(vhds.baothanhhoa.vn) - Mái tóc dài, cặp kính lão trễ nải, tay cầm tập tài liệu, ai gặp lần đầu tưởng ông là nghệ sĩ già. Nhưng không, đó là nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, người con của đất “hai vua”, dành cả đời để nghiên cứu tìm hiểu văn hóa mảnh đất này.

Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng - cả đời tìm hiểu văn hóa mảnh đất “hai vua”

Mái tóc dài, cặp kính lão trễ nải, tay cầm tập tài liệu, ai gặp lần đầu tưởng ông là nghệ sĩ già. Nhưng không, đó là nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, người con của đất “hai vua”, dành cả đời để nghiên cứu tìm hiểu văn hóa mảnh đất này.

Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng - cả đời tìm hiểu văn hóa mảnh đất “hai vua”Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng.

Sinh ra ở làng Canh Hoạch, xã Xuân Lai (Thọ Xuân), ngay bên bờ sông Chu. Cuộc đời ông có 18 năm gắn bó với sông nước. “Lên bờ” ông có cơ duyên về Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thọ Xuân làm đội trưởng đội thông tin lưu động, rồi cán bộ phụ trách phòng.

Kể từ năm 1985 đến nay gần 40 năm ông gắn bó với vùng đất bước chân ra ngõ là gặp di tích. Chắc chắn đó là may mắn, là cơ duyên để ông tìm hiểu và nghiên cứu lịch sử. “Ai làm văn hóa ở địa phương cũng muốn góp tiếng nói cùng các nhà khoa học để làm sáng tỏ lịch sử của dân tộc, đất nước và vùng quê của mình”. Thọ Xuân nơi có Lê Hoàn, vị vua đặc biệt trong hơn 100 vị vua của Việt Nam, sinh ra giữa trời đất, không phải trong cung vàng điện ngọc; cũng là nơi sinh ra, lớn lên và tạo dựng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Vua Lê Thái tổ, gây dựng nhà Hậu Lê tồn tại 361 năm. Niềm tự hào ấy đã khiến ông phải tìm hiểu rồi ham mê tự lúc nào không biết.

Đến nay, ông đã cùng nhiều nhà nghiên cứu biên soạn gần 70 cuốn sách, trong đó không ít cuốn ông làm chủ biên. Nhìn thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, ông thẳng thắn nói: “Tôi không được đào tạo chuyên ngành lịch sử. Nhưng việc tìm người”.

Nghe có vẻ đơn giản nhưng để việc tìm người lại nhờ sự nghiêm ngắn trong làm nghiên cứu khoa học, sự chân tình với đồng nghiệp và sự tin tưởng để nhiều người có thể cung cấp tài liệu từ thần phả, sắc phong, bia ký...

Hơn hết, làm lịch sử thì phải có kinh nghiệm, tích lũy, mà không thể ham sớm, muộn được. Nhiều năm nghiên cứu, từ tài liệu cổ, đến thực địa, nhà nghiên cứu Hoàng Hùng tiết lộ, nắm trong tay nhiều vị trí, nhiều ngôi mộ cổ, còn nằm nguyên vẹn dưới lòng đất. Người ta thấy ông trong các chuyến đi tìm mộ Vua Lê Thần tông, mộ Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần… Ông dành nhiều năm nghiên cứu về đất Vạn Lại Yên Trường, điện Càn Long, quê hương Trung Lập và Vua Lê Đại Hành… Có những hành trình thật dài, chẳng hạn để đền thờ Phạm Thị Ngọc Trần trở thành khu di tích nguy nga tráng lệ như ngày hôm nay mất hơn 20 năm tìm hiểu, trải qua 4 công đoạn từ việc dựng lại con người Hoàng Thái hậu Ngọc Trần qua các tài liệu của dòng họ, sách sử; đến hội thảo khoa học về nhân vật, xếp hạng di tích và cuối cùng làm phim Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần...

Hành trình tìm tư liệu nhiều khi cũng như một cái duyên. Nhưng bắt đầu là thái độ với tiền nhân, “bất cứ làm việc gì tôi cũng đến tận nơi, xin các vị tiền nhân, nếu được tôi mới làm. Tôi nghĩ cứ trân trọng tiền nhân thì người đời nay cũng sẽ ghi nhận. Chẳng thế mà qua nhiều kênh thông tin thì “đến tai” lãnh đạo. Cấp ủy địa phương từ huyện xuống cơ sở họ rất trân trọng lịch sử, nếu họ không giúp đỡ thì không làm được. Chỗ nào có cấp ủy, chính quyền vào cuộc thì sẽ thành công, từ tiền bạc, thời gian, kêu gọi tầng lớp Nhân dân ủng hộ mình về tư liệu”.

Một mình ông khi còn đang làm ở công sở, đóng hai vai, vừa là trách nhiệm của một cán bộ văn hóa khi được hỏi tư liệu, số liệu vấn đề gì trên mảnh đất này thì mình phải trả lời đúng, vừa “tự bơi” để tìm hiểu đi sâu vào những vấn đề quan trọng, thiết yếu của vùng đất tràn ngập di tích này. “Chúng tôi phải căng đầu ra, phải đọc sách, tìm hiểu, ghi chép. Trong đó may mắn là anh em Hội Khoa học lịch sử huyện sẵn sàng cung cấp thêm tư liệu".

Nói về công tác hội, cũng chẳng có ai miệt mài như ông Hoàng Hùng. Ngày ngày ông đến văn phòng Hội Khoa học lịch sử huyện Thọ Xuân, nơi có 20 hội viên tham gia sinh hoạt. Trong đó người cao tuổi nhất là ông Lê Xuân Kỳ trên 90 tuổi, người trẻ nhất cũng ngoài 40 tuổi. Chỉ tính trong 5 năm, từ năm 2017 đến 2022, Hội Khoa học lịch sử huyện Thọ Xuân đã xuất bản được khoảng 7.000 trang nghiên cứu ở 15 cuốn sách trong tất cả các thể loại từ thông sử, ký sử cho đến câu đối, chúc văn, văn bia... Hiện tại ông cùng các nhà nghiên cứu trong hội đang làm bộ sách Các làng cổ Thọ Xuân. “Nếu không làm nữa, chỉ 7 - 8 năm sau, khi Thọ Xuân trở thành thị xã với các phường, khu... đồng nghĩa là làng cổ sẽ biến mất. Nếu mỗi làng giới thiệu 10 trang, thì mảnh đất gần 250 làng sẽ làm nên một bộ sách đồ sộ”.

Vấn đề biên soạn không khó, khó nhất là kinh phí. “Chúng ta nghiên cứu về làng cổ không phải để lại cho đời sau đọc vui mà còn phục vụ ngay trước mắt việc đặt tên phường, khu, đường... cần thiết phải căn cứ vào lịch sử. Địa danh từ thời khai thiên lập địa với trang ấp, sách, chòm, làng... tôi nghĩ là phải làm. Chúng tôi đang già đi, nhưng chúng tôi còn có thể nhớ, biết được các xuất xứ của nhiều làng, biết những con người đã từng chứng kiến sự đổi thay của làng. Cứ dùng dằng, các cụ đi rồi, biết hỏi ai?”

Nói ông có quá nhiều nỗi lo lắng thì cũng là “chuyện người ta thường tình”. Không chỉ lo những tư liệu lịch sử đang dần mất đi, ông còn âu lo về sự say mê của lớp trẻ càng ngày càng ít. “Nói lớp trẻ quay lưng lại với lịch sử có thể hơi quá nhưng sự quan tâm của họ với lịch sử không được mặn mà. Trong thời đại cơ chế thị trường, người ta ùn ùn làm kinh tế thì mình cứ đi “bới” chuyện cũ. Thêm nữa, người đương thời hiểu về nhau còn khó, huống hồ gì tìm lại chuyện xưa, tích xưa, người xưa phải khó gấp nhiều lần. Đặc biệt, nói sai với người sống còn có thể xin lỗi được, nói sai về người đã chết là vô cùng nguy hiểm”.

Biết là hiểm nguy đó, nhưng ông Hoàng Hùng rất tự hào với công việc của mình. Làm cán bộ phòng văn hóa huyện chỉ giới hạn trong địa phương, nhưng làm công tác nghiên cứu lịch sử thì ông được đi, đến, tìm hiểu ở phạm vi toàn quốc. Quan trọng hơn vẫn là cái duyên nó đeo đuổi. Bởi ở Thọ Xuân này không ít người viết, hiểu thấu đáo về lịch sử nhưng rồi khi nghỉ công tác với vài triệu lương hưu, họ chiều chiều đi đánh cờ cho vui thay vì sách vở, thư tịch mệt đầu.

77 tuổi, “ông già hâm” (như cách một số người gọi ông), thấy rồi mà không làm là không yên và không công bố được ở hình thức này hay hình thức khác thì day dứt lắm. Đặc biệt khi nói về khó khăn của người trẻ với việc nghiên cứu lịch sử, ông cho rằng: Cứ từ từ, trước tiên hãy đọc và đi. Làm lịch sử khác với làm văn nghệ là tai nghe, tay sờ, mỗi câu chữ là sự tìm hiểu chứ không thể ỡm ờ được. Thậm chí cũng đừng cố tình làm giật gân câu khách như kiểu huyền bí ngôi mộ Vua Lê Dụ tông trong khi ngôi mộ đó đã được khai quật năm 1962... thì huyền bí chỗ nào?

Bận rộn chính là niềm vui. Đặc biệt niềm vui nghiên cứu khoa học vừa rất riêng tư vừa mang lại giá trị văn hóa, thật đáng trân trọng. Thời gian này ông đang hoàn tất những trang cuối cùng của cuốn “Gia tộc Vua Lê Thái tổ và các công thần Lam Sơn” để đưa đi xuất bản. Ông cho biết: tuổi già của ông vui nhất là vẫn còn lao động để tạo ra những sản phẩm có giá trị.

Bài và ảnh: HUYỀN CHI



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]