thậm chí mất đi. Trong đó điều ông lo sợ nhất là tiếng nói. “Sự cẩu thả trong cách sử dụng ngôn ngữ, không riêng gì người dân mà ngay cả cán bộ nhiều khi nói tiếng Thái và tiếng Việt lẫn lộn, kiểu nửa cơm nếp, nửa cơm tẻ. Ngoài ra, hiện nay chữ viết cùng một số phong tục tập quán, cũng đang ngày càng ít được quan tâm”. Và ông thở dài: “Lo lắm con ạ. Mất đi văn hóa là mất đi cả một dân tộc”. Hơn ai hết, là người sống trực tiếp, liền kề với bà con dân tộc, ông nhìn thấy những sự thay đổi đến buốt lòng. “Gần đây nhất, cuối năm 2021, Ban Thường vụ Huyện ủy Quan Hóa mời các đồng chí nguyên lãnh đạo huyện đến dự cuộc gặp mặt, tôi có đề nghị giữ gìn 2 nội dung: Môi trường và ý thức của con người hiện nay. Bà con xả rác vô tội vạ, không hiểu hết được tác hại ảnh hưởng đến đời con, đời cháu. Nhưng đáng quan tâm hơn cả là vấn đề văn hóa. Để giữ gìn môi trường, người ta sẽ có các chế tài quản lý, còn văn hóa thì không thể".

Rồi ông không quên nhắc lại lời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021: Mượn lời tiền nhân: “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”, Tổng Bí thư nhấn mạnh việc đồng tình với quan điểm “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc”.

“Nếu ai cũng thấu hiểu điều đó, có lẽ chúng ta không cần tuyên truyền nhiều. Tuyên truyền chỉ là một cách, còn để nó thực sự bám rễ trong nhận thức của mỗi người dân mới khó”. Rồi ông kể cho chúng tôi nghe lớp trẻ giờ không còn thích khặp, xường nữa, chỉ thích các dòng nhạc đương đại... Thực ra, mỗi chúng ta ai cũng hiểu về quá trình tiếp biến văn hóa, và người trẻ cũng có nhu cầu tìm hiểu thế giới bên ngoài với những điều mới mẻ, khác lạ. Có điều, tiếng nói, ngôn ngữ và những mỹ tục là thứ cần thiết phải giữ gìn.

Ông kể lại hành trình làm trong ngành văn hóa của mình, ở đó không chỉ có trách nhiệm mà là niềm tự hào và bày tỏ trăn trở: “Giờ đây, nhìn vào lực lượng cán bộ văn hóa tại cơ sở mà tôi lo quá. Họ thiếu kiến thức, thiếu tình yêu, sự say mê với những giá trị văn hóa. Vì thế mà ngoài những công việc hành chính thường ngày, họ chưa đáp ứng được hoạt động của ngành văn hóa trong thời đại hiện nay”.

Kể từ năm 2010, sau khi nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội, ông dành nhiều thời gian chuyên tâm sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa của dân tộc mình. Ông đã thành lập Câu lạc bộ Khèn bè và Câu lạc bộ Văn hóa dân gian huyện Quan Hóa. Ông cho biết: “Hoạt động của các câu lạc bộ này dẫu có nhiều khó khăn thì các hội viên vẫn luôn đồng hành. Càng hiểu họ, tôi càng thấy giống hình ảnh một con thuyền lẻ loi chèo chống trên những dòng sông. Mỗi năm, nếu có điều kiện thì các câu lạc bộ tổ chức tổng kết, còn như vài năm nay vì lý do dịch bệnh COVID-19, chúng tôi chỉ gửi thư chúc mừng năm mới. Tuy vậy, các hội viên luôn ý thức được trách nhiệm bảo lưu giá trị văn hóa truyền thống. Họ sẵn sàng mua khèn bè để dạy cho các thế hệ con cháu trong gia đình”.

Trong bảo tàng thu nhỏ của gia đình ông có rất nhiều đồ vật quý. Ông chia sẻ: “Những đồ mà tôi mua về chỉ treo ở trong nhà chứ tuyệt đối không bán cho ai. Tôi muốn giữ lại để sau này con cháu lớn lên còn biết đồ vật của dân tộc mình. Hiện nay đồ cổ còn rất ít, nhiều nhà chỉ còn lại vài bộ chiêng đồng. Tôi sưu tầm là giữ lại hiện vật cổ với mong muốn sau này huyện Quan Hóa có nhà truyền thống hay bảo tàng thì tôi sẽ đem ra trưng bày”.

Trong gia đình ông, không chỉ có các đồ vật của người Thái. Điều ông yêu cầu con cái cháu chắt khi về gia đình thì phải nói tiếng Thái. Có thể ai đó sẽ nghĩ ông quá cực đoan, nhưng đó là cách mà ông cố gắng gìn giữ vốn liếng, tài sản của dân tộc mình cho thế hệ sau.

Sinh ra trong tiếng suối róc rách, nghe tiếng khèn bè từ khi mới lọt lòng, bởi thế mà gặp ông lần nào cũng ngồi nghe những suy tư, đắm đuối với văn hóa Thái. Nhưng nếu không có những người như ông Cao Bằng Nghĩa thì rất có thể mỗi lần lên miền núi cao xứ Thanh chúng ta sẽ thấy thiếu tiếng khèn, tiếng nói thánh thót và cả những bộ trang phục sặc sỡ sắc màu.

Bài và ảnh: Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]