(vhds.baothanhhoa.vn) - Bù đắp những khiếm khuyết bằng chính nỗ lực bản thân, đó là điều mà những “vầng trăng khuyết” đã và đang làm. Bởi, họ hiểu hơn ai hết những khó khăn trong việc hòa nhập với đời sống bình thường...

Những “vầng trăng khuyết” thắp lửa tương lai

Bù đắp những khiếm khuyết bằng chính nỗ lực bản thân, đó là điều mà những “vầng trăng khuyết” đã và đang làm. Bởi, họ hiểu hơn ai hết những khó khăn trong việc hòa nhập với đời sống bình thường...

Những “vầng trăng khuyết” thắp lửa tương laiChị Nguyễn Thị Luyến đã tìm được công việc phù hợp cho gia đình nhỏ.

Anh Cao Văn Tuân (thị trấn Tân Phong, Quảng Xương) nổi tiếng trong cộng đồng người khuyết tật ở Thanh Hóa bởi nghị lực, quyết tâm và thành công trên con đường khởi nghiệp. Anh là chủ nhiệm câu lạc bộ thanh niên khuyết tật khởi nghiệp và phát triển Thanh Hóa. Bị khuyết tật vận động từ nhỏ nhưng mọi sinh hoạt của chàng trai Cao Văn Tuân diễn ra bình thường như bao thanh niên khác. Anh tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Huế. Ra trường sau bao lần xin việc không thành, Tuân quyết tâm về quê khởi nghiệp làm tranh gạo. Con đường khởi nghiệp chưa bao giờ dễ dàng với thanh niên nhất là với thanh niên khuyết tật như Tuân. Xác định rõ tư tưởng, Tuân tiếp tục nỗ lực, lấy sự cần cù, nhẫn nại của mình bù đắp cho khả năng vận động. Theo đó, anh không quản đường sá xa xôi, đi lại khó khăn, tìm người truyền dạy nghề làm tranh gạo. Khi có kiến thức cơ bản, anh bắt đầu tự làm các khâu từ rang gạo, kỹ thuật lên màu cho gạo, vẽ tranh… Cứ như vậy, hàng tháng trời, đêm nào Tuân cũng thức đến 1 - 2h sáng, nhiều hôm cơ thể đau nhức trở bệnh nhưng vẫn không ngăn được quyết tâm học nghề của Tuân. Cơ thể yếu đuối đã bắt đầu quen và đáp ứng yêu cầu về cường độ, sức lực công việc, vì vậy, thời gian học việc của Tuân tương đương như bao người bình thường khác.

Thạo nghề, có nhà xưởng riêng, Tuân liên tục mở các lớp dạy nghề miễn phí và tạo việc làm cho cộng đồng người khuyết tật quê nhà. Hiện tại, HTX tranh và đồ mỹ nghệ Tâm Phát do anh làm giám đốc đã đào tạo thành nghề cho 50 người và tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động là người khuyết tật với thu nhập từ 2,5 đến 4 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, anh kết hợp với một số bạn bè thành lập Công ty TNHH Quảng cáo nội thất Đ&T, chuyên thiết kế, thi công biển quảng cáo. Đến nay, công ty đã có doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Riêng việc dạy nghề làm tranh gạo vẫn được Tuân duy trì và sẵn sàng hỗ trợ miễn phí cho những người khuyết tật có nhu cầu.

Nguyễn Thị Luyến ở thị trấn Quán Lào (Yên Định) khởi nghiệp cũng nhiều gian nan và vất vả. Bị khuyết tật vận động, song để thực hiện ước mơ là sinh viên, Luyến đã phải vừa học vừa đi làm thêm như gia sư, làm hàng mã… Sự khiếm khuyết của cơ thể, khó khăn của cuộc sống không khiến Luyến gục ngã mà ngược lại trở thành động lực để cô cố gắng hơn nữa. Tốt nghiệp đại học chuyên ngành tài chính ngân hàng nhưng cô không thể xin được công việc theo đúng chuyên môn và cũng không có đơn vị tuyển dụng nào chấp nhận đơn xin việc khi nhìn thấy khiếm khuyết của cô. Luyến tâm sự: “Với những người khuyết tật như em, học đại học là con đường không những giúp chúng em hòa nhập với cuộc sống bình thường mà còn là “chìa khóa” đảm bảo cho tương lai về sau, để có thể kiếm được một công việc ổn định cuộc sống. Tuy vậy, thực tế khó khăn hơn chúng em nghĩ rất nhiều”, Luyến chia sẻ.

Cuộc sống càng khó khăn hơn khi chồng Luyến, anh Lê Quang Mẫn cũng là người khuyết tật vận động thể nặng. Không đầu hàng số phận, hai vợ chồng tự nỗ lực vươn lên bằng nhiều công việc mưu sinh. Sau đó, được sự trợ giúp từ một chương trình truyền hình dành cho người khuyết tật, gia đình Luyến mở được một cửa hàng kinh doanh hàng gia dụng tại quê. Sự chăm chỉ, thật thà cùng ánh sáng nghị lực tỏa ra từ đôi vợ chồng khiến nhiều khách hàng ủng hộ, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Mừng nhất là 2 cô con gái của vợ chồng Luyến khỏe mạnh, đáng yêu. Tuy cửa hàng làm ăn thuận lợi nhưng đối với người khuyết tật vận động nặng như chồng Luyến, phải đảm đương các công việc giao nhận hàng hóa là hết sức khó khăn. Thương chồng, Luyến bắt đầu chuyển hướng kinh doanh thiết bị điện tử, viễn thông và sim, thẻ điện thoại. Nhờ kiến thức được đào tạo trong trường đại học, Luyến nhanh chóng xây dựng được cửa hàng nhỏ với đầy đủ trang thiết bị, công việc chủ yếu làm qua mạng nên không phải di chuyển nhiều, doanh thu luôn đạt trên 20 triệu đồng/tháng.

Nói về cuộc sống hiện tại, Luyến vui vẻ cho biết: “Những nỗ lực của hai vợ chồng cuối cùng cũng được đền đáp. Em muốn lan tỏa trải nghiệm của mình tới những người cùng cảnh ngộ, khuyến khích họ suy nghĩ tích cực và quan trọng là phải tự tìm lối đi riêng phù hợp với bản thân và gia đình”.

Không đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng, gặp khó khăn về vấn đề sức khỏe trong công việc, hầu hết thanh niên khuyết tật đều tự lực trên con đường khởi nghiệp. Có thể nói việc tự lực trên con đường khởi nghiệp với bất kỳ thanh niên nào cũng là một thử thách, đối với thanh niên khuyết tật thử thách này khó gấp nhiều lần. Rất nhiều người khuyết tật đã tự khởi nghiệp thành công như anh Tuân, chị Luyến tuy nhiên không phải ai cũng có nghị lực, ý chí của bản thân và sự đồng hành của người thân. Vì vậy, chị Luyến, anh Tuân và nhiều thanh niên khuyết tật khác mong muốn các nhà tuyển dụng, doanh nghiệp tạo điều kiện để họ được tham gia vào thị trường lao động, từ đó có động lực phấn đấu vì một tương lai tốt đẹp hơn.

Bài và ảnh: Phan Thị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]