(vhds.baothanhhoa.vn) - Hơn 50 năm gắn bó với nghề rèn, ông Kiều Văn Chí ở khu phố Bá Lộc, xã Thiết Ống (Bá Thước) được gọi với cái tên quen thuộc ông Vũ “dao”.

Ông Vũ “dao”

Hơn 50 năm gắn bó với nghề rèn, ông Kiều Văn Chí ở khu phố Bá Lộc, xã Thiết Ống (Bá Thước) được gọi với cái tên quen thuộc ông Vũ “dao”.

Ông Vũ “dao”Vợ chồng ông Kiều Văn Chí, khu phố Bá Lộc, xã Thiết Ống (Bá Thước) - người gắn bó hơn 50 năm với nghề rèn.

Đem nghề rèn Tiến Lộc lên vùng cao

Tôi quen ông Vũ “dao” đã nhiều năm, trong một dịp đi công tác. Bẵng đi một thời gian, tôi lại mới có dịp ghé thăm. Phòng ngoài vẫn kê kệ hàng với đủ loại dao. Ông Vũ “dao” sinh năm 1950, quê gốc ở làng Ngọ, xã Tiến Lộc (Hậu Lộc), lên định cư, sinh sống ở xã Thiết Ống từ năm 1979. Sở dĩ ông Kiều Văn Chí được người dân trong vùng hay khách đến mua dao gọi bằng là ông Vũ “dao”, là bởi ông làm nghề rèn, mỗi sản phẩm ông làm ra đều khắc chữ “Vũ” - tên con trai đầu là Kiều Văn Vũ. Ông tự hào vì mình đã đem nghề rèn truyền thống nổi tiếng của Hậu Lộc lên huyện vùng cao Bá Thước. Các sản phẩm mà ông làm ra được bà con trong vùng đón nhận và khách từ xa tin tưởng đến mua hàng.

Ông Kiều Văn Chí cho biết: Nghề rèn truyền thống của xã Tiến Lộc đã nổi tiếng từ lâu đời với nhiều sản phẩm như dao, kéo, cày, bừa, cuốc, xẻng... Người dân làng rèn Tiến Lộc dù đi đâu vẫn truyền nhau câu ca: “Muốn ăn cơm trắng, cá thèn/ Thì về quay bễ, đi rèn cùng anh”. Làng Ngọ của ông là một trong những làng gắn bó với nghề rèn sớm nhất ở Tiến Lộc. 15 tuổi ông bắt đầu học hỏi nghề từ ông cha và được truyền những kinh nghiệm quý trong nghề, cho đến khi lập gia đình thì ông đã thành thục tất cả các khâu để làm nên sản phẩm chất lượng. Năm 1979, vợ chồng ông định cư lên xã Thiết Ống để làm ăn. Khi ấy ông 29 tuổi và đã có kinh nghiệm với nghề rèn, đủ để vợ chồng ông “an cư lạc nghiệp” xây dựng trên vùng đất mới. Lúc bấy giờ có 41 hộ ở Tiến Lộc cùng lên định cư, hầu hết đều làm nghề rèn, đến nay còn 6 hộ duy trì nghề rèn, chủ yếu là làm dao tại khu phố Bá Lộc, xã Thiết Ống.

Chia sẻ về kinh nghiệm của mình để làm ra những con dao chất lượng, đồng thời giữ gìn nghề làm dao nổi tiếng của quê nhà, ông Chí cho biết: Những năm trước đây, các công đoạn để làm ra sản phẩm đều được làm thủ công và đòi hỏi nhiều sức người. Ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học - kỹ thuật, máy móc dần được đưa vào quy trình sản xuất, giải phóng sức lao động nên người thợ không còn vất vả như xưa. Tuy nhiên, có những công đoạn đòi hỏi kinh nghiệm, sự khéo tay của người thợ mới có thể làm ra một sản phẩm tốt, chất lượng.

Ông Chí bật mí: Đôi tai và con mắt của người thợ lâu năm trong nghề chỉ cần nhìn vào hoa lửa hoặc nghe tiếng máy cũng có thể biết được sản phẩm đã hoàn thiện hay chưa, dao nung đang ở trạng thái nào, độ phát sáng ra sao, tôi vào lúc nào để không già mà cũng không non. Hơn 50 năm gắn bó với nghề rèn, ông luôn nỗ lực để làm sao chất lượng mỗi sản phẩm đưa ra thị trường đều đạt yêu cầu của khách hàng, xứng đáng với danh tiếng của người con đi ra từ làng rèn nổi tiếng. Sản phẩm dao của gia đình ông được bà con khắp các vùng Bá Thước, Lang Chánh, nhiều khách từ TP Thanh Hóa tìm mua.

Ở tuổi 72, sức khỏe không còn được như xưa, nên lò rèn của ông Chí đã không còn đỏ lửa gần 2 năm nay. Hàng ngày ông bà bán sản phẩm của con trai làm ra và nhập sản phẩm dao từ làng nghề Tiến Lộc (Hậu Lộc) lên để phục vụ bà con. Điều hạnh phúc với ông Chí chính là anh Kiều Văn Vũ (sinh năm 1976), con trai cả của ông đã nối tiếp nghề để lò rèn luôn sáng lửa trên mảnh đất Bá Thước.

Đời con nối tiếp nghề cha

Theo chân ông Chí, chúng tôi đến thăm lò rèn của anh Kiều Văn Vũ mang tên Lò rèn Vũ Quý. Cuối giờ chiều, lò rèn của gia đình anh Vũ lửa vẫn sáng. Bàn tay anh Vũ nhanh nhẹn, dứt khoát, con dao được nung đỏ lửa rồi đến đoạn tôi, thép nóng gặp lạnh nên cứng lại. Qua nhiều lần nung đỏ, tôi rồi đe... con dao đã hoàn thiện. Để làm ra được con dao, người thợ phải qua nhiều công đoạn, lúc dùng máy móc, lúc thủ công. Anh Vũ học nghề rèn từ tuổi 15, cho đến khi lập gia đình đã tạo dựng lò rèn riêng. Anh Vũ bắt đầu công việc từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều, cung cấp dao cho bà con trong khu phố, các vùng lân cận và cả các tỉnh, thành. Giá cả cũng tùy loại từ 50.000 đến hơn 100.000 đồng. Trên mỗi con dao mà anh Vũ làm ra có khắc chữ “Quý”, là tên con trai đầu của anh. Có lẽ, anh Vũ cũng mong ước nghề của gia đình sẽ mãi duy trì “cha truyền con nối”.

Ông Vũ “dao”Anh Kiều Văn Vũ nối nghiệp bố và phát triển nghề rèn ở khu phố Bá Lộc, xã Thiết Ống (Bá Thước).

Anh Vũ Văn Kiên, Trưởng khu phố Bá Lộc, xã Thiết Ống, cho biết: Tên khu phố Bá Lộc mang ý nghĩa tốt đẹp ghép lại của hai huyện Bá Thước và Hậu Lộc. Khu phố thành lập trước đây chủ yếu là các hộ dân ở xã Tiến Lộc (Hậu Lộc) lên định cư từ những năm 1979. Hiện nay, khu phố có 136 hộ, hơn 600 nhân khẩu, chủ yếu làm nghề kinh doanh, buôn bán. Gia đình ông Kiều Văn Chí là một trong những hộ làm nghề rèn lâu năm ở khu phố. Gia đình ông Chí có lối sống mẫu mực, hòa nhã, con cái đều trưởng thành. Bà con trong khu phố luôn đoàn kết, giúp đỡ nhau, tình hình an ninh trật tự luôn đảm bảo, đời sống bà con ổn định, góp phần xây dựng khu phố văn hóa.

Bài và ảnh: Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]